Trong bài viết này, HOCMAI muốn gửi tới các em học sinh bài Soạn bài Ôn tập phần làm văn nằm trong chương trình Soạn văn 8. Để chuẩn bị cho kỳ thi cuối học kỳ sắp tới, các em học sinh hãy cùng HOCMAI ôn tập lại những bài tập làm văn ở trong bài học Ôn tập phần làm văn ở bài viết này nhé!
Bài viết tham khảo thêm:
- Soạn bài Chương trình địa phương (phần tiếng Việt)
- Soạn bài Tổng kết phần văn (tiếp theo)
- Soạn bài Luyện tập làm văn bản thông báo
Câu 1 (Trang 151 | Sách giáo khoa, Ngữ Văn 8, tập hai)
Văn bản này cần phải có sự thống nhất vì nếu không có sự thống nhất thì văn bản sẽ bị phân tán, không tập trung được vào vấn đề chính hoặc bị lạc sang vấn đề khác trong khi đang triển khai văn bản.
Tính thống nhất của văn bản thì được thể hiện ở các mặt sau:
– Về phần nội dung: các ý ở trong văn bản phải thống nhất trong cùng một chủ đề.
– Về phần hình thức: các câu trong cùng một đoạn, các đoạn trong cùng một văn bản phải có một sự liên kết chặt chẽ thông qua các từ nối, quan hệ từ và từ chuyển tiếp. Nếu là một văn bản hành chính thì phải có sự đảm bảo được các thể thức của thể loại văn bản hành chính đó.
Câu 2 (Trang 151 | Sách giáo khoa, Ngữ Văn 8, tập hai)
Để viết được thành một đoạn văn, ta cần lưu ý:
– Câu “Em rất thích đọc sách” mở đầu trong đoạn văn thì tự nó đã nêu ra được chủ đề cho cả đoạn. Bởi vậy, các câu được nêu ở phần sau của đoạn văn phải nói rõ được: vì sao lại thích đọc sách và thích thú đọc sách như thế nào?
– Câu “Mùa hè thật hấp dẫn” đứng ở cuối đoạn văn, như là một lời kết, khép lại phần văn bản đã được trình bày, vì thế các câu đứng trước nó thì cần phải là những câu văn nêu được rõ ràng, cụ thể và sinh động về sức hấp dẫn mùa hè.
Viết đoạn văn
– Đoạn 1
Em rất thích đọc sách. Đọc sách đã đem lại cho con người bao nhiêu là lợi ích, vừa bổ sung kiến thức và vừa giúp con người khám phá được thế giới xung quanh. Mỗi tuần em đều dành ra ít nhất 3 tiếng chỉ để đọc sách. Những thể loại sách mà em yêu thích là sách văn học và sách khoa học. Mỗi loại đều đem lại cho em một sự hấp dẫn rất riêng. Em ước mơ về sau này có thể mở được một hiệu sách lớn hoặc là một thư viện để đem sách đến gần hơn với tất cả mọi người.
– Đoạn 2
Mùa hè luôn được bắt đầu với tiếng ve kêu, những hàng cây phượng vĩ đỏ rực, hay là những cơn mưa rào mát lạnh ngẫu nhiên không báo trước. Hè em sẽ được nghỉ học và về quê thăm ông bà, đi thả diều, bắn chim cùng các em trong xóm. Em còn nhớ những buổi tối em ngồi trước sân ngắm sao trời và lắng nghe bà kể chuyện, những chiều hè oi nóng đi mò cua bắt cá với các bạn hàng xóm thường hay tập bơi ở ao. Mùa hè với em là mùa của sự trải nghiệm. Với em, mùa hè thật hấp dẫn.
Câu 3 (Trang 151 | Sách giáo khoa, Ngữ Văn 8, tập hai)
– Chúng ta cần phải tóm tắt những văn bản tự sự vì:
+ Để nhớ lại và lưu giữ khi cần thiết.
+ Để có thể trình bày ngắn gọn lại cho người khác biết.
+ Để trích dẫn hoặc liên hệ trong những trường hợp cần thiết.
– Muốn tóm tắt văn bản tự sự thì ta cần:
+ Đọc kĩ càng để hiểu đúng chủ đề của văn bản.
+ Xác định nội dung chính của văn bản cần được tóm tắt.
+ Sắp xếp nội dung văn bản theo một trình tự hợp lí.
+ Viết thành văn bản tóm tắt hoàn chỉnh.
Câu 4 (Trang 151 | Sách giáo khoa, Ngữ Văn 8, tập hai)
Tác dụng của việc viết một văn bản tự sự kết hợp với yếu tố miêu tả và yếu tố biểu cảm:
– Giúp cho việc kể chuyện trở nên sinh động và sâu sắc hơn.
