Trong bài viết này, HOCMAI muốn gửi tới các em học sinh bài Soạn bài Câu trần thuật, nằm trong chương trình Soạn văn 8. Câu trần thuật là một trong những kiểu câu được chúng ta sử dụng nhiều nhất bởi những chức năng rất đỗi cơ bản lại rất hữu dụng, thực dụng của nó. Vậy câu trần thuật là gì và nó có chức năng như thế nào? Để giải đáp được câu hỏi này, các em hãy cùng HOCMAI vào bài ngay thôi nhé!
Bài viết tham khảo thêm:
I. Đặc điểm hình thức và chức năng câu trần thuật
Đọc các đoạn trích trong sách giáo khoa Ngữ văn 8 trang 46 và trả lời câu hỏi:
– Câu văn ở đoạn d có những đặc điểm và hình thức của câu cảm thán. Các câu còn lại thì đều là câu trần thuật.
– Những câu này được dùng để:
- Đoạn a: Trình bày suy nghĩ và cảm xúc của người viết về lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc ta.
- Đoạn b: Kể/tự sự (ở câu thứ nhất) và thông báo (ở câu thứ hai).
- Đoạn c: Miêu tả ngoại hình của nhân vật Cai Tứ.
- Đoạn d: Bộc lộ ra cảm xúc của người viết.
– Trong các kiểu câu như câu nghi vấn, câu cảm thán, câu cầu khiến và câu trần thuật, thì kiểu câu trần thuật được chúng ta sử dụng nhiều nhất. Vì kiểu câu này có đa dạng chức năng khác nhau và không bắt buộc cần phải có có dấu hiệu hình thức như các kiểu câu khác.
Tổng kết:
– Câu trần thuật không có đặc điểm hình thức của các kiểu câu cầu khiến, cảm thán, nghi vấn; câu trần thuật thường sử dụng để kể, nhận định, thông báo, miêu tả… Ngoài những chức năng trên đây, câu trần thuật còn được sử dụng để đề nghị, yêu cầu hoặc bộc lộ suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc.
– Khi viết, câu trần thuật thường được kết thúc bằng dấu chấm, nhưng đôi khi nó sẽ được kết thúc bằng dấu chấm lửng hoặc dấu chấm than.
– Đây chính là kiểu câu cơ bản được dùng phổ biến nhất trong giao tiếp.
II. Luyện tập câu trần thuật
Câu 1 (trang 46 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)
Xác định kiểu câu và chức năng của những câu được đưa ra trong sách giáo khoa:
Hướng dẫn giải bài:
a)
- “Dế Choắt tắt thở”: Câu trần thuật kể lại thời điểm Dế Choắt chuẩn bị chết.
- “Tôi thương lắm. Vừa thương vừa ăn năn với tội của mình.”: Bộc lộ niềm thương xót, ăn năn, ân hận của Dế Mèn trước tội lỗi mình đã gây ra với Dế Choắt.
b)
- “Mã Lương nhìn thấy cây bút bằng vàng sáng lấp lánh, em sung sướng hò reo lên”: Đây là câu trần thuật; Tác dụng là: Thuật lại (kể lại y nguyên) sự việc Mã Lương sở hữu cây bút thần.
- “Cây bút đẹp thế!”: Đây là câu cảm thán; Tác dụng là: Bộc lộ cảm xúc vô cùng vui sướng khi thấy cây bút đẹp.
- “Cháu cảm ơn ông ạ! Cảm ơn ông!”: Đây là câu trần thuật; Tác dụng: Bộc lộ cảm xúc và thái độ vô cùng trân trọng và biết ơn đối với người đã tặng bút thần.
Câu 2 (trang 47 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)
Đọc câu thơ thứ hai trong phần dịch nghĩa của bài thơ “Ngắm trăng” của Cố Chủ tịch Hồ Chí Minh (“Trước cảnh đẹp đêm nay biết thế nào?”) và câu thứ hai trong phần dịch thơ (“Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ”). Các em hãy cho nhận xét về kiểu câu và nêu ý nghĩa của hai câu đó.
