Soạn bài Ông đồ – tác giả Vũ Đình Liên

0
5870
soan-ba-ong-do

Hướng dẫn chi tiết Soạn bài Ông đồ của tác giả Vũ Đình Liên trong chương trình Ngữ Văn 8 giúp các em học sinh trong quá trình làm các dạng bài tập phân tích và nêu cảm nhận k bị thiếu ý và đạt kết quả cao nhất. Hãy cùng tham khảo!

 

Tham khảo thêm:

Soạn bài nhớ rừng

Soạn bài Câu nghi vấn

Soạn bài Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh

 

I. Soạn bài Ông đồ: Thông tin chung tác giả và tác phẩm

1. Tác giả

Tác giả Vũ Đình Liên (1913 – 1996), là người con của mảnh đất Hải Dương nhưng chủ yếu sinh sống tại Hà Nội. Vũ Đình Liên là một nhà giáo Việt Nam mẫu mực giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám. Ngoài sáng tác thơ và giảng dạy, ông cũng hoạt động siêng năng trong lĩnh vực dịch thuật, nghiên cứu và phê bình văn học. Ông cũng là một trong những nhà thơ lứa đầu tiên của phong trào Thơ mới, giai đoạn 1930 – 1945.

Nét đặc trưng trong thơ của Vũ Đình Liên đa phần đều rất hoài cổ, hoài niệm về những gì đã cũ, hay như cách Hoài Thanh nhận xét là ông mang nặng nỗi niềm hoài cổ và “những người muôn năm cũ”, luôn mang nặng lòng trắc ẩn thương người và giá trị nhân văn sâu sắc.

Sự nghiệp văn học của Vũ Đình Liên nổi bật nhất là các tác phẩm “Ông đồ”, “Lũy tre xanh”, “nhớ Cao Bá Quát”. Trên thực tế ông chưa xuất bản một tập thơ hoàn chỉnh nào mặc dù tên ông xuất hiện trong phong trào Thơ mới từ khá sớm, đó là khi bài thơ “Ông đồ” được ra mắt năm 1936. 

2. Tác phẩm

2.1/ Hoàn cảnh sáng tác

Mỗi dịp Tết đến, ông đồ – những người làm nghề dạy chữ Nho ngày xưa – sẽ được thuê viết chữ hoặc câu đối để trang trí trong nhà. Hình ảnh ông đồ ngày xưa gắn liền với nghiên tàu, giấy đỏ trong những ngày cận Tết đông vui tấp nập đã trở thành một hình ảnh vô cùng ấn tượng và in sâu vào tâm trí Vũ Đình Liên. 

Song kể từ đầu thế kỷ XX, Hán học dần suy đồi, hình ảnh ông đồ viết chữ ngày càng nhạt nhòa. Người cho chữ giờ đây vì sự thay đổi của thế sự mà trở thành kẻ bán chữ. Người ta không còn thấy sự hồi hởi, vui mừng khi quan sát ông đồ dậm tô nét chữ như xưa, thay vào đó là sự vô cảm, thờ ơ của người đời trước cái cũ kỹ ấy. 

Bài thơ ông đồ là nỗi niềm thương cảm, tiếc nuối của tác giả với hình ảnh ông đồ đẹp đẽ giờ chỉ còn là hoài niệm, cũng là niềm tiếc nuối khi những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đang dần bị mai một trước sự xoay chuyển của thế thời. 

ông đồ được sáng tác vào năm 1936 và được Vũ Đình Liên đăng lần đầu tiên trên tờ báo Tinh Hoa. 

2.2/ Thể thơ

Thể thơ ngũ ngôn (năm chữ) được sử dụng trong bài thơ ông đồ.

2.3/ Bố cục bài thơ

Được chia làm 3 phần:

– Phần 1: Hai khổ thơ đầu, đến “Như phượng múa, rồng bay”: Nói về hình ảnh ông đồ quen thuộc và tài hoa trong quá khứ.

– Phần 2: Khổ thơ thứ 3, đến “Mực đọng trong nghiên sầu”: Miêu tả tình cảnh của ông đồ ngày càng nhạt nhòa trong dòng người.

– Phần 3: Khổ thơ cuối: Thể hiện nỗi xót xa, tiếc thương và hoài niệm của nhà thơ trước hoàn cảnh thực tế phũ phàng của ông đồ.

