Soạn bài Ngắm trăng (Ngữ văn 8)

0
3152
soan-bai-ngam-trang

Trong bài viết này, HOCMAI muốn gửi tới các em học sinh bài Soạn bài Ngắm trăng, nằm trong chương trình Soạn văn 8. Bài thơ “Ngắm trăng” đã cho ta thấy được phong thái ung dung, ý chí nghị lực, tâm hồn tinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trong hoàn cảnh lao tù đầy tăm tối, khó khăn và gian khổ. Các em học sinh hãy cùng HOCMAI tìm hiểu về Bác Hồ thông qua bài thơ này nhé!

Bài viết tham khảo thêm:

I. Tác giả của Ngắm Trăng

– Hồ Chí Minh (sinh năm 1890 và mất năm 1969) là một vị lãnh tụ vĩ đại của toàn dân tộc ta và cách mạng đất nước Việt Nam. Người đã lãnh đạo toàn nhân dân ta trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ.

– Nguyễn Sinh Cung là tên khai sinh của Bác Hồ Chí Minh. Quê của Bác ở huyện Nam Đàn thuộc tỉnh Nghệ An.

– Gia đình: Thân phụ (cha ruột) của Bác là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – một nhà Nho yêu nước có tư tưởng tiến bộ có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến nhận thức và tư tưởng của Người. Thân mẫu (mẹ) của Bác là bà Hoàng Thị Loan.

– Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã sử dụng rất nhiều tên gọi khác nhau: Văn Ba, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc… Cái tên gọi “Hồ Chí Minh” được sử dụng lần đầu tiên trong hoàn cảnh: Đó là ngày 13 tháng 8 năm 1942, khi bọn Trung Quốc với danh nghĩa đại diện của cả Hội Quốc tế Phản Xâm lược Việt Nam và Việt Minh đã tranh thủ sự ủng hộ của phe Trung Hoa Dân Quốc.

– Không những là một nhà hoạt động cách mạng năng nổ lỗi lạc, Hồ Chí Minh còn được biết đến rộng rãi với tư cách là một nhà thơ, nhà văn lớn.

– Bác Hồ Chí Minh đã được UNESCO công nhận là một Danh nhân văn hóa thể giới.

– Một số tác phẩm nổi bật của Bác phải kể đến:

  • Tuyên ngôn độc lập (văn chính luận, năm 1945)
  • Bản án chế độ thực dân Pháp ( văn chính luận, năm 1925)
  • Đường Kách Mệnh (tập hợp những bài giảng, năm 1927)
  • Con rồng tre (kịch, năm 1922)
  • Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (năm 1946)
  • Các truyện ngắn: Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (năm 1925), Vi hành (năm 1923),…
  • Nhật kí trong tù (thơ, khoảng năm từ 1942 đến năm 1943)…

II. Tác phẩm Ngắm Trăng

1. Hoàn cảnh sáng tác ngắm trăng

– Tác phẩm được rút ra từ tập “Nhật kí trong tù” (trong khoảng từ năm 1942 đến năm 1943).

– “Nhật kí trong tù” được sáng tác trong khoảng thời gian chính xác là từ tháng 8 năm 1942 đến tháng 9 năm 1943.

– “Nhật ký trong tù” là một tập thơ chữ Hán với 133 bài, sáng tác trong khoảng thời gian Bác Hồ Chí Minh bị chính quyền bọn Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây trực thuộc Trung Quốc.

– Tác phẩm không những ghi lại chi tiết cuộc sống ở trong tù của Người mà còn để nhằm tố cáo chế độ hà khắc, hiểm độc của bọn chính quyền Tưởng Giới Thạch.

2. Thể thơ ngắm trăng

– Thể thơ của Ngắm trăng là Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

– Hình ảnh thơ thật bình dị và gần gũi.

3. Bố cục ngắm trăng

Gồm 2 phần:

Phần 1: Hai câu thơ đầu: Cảnh ngộ của Bác Hồ trong đêm trăng.

