Soạn bài Tức cảnh Pác Bó (Ngữ văn 8)

0
2352
soan-bai-tuc-canh-pac-bo

Trong bài viết này, HOCMAI muốn gửi tới các em học sinh bài Soạn bài Tức cảnh Pác Bó, nằm trong chương trình Soạn văn 8. Bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” đã cho ta thấy được vẻ đẹp trong sáng và tinh thần lạc quan của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trong hoàn cảnh cuộc sống kháng chiến đầy thử thách, khó khăn và gian khổ. Các em hãy cùng -HOCMAI tìm hiểu về Bác Hồ thông qua bài thơ nhé!

Bài viết tham khảo thêm:

I. Tác giả tác phẩm Tức cách Pác Bó

– Hồ Chí Minh sinh năm 1890 và mất năm 1969 là một nhà kháng chiến lừng lẫy khắp năm châu, một vị lãnh tụ vĩ đại của Tổ quốc Việt Nam ta. Người đã lãnh đạo, dẫn lối nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến lớn: cuộc kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ.

– Chủ tịch Hồ Chí Minh có tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung. Quê của Bác ở huyện Nam Đàn thuộc tỉnh Nghệ An.

– Gia đình: Thân phụ của Bác là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – một nhà Nho một lòng yêu nước, có tư tưởng tiến bộ và có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của Bác Hồ. Thân mẫu của Người chính là bà Hoàng Thị Loan.

– Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã sử dụng nhiều tên gọi khác nhau: Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Văn Ba… Cái tên gọi “Hồ Chí Minh” được sử dụng lần đầu tiên vào hoàn cảnh: Ngày 13 tháng 8 năm 1942, khi Trung Quốc với danh nghĩa là đại diện của cả Hội Quốc tế Phản Xâm lược Việt Nam và Việt Minh để tranh thủ sự ủng hộ của Trung Hoa Dân Quốc.

– Không những là một nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc, Hồ Chí Minh còn được thế giới biết đến với tư cách là một nhà văn, nhà thơ lớn.

– Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thể giới.

– Một số tác phẩm nổi bật: Đường Kách Mệnh (năm 1927, tập hợp những bài giảng); Vi hành (truyện ngắn, năm 1923), Nhật kí trong tù (thơ, năm 1942 – 1943); Tuyên ngôn độc lập (năm 1945, văn chính luận)…

II. Tác phẩm Tức cảnh Pác Bó

1. Hoàn cảnh ra đời tức cảnh Pác Bó

– Tháng 2 năm 1941, Bác Hồ quay trở về Việt Nam sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước.

– Người đã ở tại chiến khu Việt Bắc để có thể trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

– Dù hoàn cảnh đầy gian khổ, thiếu thốn và khó khăn nơi núi rừng hiểm trở Việt Bắc nhưng Bác vẫn giữ được một tinh thần chiến đấu lạc quan. Bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” đã được Bác Hồ sáng tác trong thời gian này.

2. Bố cục

Gồm 2 phần:

  • Phần 1: Ba câu đầu: Cuộc sống hàng ngày của Bác Hồ tại nơi chiến khu Việt Bắc.
  • Phần 2: Câu cuối: Cảm nghĩ của Bác Hồ về cuộc sống cách mạng tại nơi chiến khu Việt Bắc.

III. Sơ đồ tư duy Tức cảnh Pác Bó

soan-bai-tuc-canh-pac-bo-1

IV. Dàn ý tức cảnh Pác Bó

1) Mở bài

– Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của dân tộc ta, khi chúng ta nhắc tới Người không phải chỉ với tư cách của một người đã đem đến ánh sáng độc lập, mà còn với ngưỡng vọng Người trong vai trò là một nhà thơ, nhà văn, một người nghệ sĩ.

– “Tức cảnh Pác Bó” là bài thơ đã khắc họa được bức chân dung đầy lạc quan của người nghệ sĩ ấy.

