Soạn bài Luyện tập xây dựng và trình bày luận điểm (Ngữ văn 8)

0
1323
soan-bai-luyen-tap-xay-dung-va-trinh-bay-luan-diem

Trong bài viết này, HOCMAI muốn gửi tới các em học sinh bài Soạn bài Luyện tập xây dựng và trình bày luận điểm, nằm trong chương trình Soạn văn 8. Ở những bài học trước về luận điểm, các em đã có thể hiểu về khái niệm của luận điểm và cách để trình bày luận điểm trong một đoạn văn. Đến bài này, các em sẽ được luyện tập về cách thức xây dựng và trình bày luận điểm. Chúng ta cùng vào bài thôi nào!

Bài viết tham khảo thêm:

I. Luyện tập xây dựng và trình bày luận điểm: Phần chuẩn bị ở nhà

Cho đề bài sau: “Em hãy viết một bài báo tường để khuyến khích một số bạn ở trong lớp cần phải học tập chăm chỉ hơn nữa”. Lập dàn bài với các luận điểm, luận cứ và dự kiến về cách trình bày bài.

Gợi ý:

(1) Mở bài:

Giới thiệu vấn đề, dẫn dắt vào vấn đề cần trình bày: Học sinh cần học tập nghiêm túc và chăm chỉ.

(2) Thân bài

– Tình trạng học tập hiện tại của các bạn học sinh trong lớp: Nhiều bạn chăm chỉ học tập. Nhưng ở bên cạnh đó, khá nhiều bạn còn đang chểnh mảng, lơ là trong việc học tập.

– Hậu quả mà việc học tập không tập trung, không chăm chỉ đem lại là: Ảnh hưởng đến kết quả thành tích của bản thân; Lãng phí cả thời gian lẫn tiền bạc của bản thân và gia đình; Tạo ra lỗ hổng kiến thức trong tương lai…

– Biện pháp để khắc phục là: Ý thức về việc tự giác học tập; Tiếp nhận lời khuyên từ thầy giáo, cô giáo, cha mẹ…

(3) Kết bài

Khẳng định tầm quan trọng to lớn của việc học tập cần cù chăm chỉ.

II. Luyện tập xây dựng và trình bày luận điểm: Phần luyện tập trên lớp

Câu 1 (trang 83 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2): Xây dựng hệ thống luận điểm

Một bạn có dự định đưa vào bài viết của mình những luận điểm như dưới đây:

a) Lớp ta có khá nhiều bạn học giỏi, lao động tốt, làm vui lòng thầy cô giáo và cha mẹ, xứng đáng trở thành một tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

b) Các thầy giáo, cô giáo và nhiều bậc phụ huynh của lớp ta đang có tâm trạng rất lo buồn.

c) Ấy thế mà một số bạn trong lớp ta còn tỏ ra chểnh mảng trong công tác học tập.

d) Vậy thì ngay từ lúc này đây, các bạn ấy hãy cần chuyên cần học tập hơn.

e) Các bạn ấy chưa thể thấy rằng, bây giờ càng ham vui ham chơi, không chịu tập trung học hành thì về sau này càng khó để có được niềm vui trong cuộc sống.

Hệ thống luận điểm này còn có chỗ nào chưa chính xác? Nếu có, thì đối với em, bạn ấy cần phải điều chỉnh lại, sắp xếp lại như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

– Một số luận điểm ở trên có nội dung không phù hợp.

– Còn thiếu những luận điểm cốt lõi, cần thiết, khiến mạch văn có chỗ cảm thấy bị đứt đoạn và luận đề không được bày tỏ hoàn toàn sáng rõ.

– Sự sắp xếp các luận điểm trên vẫn chưa thật hợp lý.

Có thể sắp xếp lại hệ thống luận điểm trên theo cách như sau:

Câu a) → câu c) → câu e) → câu b) → câu d).

