Soạn bài phép phân tích và tổng hợp – SGK Ngữ văn 9 Tập 2 (Chi tiết)

0
2410
soan-bai-phep-phan-tich-va-tong-hop

Bài viết Soạn bài phép phân tích và tổng hợp được biên soạn dưới đây sẽ giúp các em học sinh nắm vững được các kiến thức quan trọng và soạn bài tốt hơn qua lời giải chi tiết các các câu hỏi Sách Giáo Khoa Ngữ văn 9 Tập 2.

 

Bài viết tham khảo thêm:

 

I. Lý thuyết cần nắm khi Soạn bài phép phân tích và tổng hợp

1. Định nghĩa về phép phân tích và tổng hợp

Phép phân tích và tổng hợp được sử dụng để làm rõ ý nghĩa một sự vật, hiện tượng nào đó. Bao gồm Phép phân tích và Phép tổng hợp:

  • Phép phân tích và tổng hợp phải kết hợp cùng nhau, chúng không thể tách rời nhau.
  • Sau khi phân tích rồi tổng hợp thì nội dung đó mới có ý nghĩa cho người đọc, người nghe mới hiểu được vấn đề chúng ta đang trình bày.
  • Tổng hợp phải căn cứ trên cơ sở phân tích

Phép phân tích là gì?

Phép phân tích là phép lập luận trình bày từng phương diện, bộ phận của một vấn đề với mục đích chỉ ra nội dung của sự vật, hiện tượng.

Nhằm phân tích nội dung của sự vật, hiện tượng, chúng ta có thể sử dụng các biện pháp như so sánh, nêu giả thuyết, đối chiếu,… Và bao gồm cả phép lập luận giải thích, chứng minh.

Phép tổng hợp là gì?

Phép tổng hợp là phép lập luận đưa ra cái chung từ những vấn đề đã phân tích. Nếu không có phân tích thì sẽ không có tổng hợp.

Lập luận tổng hợp thường được đặt ở cuối đoạn hoặc cuối bài, tại phần kết luận của một phần hoặc của toàn bộ văn bản.

2. Ví dụ về phép phân tích và tổng hợp

Tìm hiểu văn bản Trang phục để trả lời các câu hỏi tại trang 10 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2

Trả lời

a) 

  • Tại hai đoạn đầu văn bản, có khá nhiều dẫn chứng về cách ăn mặc đẹp để từ đó rút ra nhận xét về vấn đề ăn mặc chỉnh tề.
  • Có hai luận điểm chính được nêu trong văn bản gồm: “Ăn mặc phù hợp với hoàn cảnh” và “Ăn mặc phù hợp với đạo đức và hài hòa với môi trường sống”.
  • Tác giả bài viết đã sử dụng phép lập luận phân tích để rút ra hai luận điểm trên.

b) 

  • Bài viết đã chốt lại vấn đề bằng cách sử dụng phép lập luận tổng hợp sau khi đã chỉ ra một số biểu hiện của “Những quy tắc ngầm” về trang phục: “Thế mới biết trang phục hợp văn hóa, hợp đạo đức, hợp môi trường mới là trang phục đẹp”. 
  • Lập luận tổng hợp thường được đặt ở vị trí cuối bài, phần kết luận của một phần hay toàn bộ văn bản.

3. Phép phân tích và tổng hợp có tác dụng gì?

Phép phân tích và tổng hợp có các tác dụng chính:

  • Giúp người nghe, người đọc hiểu rõ hơn hơn về các khía cạnh, hành động, suy nghĩ, tâm trạng của đối tượng được nhắc tới trong từng hoàn cảnh cụ thể.
  • Giúp người nghe, người đọc tổng hợp được những ý chính từ các điều được phân tích 
  • Giúp chúng ta tìm hiểu được những ý chính mà đề bài yêu cầu.
  • Chỉ ra được những yếu tố lợi – hại, đúng – sai,… về vấn đề được nói tới. Từ đó giúp chúng ta có kết luận đúng nhất

 

