Soạn bài Quê hương của tác giả Tế Hanh

0
2541
soan-bai-que-huong

Bài thơ “Quê hương” là tác phẩm thành công nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Tế Hanh – một nhà thơ nổi bật, hoạt động hăng hái trong giai đoạn cuối của phong trào Thơ mới 1930 – 1945. Nhằm giúp các em học sinh nhanh chóng nắm được những nội dung chính trong tác phẩm này, mời các em cùng Hocmai tham khảo phần soạn bài “Quê hương” dưới đây nhé!

 

Tham khảo thêm:

Soạn bài Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh

Soạn bài Ông đồ

 

 

I.  Soạn bài Quê hương: Thông tin chung

1. Tác giả Tế Hanh

Tác giả Tế Hanh (1921-2009) tên khai sinh là Trần Tế Hanh, là người con của một làng chài ven biển Quảng Ngãi. Tế Hanh xuất hiện ở giai đoạn cuối của phong trào Thơ mới giai đoạn 1930 – 1945.

Đánh giá chung về thơ Tế Hanh, chất thơ của ông thường mang một nét buồn vương vấn và tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, ngôn ngữ trong thơ Tế Hanh đều rất chân thực, bình dị gần gũi, tự nhiên mà giàu hình ảnh & cảm xúc thiết tha.

Bài thơ “Những ngày đi học” (1938) – bài thơ đầu tiên của Tế Hanh, nằm trong tập thơ Nghẹn ngào. Các tác phẩm nổi bật khác của ông như “Quê hương”, “Lời con đường quê”, “Vu vơ”, “Ao ước” … được giới thiệu tới độc giả trong cuốn Thi nhân Việt Nam (1942).

Sau cột mốc lịch sử 1945, ông chuyển sang sáng tác văn thơ phục vụ kháng chiến và cách mạng. Ông được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

2. Tác phẩm “Quê hương”

2.1/ Hoàn cảnh sáng tác

“Quê hương” được sáng tác vào năm 1939, trong hoàn cảnh khi ông đang đi học tại Huế. Xa quê hương, xa nơi mình chôn nhau cắt rốn, Tế Hanh đã rất nhớ nhà – một làng chài nhỏ ven biển Quảng Ngãi. Ông đã bộc lộ tình yêu quê hương của mình qua tác phẩm “Quê hương” này.

Bài thơ nằm trong tập thơ Nghẹn ngào (1939), sau được in trong tập Hoa niên (1945).

Các tập thơ nổi bật khác của Tế Hanh: Gửi miền Bắc (1955), Tiếng sóng (1960), Hai nửa yêu thương (1963), Khúc ca mới (1966)..

2.2/ Bố cục bài thơ:

Bài thơ “Quê hương” được làm 4 phần dựa trên nội dung của từng đoạn:

– 2 câu đầu: Giới thiệu chung ngắn gọn về làng chài của ông.

– 6 câu tiếp, từ “Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng” đến “Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…”: Miêu tả cảnh dân chài căng buồm dong thuyền ra khơi

– 8 câu tiếp, từ Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ” đến “Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”: Miêu tả cảnh thuyền đánh cá về bờ với niềm vui hân hoan.

– 4 câu cuối: Nói về nỗi nhớ quê hương da diết của tác giả.

2.3/ Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong tác phẩm

– Giá trị nội dung:

Thông qua tác phẩm “Quê hương”, nhà thơ Tế Hanh đã vẽ nên một bức tranh quê hương đầy sinh động và giàu sức sống về làng chài nơi ông sinh ra. Những hình ảnh ngư dân miền biển khỏe khoắn, tươi cười rộn rã, đầy sức sống trong khi lao động là những điểm nhấn đẹp nhất trong bài. Qua đó cho độc giả cảm nhận sâu sắc tình yêu quê hương vô cùng tha thiết và trong sáng của tác giả.

– Giá trị nghệ thuật:

Điểm nổi bật trong bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh đó là ngôn ngữ thơ rất giản dị, chân thực nhưng có tính gợi hình, gợi cảm đa dạng, giọng văn hào hùng, khỏe khoắn, giàu ý nghĩa. Hiệu quả nghệ thuật càng được phát huy khi tác giả sử dụng nhiều phép tu từ trong nhiều câu thơ trong bài. 

 

II. Soạn bài Quê hương: Nội dung chi tiết

Câu 1 trang 18 sgk Ngữ văn 8 tập 2: Đọc tác phẩm hãy phân tích cảnh dân chài bơi thuyền ra khơi (từ câu 3 đến câu 8) và cảnh đón thuyền cá về bến (8 câu tiếp theo) trong bài thơ. Theo em, hình ảnh người dân chài và cuộc sống làng chài được thể hiện trong hai cảnh này có nét gì nổi bật đáng chú ý?