2) Thân bài

a) Câu thơ đầu (hay còn gọi là câu khai)

– Câu thơ 7 chữ khắc họa rõ cuộc sống sinh hoạt thường nhật của vị lãnh tụ:

  • Nơi ở của Bác: trong hang
  • Nơi làm việc của Bác: suối
  • Thời gian lúc đó: sáng – tối
  • Hoạt động của Bác: ra – vào

⇒ Sử dụng những cặp từ trái nghĩa, kèm theo nhịp thơ linh hoạt, diễn tả thành công lối sống đều đặn, quy củ của Bác, cùng với sự hòa hợp với thiên nhiên, với cuộc sống nơi núi rừng.

b) Câu tiếp (hay còn gọi là câu thừa)

– Câu thơ cho chúng ta một cái hiểu rõ hơn về cách ăn uống của Bác với những đồ ăn đặc trưng, giản dị của núi rừng: rau măng, cháo bẹ.

  • Cháo được nấu từ ngô, rau măng thì được lấy từ cây măng rừng, từ trúc tre trên rừng.
  • Những thức ăn giản dị hằng ngày, dân dã, đơn sơ, mộc mạc ⇒ thể hiện sự gian nan vất vả.

⇒ Bác vẫn luôn trong một tư thế sẵn sàng, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ để đạt được mục đích cuối cùng là giải phóng dân tộc.

c) Câu thứ ba (hay còn gọi là câu chuyển)

– Điều kiện làm việc của Bác: chiếc bàn đá chông chênh ⇒ Thiếu thốn, khó khăn.

– Công việc Bác đang làm: dịch sử Đảng ⇒ Công việc quan trọng và vĩ đại.

⇒ Phép đối làm nổi bật lên sự khó khăn, Bác yêu thiên nhiên, yêu công việc Cách mạng, luôn làm chủ được cuộc sống dù trong bất kì hoàn cảnh nào

d) Câu cuối (hay còn gọi là câu hợp)

– Sứ mệnh cách mạng được khẳng định và nhấn mạnh, Bác hoạt động cách mạng, trở thành một nhà cách mạng, một công việc không đơn giản và dễ dàng một chút nào, đặc biệt trong hoàn cảnh thiếu thốn và gian khổ như vậy, thế mà người nghệ sĩ ấy, chiến sĩ ấy vẫn cảm thấy “sang”:

  • “Sang”- sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng Bác luôn cảm thấy sang trọng, vui thích và thoải mái.
  • Chữ “sang” thể hiện niềm tự hào và niềm vui khi thực hiện được lý tưởng cao cả của Bác.

⇒ Người có một phong thái vô cùng lạc quan, chủ động, ung dung, hiên ngang và luôn tin yêu cuộc sống ⇒ đây chính là nhãn tự (từ quan trọng làm nổi bật chủ đề của cả bài) không những của bài thơ này mà còn chính là của cuộc đời Bác Hồ.

3) Kết bài:

– Khái quát những giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật tiêu biểu của văn bản.

– Bài học về một tinh thần lạc quan, luôn quyết chí đến cùng của Bác đối với mỗi người.

5. Phương thức biểu đạt tức cảnh Pác Bó là gì

– Phương thức biểu đạt tức cảnh Pác Bó là: Biểu cảm kết hợp với tự sự.

V. Đọc – hiểu văn bản

1. Cuộc sống hằng ngày của Bác tại chiến khu

– Điều kiện sống của Bác ở núi rừng nơi đây: “hang” và “suối” là địa điểm sinh hoạt cũng như làm việc chính của Bác, đây đều là những nơi hoang dã tiềm tàng nhiều nguy hiểm, khó khăn.

– Thức ăn rất đỗi đơn sơ và giản dị “rau măng và cháo ngô”: Những thực phẩm có sẵn được tìm thấy trong rừng.

– Cụm từ “vẫn sẵn sàng”: không chỉ nói về sự sẵn có của thực phẩm mà dường như còn là tâm thế luôn sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, quân thù của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh.

– Điều kiện làm việc của Bác “bàn đá chông chênh”: Bác đang làm công việc vô cùng quan trọng “dịch sử Đảng” có liên quan mật thiết đến sự nghiệp cách mạng của Đất nước.

⇒ Hoàn cảnh sống và làm việc vô cùng khó khăn nguy hiểm và nhiều thiếu thốn.