Phần 2. Hai câu thơ sau: Sự giao hòa giữa trăng và Bác Hồ.

4. Nhan đề ngắm trăng

– Vọng nguyệt (dịch là: Ngắm trăng) chỉ một thú chơi tao nhã của các văn nhân thi sĩ thời xưa.

– Ở đây, Bác Hồ Chí Minh đang ở trong hoàn cảnh ngục tù nhưng tâm hồn Bác vẫn tràn đầy sự lạc quan, và tâm thế thư thái để ngắm trăng.

⇒ Qua đó, nhan đề “Ngắm Trăng” cho thấy một tâm hồn thi sĩ đầy rung động cảm xúc của người tù cách mạng Hồ Chí Minh.

5. Sơ đồ tư duy Ngắm trăng

soan-bai-ngam-trang-1

6. Nội dung bài thơ ngắm trăng

soan-bai-ngam-trang-2

7. Nghệ thuật của bài thơ ngắm trăng

  • Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt vừa giản dị, ngắn gọn mà vẫn hàm súc.
  • Nghệ thuật đối và nghệ thuật nhân hóa được Bác Hồ sử dụng linh hoạt: trăng như người bạn tâm giao tri âm tri kỷ.
  • Vừa có tính hiện đại nhưng cũng vừa mang màu sắc cổ điển; ngôn ngữ thơ lãng mạn; hình ảnh thơ đẹp đẽ, trong sáng.

8. Ý nghĩa bài ngắm trăng

Bài thơ đã thể hiện thành công tình yêu thiên nhiên thật say đắm, ngây ngất của tâm hồn người nghệ sĩ Hồ Chí Minh và phong thái ung dung lỗi lạc của Bác ngay trong hoàn cảnh lao tù tăm tối đầy cực khổ.

III. Đọc – hiểu văn bản ngắm trăng

1. Cảnh ngộ của Bác trong đêm trăng

– Hoàn cảnh ngắm trăng:

  • Thời gian là: nửa đêm.
  • Không gian là: ở trong tù, Bác bị xiềng xích kìm kẹp trong bốn bức tường tăm tối.
  • Điều kiện ở đó là: “vô tửu diệc vô hoa” (không có rượu cũng không có hoa)

⇒ Hoàn cảnh đặc biệt vô cùng thiếu thốn và gian khổ, ở cái nơi mà người ta chỉ có thể nghĩ đến sự tra tấn gian khổ, thậm chí là cái chết nhưng dường như Bác đã quên đi hoàn cảnh thực tại bấy giờ và thân phận tù nhân của chính mình mà thoải mái ung dung đứng thưởng trăng, làm thơ.

– Tâm trạng của Bác khi đối diện cảnh trăng “khó hững hờ”:

  • Câu thơ thứ hai của bài thơ “Ngắm trăng” là một câu hỏi tu từ, thể hiện được tâm trạng xao xuyến, bối rối trước cảnh đẹp ngoài song sắt.
  • Trước cảnh sắc trăng đẹp đến như vậy nhưng Bác lại không có cả rượu và hoa để đáp lại tình tứ của ánh trăng, điều này lại càng khiến cho thi nhân càng thêm bối rối hơn.

2. Sự giao hòa giữa trăng và Bác

– “Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt”: Trăng và người đối nhau qua khung cửa nhà tù

⇒ Bộc lộ được chất thép trong tâm hồn của Bác, vẫn bất chấp song sắt trước mặt, không hề hấn hay quan tâm gì đến nó để ngắm trăng.

– bác sử dụng phép nhân hóa trong câu “nguyệt tòng song khích khán thi gia”: thể hiện rằng thật ra trăng cũng giống hệt như con người, cũng cùng vượt qua song sắt nhà tù để tìm ngắm và đối diện với nhà thơ. Đây chính là sự hóa thân vô cùng kì diệu, là giây phút tỏa sáng thăng hoa của tâm hồn nhà thơ, cho thấy sự giao thoa, hòa hợp giữa người và trăng.

⇒ Trăng và người đã trở thành một cặp tri kỷ.