II. Giải bài tập phép phân tích và tổng hợp – SGK Ngữ văn 9 | Tập 2

Câu 1 | Trang 10 SGK Ngữ văn 9 | Tập 2

Trả lời: 

Để có thể làm sáng tỏ luận điểm: ‘Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách rốt cuộc là một con đường quan trọng của học vấn’, tác giả bài viết đã phân tích như sau:

  • Nêu ra luận điểm cơ bản để làm tiền đề cho lập luận: “Học vấn là của nhân loại. Sách là nơi ghi chép và lưu truyền học vấn, kho báu di sản tinh thần của nhân loại”.
  • Đưa ra giả thiết của mình: “Muốn tiến lên phía trước phải đọc sách để chiếm lĩnh thành tựu nhân loại đã đạt trong quá khứ”.
  • Đưa ra giả thiết của mình: “Không đọc sách là xóa bỏ thành tựu nhân loại đã đạt được trong quá khứ, sẽ lùi điểm xuất phát hàng nghìn năm”.

=> Từ việc nêu ra luận điểm cơ bản để làm tiền đề cho lập luận và hai giả thiết trên, tác giả đã đi đến kết luận: Cần phải đọc sách, đọc sách chính là sự chuẩn bị để bước trên con đường học vấn. Và kết luận này đã được trình bày trong đoạn tiếp đó.

Câu 2 | Trang 10 SGK Ngữ văn 9 | Tập 2

Trả lời:

Tác giả đã phân tích các lý do khi đọc cần phải chọn sách như sau:

  • “Sách nhiều khiến người ta không chuyên sâu, chọn sách mà đọc kỹ, vừa đọc vừa nghiền ngẫm mới có tác dụng.”|
  • “Sách nhiều dễ bị lạc hướng. Chọn sách quan trọng, cơ bản để đọc, không cần đọc nhiều.”|

Câu 3 | Trang 10 SGK Ngữ văn 9 | Tập 2

Trả lời:

Tác giả bài viết đã phân tích tầm quan trọng của cách đọc sách là:

  • “Đọc sách không cần nhiều. Quan trọng nhất là chọn cho tinh, đọc cho kỹ.”
  • “Đọc 10 quyển sách không quan trọng bằng đọc kỹ một quyển sách quan trọng.”
  • “Đọc ít mà kỹ sẽ tạo thành nếp suy nghĩ sâu xa, tích lũy dần dần tri thức.”
  • “Đọc sách không phải để trang trí bộ mặt như kẻ trọc phú khoe của. Đó là cách đọc sách tự lừa dối mình, thể hiện phẩm chất tầm thường thấp kém”.
  • “Phải đọc cả hai loại sách: Sách thường thức và sách chuyên môn. Không nên coi thường sách thường thức vì nó tạo nên nền văn hóa rộng cho chuyên môn sâu. Có như thế, mới có tri thức vững”.

Câu 4 | Trang 10 SGK Ngữ văn 9 | Tập 2

Trả lời:

Qua phần trả lời các câu hỏi trên, em hiểu rằng phân tích có vai trò quan trọng trong việc trình bày các khía cạnh khác nhau của một sự vật, một vấn đề. 

Ví dụ như bàn về đọc sách là chúng ta sẽ bàn về tầm quan trọng của việc đọc sách với tích lũy học vấn; là bàn về việc lựa chọn sách để đọc trong tình trạng số lượng sách quá nhiều; là bàn về cách đọc sách như thế nào để mang lại hiệu quả thiết thực. Có như vậy, người đọc sẽ hiểu rõ được nội dung của của sự vật, vấn đề. 

 

Trên đây là bài viết Soạn bài phép phân tích và tổng hợp bao gồm kiến thức lý thuyết cần nắm và giải bài tập về phép phân tích và tổng hợp đã được HOCMAI gửi tới các em học sinh. Các em hãy tham khảo kỹ bài viết và luyện tập thường xuyên để có thể nắm chắc và đạt được kết quả cao của phần kiến thức này nhé.