Mở bài Quê hương của tác giả Tế Hanh

0
8976
mo-bai-que-huong

Để giúp các em có một phần mở bài Quê hương của nhà thơ Tế Hanh một cách ấn tượng và hay nhất, Hocmai sẽ gợi ý các em một số cách mở bài dưới đây. Cùng tham khảo nhé!

 

Tham khảo thêm:

Soạn bài quê hương

Mở bài Ông đồ

 

Mẫu 1 – Mở bài bài thơ “Quê hương” – Tế Hanh

“Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày”

Quê hương – hai tiếng gọi sao thân thương mà cuộn trào cảm xúc trong bất cứ ai mỗi khi nhắc đến. Với tác giả Tế Hanh cũng vậy! Bằng ngôn ngữ tự nhiên, giản dị mà giàu cảm xúc của mình, tác giả đã thể hiện tình yêu quê hương dạt dào của mình qua bài thơ “Quê hương”, một tác phẩm được sáng tác năm 1939. 

 

Mẫu 2 – Mở bài bài thơ “Quê hương” – Tế Hanh

Mỗi nhà thơ trong từng giai đoạn sẽ có nguồn cảm hứng sáng tác riêng của mình. Đối với nhà thơ Tế Hanh, nguồn cảm hứng lớn nhất đó chính là quê hương. Là một nhà thơ ra đời và góp mặt trong phong trào Thơ mới giai đoạn 1930 – 1945, thơ của Tế Hanh còn mang nỗi nhớ và xót xa cho quê hương của mình. Do đó Tế Hanh đã thể hiện tình yêu quê hương đất nước dạt dào sâu sắc của mình qua bài thơ “Quê hương”. 

 

Mẫu 3 – Mở bài bài thơ “Quê hương” – Tế Hanh

Quê hương là nguồn cảm hứng vô tận của nhiều nhà thơ Việt Nam nói chung và nhà thơ Tế Hanh nói riêng. Với chất thơ mộc mạc, bình dị nhưng giàu cảm xúc, Tế Hanh đã cho độc giả cảm nhận được tình yêu quê hương to lớn của mình qua áng thơ nổi tiếng “Quê hương”. 

 

Mẫu 4 – Mở bài bài thơ “Quê hương” – Tế Hanh

“Quê hương” là một bài thơ rất hay nói về tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt của tác giả Tế Hanh. Ra đời vào năm 1938, tác phẩm đã thay lời nhà thơ nói lên nỗi lòng nhớ nhung tha thiết và những ký ức đẹp đẽ về làng chài miền biển Quảng Ngãi – nơi chôn nhau cắt rốn của ông. 

 

Mẫu 5 – Mở bài bài thơ “Quê hương” – Tế Hanh

Bên cạnh những nhà thơ nổi tiếng như Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Huy Cận… trong phong trào Thơ mới giai đoạn 1930 – 1945, nhà thơ Tế Hanh cũng là một cái tên tiêu biểu, góp thêm một làn gió mới mát mẻ cho nền văn học thơ ca Việt Nam. Thơ ông bình dị, trong sáng nhưng giàu tình yêu quê hương sâu sắc. Điều đó đã được Tế Hanh thể hiện rất rõ nét trong bài thơ “Quê hương” – khi ông mới tròn 17 tuổi! 

 

Mẫu 6 – Mở bài bài thơ “Quê hương” – Tế Hanh

Trong phong trào Thơ mới (1930 – 1945), nếu nhà thơ Thế Lữ có chất thơ đầy lãng mạn, hình ảnh đẹp đẽ, trau chuốt; nhà thơ Huy Cận với màu sắc thơ mới mẻ, lạ lẫm; nhà thơ Hàn Mặc Tử trữ tình, đằm thắm và cháy bỏng tình người, thì với nhà thơ Tế Hanh là một hồn thơ nặng lòng với quê hương trong một chất thơ trong sáng, bình dị và sâu sắc. Tất cả những điều đó được thể hiện trọn vẹn trong bài thơ “Quê hương”, một tác phẩm được ra đời năm 1938 của ông – thời điểm nhà thơ mới tròn 17 tuổi.