– Thể hiện rõ được thái độ và tình cảm của người kể.
Câu 5 (Trang 151 | Sách giáo khoa, Ngữ Văn 8, tập hai)
Khi viết (hoặc nói) đoạn văn tự sự kết hợp với yếu tố miêu tả và yếu tố biểu cảm thì cần phải chú ý: Yếu tố tự sự là yếu tố chính, cần lập dàn ý theo một nội dung tự sự, khi viết thì phải luôn bám sát với dàn ý đó. Các yếu tố miêu tả và yếu tố biểu cảm chỉ mang ý nghĩa bổ trợ, có thể đưa vào để làm cho bài văn thêm sinh động nhưng không nên lạm dụng.
Câu 6 (Trang 151 | Sách giáo khoa, Ngữ Văn 8, tập hai)
– Tính chất của một văn bản thuyết minh:
+ Văn bản thuyết minh là thể loại văn bản thông dụng ở trong mọi lĩnh vực đời sống nhằm cung cấp những tri thức về đặc điểm, tính chất, khái niệm, nguyên nhân… của những sự vật, hiện tượng và sự việc ở trong tự nhiên và xã hội cho con người bằng phương thức là giới thiệu, trình bày, giải thích.
+ Thể loại văn bản thuyết minh khác với các loại văn bản khác chủ yếu là ở tính chất giới thiệu, thuyết minh. Văn thuyết minh không đặt nặng về kể chuyện như thể loại văn tự sự, không miêu tả chi tiết và tỉ mỉ như thể loại văn miêu tả, không biểu cảm mạnh mẽ như thể loại văn biểu cảm, cũng không lập luận, thuyết lý như thể loại văn nghị luận. Thuyết minh là giới thiệu, trình bày, giải thích một cách khách quan, xác thực và rõ ràng.
– Lợi ích của thể loại văn bản thuyết minh: Để cho người đọc và người nghe hiểu được rõ ràng về đối tượng đang được thuyết minh. Văn bản thuyết minh có tính chính xác cao.
– Các văn bản thuyết minh mà thường gặp trong đời sống hàng ngày là:
+ Giới thiệu một loài hoa (hoa mai, hoa sen, hoa đào,..)
+ Giới thiệu một đồ dùng (cái bút, cái ghế, cái bàn, …)
+ Giới thiệu một danh lam thắng cảnh (chùa Một Cột, vịnh Hạ Long, Tràng An – Bái Đính,..)
Câu 7 (Trang 151 | Sách giáo khoa, Ngữ Văn 8, tập hai)
– Muốn làm tốt một bài văn thuyết minh thì cần:
+ Trước hết cần phải tìm hiểu kỹ càng về đối tượng cần được thuyết minh bằng cách quan sát trực tiếp hoặc tìm hiểu thông qua sách báo, vô tuyến truyền hình hay những phương tiện thông tin đại chúng khác.
+ Xác định phạm vi kiến thức.
+ Lựa chọn phương pháp thuyết minh sao cho thích hợp.
– Một số phương pháp thuyết minh thường gặp:
+ Phương pháp nêu định nghĩa, giải thích.
+ Phương pháp liệt kê.
+ Phương pháp nêu ví dụ.
+ Phương pháp dùng số liệu.
+ Phương pháp so sánh.
+ Phương pháp phân loại phân tích.
+ Phương pháp giới thiệu về một tác phẩm văn học.
Câu 8 (Trang 151 | Sách giáo khoa, Ngữ Văn 8, tập hai)
Bố cục thường được bắt gặp nhất khi làm bài thuyết minh bao gồm có ba phần:
– Phần mở đầu là: Đây là phần giới thiệu về đối tượng cần phải thuyết minh (sản phẩm, đồ dùng, di tích, danh lam thắng cảnh…).
– Phần thân bài là: Trình bày một cách rõ ràng, chi tiết, cụ thể về các mặt như: cấu tạo, tính chất, đặc điểm, lợi ích, và những đặc điểm nổi bật khác của đối tượng.
– Phần kết bài là: Bày tỏ thái độ của em đối với đối tượng.
Câu 9 (Trang 151 | Sách giáo khoa, Ngữ Văn 8, tập hai)
Luận điểm trong bài văn nghị luận phải là những quan điểm, tư tưởng… mà người viết đã nêu ra trong bài.
– Tính chất của luận điểm:
+ Chính xác, phù hợp và rõ ràng với những yêu cầu giải quyết vấn đề và đủ để làm sáng tỏ vấn đề đã được đặt ra.
+ Luận điểm là một hệ thống, trong đó có: luận điểm chính và các luận điểm phụ
+ Các luận điểm thì vừa có sự liên kết chặt chẽ và vừa có sự phân biệt với nhau và được sắp xếp theo một trật tự hợp lý nhất định.
