HOCMAI đã quay trở lại với bài viết Đề cương ôn thi giữa học kì 2 ngữ văn 8. Các em học sinh khối 8 chuẩn bị bước vào kỳ thi học kỳ hãy tham khảo nhé. Trong bài dưới đây có đầy đủ, chi tiết kiến thức về văn bản, tiếng Việt và tập làm văn; được biên soạn sát với phân phối chương trình học trên trường của các em. Chúng ta cùng vào bài thôi nào!
A. ĐỀ CƯƠNG ÔN THI GIỮA HỌC KÌ 2 NGỮ VĂN 8 – PHẦN VĂN BẢN
1. Nhớ rừng – Thế Lữ
+ Giá trị nội dung:
Mượn lời của con hổ đang bị nhốt ở trong vườn bách thú, đó cũng là tâm trạng chung của những người dân Việt Nam bị đàn áp và bị cướp mất đi cuộc sống tự do. Họ khao khát có lại một cuộc sống tự do vốn dĩ là của họ.
+ Giá trị nghệ thuật:
- Sử dụng nhuần nhuyễn bút pháp lãng mạn, cùng với nhiều biện pháp nghệ thuật như đối lập, phóng đại, nhân hóa, sử dụng từ ngữ gợi cảm, gợi hình, giàu sức biểu cảm.
- Xây dựng một hình tượng nghệ thuật có nhiều lớp ý nghĩa.
- Hình ảnh thơ giàu tính tạo hình.
- Ngôn ngữ và nhạc điệu rất phong phú, giàu tính biểu cảm.
2. Ông đồ – Vũ Đình Liên
+ Giá trị nội dung:
- Bài thơ đã thể hiện được tình cảnh đáng thương của nhân vật “ông đồ” qua đó toát lên được niềm cảm thương chân thành khi đối diện trước một lớp người đang tàn tạ và cảm xúc tiếc nhớ cảnh cũ người xưa của nhà thơ.
+ Giá trị nghệ thuật
- Thể thơ ngũ ngôn vừa bình dị mà vừa cô đọng, giọng thơ chất chứa cảm xúc, sử dụng biện pháp tu từ vô cùng độc đáo…
3. Quê hương – Tế Hanh
+ Giá trị nội dung:
- Bức tranh về một làng quê miền biển sinh động và tươi sáng .
- Hình ảnh đầy khỏe khoắn,căng tràn sức sống của người dân làng chài và sinh hoạt lao động nơi đây.
- Nỗi nhớ nhung da diết, mối gắn kết thủy chung, tình yêu quê hương sâu nặng của tác giả.
+ Giá trị nghệ thuật:
- Hình ảnh nhân hoá, so sánh, động từ, từ láy, tính từ, câu cảm thán.
- Giọng thơ sâu lắng và mượt mà.
- Thể thơ 8 tiếng, bút pháp lãng mạn.
4. Khi con tu hú – Tố Hữu
+ Giá trị nội dung:
- Bài thơ như là một bức chân dung thế giới tinh thần tự họa của tác giả Tố Hữu, cho chúng ta hiểu thêm được về hình ảnh người chiến sĩ cách mạng anh hùng. Tuy rằng đang phải sống ở trong cảnh ngục tù nhưng người chiến sĩ cách mạng ấy vẫn rất tràn đầy sức sống, sức trẻ, chan chứa tình yêu thương con người, tình mến yêu cuộc sống.
+ Giá trị nghệ thuật:
- Thể thơ lục bát.
- Giọng điệu linh hoạt.
- Từ ngữ tự nhiên, hồn hậu và gần gũi với đời thường.
5. Tức cảnh Pác Bó – Hồ Chí Minh
+ Giá trị nội dung:
- Hiện thực cảnh sinh hoạt thật nề nếp, bình dị, thiếu thốn, gian khó nhưng vẫn hết sức lạc quan, yêu đời, tự tin, yêu thiên nhiên của người chiến sĩ cách mạng.
- Vẻ đẹp tinh thần rất lạc quan, phong thái ung dung của bác Hồ trong cuộc sống cách mạng đầy gian lao ở Pác Bó. Với người, làm cách mạng với cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên là hai niềm vui lớn.