Câu 2 (trang 83 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2) Trình bày luận điểm

Em hãy giúp bạn trình bày luận điểm (e) trở thành một đoạn văn nghị luận. Em hãy cho biết:

a) Trong các câu dưới, ta có thể dùng những câu nào để giới thiệu về luận điểm (e)? trong số đó thì em thích câu nào nhất?

(1) Tuy nhiên, các bạn ấy vẫn chưa thấy rằng, hiện giờ càng ham vui ham chơi, không chịu chăm chỉ học hành thì tới sau này càng khó đạt được thành tựu trong cuộc sống.

(2) Do đó, các bạn ấy vẫn chưa thấy rằng, bây giờ càng ham vui ham chơi, không chịu chăm chỉ học hành thì sau này càng khó đạt được thành tựu trong cuộc sống.

(3) Nhưng các bạn có nên cứ thế mà chểnh mảng trong học tập như thế hay không vậy? Xin hãy nhớ rằng, hiện giờ càng ham vui ham chơi, không chịu chăm chỉ học hành thì về sau này càng khó đạt được thành tựu trong cuộc sống.

Hãy nghĩ thêm một vài câu để giới thiệu những luận điểm khác.

b) Nên sắp xếp những luận cứ cho dưới đây theo trình tự nào để sự trình bày về luận điểm trên được rõ ràng, rành mạch và chặt chẽ?

(1) Sau này, khi đã lớn lên, bạn sẽ sống trong một thời đại mà trình độ văn hóa – nghệ thuật và  khoa học – kỹ thuật ngày một phát triển nâng cao.

(2) Trong xã hội ấy, làm việc gì cũng cần phải có tri thức.

(3) Muốn có được tri thức thì cần phải chăm chỉ học tập kể từ khi còn ngồi ở trên ghế nhà trường.

(4) Do đó, người học sinh của ngày hôm nay càng ham chơi, không chịu chăm học thì ngày mai sẽ càng khó có thể làm được việc gì đó có ý nghĩa, và do đó, càng khó để có được niềm vui trong cuộc sống.

c) Bạn em muốn kết thúc đoạn văn bằng một câu hỏi giống câu kết đoạn trong văn bản Hịch tướng sĩ: “Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui vẻ phỏng có được không?”. Theo em, nên viết câu kết đoạn như thế nào cho phù hợp với yêu cầu của bạn? Ngoài cách vừa nêu, em còn có thể kết thúc đoạn văn ấy theo cách nào khác nữa?

d) Đoạn văn viết theo cách trên đây là đoạn văn quy nạp hay đoạn văn diễn dịch? Giải thích vì sao?

Hướng dẫn trả lời:

Trình bày luận điểm:

a) Trong những câu được dẫn bên trên, câu số (3) hay hơn cả vì đã thể hiện được tình cảm, tâm tư, cảm xúc.

b) Cách sắp xếp các luận cứ theo một trình tự như trong sách là đã thể hiện được tính lô-gíc, chặt chẽ:

 Ba câu đầu: là một hệ thống lập luận theo hướng thuận:

– Câu (1) nêu lên một vấn đề về tương lai, trong đó thì trình độ  văn hoá – nghệ thuật và  khoa học – kỹ thuật ngày một nâng cao.

– Câu (2) xác định được vai trò, giá trị của tri thức trong xã hội đó.

– Câu (3) được suy ra từ nội dung câu (2) : muốn có được tri thức thì cần phải chăm chỉ rèn luyện và học tập.

– Câu (4) là một cậu kết luận có tính tất yếu và rất giàu sức thuyết phục.

c) Cách kết đoạn như của bạn (“Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui vẻ phỏng có được không ?”) có những đặc điểm :

– Cách viết đó tạo nên một giọng điệu hơi tinh nghịch (thậm chí có phần hơi suồng sã), điều đó có thể làm cho giảm đi tính thuyết phục của đoạn văn.

– Để kết luận được như vậy, cả bài văn cũng cần phải có một giọng điệu có phần tương tự thì mới phù hợp.

d) 

– Nếu kết luận theo hướng trên thì đây là một đoạn văn được viết theo lối quy nạp.