Hướng dẫn giải:

* Hình ảnh ngư dân ra khơi từ câu 3 đến câu 8:

– Hình ảnh con thuyền chuẩn bị ra khơi

Trong “bức tranh” ngư dân bơi thuyền ra khơi đánh cá (từ câu thơ thứ 3 “Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng” cho đến câu thơ 8 “Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”), tác giả Tế Hanh đã dựng lên một bức tranh quê hương trong ký ức của ông vô cùng đẹp: buổi “sớm mai hồng” rực rỡ ánh bình minh, gió lộng, biển lặng – thời tiết vô cùng thuận lợi để ra khơi đánh cá. Còn những ngư dân đi đánh cá là những chàng trai trẻ căng tràn sức lực với niềm háo hức ra khơi đánh cá.

– Hình ảnh con thuyền đánh cá với cánh buồm căng đầy gió

Trong 4 câu thơ tiếp theo từ  “Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã”… đến “bao la thâu góp gió” Tế Hanh đã sử dụng nghệ thuật tu từ so sánh rất khéo léo khi ví chiếc thuyền như một con tuấn mã khỏe mạnh và đầy dũng mãnh thông qua một loạt động từ mạnh để miêu tả như: “hăng”, “phăng”, “mạnh mẽ”, “vượt” càng làm tăng thêm vẻ đẹp hoành tráng của con thuyền ra khơi trong ngày đẹp trời. 

Ngoài ra hình ảnh cánh buồm được so sánh với “mảnh hồn làng” vô cùng ấn tượng và độc đáo, nâng sự thân quen của cánh buồm lên một tầm cao mới thiêng liêng hơn, thơ mộng hơn.

→ Khổ thơ trên như một bức tranh lao động đầy hăng say, hứng khởi căng tràn sức sống của người dân làng chài trong khung cảnh thiên nhiên rạng rỡ và tươi sáng. 

* Hình ảnh con thuyền đánh cá về bến (8 câu tiếp theo):

– Con thuyền trở về bến vào ngày hôm sau với thành quả lao động là cả một ghe thuyền đầy cá: “Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ”. 

– Trong không khí tấp nập ồn ào và vui vẻ của cả dân làng, con thuyền chứa đầy thành quả lao động của ngư dân – những “con cá tươi ngon thân bạc trắng”.

– Đoàn ngư dân trở về cùng một mẻ “cá đầy ghe”, nét đẹp cơ thể đầy khỏe mạnh của họ được tác giả miêu tả thật chân thật và giản dị nhưng cũng không kém sự lãng mạn: “Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng/Cả thân hình “nồng thở vị xa xăm”.

– Con thuyền sau một ngày căng buồm ra khơi như một người lao động thực sự, lao động hăng say sau một ngày mệt mỏi đã tự “trở về nằm” im lặng để “nghe chất muối” đang từ từ thấm đẫm trong từng thớ vỏ của mình → Hình ảnh con thuyền được nhân hóa như một ngư dân làng chài, cũng tự hào khi cùng mọi người đem thành quả về, nhưng cũng biết mệt mỏi, im lặng và “nghe” chất muối biển mặn mòi thấm đẫm cơ thể của mình.

⇒ Đây là một bức tranh làng chài miền biển vô cùng sinh động, giải dị và đầy chất thơ, với dáng vẻ tươi vui, tràn đầy sức sống và tinh thần lao động hăng say của ngư dân nơi đây. Những ký ức ấy trong tác giả Tế Hanh thật đẹp đẽ và thân thương!

Câu 2 trang 18 sgk Ngữ Văn 8 tập 2: Phân tích 4 câu thơ sau trong bài và cho biết lối nói ẩn dụ và biện pháp so sánh ở trong 4 câu này có hiệu quả nghệ thuật như thế nào? 

(Nội dung 4 câu thơ các em tham khảo trong Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập 2 – trang 18 nhé)

Hướng dẫn giải:

* Câu thơ 7 và 8:

Hình ảnh “Cánh buồm giương to” no đầy gió biển – hình ảnh cụ thể hữu hình quen thuộc đã được tác giả Tế Hanh so sánh với hình ảnh rất trừu tượng “mảnh hồn làng”.

→ Hình ảnh so sánh độc đáo khá bất ngờ, nâng tầm hình ảnh đơn thuần, thân thương lên một vị trí mới, thiêng liêng và thơ mộng hơn. 

→ Biện pháp so sánh cánh buồm thuyền với mảnh hồn làng chài gợi lên cho người đọc một vẻ đẹp bay bổng hơn với tầng ý nghĩa sâu sắc, mặc dù không khiến cho đối tượng trong bài được cụ thể hơn. 

→ Biện pháp nhân hóa cánh buồm như một sinh vật có hồn, “rướn thân” mạnh mẽ của mình căng tràn để đón gió đưa cả con thuyền vượt sóng ra khơi. Khoảnh khắc đó cánh buồm đã trở thành biểu tượng của làng chài, là mảnh hồn làng thiêng liêng để những người con làng chài ấy thêm tự hào, thêm yêu quý quê hương hơn.