 

II. Soạn bài Ông đồ: Nội dung chi tiết

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 2 – trang 10): Phân tích hình ảnh ông đồ ngồi viết chữ nho ngày Tết trong hai khổ thơ đầu và hình ảnh của chính ông ở hai khổ cuối bài thơ. Hãy so sánh sự khác nhau giữa hai hình ảnh. Theo em sự khác nhau này gợi cho người đọc cảm xúc gì về tình cảnh ông đồ?

Hướng dẫn giải

So sánh hình ảnh ông đồ trong 2 khổ thơ đầu và 2 khổ thơ cuối

* Hình ảnh ông đồ trong hai khổ đầu bài thơ “Ông đồ”

– Ông đồ xuất hiện trong bài thơ với quang cảnh không gian xung quanh có hoa đào nở vào dịp Tết đến, ngồi bên cạnh những tập giấy đỏ, bút nghiên, mực tàu.

– Ông đồ được người người chen chúc khen ngợi tấm tắc nét thư pháp “như phượng múa rồng bay” khi ông viết câu đối, như thể ông đang biểu diễn tài hoa thư pháp của mình cho cả con phố chiêm ngưỡng. 

→ Chỉ vỏn vẹn 8 câu thơ ngũ ngôn, thế như nhà thơ Vũ Đình Liên đã rất xuất sắc trong việc khắc họa nên hình ảnh một ông đồ nho tài hoa được người đời ngưỡng mộ, khen ngợi, kính nể và trọng vọng trong thời đại huy hoàng của mình. 

* Hình ảnh ông đồ đối lập trong hoàn cảnh hiện tại

Trái ngược với hình ảnh ông đồ đầy ngưỡng vọng bên trên, ông đồ ở thời điểm hiện tại lại trở thành một người vô giá trị trong xã hội mà văn minh phương Tây du nhập vào.

– “Mỗi năm mỗi vắng”, ông đồ theo thời gian dường như đã bị lãng quên một cách vô tình.

– Tâm trạng buồn bã không chỉ của ông đồ mà còn là của tác giả khi thốt lên câu hỏi không người đáp lại “Người thuê viết nay đâu?”

– Giấy đỏ, bút nghiên, mực tàu được nhân hóa để thấu hơn nỗi buồn của chính ông đồ và tác giả, chúng “buồn không thắm”, “sầu” đau khi chúng đang dần biến mất trong ký ức của con người đương thời.

– Ông đồ vẫn một mình ngồi đó nhưng nay đã bị thời gian phủ lên từng lớp bụi quên lãng, không ai ngó ngàng không ai đoái hoài đến sự hiện diện của ông. Sự cô đơn, lạnh lẽo càng thêm lớn khi “lá vàng rơi trên giấy”, “ngoài đường mưa bụi bay”.

– Sang khổ thơ cuối, “đào lại nở”, thời gian lại đi qua một khoảng, ông đồ xưa đã “không thấy” nữa – sự phũ phàng của thực tại đã phủ nhận sự tồn tại của ông đồ – một con người trí thức từng là niềm kính nể, ngưỡng mộ của người đời. 

– Hai câu hỏi tu từ cuối cùng của bài thơ “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?” không có ai đáp lại, vừa là sự kiếm tìm bóng dáng ông đồ quen thuộc ngày Tết đầy tiếc nuối, vừa giống một lời than trách số phận đã quá khắc nghiệt với một con người tài hoa, trí thức như ông.

⇒ Ông đồ nho như “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”, bị cả xã hội từ chối và gạt bỏ. Giá trị của ông ngày một vơi đi, từ một người cho chữ đầy kính nể, ông trở thành kẻ bán chữ để tồn tại.

⇒ Vũ Đình Liên chắc hẳn đã rất xúc động khi nghĩ đến con người cũ ấy và khi đặt bút viết nên bài thơ này. Bài thơ như một lời nhắc nhở người đời hãy ý thức hơn, suy ngẫm sâu hơn về những nét văn hóa, di sản truyền thống đẹp đẽ của chúng ta đang bị lãng quên đến mức tàn nhẫn trước sự hào nhoáng xâm nhập mạnh mẽ của nền văn minh khác. 

⇒ Gói gọn toàn bộ trong 20 câu thơ, Vũ Đình Liên quả thật là bậc thầy khi đã xây dựng nên 3 cảnh ngộ, 3 thời khắc của một con người cũ đương thời: một ông đồ náo nức được người người chen chúc vây quanh giữa tiết xuân, một ông đồ tư lự, trầm lặng trước thực tại ngày một vắng khách và một ông đồ đã vắng bóng. 

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 2 – trang 10) Tâm tư nhà thơ thể hiện qua bài thơ như thế nào?

