Soạn bài Mã Giám Sinh mua Kiều (Trích Truyện Kiều)

0
1055
soan-bai-ma-giam-sinh-mua-Kieu

Với mục đích giúp các bạn học sinh hiểu rõ kiến thức về đoạn trích Mã giám sinh mua Kiều trong sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập 1, HOCMAI đã tổng kết và biên tập soạn bài Mã Giám Sinh mua Kiều với đầy đủ nội dung về tác giả, tác phẩm và gợi ý trả lời các câu hỏi đọc hiểu trong bài. Cùng tham khảo tài liệu ngay phía dưới các bạn nhé! 

 

Tham khảo thêm:

Phân tích Mã Giám Sinh mua Kiều

Mở bài Mã Giám Sinh mua Kiều

Kết bài Mã Giám Sinh mua Kiều

Soạn bài Kiều ở lầu Ngưng Bích

I. Soạn bài Mã Giám Sinh mua Kiều ( Trích Truyện Kiều) : Tìm hiểu chung

1. Tác giả Nguyễn Du 

– Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên sinh năm 1765 mất năm 1820. Ông sinh ra và trải qua thời niên thiếu tại phường Bích Câu, thành Thăng Long.

– Quê hương của Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

– Nguyễn Du sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn học và khoa bảng. Cha của ông, Nguyễn Nghiễm, là một quan chức cấp cao trong triều đình. Anh trai cùng cha khác mẹ của Nguyễn Du là Nguyễn Khản cũng là một quan chức triều đình dưới triều Lê-Trịnh.

– Nguyễn Du mồ côi cha mẹ từ năm 13 tuổi, có cuộc sống mưu sinh vât vả từ đó cho đến khi trưởng thành.

– Nguyễn Du sinh ra trong thời đại xã hội phong kiến ​​có nhiều biến động. Ông đã tận mắt chứng kiến ​​sự suy tàn của tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh , sự hình thành và suy tàn của nhà Tây Sơn, cho đến khi nhà Nguyễn lên nắm quyền. Chính những biến động của xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và sự nghiệp thơ ca sau này của ông.

– Nguyễn Du là một danh nhân uyên bác xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Ngoài ra, bản thân ông cũng có nhiều thời gian lưu lạc khắp nơi trong dân gian. Đặc biệt thời gian đi sứ ở Trung Quốc cũng giúp ông tìm hiểu thêm về văn học của họ. Nguyễn Du còn là người rất am hiểu văn hóa dân tộc Việt Nam. Điều này được thể hiện trong thơ ông sử dụng nhiều điển tích, ca dao và tục ngữ Việt Nam.

– Sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Du rất rộng, từ chữ Hán cho đến chữ Nôm. Tác phẩm chữ Hán được biết đến với ba tuyển tập thơ, gồm 243 bài thơ: Thanh Hiên Thi Tập, Nam Trung thi tập  và Bắc Hành tạp lục. Tác phẩm chữ  Nôm của Nguyễn Du có thể kể đến là Truyện Kiều, Văn Chiêu hồn …

 

2. Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

a. Vị trí đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

-Đoạn trích Mã Giám Sinh mua kiều nằm ở phần hai của Truyện Kiều: Gia biến và lưu lạc. 

-Nội dung chính: Sau khi gia đình Thúy Kiều bị thằng bán tơ vu oan giá họa, cha và em trai Kiều bị bắt giam và bị tra tấn dã man. Không chịu được cảnh cha phải chịu khổ, Thúy Kiều đã quyết định bán thân để chuộc cha và em. Đoạn trích miêu tả cảnh Mã Giám Sinh mua Thúy Kiều và là nốt nhạc buồn mở đầu cho vận mệnh đầy sóng gió của Thúy Kiều. 

b. Bố cục đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều có hai cách chia bố cục như sau: 

Cách 1: Bố cục 2 phần

  • Phần 1: Từ đầu đến đoạn thơ “ giục nàng kíp ra” : Miêu tả sự xuất hiện của Mã Giám Sinh 
  • Phần 2: Đoạn còn lại : Miêu tả lại cảnh mua bán Thúy Kiều. 

Cách 2: Bố cục 3 phần

  • Phần 1: 10 câu thơ đầu: Miêu tả chân dung của Mã Giám Sinh qua một loạt các hành động và ngoại hình của hắn. 
  • Phần 2: 6 câu thơ kế tiếp: Sự xấu hổ, tủi nhục và đau đơn của Thúy Kiều
  • Phần3: 10 câu thơ cuối: Miêu tả bản chất con buôn của Mã Giám Sinh

c. Giá trị nội dung của đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều 

– Nguyễn Du đã phơi bày bộ mặt xấu xa, đê tiện của “ kẻ buôn người” đột lốt Mã Giám Sinh. 