2. Cảm nghĩ của Bác về cuộc sống cách mạng tại chiến khu Việt Bắc

– Câu thơ cuối “Cuộc đời cách mạng thật là sang”: Cái sang ở đây không hẳn chỉ là sự sang trọng về vật chất, mà cái sang ấy là cả về tinh thần. Bác cảm thấy vô cùng sung sướng khi được sống hòa mình với thiên nhiên, được cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Tổng kết: 

– Nội dung: Bài thơ đã cho thấy được tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác Hồ trong cuộc sống cách mạng nhiều thiếu thốn, khó khăn, gian khổ.

– Nghệ thuật: Thể thơ tứ tuyệt bình dị pha với giọng điệu vui đùa, ngôn ngữ đơn giản dễ hiểu.

IV. Luyện tập văn bản Tức cảnh Pác Bó

Câu 1 (trang 29 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)

 Bài thơ này thuộc thể thơ gì? Hãy kể tên một số bài thơ có cùng thể thơ này mà em đã được học.

Hướng dẫn giải bài:

– Bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” được Bác Hồ viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

– Một số bài thơ có cùng thể thơ mà em đã được học là: Nam quốc sơn hà, Nguyên tiêu, Cảnh khuya, Bánh trôi nước, Tĩnh dạ tứ, Thiên trường vãn vọng, Hồi hương ngẫu thư…

Câu 2 (trang 29 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)

Em hãy nhận xét về giọng điệu chung của bài thơ này. Tâm trạng của Bác Hồ ở Pác Bó được biểu hiện ra như thế nào thông qua bài thơ? Vì sao Bác lại cảm thấy rằng cuộc sống gian khổ thật là sang?

Hướng dẫn giải bài:

– Giọng điệu chung của bài thơ: vui đùa, có pha chút hóm hỉnh.

– Tâm trạng của Bác Hồ ở Pác Bó: Cuộc sống của Bác được hòa hợp với tự nhiên núi rừng: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang”. Dù thiếu thốn, khó khăn như vậy nhưng Bác vẫn lạc quan, sẵn sàng để đối mặt: “Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/Bàn đá chông chênh dịch sử đảng”. Không chỉ vậy, Bác còn cảm thấy cuộc sống gian khổ này thật là sang.

– Bác cảm thấy cuộc sống gian khổ thật là sang là bởi vì: Bác luôn đặt lợi ích của Quốc gia và dân tộc lên hàng đầu, được làm sự nghiệp cách mạng và sống hòa mình với thiên nhiên đã là một niềm vui lớn.

Câu 3 (trang 29 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)

Qua bài thơ, có thể thấy rõ Bác Hồ cảm thấy vô cùng vui thích, thoải mái khi sống giữa thiên nhiên. Nguyễn Trãi cũng đã từng ca ngợi “thú lâm tuyền” (niềm vui thú được sống với rừng, núi, suối) trong bài “Côn Sơn ca” . Hãy cho biết “thú lâm tuyền” ở Nguyễn Trãi và ở Bác Hồ có điểm gì giống và khác nhau.

Hướng dẫn giải bài:

– “Thú lâm tuyền” của Nguyễn Trãi ấy là cái thủ của một bậc ẩn sĩ khi đang cảm thấy vô cùng bất lực khi đứng trước thực tại xã hội đương thời, muốn “lánh đục về trong”, tự mình tìm đến cuộc sống “an bần lạc đạo”.

– Còn với Hồ Chí Minh, cái “thú lâm tuyền” vẫn gắn với một con người hành động, con người chiến sĩ. Nhân vật trữ tình trong bài thơ này tuy có dáng vẻ của một ẩn sĩ nhưng thực tế đó lại là một người chiến sĩ đang tận tâm, tận lực, hết tâm, hết lòng vì tự do độc lập của Đất nước.

Như vậy chúng ta đã cùng nhau soạn thảo xong bài Soạn bài Tức cảnh Pác Bó rồi các em học sinh khối 8 thân mến. Qua bài thơ này, các em học sinh đã có thể hiểu được tấm lòng cao đẹp và nhân cách cao thượng của, luôn một lòng vì nước vì dân, trong hoàn cảnh sống thiếu thốn, gian khổ. Các em hãy đừng quên truy cập hoctot.hocmai.vn để tham khảo thêm thật nhiều bài phân tích tác phẩm, bài văn, bài thơ hay nữa nhé!