– Có thể biến đổi đoạn văn này thành đoạn văn diễn dịch nhưng phải thay đổi cách dẫn dắt, chuyển ý.

Ví dụ: “Người học sinh hôm nay càng chỉ biết ham chơi, không tập trung chăm học thì ngày mai càng khó để có thể làm được việc gì có ý nghĩa, và do đó càng khó để có được niềm vui trong cuộc sống. Điều đó có thể được giải thích như sau: cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học cũng như kỹ thuật, xã hội càng ngày càng phát triển đi lên, càng đòi hỏi con người phải được trang bị hệ thống tri thức cầu tiến tiên tiến…”.

Câu 3 (trang 84 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)

Hãy phát biểu (đọc to) luận điểm mà em vừa mới chuẩn bị (viết) trước tổ (hoặc trước lớp); sau đó, em hãy lắng nghe sự góp ý của các bạn và của thầy giáo, cô giáo để có thể rút ra những kinh nghiệm bổ ích cho chính bản thân mình.

Hướng dẫn trả lời:

Một số luận điểm gợi ý:

– Tình trạng học tập hiện tại của các bạn học sinh trong lớp là: Nhiều bạn thì chăm chỉ học tập. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn nhiều bạn chểnh mảng, lơ là, đại khái trong việc học tập.

– Hậu quả của việc học tập thiếu nghiêm túc, không chăm chỉ: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành tích của bản thân; Lãng phí thời gian và tiền bạc không chỉ của bản thân mà còn của gia đình; Lỗ hổng kiến thức tai hại trong tương lai…

– Biện pháp khắc phục: Ý thức tự giác trong học tập; Lời khuyên từ thầy cô và cha mẹ…

Câu 4 (trang 84 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)

Theo trình tự luyện tập ở trên lớp, hãy tập viết ở nhà một đoạn văn để có thể trình bày luận điểm “Đọc sách là một công việc vô cùng bổ ích, vì nó có thể giúp ta hiểu biết thêm về đời sống”.

Em có thể biến đổi một đoạn văn ấy từ diễn dịch thành một quy nạp (hoặc từ quy nạp trở thành diễn dịch) được hay không?

Hướng dẫn trả lời:

Sách là một kho tàng tri thức khổng lồ của toàn nhân loại. Sách cung cấp cho chúng ta những tri thức về hầu hết những lĩnh vực trong đời sống. Tiếp xúc với sách, con người có thêm cơ hội tiếp xúc với toàn bộ kho tàng văn hoá của nền văn minh nhân loại. Đó là một phương tiện không gì có thể thay thế được. Bởi vậy, đọc sách là một công việc vô cùng bổ ích và vô giá mà qua đó, con người có thể không ngừng làm giàu lên vốn tri thức của mình.

Với luận điểm “Đọc sách là một công việc vô cùng bổ ích vì nó giúp ta hiểu biết thêm về đời sống”, có thể viết một đoạn văn theo những luận cứ sau :

– Sách là một kho tàng tri thức khổng lồ của toàn nhân loại. Sách có thể cung cấp cho ta những tri thức về hầu hết những lĩnh vực trong đời sống.

– Tiếp xúc với sách, con người có thêm cơ hội tiếp xúc với toàn bộ kho tàng văn hoá của văn minh nhân loại. Đây là một phương tiện không gì thay thế được.

– Bởi vậy, đọc sách là một công việc vô cùng bổ ích và quý giá mà qua đó con người có thể không ngừng làm giàu vốn tri thức của mình.

Vậy là các em học sinh thân yêu đã cùng với HOCMAI soạn xong bài Soạn bài Luyện tập xây dựng và trình bày luận điểm. Một bài học vô cùng quý giá, và có thể áp dụng vào nhiều bài học trên lớp cũng như nhiều bài kiểm tra. Các em hãy đừng quên truy cập hoctot.hocmai.vn để tham khảo thêm thật nhiều bài soạn bài bổ ích, đầy đủ, chi tiết nữa nhé!