Soạn bài Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh

0
789
viet-doan-van-trong-van-ban-thuyet-minh

Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh là kỹ năng quan trọng khi các em học sinh cần có trong quá trình làm các dạng bài liên quan tới văn bản thuyết minh. Chính vì vậy, HOCMAI chia sẻ cho các em soạn bài Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh chi tiết để các em học được cái nhìn tổng quan và kiến thức cần nắm được về chuyên đề này.

 

Tham khảo thêm:

Soạn bài nhớ rừng

Soạn bài Câu nghi vấn

 

I. KIẾN THỨC CẦN HỌC

– Một bài văn thuyết minh thường bao gồm nhiều lập luận, nhiều ý lớn, do đó khi viết văn thuyết minh các em nên chú ý triển khai thành từng đoạn văn cụ thể để người đọc vừa dễ tiếp cận, theo dõi nội dung, vừa dễ phân biệt, bóc tách các ý trong bài, trên cơ sở đó nắm trọn vẹn chi tiết các nội dung các ý chính của cả bài.

– Thông thường trong đoạn văn, câu văn nói lên ý chính của cả đoạn là câu chủ đề. Câu chủ đề xuất hiện chủ yếu ở đầu đoạn văn để người đọc nhanh chóng nắm bắt được ý, và với vị trí đó sẽ phù hợp để triển khai đoạn văn theo cấu trúc diễn dịch.

– Ngoài ra câu chủ đề cũng có thể xuất hiện ở cuối đoạn văn thuyết minh, hướng triển khai nội dung sẽ theo cấu trúc quy nạp.

Trong thực tế, không có một quy tắc hay khuôn mẫu cụ thể cho việc để câu chủ đề ở đầu hay cuối đoạn văn, đôi khi người viết có thể triển khai cả hai kiểu cấu trúc trên sao cho mạch lạc, logic. Song dù là theo cấu trúc nào, các câu văn trong đoạn văn cần thiết phải bám sát ý của câu chủ đề nhằm lập luận, giải thích và làm sáng tỏ ý chính đó, tránh rơi vào tình trạng lẫn lộn với các đoạn khá trong bài.

– Văn thuyết minh chủ yếu có mục đích giải đáp, trình bày một chủ đề, một nội dung nhất định. Do đó khi viết văn thuyết minh, người viết có thể trình bày nội dung theo:

Cấu tạo thứ tự của sự vật, hiện tượng

Thứ tự nhận thức (bao gồm nhận thức từ tổng thể – bộ phận, xa – gần, trong – ngoài,…)

Diễn biến của sự việc, hiện tượng (theo thời gian quá khứ – hiện tại, theo mức độ quan trọng cái chính nói trước, cái phụ nói sau.

Với những cách triển khai trình bày nội dung như trên, người đọc sẽ dễ dàng theo sát và hình dung cụ thể chi tiết về sự vật, sự việc, hiện tượng được thuyết minh trong bài.

 

II. BÀI TẬP ỨNG DỤNG

2.1/ Đoạn văn trong văn bản thuyết minh

Câu 1: Nhận dạng các đoạn văn thuyết minh

Hãy đọc các đoạn văn thuyết minh dưới đây và cho biết cách sắp xếp các câu trong đoạn đã sử dụng.

(nội dung cụ thể các đoạn văn các em tham khảo trong Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập 2 – trang 14)

Hướng dẫn giải

Đoạn a): Câu chủ đề của đoạn văn nằm ở đầu đoạn: “Thế giới đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sạch nghiêm trọng.”

Đoạn b): Câu chủ đề của đoạn văn nằm ở đầu đoạn: “Phạm Văn Đồng: nhà cách mạng nổi tiếng và nhà văn hóa lớn”.

Mục đích chính của các câu văn chủ đề là nêu lên vấn đề, nói về một sự việc, hiện tượng hoặc một nhân vật cụ thể. Các câu văn sau có mục đích giải nghĩa, lập luận và chứng minh cho câu chủ đề.

Câu 2: Đọc các đoạn văn thuyết minh dưới đây và sửa các đoạn văn chưa chuẩn.

(nội dung cụ thể các đoạn văn 5các em tham khảo trong Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập 2 – trang 14)

Hướng dẫn giải

* Đoạn a) 

Có thể thấy ngay nội dung trong đoạn văn thuyết minh rất lộn xộn, thiếu mạch lạc. 

Để sửa đoạn văn thuyết minh này các em nên bắt đầu từ việc giới thiệu cấu tạo của cây bút trước (cây bút có những thành phần nào: các phần ruột bút gồm đầu bút, ống mực; vỏ bút gồm thân bút, móc gài, nút bấm), sau mới giới thiệu về cách sử dụng của cây bút: để viết cần làm gì và khi viết xong nên làm gì.