-Lên án xã hội phong kiến thối nát nơi uy lực của đồng tiền đứng trên tất cả chèn ép lên nhân phẩm và tài sắc của người phụ nữ. 

-Bày tỏ sự thương xót, cảm thông sâu sắc của Nguyễn Du với số phận con người. 

d. Giá trị nghệ thuật của đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

– Nghệ thuật miêu tả nhân vật phản diện và chính diện độc đáo

– Sự thấu hiểu tâm lý nhân vật của đại thi hào Nguyễn Du. 

 

II. Soạn bài Mã Giám Sinh mua Kiều: Phần đọc hiểu

Câu 1 SGK Ngữ Văn 9 tập 1 trang 99: Phân tích ngoại hình, tính cách của Mã Giám Sinh

1. Hình tượng Mã Giám Sinh qua cách miêu tả của Nguyễn Du: 

– Lai lịch không rõ ràng: 

  • Mã Giám Sinh không phải tên thật của hắn, đây chỉ là một cái tên rất chung chung. Trong đó, Mã là họ còn Giám Sinh là chỉ một người học trò trong Nho giáo xưa, đây là một chức danh hoàn toàn có thể mua bằng tiền, nhất là trong thời điểm xã hội đồng tiền có thể mua được tất cả. 
  • Quê quán: “ huyện Lâm Thanh cũng gần”: Khi nhắc đến quê quán của họ Mã đã thấy được sự mâu thuẫn khi bà mối giới thiệu là “ viễn khách” ý chỉ người ở xa đối lập với “ cũng gần” mà tên họ Mã giới thiệu. 

=> Ngay từ những thông tin cơ bản ban đầu như tên tuổi, quê quán đã có sự nhập nhàng không rõ đã cho thấy bản chất dối trá không đáng tin cậy ở Mã Giám Sinh. 

-Lời nói vô học: 

  • Nguyễn Du sử dụng nhịp thơ ngắn và chia nhỏ cùng điệp cấu trúc “ Hỏi…rằng”
  • Mã Giám Sinh trả lời một cách trống không, cộc lốc và nhát gừng

=> Dù giới thiệu là người có học nhưng cách nói chuyện đã lộ rõ bản chất vô văn hóa, vô học nhất là trong giao tiếp với người bề trên. 

– Ngoại hình chải chuốt, bảnh bao của Mã Giám Sinh 

  • Nguyễn Du miêu tả Mã Giám sinh đã “ trạc ngoại tứ tuần” nhưng lại có khuôn mặt “ mày râu nhẵn nhụi”

=> Nguyễn Du miêu tả độ tuổi tứ tuần khi để bóc trần sự lố lăng của Mã Giám Sinh, càng tô đậm hình ảnh không phù hợp của người học sinh Nho gia thời phong kiến. 

-Hành động vô lễ

  • Nguyễn Du sử dụng cụm từ láy lao xao trong “ trước thầy sau tớ lao xao” để chỉ sự nhốn nháo, vô phép và hoàn toàn không phù hợp với sự trang trọng, lịch sự trong buổi lễ vấn danh. 
  • “ Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” : Vừa miêu tả tư thế ngồi ngang ngược, bất lịch sự của Mã Giám Sinh vừa tô đậm cho bản chất vô lễ của kẻ thất học

=> Hành động của Mã Giám Sinh đã thể hiện thái độ vô cùng khinh người, hợm hĩnh của một kẻ vô học và cậy có đồng tiền trong xã hội cũ. 

Có thể thấy, bằng bút pháp tả thực của mình, Nguyễn Du đã từng bước bóc trần sự thật về bản chất của tên Mã Giám Sinh ngay từ những thông tin cá nhân cơ bản nhất cho đến hành động và lời nói của hắn trong buổi lễ vấn danh. Từ đó cho thấy hắn không coi trọng buổi lễ này và thực sự bản chất của buổi lễ này là gì còn là một ấn số. 