 

Mẫu 7 – Mở bài bài thơ “Quê hương” – Tế Hanh

So sánh với các nhà thơ cùng thời, thơ của Tế Hanh thật sự không quá nổi bật như thơ của Xuân Diệu, hay “quê mùa” như thơ Nguyễn Bính. Mà thay vào đó là một sự bình lặng, yên ả, sự chân thành giản dị, những điều ấy đã đưa thơ Tế Hanh trở thành một làn gió mới trong phong trào Thơ mới. Và bài thơ thể hiện trọn vẹn những đặc điểm trên của Tế Hanh chính là “Quê hương”!

 

Mẫu 8 – Mở bài bài thơ “Quê hương” – Tế Hanh

Tế Hanh (1921-2009) là một “làn gió mới” mang màu sắc bình dị, mộc mạc trong phong trào Thơ mới giai đoạn 1930 – 1945. Với ông, quê hương là nguồn cảm hứng bất tận lớn nhất, đó cũng là nguồn cảm hứng chính để tác giả cho ra đời kiệt tác “Quê hương”, một áng thơ mỗi khi đọc lên vẫn vẹn nguyên cảm xúc cho đến ngày hôm nay.    

 

Mẫu 9 – Mở bài bài thơ “Quê hương” – Tế Hanh

Quê hương – hai tiếng gọi sao mà thân thương dạt dào cảm xúc vô cùng! Nguồn cảm hứng sáng tác vô tận ấy đã giúp biết bao thế hệ nhà thơ Việt Nam sáng tác ra những bài thơ để đời. Trong đó có nhà thơ Tế Hanh với kiệt tác “Quê hương”, được ra đời năm 1938 khi ông mới tròn 17 tuổi.

 

Mẫu 10 – Mở bài bài thơ “Quê hương” – Tế Hanh

Quê hương, đất nước luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho bất cứ ai làm sáng tạo, nghệ thuật, đặc biệt với các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ. Mỗi người sẽ có mỗi cách để “nhìn” và “cảm” tình yêu đặc biệt ấy. Với Tế Hanh cũng vậy. Những “đứa con tinh thần” của Tế Hanh luôn mang màu sắc tươi vui, mộc mạc nhưng chất chứa nỗi nhớ và tình yêu quê hương mạnh mẽ thuần túy của mình. Và bài thơ “Quê hương” đã thật khéo léo nói lên nỗi lòng đó thay cho ông! 

 

Mẫu 11 – Mở bài bài thơ “Quê hương” – Tế Hanh

“Quê hương” của Tế Hanh mang một màu sắc và sức sống thật mạnh mẽ, một bức tranh đầy sức hút về cảnh vật và con người miền biển rắn rỏi, mặn mòi và yêu lao động hăng say. Thông qua bài thơ tác giả đã không chỉ miêu tả một cách chân thực nhất về quê ông mà thông qua đó thể hiện tình yêu quê hương và nỗi nhớ da diết của mình. 

 

Mẫu 12 – Mở bài bài thơ “Quê hương” – Tế Hanh

“Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày…”

Mỗi khi lời hát đó ngân lên, sâu thẳm trong trái tim bất cứ ai cũng dâng lên một cảm xúc thân thương dạt dào, để mỗi khi xa quê hương ta lại càng thêm nhớ, thêm thương yêu quê hương mình. Tế Hanh cũng trải qua cảm giác nhớ nhà, nhớ quê mình như vậy. Nỗi nhớ cồn cào ấy đã được thể hiện rõ nét trong bài thơ “Quê hương” của ông.

 

Mẫu 13 – Mở bài bài thơ “Quê hương” – Tế Hanh

Trong tim mỗi con người đều có quê hương. Đó có thể là cánh đồng lúa trải dài bất tận, là những tiếng chim muông rộn ràng lúc xa lúc gần, là những cánh rừng bạt ngàn hùng vĩ, là tiếng sóng vỗ dạt dào theo từng tháng năm. Với nhà thơ Tế Hanh, quê hương là cánh buồm thuyền đánh cá căng đầy gió biển, là khung cảnh bình minh đón đoàn đánh cá đầy ghe trở về, là niềm hân hoan của làng chài, là dáng vẻ mặn mòi rắn rỏi của dân miền biển… Tất cả đều được khắc họa thật đẹp trong tác phẩm “Quê hương” của ông!