Hướng dẫn giải bài:
– Về kiểu câu, ở câu thơ thứ hai trong phần dịch nghĩa có sử dụng từ nghi vấn “thế nào” và có dấu chấm hỏi ở cuối kết thúc câu. Từ đó, ta có thể nhận biết đây là một câu nghi vấn. Còn ở câu thơ thứ hai trong phần dịch thơ, những dấu hiệu về hình thức cho chúng ta biết đây là câu trần thuật.
– Về phần ý nghĩa, cả hai câu này đều diễn tả ý: Nhà thơ cảm thấy rất xúc động đến mãnh liệt trước cảnh đẹp của đêm trăng sáng.
Câu 3 (trang 47 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)
Em hãy xác định ba câu sau đây là thuộc kiểu câu nào và chức năng của chúng được sử dụng để làm gì. Hãy nhận xét về sự khác biệt trong ý nghĩa của những câu này.
a) Anh hãy tắt thuốc lá đi!
b) Anh à, anh có thể tắt thuốc lá được không?
c) Xin lỗi, ở đây không được phép hút thuốc lá.
Hướng dẫn giải bài:
– Xác định kiểu câu:
- Câu a chính là câu cầu khiến.
- Câu b chính là câu nghi vấn.
- Câu c chính là câu trần thuật.
– Các câu trên đều được sử dụng nhằm mục đích cầu khiến, chỉ có sự khác nhau về sắc thái (hai câu sau có ý cầu khiến tế nhị, nhẹ nhàng và lịch sự hơn câu đầu).
Câu 4 (trang 47 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)
Những câu dưới đây có phải là câu trần thuật hay không? Những câu này được sử dụng để làm gì?
a) Đêm nay, đến phiên của anh canh miếu thờ, ngặt vì cất dở mẻ rượu, em chịu khó thay cho anh, đến sáng thì hẵng về.
(Thạch Sanh)
b) Tuy thế, nó vẫn còn kịp thì thầm vào tai tôi: “Em muốn cả anh cùng nhau đi nhận giải”.
(tác giả Tạ Duy Anh, Bức tranh của em gái tôi)
Hướng dẫn giải bài:
– Câu (a) là câu trần thuật được dùng để cầu khiến (Lý Thông nhờ Thạch Sanh đi canh miếu thờ).
– Câu trần thuật thứ nhất trong đoạn (b) để kể về sự tình. Câu trần thuật thứ hai thì là để cầu khiến: mong muốn có người anh trai đi nhận giải cùng.
Câu 5 (trang 47 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)
Đặt câu trần thuật có chức năng dùng để hứa hẹn, chúc mừng, xin lỗi, cảm ơn, cam đoan.
Hướng dẫn giải bài:
- Hứa hẹn: Tôi hứa rằng tối nay tôi sẽ mua bánh cho cậu.
- Xin lỗi: Con xin lỗi vì đã không trung thực với mẹ.
- Cảm ơn: Tớ cảm ơn cậu vì đã chỉ cho tớ bài toán này.
- Chúc mừng: Tôi chúc mừng các bạn đều đã giành giải cao trong kỳ thi vừa rồi.
- Cam đoan: Tôi cam đoan rằng anh ấy không hề nói dối.
Câu 6 (trang 47 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)
Viết một đoạn đối thoại ngắn trong đó có sử dụng cả bốn kiểu câu đã học.
Hướng dẫn giải bài:
– Lan Anh ơi, cậu dậy chưa thế? (Câu nghi vấn)
-Ôi trời đất ơi! (Câu cảm thán) Tớ ngủ quên mất Ngọc ơi!
– Cậu mau dậy nhanh rồi chuẩn bị đi. (Câu cầu khiến) Tớ bắt đầu đi sang nhà cậu đây. (Câu trần thuật)
Như vậy chúng ta là đã cùng nhau soạn thảo xong bài Soạn bài Câu trần thuật rồi các em học sinh khối 8 thân mến. Một loại câu vô cùng thông dụng và cần mỗi chúng ta nắm chắc và hiểu rõ. Chắc chắn kiến thức này sẽ rất hữu ích trong các bài thi lớn của các em đấy! Các em hãy đừng quên truy cập hoctot.hocmai.vn để tham khảo thêm thật nhiều những kiến thức bổ ích nữa nhé!