Tổng kết: 

Nội dung: Bài thơ đã thể hiện thành công tình yêu thiên nhiên thật say đắm, ngây ngất của tâm hồn người nghệ sĩ Hồ Chí Minh và phong thái ung dung lỗi lạc của Bác ngay trong hoàn cảnh lao tù tăm tối đầy cực khổ.

Nghệ thuật: Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt vừa giản dị, ngắn gọn mà vẫn hàm súc. Nghệ thuật đối và nghệ thuật nhân hóa được Bác Hồ sử dụng linh hoạt: trăng như người bạn tâm giao tri âm tri kỷ. Vừa có tính hiện đại nhưng cũng vừa mang màu sắc cổ điển; ngôn ngữ thơ lãng mạn; hình ảnh thơ đẹp đẽ, trong sáng.

IV. Luyện tập bài thơ ngắm trăng

Câu 1 (trang 38 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)

Đọc kĩ phần đoạn phiên âm, phần đoạn dịch nghĩa và phần đoạn giải nghĩa chữ Hán để hiểu được chính xác từng câu trong bài thơ này. Sau đó em hãy học thuộc bản dịch thơ và nêu nhận xét, cảm nhận của mình về các câu thơ dịch.

Hướng dẫn giải bài:

Học sinh tự đọc kỹ, học thuộc phần phiên âm và dịch nghĩa, dịch thơ; sau đó hãy nêu ra cảm nhận của riêng mình.

Câu 2 (trang 38 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)

Ở bài thơ này, Bác Hồ thưởng trăng trong hoàn cảnh như thế nào? Vì sao Bác lại nhắc đến cảnh “Trong tù không rượu cũng không hoa”? Qua hai câu đầu của bài thơ, em thấy được Bác có tâm trạng ra sao trước cảnh trăng đẹp ngoài trời?

Hướng dẫn giải bài:

– Hoàn cảnh thưởng trăng hết sức đặc biệt của nhà thơ:

  • Thời gian là: nửa đêm.
  • Không gian là: ở trong tù, Bác bị xiềng xích kìm kẹp trong bốn bức tường tăm tối.
  • Điều kiện ở đó là: “vô tửu diệc vô hoa” (không có rượu cũng không có hoa)

⇒ Hoàn cảnh đặc biệt vô cùng thiếu thốn và gian khổ, ở cái nơi mà người ta chỉ có thể nghĩ đến sự tra tấn gian khổ, thậm chí là cái chết nhưng dường như Bác đã quên đi hoàn cảnh thực tại bấy giờ và thân phận tù nhân của chính mình mà thoải mái ung dung đứng thưởng trăng, làm thơ.

– Trong bài thơ, ở câu thơ thứ hai, Bác có nói rằng “Trong tù không rượu cũng không hoa”: gợi ra cảm giác thiếu thốn của người tù, nhớ tới hoa và rượu là ý muốn thưởng thức trọn vẹn cái đẹp của ánh trăng.

⇒ Người ngắm trăng trong hoàn cảnh đặc biệt: chốn ngục tù tăm tối, đầy thiếu thốn và gian khổ

– Tâm trạng của Người thi sĩ cảnh tù đày: vừa bối rối và vừa xốn xang “Đối thử lương tiêu nại nhược hà?” (Cảnh đẹp đêm nay thật khó mà hững hờ). Từ đó cho thấy được rằng tình yêu thiên nhiên say mê, chìm đắm, rung cảm mãnh liệt trước vẻ đẹp hiển lộ của tạo hóa.

⇒ Tâm hồn của người tù không bị vướng bận, đè nặng bởi những ách vật chất thực tại nặng nề, tâm hồn của Người vẫn thật tự do, ung dung thưởng thức áng trăng đẹp.

Câu 3 (trang 38 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)

Trong hai câu thơ cuối của bài thơ “Vọng Nguyệt” chữ Hán, sự sắp xếp vị trí các từ “song, nguyệt” (và minh nguyệt),  “nhân” (và thi gia) có điều gì đáng chú ý hay không? Sự sắp xếp hai câu như vậy và việc để hai câu dưới dạng đối nhau có tác dụng, hiệu quả nghệ thuật như thế nào?