+ Giá trị nghệ thuật:
- Ngôn ngữ thơ giản dị và thật trong sáng.
- Là bài thơ tứ tuyệt đầy bình dị, pha lẫn với giọng đùa phấn chấn, vui tươi.
- Ý thơ phóng khoáng và tự nhiên.
6. Ngắm trăng – Hồ Chí Minh
+ Giá trị nội dung:
- Bài thơ thể hiện một tình yêu thiên nhiên say đắm của tâm hồn người nghệ sĩ Hồ Chí Minh với một phong thái ung dung ngay giữa hoàn cảnh lao tù tối tăm cực khổ.
+ Giá trị nghệ thuật:
- Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt thật đặc sắc
- Sử dụng nhuần nhuyễn phép đối, phép nhân hoá linh hoạt.
- Vừa mang màu sắc đậm chất cổ điển, vừa mang hơi hướng hiện đại.
B. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM ÔN THI GIỮA KÌ 2 NGỮ VĂN 8 – PHẦN TIẾNG VIỆT
1. Câu nghi vấn
– Khái niệm: là những câu được đặt ra có chức năng, mục đích chính để hỏi.
– Dấu hiệu nhận biết:
+ Có những từ nghi vấn (nào, ai, gì, sao, đâu, bao giờ, tại sao, bao nhiêu, hả, chứ, à, ư, (có) … không, (có)…….chưa, (đã) … chưa,…) hoặc có từ “hay” (nối các vế câu mà có quan hệ lựa chọn).
+ Câu nghi vấn thường kết thúc bằng dấu hỏi chấm “?”.
– Chức năng khác của câu nghi vấn:
+ Dùng để bộc lộ cảm xúc, khẳng định, cầu khiến, phủ định, bộc lộ tình cảm, đe dọa,…mà không yêu cầu người đối thoại phải trả lời.
+ Trong một số trường hợp, câu nghi vấn không sử dụng để hỏi thì có thể kết thúc bằng dấu chấm than, dấu chấm hoặc là dấu chấm lửng.
2. Câu cầu khiến
– Khái niệm: là những câu sử dụng để ra lệnh, đưa yêu cầu, đưa ra đề nghị hoặc khuyên bảo,…
– Dấu hiệu nhận biết:
+ Có những từ cầu khiến như chớ, …đi, hãy, đừng, thôi, nào,…hoặc có ngữ điệu cầu khiến;
+ Kết thúc câu bằng dấu chấm than, nhưng khi ý định cầu khiến không được nhấn mạnh thì có thể kết thúc câu bằng dấu chấm.
3. Câu cảm thán
– Khái niệm: Những câu được dùng để bộc lộ trực tiếp cảm xúc của người nói (hoặc người viết) xuất hiện chủ yếu ở trong ngôn ngữ nói hàng ngày hay ở trong ngôn ngữ văn chương.
– Dấu hiệu nhận biết:
+ Có những từ cảm thán như than ôi, ôi, hỡi ơi (ôi), trời ơi; thay, chao ơi (ôi), biết bao, xiết bao, biết bao nhiêu, biết chừng nào,…
+ Câu cảm thán thì thường kết thúc bằng dấu chấm than.
4. Câu trần thuật
– Khái niệm: Những câu sử dụng để kể (tự sự), nhận định, thông báo, miêu tả. Ngoài ra thì còn dùng để yêu cầu, đề nghị hoặc bộc lộ suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc,…
– Dấu hiệu: Hầu hết kết thúc bằng dấu chấm nhưng thỉnh thoảng cũng có thể kết thúc bằng dấu chấm than hoặc là dấu chấm lửng.
– Đây là kiểu câu cơ bản, được dùng phổ biến nhất ở trong giao tiếp.
5. Câu phủ định
– Dấu hiệu: Có những từ phủ định như là chưa, chẳng, không, chả, chẳng phải (là), không phải (là), đâu (có), đâu có phải (là),…
– Câu phủ định dùng để:
+ Xác nhận, thông báo về một sự phủ nhận, không có sự việc, sự vật, quan hệ, tính chất nào đó (câu phủ định miêu tả).
+ Phản bác lại một nhận định hoặc một ý kiến (câu phủ định bác bỏ).
