Soạn bài Câu cầu khiến (Ngữ văn 8)

0
1429
soan-bai-cau-cau-khien

Trong bài viết này, HOCMAI muốn gửi tới các em học sinh bài Soạn bài Câu cầu khiến, nằm trong chương trình Soạn văn 8. Những loại câu các em được học đều rất thực tiễn, rất hay được sử dụng. Câu cầu khiến cũng như vậy, các em càng nắm rõ được kiến thức của loại câu này, em càng có thể dễ dàng dành được điểm cao trong các bài kiểm tra.

Bài viết tham khảo thêm:

I. Đặc điểm hình thức và chức năng của câu cầu khiến

1. Đọc đoạn trích trong trang 30 của sách giáo khoa và trả lời câu hỏi:

– Những câu cầu khiến:

  • Trong câu a: “Thôi đừng lo lắng nữa. Cứ về nhà đi”
  • Trong câu b: “Đi thôi con à”

– Đặc điểm hình thức: Trong câu có xuất hiện các từ ngữ cầu khiến như “đừng”, “cứ”, “thôi”.

– Câu cầu khiến có chức năng là để:

  • “Thôi đừng lo lắng nữa”: nhằm khuyên bảo
  • “Cứ về nhà đi”: nhằm yêu cầu
  • “Đi thôi con”: nhằm yêu cầu

2. Đọc to những câu trong trang 30  của sách giáo khoa và trả lời câu hỏi:

– Khi đọc “Mở cửa!” có trong câu b, ta cần đọc với một giọng điệu nhấn mạnh hơn vì đây chính là một câu cầu khiến.

– Ở trong câu a, “Mở cửa!” có tác dụng để trả lời. Ở trong câu b, “Mở cửa!” có tác dụng để yêu cầu hoặc sai khiến.

Tổng kết:

– Câu cầu khiến là một loại câu mà trong đó có sử dụng những từ cầu khiến như: hãy, chớ, đừng… đi, thôi, nào… hay sử dụng ngữ điệu cầu khiến, có chức năng dùng để khuyên bảo, yêu cầu, đề nghị,  ra lệnh…

– Khi viết, câu cầu khiến thường thường được kết thúc bằng dấu chấm than, nhưng nếu khi ý cầu khiến không được nhấn mạnh thì có thể được kết thúc bằng dấu chấm.

II. Luyện tập câu cầu khiến

Câu 1 (trang 31 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)

Xét các câu có trong sách giáo khoa và trả lời câu hỏi:

Hướng dẫn trả lời:

– Đặc điểm hình thức: Các câu được nêu trong sách giáo khoa đều chứa những từ ngữ cầu khiến “hãy”, “đi”, “đừng”.

– Chủ ngữ của các câu trong sách giáo khoa đều chỉ người tiếp nhận câu nói hoặc chỉ một nhóm người xuất hiện trong đối thoại. Cụ thể là:

  • Ở câu a: Không có bộ phận chủ ngữ (ở đây ngầm hiểu là nhân vật Lang Liêu, căn cứ vào nội dung những câu trước đó).
  • Ở câu b: Chủ ngữ của câu là “Ông giáo”.
  • Ở câu c: Chủ ngữ của câu là “Chúng ta”.

– Có thể thêm cũng như bớt hoặc thậm chí thay đổi chủ ngữ của những câu trên, về cơ bản thì nghĩa của các câu trên ít nhiều đều sẽ có sự thay đổi:

  • Con hãy đi lấy gạo làm bánh mà dâng lễ Tiên Vương (thêm bộ phận chủ ngữ, nội dung câu không có sự đổi, người nghe được nói tới được cụ thể hóa).
  • Cứ hút trước đi. (Bỏ bộ phận chủ ngữ, ý nghĩa cầu khiến dường như được nhấn mạnh hơn, câu nói có phần kém lịch sự hơn).
  • Nay các anh đừng làm gì nữa cả, thử xem cái lão Miệng có sống nổi được không? (thay đổi bộ phận chủ ngữ, nội dung câu có sự thay đổi, trong chủ ngữ thì không có người nói).