Hướng dẫn giải bài:

– Hai câu thơ cuối đó có sự đăng đối về mặt hình thức và ý:

– Chữ “song” (có nghĩa là cửa sổ)  đứng giữa cặp từ “nhân/nguyệt” – “minh nguyệt/thi gia”: người tù đã vượt qua song sắt, qua sự kìm kẹp, xiềng xích để hướng ra ngoài ngắm trăng. Còn ánh trăng cũng vậy, đã nhòm qua khe cửa để ngắm nhà thơ.

– Biện pháp tu từ nhân hóa: trăng đã trở thành người bạn tri âm tri kỷ từ rất lâu của người tù cách mạng Hồ Chí Minh.

⇒ Cả người và trăng đều chủ động tìm đến nhau, thu hút sự chú ý của nhau, gặp gỡ tự do, cả hai đã vượt qua những rào cản cửa sắt nhà tù. Cuộc thưởng trăng này đã trở nên thi vị khi hai tâm hồn tri kỉ tìm đến được với nhau: người – trăng.

Câu 4 (trang 38 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)

Qua bài thơ, em thấy hình ảnh Bác Hồ hiện ra như thế nào?

Hướng dẫn giải bài:

Hình ảnh Bác Hồ qua bài thơ:

  • Tâm hồn thi sĩ thật lãng mạn, mơ mộng, tinh tế.
  • Người tù cũng chính là người chiến sĩ với sức mạnh tinh thần lạc quan, quả cảm.
  • Tinh thần thép, cái đầu lạnh, trái tim nóng, tự do tự tại, phong thái ung dung vượt lên trên sự kìm kẹp của nhà tù.

⇒ Người tù cách mạng không màng tới những điều kiện bên ngoài như đói rét, xiềng xích của nhà tù, trái lại, người tù cách mạng còn có tâm hồn lãng mạn, thăng hoa cùng với vẻ đẹp của tự nhiên.

Câu 5 (trang 38 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)

Nhà phê bình văn học Hoài Thanh nổi tiếng đã nhận xét: “Thơ Bác đầy trăng”. Hãy chép lại những bài thơ Bác Hồ viết về trăng mà em đã biết, đã nghe hoặc đã học (chú ý ghi rõ thời điểm sáng tác của từng bài). Cuộc ngắm trăng trong bài “Vọng nguyệt” và hình ảnh trăng đã thể hiện trong các bài thơ khác của Bác có gì khác nhau đáng chú ý?

Hướng dẫn giải bài:

– Những bài thơ về trăng của Người:

  • “Cảnh khuya”: khi Bác còn đang ở chiến khu Việt Bắc, trong những năm đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp (từ năm 1946 đến năm 1954)
  • “Rằm tháng giêng”: khi Bác đang ở chiến khu Việt Bắc, trong những năm đầu tiên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (từ năm 1946 đến năm 1954)

– Trăng trong thơ của Bác có nhiều trạng thái và sắc vẻ khác nhau.

  • Trăng được cảm nhận ở hoàn cảnh khác nhau: ngục tù, hay giữa trời nước bao la, lúc thư nhàn, lúc bận việc quân…
  • Trăng hiện lên như một người bạn tri âm, tri kỷ không thể tách rời.

Như vậy chúng ta đã cùng nhau soạn thảo xong bài Soạn bài Ngắm trăng (Vọng nguyệt) rồi các em học sinh khối 8 thân mến. Qua bài thơ này, các em học sinh đã có thể hiểu được tâm hồn của người thi sĩ – chiến sĩ vĩ đại Hồ Chí Minh ngay trong hoàn cảnh ngục tù cùng cực, tăm tối. Các em hãy đừng quên truy cập hoctot.hocmai.vn để tham khảo thêm thật nhiều bài phân tích tác phẩm, bài văn, bài thơ hay nữa nhé!