C. ÔN TẬP GIỮA HỌC KÌ 2 NGỮ VĂN 8 – PHẦN TẬP LÀM VĂN
I. Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh
– Muốn viết một bài giới thiệu về một danh lam thắng cảnh nào đó, tốt nhất phải tìm đến tận nơi để có thể quan sát, thăm thú hoặc là cần phải tra cứu tài liệu, sách vở, hỏi han những người có mức độ hiểu biết cao về nơi ấy.
– Bài giới thiệu nên có đầy đủ ba phần: Mở bài, thân bài và kết bài. Lời giới thiệu ít nhiều gì thì cũng nên có kèm theo yếu tố bình luận, yếu tố miêu tả thì sẽ trở nên hấp dẫn hơn; tuy nhiên, một bài giới thiệu phải được dựa trên cơ sở kiến thức xác thực, đúng, đáng tin cậy, thực tế và có phương pháp thích hợp.
– Lời văn thuyết minh cần phải có độ chính xác cao và có tính biểu cảm.
II. Thuyết minh về một phương pháp cách làm
– Khi mà giới thiệu một phương pháp (một cách làm) nào đó, người viết cần phải tìm hiểu thông tin trước để có thể nắm vững phương pháp, cách làm đó.
– Khi thuyết minh thì người viết cần trình bày rõ trình tự, cách thức, điều kiện…để làm ra được sản phẩm và yêu cầu chất lượng cao đối với sản phẩm, thành phẩm đó. Lời văn cần phải rõ ràng, mạch lạc, súc tích.
III. Dàn ý thuyết minh về một danh lam thắng cảnh
1. Mở bài:
* Giới thiệu chung:
– Chùa Hương là một danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Việt Nam.
– Sau Tết Nguyên Đán chính là dịp chùa Hương mở hội. Hội chùa Hương kéo dài gần như xuyên suốt mùa xuân.
2. Thân bài:
* Vị trí của chùa Hương:
– Thắng cảnh chùa Hương trực thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Nay thuộc thành phố Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng 70km đi về phía Tây Nam.
– Từ Hà Nội đi qua quận Hà Đông, qua Vân Đình… đến bến Đục thì dừng xe, đi dọc theo dòng suối Yến Vĩ khoảng chừng 3km là đến đền Trình.
+ Đặc điểm:
– Điều hấp dẫn của chùa Hương là sự kết hợp hài hoà giữa núi non, sông suối và đồng ruộng, tạo nên khung cảnh thiên nhiên đa dạng, đẹp như một bức tranh sơn thuỳ.
– Khách hành hương đủ mọi thành phần, giới tính, lứa tuổi, từ khắp mọi miền của đất nước tấp nập đến với chùa Hương.
– Nhiều ngôi chùa nằm rải rác từ chân núi lên đỉnh núi.
– Động Hương Tích đẹp nhất, lớn nhất, được chúa Trịnh Sâm ban tặng cho 5 chữ: “Nam thiên đệ nhất động” (động đẹp nhất trời Nam).
– Cảnh sắc kì diệu trong lòng động hiện ra trong dòng ánh sáng huyền ảo. Chính giữa động có một pho tượng ngài Quán Thế Âm Bồ Tát. Xung quanh là những nhũ đá hình cây vàng, cây bạc, buồng tằm, nong kén, và núi Cô, núi Cậu… và đặc biệt là hình chín con rồng ở trên vòm động.
3. Kết bài:
* Cảm nghĩ của bản thân.
– Du khách đi chùa Hương không là chỉ để lễ Phật cầu phúc mà còn là để hoà mình với thiên nhiên tươi đẹp. Từ đó càng thêm yêu mến, trân quý quê hương, đất nước.
D. ĐỀ THI GIỮA HỌC KÌ 2 NGỮ VĂN 8
Bài viết tham khảo thêm:
Trên đây là bài viết Đề cương ôn thi giữa học kì 2 ngữ văn 8. Các em học sinh hãy chăm chỉ ôn luyện dựa theo những kiến thức mà HOCMAI đã tóm tắt trong bài viết nhé. Chúc cho các em học sinh thi bài thi giữa kì 2 thật suôn sẻ nhé. Cảm ơn các em vì đã tham khảo.