 

Mẫu 14 – Mở bài bài thơ “Quê hương” – Tế Hanh

Quê hương qua từng giai đoạn sẽ có từng màu sắc, từng sự kiện lịch sử của mình. Giữa khung cảnh đất nước đang trải qua những đau thương khi bị quân ngoại xâm áp bức, thơ của Tế Hanh như một làn gió dịu dàng, giàu cảm xúc thổi lên trong tim những con người thời ấy. Và “Quê hương” đã thay ông nói lên nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương sâu sắc của mình.

 

Mẫu 15 – Mở bài bài thơ “Quê hương” – Tế Hanh

Bằng chất thơ giàu cảm xúc, độc đáo mà thân quen của mình, Tế Hanh đã chạm vào nơi sâu thẳm nhất của tất cả độc giả mỗi khi đọc lên bài thơ “Quê hương”. Từng câu thơ, hình ảnh trong bài như sợi lông vũ nhẹ nhàng chạm vào từng ký ức tuổi thơ, từng cảnh vật quá khứ mà chỉ có thể nhìn thấy trong hai chữ quê hương trong tim mỗi người.

 

Mẫu 16 – Mở bài bài thơ “Quê hương” – Tế Hanh

Mỗi người là một cá thể độc lập, và hình ảnh quê hương trong mỗi người chúng ta cũng vậy, mỗi một “quê hương” là một hình ảnh đẹp riêng, hương vị riêng, màu sắc riêng. Với Tế Hanh cũng vậy, quê hương của Tế Hanh hiện lên thật lung linh, đầy sức sống và dạt dào cảm xúc trong bài thơ “Quê hương”, một kiệt tác của Tế Hanh khi ông tròn 17 tuổi.

 

Mẫu 17 – Mở bài bài thơ “Quê hương” – Tế Hanh

Tình yêu quê hương đất nước luôn là thứ tình yêu thật thuần túy, thật bao la và da diết. Tình yêu quê hương của Tế Hanh đã được ghi lại thật rõ nét qua từng cảnh vật và con người nơi làng chài miền biển quê ông. Đó là những buổi “sớm mai hồng” trên mặt biển, là những cánh buồm căng no đầy gió, là chiếc thuyền đánh cá đầy ghe sau khi ra khơi trở về. Và đó là “Quê hương” – một trong những bài thơ nổi bật trong phong trào Thơ mới.

 

Mẫu 18 – Mở bài bài thơ “Quê hương” – Tế Hanh

Bài thơ “Quê hương” đã được tác giả Tế Hanh khắc họa sâu sắc và ấn tượng qua lăng kính và trái tim hoa niên của mình. Với tiêu đề Quê hương, đối với nhiều người mà nói nó thật chung chung. Song bài thơ này nhất định phải là “Quê hương”, bởi nó không chỉ là tình yêu quê hương của tác giả, mà nó còn là tình yêu quê hương của bất cứ người con xa quê nào.

 

Mẫu 19 – Mở bài bài thơ “Quê hương” – Tế Hanh

“Quê hương” là bài thơ được ra đời năm 1938, là những ký ức sâu đậm thời niên thiếu của tác giả Tế Hanh. Với nguồn cảm hứng thơ bất tận, bài thơ “Quê hương” đã Tế Hanh viết lên bằng tất cả tình yêu quê hương, lòng yêu mến làng biển đầy nắng gió nhưng thơ mộng, rộng lớn cũng như con người hăng say lao động cần cù nơi quê hương.

Như vậy Hocmai đã giới thiệu tới các em những cách mở bài tác phẩm Quê hương sao cho hấp dẫn và ấn tượng. Hi vọng với những gợi ý này các em sẽ có một khởi đầu cho bài văn của mình một cách trọn vẹn nhất trong chương trình Ngữ Văn 8!