* Câu thơ 13 và 14:

Quanh năm sớm chiều sống với biển cả, trái tim, linh hồn và sinh lực người dân làng chài như hòa với biển cả. Câu thơ trên là một câu thơ tả thực rõ nét về nét đẹp ngoại hình của người dân làng chài, những hình ảnh quen thuộc, nổi bật của bất cứ làng quê chài nào – làn da ngăm rám nắng đầy khỏe khoắn, mạnh mẽ.

Hình ảnh đó càng thêm đẹp đẽ và độc đáo khi sang câu thứ hai, miêu tả dáng hình ấy thật sáng tạo: “nồng thở vị xa xăm”. Vị xa xăm ấy mơ hồ, vô hình của biển cả ấy đang hiện hữu trong dáng vẻ rõ ràng, hữu hình của người dân làng chài, như một tượng đài của làng chài đó vậy! 

→ Bằng biện pháp tu từ so sánh và ẩn dụ tinh tế, câu thơ miêu tả vô cùng đặc biệt hình ảnh của người dân làng chài mạnh mẽ, khỏe khoắn, cường tráng, vừa lồng ghép vào đó tình yêu của tác giả Tế Hanh với quê hương mặn mòi của mình. Tế Hanh đã nâng hình ảnh ngư dân làng chài lên một tầm vóc thật cao lớn và phi thường.  

 

Câu 3 trang 18 sgk Ngữ Văn 8 tập 2: Hãy nhận xét tình cảm của tác giả Tế Hanh đối với cảnh vật, cuộc sống và con người quê hương miền biển của ông. 

Hướng dẫn giải

Những hình ảnh và con người trong bài thơ “Quê hương” là những ký ức vô cùng đẹp đẽ của tác giả Tế Hanh tại quê hương của mình. Bài thơ đã thay tác giả nói lên tấm lòng nặng tình yêu quê hương đất nước của mình thật sâu sắc. Xa quê hương, xa màu xanh tít tắp của biển cả và trời xanh, vị mặn mòi của biển, hình ảnh cánh buồm ra khơi… càng khiến cho nỗi nhớ của Tế Hanh thêm da diết, phải là một người nặng lòng với quê hương mới có thể cho ra đời một tác phẩm độc đáo như “Quê hương” của Tế Hanh!

 

Câu 4 trang 18 sgk ngữ văn tập 2: Đọc tác phẩm, em thấy bài thơ có những đặc sắc nghệ thuật gì nổi bật? Theo em, bài thơ được viết theo phương thức nào (biểu cảm, tự sự hay trữ tình?) 

Trả lời:

“Quê hương” của Tế Hanh có rất nhiều đặc sắc nghệ thuật, giúp bài thơ thêm ấn tượng hơn với người đọc. Cụ thể:

– Hình ảnh trong bài thơ rất phong phú, sáng tạo và độc đáo, nhiều câu thơ miêu tả cảnh vật và con người làng chài rất ấn tượng (như hình ảnh cánh buồm căng mình đón gió, hay nét đẹp cơ thể cường tráng nhưng cũng rất bay bổng lãng mạn của người dân làng chài “nồng thở” vị mặn của biển cả xa xăm,…)

– Ngôn ngữ sử dụng trong bài thơ đầy màu sắc, hình ảnh chân thực và giàu cảm xúc, trữ tình, gợi cho người đọc nhiều cảm xúc thân quen. Đặc sắc nghệ thuật nổi bật của bài thơ là hệ thống hình ảnh trong bài thơ rất phong phú, sáng tạo và chân thật, từ hình ảnh cơ thể trai tráng, rám nắng sắc nét của dân làng chài, cho đến sự lãng mạn, bay bổng trừu tượng như “mảnh hồn làng” trong cánh buồm căng gió, tất cả càng làm tăng thêm giá trị cảm xúc cho bài thơ.

– Biện pháp tu từ trong bài thơ được sử dụng thường xuyên nhưng linh hoạt và sáng tạo, khắc họa chân thực hơn hình ảnh và tình cảm của tác giả với cảnh vật & con người miền biển ấy.

→ Phương thức biểu đạt của bài thơ là biểu cảm, trữ tình xen lẫn miêu tả. Mặc dù có một số câu thơ chủ yếu là miêu tả, song hệ thống hình ảnh miêu tả đó được sử dụng để phục vụ cho việc tái hiện bức tranh quê hương làng chài trong nỗi nhớ quê day dứt chủ quan của tác giả.

Như vậy Hocmai đã gợi ý các em học sinh phần soạn bài bài thơ Quê hương của tác giả Tế Hanh. Bài thơ là tình yêu và nỗi nhớ quê hương làng chài của tác giả, do đó các em cần làm nổi bật điều đó trong quá trình học và soạn văn 8 nhé! Chúc các em có một phần chuẩn bị bài học thật hiệu quả.