Câu 2 (trang 32 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)

Trong những đoạn trích ở trong sách giáo khoa, câu nào thì là câu cầu khiến? Sau đó hãy nhận xét sự khác nhau về hình thức biểu hiện ý nghĩa cầu khiến giữa những câu cầu khiến đó.

Hướng dẫn trả lời:

– Các câu cầu khiến trong bài là:

Câu a: Thôi thôi, im ngay cái điệu hát mưa dầm sùi sụt ấy đi.

Câu b: Các em đừng có khóc.

Câu c: Đưa tay em cho tôi mau! Hãy cầm lấy tay tôi này!

– Nhận xét về sự khác nhau trong hình thức biểu hiện ý nghĩa cầu khiến giữa các câu đó:

  • Trong câu a: Thiếu bộ phận chủ ngữ, từ ngữ cầu khiến kèm theo là từ “đi”.
  • Trong câu b: Bộ phận chủ ngữ của câu là “Các em” (số nhiều, ngôi thứ hai), từ ngữ cầu khiến ở đây là từ “đừng”.
  • Trong câu c: Không có bộ phận chủ ngữ cũng như từ ngữ cầu khiến, chỉ có ngữ điệu cầu khiến.

Câu 3 (trang 32 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2) 

Em hãy so sánh về hình thức và ý nghĩa của hai câu sau:

a. Hãy cố mà ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột!

b. Thầy em hãy cố ngồi dậy để  húp ít cháo cho đỡ xót ruột.

(Ngô Tất Tố, “Tắt đèn”)

Hướng dẫn trả lời:

– Ở câu a: vắng bộ phận chủ ngữ, không có sự xuất hiện của chủ ngữ “Thầy em”.

– Ở câu b: Có bộ phận chủ ngữ “Thầy em”, ý nghĩa cầu khiến trở nên nhẹ nhàng hơn, tình cảm ân cần của người nói cũng được thể hiện rõ ràng hơn.

Câu 4 (trang 32 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)

Xét đoạn văn trong sách giáo khoa và trả lời câu hỏi:

Hướng dẫn trả lời:

– Dế Choắt nói với Dế Mèn với mục đích là: Muốn nhờ anh Dế Mèn đào một cái hang thông sang nhà anh Dế Mèn để phòng khi gặp chuyện thì nhờ anh giúp đỡ.

– Dế Choắt đã không đưa ra những câu như “Anh hãy đào giúp em một cái ngách để sang bên nhà anh!” hay “Đào ngay giúp em một cái ngách đi” vì Dế Choắt biết rằng mình yếu đuối, muốn nhờ vả anh Dế Mèn thì không thể nào yêu cầu mà phải nhún nhường, nhận mình là vai vế bề dưới.

Câu 5 (trang 32 SGK Ngữ văn 8, tập 2)

Đọc đoạn trích có trong sách giáo khoa và trả lời câu hỏi.

Hướng dẫn trả lời:

– Không thể thay thế được cho nhau.

– Hai câu này có sự khác nhau về nghĩa (trong từng văn cảnh khác nhau) nên không thể thay thế được cho nhau. Ở trong đoạn văn này, câu nói đó được người mẹ sử dụng để khuyên người con hãy vững tin để bước vào đời. Trái lại, trong đoạn văn (trích từ truyện “Cuộc chia tay của những con búp bê’), người mẹ đã bảo đứa con đi cùng với mình.

Như vậy chúng ta đã cùng nhau soạn thảo xong bài Soạn bài Câu cầu khiến rồi các em học sinh khối 8 thân mến. Đây là một loại câu rất hay được chúng ta sử dụng trong cả giao tiếp lẫn học tập và làm việc, vậy nên các em học sinh hãy học thật tốt kiến thức này nhé. Các em hãy đừng quên truy cập hoctot.hocmai.vn để tham khảo thêm thật nhiều những kiến thức bổ ích nữa nhé!