* Đoạn b)

Đoạn văn thuyết minh mình cũng có nội dung thiếu sự liên kết và lộn xộn.

Để sửa đoạn văn này các em có thể sắp xếp nội dung theo trình tự từ dưới lên của đèn bàn.

Phần 1 đế đèn (chất liệu, chức năng, màu sắc,…)

Phần 2 phần thân đèn (chất liệu, dây điện, công tác, ống thép, đui đèn,…)

Phần 3 phần chao đèn (thành phần gồm khung sắt và vải lụa, chất liệu, chức năng…)

 

2.2/ Luyện tập

Câu 1: Viết mở bài và kết bài cho đề văn: “Giới thiệu trường em”

Hướng dẫn giải

Với đề bài “Giới thiệu trường em”, các em cần chú ý một số nội dung trong hai phần mở – kết bài của mình. Cụ thể:

– Mở bài: cần có tên trường, địa chỉ trường cụ thể, nhận xét chung của em về mái trường, một số thông tin chung về trường em (hình ảnh nổi bật riêng, hoạt động nổi bật, phương tiện em đến trường,…)

Ví dụ 1:

Trường học của em – trường Trung học cơ sở Hà Quảng là một trong những trường điểm tỉnh Cao Bằng quê em, là chiếc nôi lớn ươm mầm và nuôi dưỡng những cán bộ cốt cán của tỉnh. Không chỉ có cơ sở vật chất hạ tầng khang trang, đầy đủ, trường Trung học cơ sở Hà Quảng còn có một bề dày lịch sử đầy rạng ngời mà bất cứ học sinh, giáo viên nào của trường cũng đều cảm thấy tự hào khi là một phần của mái trường.

– Kết bài: Tương tự như mở bài, phần kết bài của các em nên nhắc lại một lần nữa về mái trường của mình, đồng thời thể hiện bộc lộ cảm xúc, thái độ của em với mái trường. 

Ví dụ 2:

Thời gian 4 năm học tập tại trường đang ngày càng ngắn, giờ đây khi là học sinh lớp 8 của trường Trung học cơ sở Hà Quảng, em luôn cảm thấy thật vinh dự và tự hào khi là học sinh của mái trường Hà Quảng kính yêu. Chỉ còn một năm học tập nữa thôi, em nhất định sẽ tiếp tục nỗ lực học tập thật tốt để không phụ lòng thầy cô, gia đình, để mỗi khi nhắc lại về mái trường, em sẽ luôn tự hào ngẩng cao đầu mà nói “Tôi là học sinh của trường Trung học cơ sở Hà Quảng!”.

Câu 2: Cho chủ đề: “Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam”. Em hãy viết thành đoạn văn thuyết minh hoàn chỉnh.

Hướng dẫn giải

Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam chúng ta, do đó những thông tin các em dùng để trình bày trong đoạn văn cần chính xác. Các em có thể bắt đầu từ những thông tin chung về Bác Hồ như tên thật, quê quán, ngày sinh, hoài bão và mong ước giải phóng Việt Nam thống nhất đất nước cháy bỏng. 

Để đoạn văn thêm truyền cảm và hay hơn, các em nên sử dụng các từ gợi hình gợi cảm, lồng ghép thêm cảm xúc của mình vào trong bài.

Ví dụ:

Bác Hồ – Vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh của đất nước anh hùng Việt Nam, của xứ Nghệ trữ tình thân thương! Là một người luôn đau đáu trong lòng nỗi đau mất nước nhà tan trước tình cảnh bị quân ngoại xâm xâm lược, người thanh niên Nguyễn Tất Thành năm ấy đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước tại bến cảng Nhà Rồng (ngày 5/6/1911). Cả một cuộc đời Bác Hồ cống hiến cho nền độc lập tự do của đất nước Việt Nam, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng thành công của nước nhà, Bác Hồ đã để lại cho chúng ta một di sản tư tưởng vô cùng rạng rỡ, đồ sộ và hùng cường.

Câu 3: Viết đoạn văn thuyết minh giới thiệu bố cục cuốn sách Ngữ Văn 8, tập 1

Hướng dẫn giải

Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 là một trong những đầu sách giáo khoa bắt buộc phải có trong hệ thống kiến thức lớp 8. Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập 1 gồm 17 bài học lớn, mỗi bài học đều 3 phần Văn, Tiếng Việt, Tập làm văn. Tùy vào nội dung từng bài học, sẽ có những bài học chỉ có 2 phần học, với những mục tiêu, cách trình bày và hướng dẫn phù hợp riêng.

Như vậy Hocmai đã giới thiệu tới các em phần soạn bài Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh. Bài viết nằm trong bộ tài liệu hỗ trợ các em trong quá trình Soạn văn 8. Hi vọng với những gợi ý trên các em sẽ chuẩn bị bài học một cách đầy đủ, xuất sắc nhất! Chúc các em thành công!