Ví dụ: Với đề bài là “Vì sao chúng ta phải đổi mới phương pháp học tập”, ta có thể đưa ra một vài luận điểm như sau:
+ Phương pháp học tập có sức ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập của học sinh.
+ Phương pháp học tập cũ (máy móc, thụ động…) khiến cho kết quả học tập không được cải thiện.
+ Cần xây dựng một phương pháp học tập mới (chủ động, tích cực…) để nhằm mang lại hiệu quả cao.
Câu 10 (Trang 151 | Sách giáo khoa, Ngữ Văn 8, tập hai)
– Ở trong một bài văn nghị luận cần phải chú ý tới việc kết hợp các yếu tố biểu cảm, yếu tố tự sự và yếu tố miêu tả. Yếu tố tự sự là yếu tố dùng dùng để trình bày một chuỗi những sự việc, sự kiện nối tiếp nhau, sự việc này nối tiếp với sự việc kia để cuối cùng dẫn đến một kết thúc, thể hiện được một ý nghĩa. Còn yếu tố miêu tả là yếu tố nhằm giúp cho người đọc, người nghe có thể hình dung ra được những đặc điểm, tính chất nổi bật của những sự vật, sự việc, con người hoặc cảnh vật, … làm cho chúng được hiện lên trước mắt người đọc, người nghe một cách chân thực và sinh động với những đặc điểm như chúng vốn có.
– Cùng với yếu tố biểu cảm, các yếu tố như yếu tố tự sự, yếu tố miêu tả này giúp cho văn bản nghị luận trở nên cụ thể hơn, dễ hiểu hơn, đỡ khô khan và từ đó có sức truyền cảm và sức thuyết phục hơn.
– Ví dụ, trong văn bản “Chiếu dời đô” của ông Lý Công Uẩn có đoạn: “Huống gì là thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương. … Thật là chốn tụ hội của cả bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương từ muôn đời“.
– Trong đoạn trích trên, trước khi đi đến với luận điểm: “Thành Đại La là nơi thắng địa, chốn tụ hội cả bốn phương, kinh đô bậc nhất của đế vương từ muôn đời“, Lý Công Uẩn đã miêu tả một cách chi tiết địa thế xung quanh của thành Đại La. Cách miêu tả như vậy đã khiến người đọc, người nghe có thể hình dung rất rõ về nơi “thánh địa” ấy, qua đó, luận điểm của tác giả được tăng thêm sức thuyết phục.
Câu 11 (Trang 151 | Sách giáo khoa, Ngữ Văn 8, tập hai)
– Văn bản tường trình là thể loại văn bản được dùng để trình bày lại một cách cụ thể và chi tiết những thiệt hại hay mức độ trách nhiệm của người tường trình ở trong các sự việc xảy ra hậu quả để cho những người có trách nhiệm hoặc cơ quan có thẩm quyền xem xét.
– Văn bản thông báo là thể loại văn bản được dùng để truyền đạt thông tin cụ thể của cơ quan, đoàn thể hoặc người tổ chức đến những người ở dưới quyền, thành viên đoàn thể, hoặc những ai quan tâm đến nội dung thông báo được biết để thực hiện theo hoặc tham gia.
* Những điểm giống nhau và khác nhau của văn bản thông báo và văn bản tường trình là:
– Giống nhau:
+ Đều là thể loại văn bản hành chính.
+ Đều có người gửi (hoặc nơi gửi) và người nhận (hoặc nơi nhận).
– Khác nhau:
+ Mục đích:
- Văn bản thông báo: mục đích nhằm truyền đạt thông tin.
- Văn bản tường trình: mục đích nhằm trình bày thiệt hại hay mức độ trách nhiệm của người tường trình.
+ Cách viết: Văn bản thông báo thì có tên văn bản: thông báo, ở góc trái bên dưới văn bản thông báo ghi nơi nhận (người nhận), góc trái bên trên ghi tên cơ quan hoặc đoàn thể. Văn bản tường trình có tên là: tường trình,.. ở góc trái dưới và góc trái trên không có gì.
Vậy là các em học sinh thân yêu đã cùng với HOCMAI soạn xong bài Soạn bài Ôn tập phần làm văn. Ở bài học này, các em đã được ôn lại rất nhiều kiến thức và chúng đều là những kiến thức trọng tâm quan trọng phục vụ cho kỳ thi cuối kỳ sắp tới, các em hãy chăm chỉ nghiêm túc ôn luyện thật kỹ nhé. Các em hãy đừng quên truy cập vào website hoctot.hocmai.vn để tìm thêm cho mình thật nhiều kiến thức cũng như những bài soạn bổ ích nữa nhé!