Hướng dẫn giải

Trong bài thơ này, tác giả Vũ Đình Liên đã thể hiện rất kín đáo tâm tư, nỗi tiếc thương và hoài niệm của mình với nhân vật và nét đẹp văn hóa của dân tộc ta. Xuyết suốt cả bài thơ, tác giả đã miêu tả hai hình ảnh ông đồ trong hai hoàn cảnh đối lập nhau vô cùng độc đáo với niềm thương cảm đầy kín đáo. Chỉ đến khi không còn thấy ông đồ nho nữa, tác giả mới thốt lên: “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ” 

→ Đây không chỉ đơn thuần là sự thương cảm của tác giả với một người trí thức cũ, mà còn là niềm thương cảm với một tầng lớp người đang dần trở thành quá khứ, cũng như với một nét đẹp văn hóa gắn liền với giá trị tinh thần dân tộc một thời. Đó là lý do khiến cho bài thơ “Ông đồ” trở nên xúc cảm và lay động người đọc. 

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 2 – trang 10) Theo em bài thơ này hay ở những điểm nào? (Gợi ý: cách tác giả gợi lên sự so sánh khi dựng hai cảnh và miêu tả ông đồ ngồi viết thuê ngày Tết bên phố, những chi tiết miêu tả đầy gợi cảm; thể thơ năm chữ và ngôn ngữ giản dị mà cô đọng, nhiều dư vị…)

Hướng dẫn giải

Bài thơ hay là một bài thơ mang đầy đủ giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật. Trong tác phẩm “Ông đồ” của Vũ Đình Liên, bài thơ không chỉ hay ở phần nội dung hoài niệm mà còn mang giá trị nghệ thuật sâu sắc.

– Về cách dựng khung cảnh tương phản đối lập: Ở phần đầu bài thơ tuy tác giả không trực tiếp nói về không cảnh lúc đó, song chúng ta vẫn dễ dàng cảm nhận được khung cảnh xung quanh ông đồ khi đó rất tấp nập, đông vui, người người chen chúc nhìn ông đồ dậm tô chữ. Trong khi ở phần sau bài thơ, xung quang cảnh xung quanh ông “mỗi năm mỗi vắng”, tài hoa của ông từng “phượng múa rồng bay” bao nhiêu thì nay buồn sầu, không thắm bấy nhiêu.

– Về kết cấu đầu cuối tương ứng trong bài thơ, khung cảnh đều là ngày cận Tết, một không gian rất xuân, rất tươi tắn, nhưng ông đồ cứ nhạt nhòa dần theo mỗi năm, để rồi đến một ngày thật sự đã không còn thấy ông đồ nữa. 

– Về thể loại thơ: Thể thơ ngũ ngôn với ngôn từ giản dị không tân kỳ, giàu cảm xúc, hình ảnh quen thuộc, sinh động nhưng vẫn thấm đượm tâm trạng của tác giả.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 2 – trang 10) Phân tích để làm rõ cái hay đặc biệt của những câu thơ sau

– Giấy đỏ buồn không thắm; 

Mực đọng trong nghiên sầu…

– Lá vàng rơi trên giấy;

Ngoài giời mưa bụi bay.

Theo em những câu đó là tả cảnh hay tả tình?

Hướng dẫn giải

Bốn câu thơ trên là câu thơ tả cảnh ngụ tình, tức thông qua cảnh vật để thể hiện cảm xúc. 

Hình ảnh “giấy đỏ”, “mực”, “nghiên” đã được tác giả Vũ Đình Liên nhân hóa để chúng cũng có cảm xúc như con người, biết buồn thương, biết sầu trước thực tại. Ông đồ đã phải trải qua sự cô đơn, đau buồn một mình khi bị người đời, bị thực tế lãng quên từng ngày. Nỗi buồn ấy còn nhuốm lan ra cảnh quan xung quanh: lá vàng, mưa bụi khiến không gian thêm trầm xuống, khiến cảm xúc buồn thương tiếc nuối càng thêm vài tầng sâu sắc và ám ảnh. 

Trên đây là phần soạn bài Ông đồ của tác giả Vũ Đình Liên. Với bài thơ này các em cần chú ý hơn đến tình cảnh đáng thương của ông đồ được thể hiện cô đọng không cầu kỳ, đồng thời phải làm nổi bật sự xót thương chân thành và nỗi tiếc nuối day dứt của tác giả trước hoàn cảnh một lớp người trí thức cũ đang bị nhạt nhòa dần theo thời gian. Ngoài ra, các em học sinh có thể tham khảo thêm kho tư liệu hướng dẫn giải bài tập tại Soạn văn 8.