2. Bản chất buôn người của Mã Giám Sinh được thể hiện qua: 

-Miêu tả tâm lý con buôn: 

  • Hành động của Mã Giám Sinh giống như một con buôn ngoài chợ được miêu tả qua các từ “ cân”, “ép”, “thử”. 
  • Tâm lý con buôn của hắn được Nguyễn Du miêu tả qua sự “ đắn đo”, “bằng lòng”. “ “tuỳ cơ dặt dìu” 

=> Lễ vấn danh là buổi gặp mặt giữa hai đàng trai gái chứ không phải một cuộc mua bán để Mã Giám Sinh lựa chọn hay suy tính thiệt hơn. 

-Cử chỉ, lời nói đậm chất con buôn: 

  • Mã Giám Sinh nói lời hoa mỹ nhưng thực chất chỉ đang hỏi giá mua Thúy Kiều 
  • Hành động “ cò kè bớt một thêm hai” : Hành động của những kẻ buôn bán luôn muốn chuộc lợi với bản chất bần tiện. 

=>Sử dụng nhịp thơ ngắn khiến cảm giác cuộc mua bán kéo dài, chán chường, càng kéo dài nhân nhân phẩm và giá trị của Kiều càng bị chà đạp, xúc phạm. 

Buổi lễ vấn danh trang nghiêm lại được Nguyễn Du miêu tr như một sân khấu với đủ bi kịch và hài kịch. Với tạo hình có học thức nhưng Mã Giám Sinh lại có những cử chỉ, hành động vô cùng bỉ ổi và những lời nói lố lăng. Buổi lễ vấn danh nhưng không khác gì một cuộc mua bán ngoài chợ với đầy đủ mọi sắc thái. Qua đó càng nhấn mạnh giá trị tác sắc của Thúy Kiều bị chà đạp đến tận cùng. 

 

Câu 2 SGK Ngữ Văn 9 tập 1 trang 99: Cảm nhận về hình tượng Thúy Kiều

a.Nỗi đau chồng chất ở Thúy Kiều qua cách miêu tả tâm trạng của Nguyễn Du 

Những câu thơ của Nguyễn Du đã miêu tả hai nỗi đau của Thúy Kiều chồng chất lên nhau: 

– “Nỗi mình” : Đó là nỗi đau khi tình yêu đầu tan vỡ. Thúy Kiều không thể ở bên Kim Trọng như đã thề nguyện, phải cậy nhờ em gái nối duyên giúp mình và phải bán mình cho một người xa lạ để làm lẽ. 

– “ Nỗi nhà”: Đó là nỗi đau khi tai họa ập xuống phá tan cuộc sống hạnh phúc của Thúy Kiều. Kiều phải bán mình để chuộc cha và em. 

– Hình ảnh ước lên “ lệ hoa” thể hiện nỗi đau đớn tột cùng của Thúy Kiều 

b.Tâm trạng của Thúy Kiều khi gặp Mã Giám Sinh

-” Ngại ngùng dợn gió e sương” : Thể hiện sự nhục nhã, hổ thẹn của Kiều khi bị Mã Giám Sinh soi xét, trả giá. Đồng thời là sự sợ hãi, hoang mang của Thúy Kiều về tương lai không biết đi về đâu của mình. 

– “mặt dày” : Người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng cũng chỉ là một món hàng không hơn không kém. Không có quyền lựa chọn và quyết định số phận của mình. 

 

Câu 3 SGK Ngữ Văn 9 tập 1 trang 99: Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du

Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều đã  thể hiện chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du:

– Tấm lòng nhân ái, xót thương cho sự tầm thường của con người, giá trị của con người bị chà đạp bởi đồng tiền tiền và quyền lực trong xã hội phong kiến xưa.

– Nguyễn Du đã vạch trần hiện thực xã hội đen tối với cường quyền và đồng tiền là trên hết,  gián tiếp lên án các thế lực phong kiến ​​đẩy con người vào cảnh khốn cùng, lên án những thế lực đồng tiền vô nhân đạo;

– Bày tỏ sự phẫn nộ, khinh bỉ trước những kẻ buôn người giả dối, vô nhân tính.

Bức tranh bi hài kịch trong buổi vấn danh nhưng thực chất là buôn bán trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều đã được Nguyễn Du thể hiện vô cùng đặc sắc. Một lần nữa Nguyễn Du lại khẳng định thêm về phong cách miêu tả chân dung nhân vật và nội tâm con người. Hy vọng soạn bài Mã Giám Sinh mua Kiều ( Trích Truyện Kiều) mà HOCMAI gợi ý sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích giúp các em học sinh học và ôn tập thật tốt trong quá trình soạn văn 9.