Nhằm cung cấp cho các bạn học sinh có thêm tài liệu tự học hiệu quả môn Ngữ Văn 9, trong bài viết này, cùng HOCMAI soạn bài Sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh.
Tham khảo thêm:
Soạn bài Sự phát triển của từ vựng
Soạn bài miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự
I. Cách sử dụng các biện pháp nghệ thuật trong bài văn thuộc thể loại văn thuyết minh
1. Khái niệm văn thuyết minh
Văn thuyết minh là dạng văn bản thông dụng, được vận dụng phổ biến trong mọi lĩnh vực đời sống. Trong đó:
– Đặc điểm về nội dung văn bản thuyết minh là cung cấp tri thức về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội. Các tri thức được cung cấp đều là những tri thức khách quan, xác thực, phổ thông, hữu ích trong cuộc sống.
– Phương thức sử dụng chủ yếu là phương thức trình bày, giới thiệu, giải thích.
– Mục đích văn thuyết minh là cung cấp cho người đọc vốn kiến thức về các hiện tượng và sự vật được đề cập.
– Các phương pháp thuyết minh phổ biến:
- Nêu định nghĩa, giải thích
- Liệt kê, phân tích
- Nêu ví dụ, dùng số liệu
2. Ví dụ văn bản thuyết minh có sử dụng một số biện pháp nghệ thuật
Câu hỏi (SGK Ngữ văn 9 tập 1, trang 12)
Đọc văn bản “Hạ Long – Đá và nước” và trả lời các ý sau:
- Đối tượng văn bản thuyết minh nhắc đến là gì?
- Đối tượng có các thông tin khách quan hay không?
- Phương pháp thuyết minh được sử dụng chủ yếu?
- Biện pháp nghệ thuật giúp tăng phần sinh động cho văn bản là gì?
Hướng dẫn giải:
– Đối tượng chính của văn bản thuyết minh đã cho: vẻ đẹp, sự kỳ lạ, huyền diệu của đá và nước ở Hạ Long
– Đặc điểm của đối tượng thuyết minh: là một di sản văn hóa thế giới, trừu tượng, không thể đo đếm, liệt kê chi tiết
– Phương pháp thuyết minh được sử dụng
- Phương pháp nêu định nghĩa:
- Phương pháp giải thích: “Nước tạo nên sự di chuyển”.
- Phương pháp liệt kê: “có thể thả trôi,… có thể thong thả,… có thể bơi nhanh…”, “lúc tiến,..lúc lùi,…quanh co,..”
– Câu văn nêu khái quát sự kì lạ của Hạ Long: “Chính Nước làm cho Đá sống dậy, làm cho Đá vốn bất động và vô tri … có tâm hồn”
Biện pháp nghệ thuật được sử dụng để tăng phần sinh động cho văn bản là:
– Biện pháp nghệ thuật liên tưởng, tưởng tượng giúp gợi lên thế giới diệu kỳ của thiên nhiên nơi Hạ Long:
- Sự thú vị của cảnh sắc được tạo nên nhờ vào sự di chuyển của nước
- Thiên nhiên sống động và biến hóa kỳ diệu dựa theo góc độ, tốc độ di chuyển của khách và theo hướng ánh sáng soi rọi vào đảo đá
– Biện pháp nhân hóa:
- Đá được miêu tả bằng những đặc điểm của người, trở thành một nhân vật có tri giác, có tâm hồn: nhí nhảnh, già đi, trẻ lại, tinh nghịch, buồn, vui
- Đá được miêu tả với thập loại chúng sinh, hoạt động, sinh hoạt như một con người thực sự: đi lại, tụ lại cùng nhau, tụ họp, bậc tiên ông không tuổi
⇒ Lưu ý rút ra sau văn bản:
– Cần vận dụng biện pháp nghệ thuật linh hoạt như kể chuyện, tự thuật, đối thoại,… để văn bản thuyết minh tăng thêm phần sinh động, hấp dẫn
– Để làm nổi bật các đặc điểm của đối tượng thuyết minh, cần vận dụng các biện pháp nghệ thuật sao cho phù hợp, góp phần khơi gợi, tạo hứng thú cho người đọc.
II. Soạn bài sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh: Phần luyện tập
Câu hỏi 1 (SGK Ngữ Văn 9 tập 1, trang 13)
Đọc văn bản “Ngọc Hoàng xử tội ruồi xanh” (SGK trang 13) và trả lời câu hỏi sau:
a, Xác định tính chất thuyết minh có trong văn bản hay không? Chứng minh? Phương pháp thuyết minh có trong bài?
b, Nét đặc biệt của văn bản trên? Biện pháp nghệ thuật có trong bài?
c, Tác dụng của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng?
Hướng dẫn giải:
a, Tính chất thuyết minh của văn bản được thể hiện qua các chi tiết sau:
– Giới thiệu hệ thống của loài ruồi:
- Đặc điểm về giống loài ruồi: thuộc họ côn trùng hai cánh, mắt lưới, gồm các loại ruồi trâu, ruồi giấm
- Các tập tính của loài ruồi nói chung: chúng sinh đẻ, sống ở những nơi dơ bẩn
– Cung cấp những kiến thức, lời khuyên đến con người: giữ gìn vệ sinh, đậy thức ăn, làm vệ sinh môi trường, xây dựng chuồng trại theo lối mới.
Phương pháp thuyết minh được sử dụng bao gồm:
– Phương pháp nêu định nghĩa: “thuộc họ côn trùng, hai cánh, mắt lưới”
– Phương pháp phân loại: “họ hàng gồm Ruồi trâu, Ruồi vàng, Ruồi giấm,..”
– Phương pháp áp dụng số liệu: 6 triệu vi khuẩn, 28 triệu vi khuẩn, 19 triệu tỷ con ruồi
– Phương pháp liệt kê: “nhà vệ sinh, chuồng lợn,… quán vỉa hè,..”, “bệnh tả, kiết lị,…”, “mắt ruồi,… một mắt chứa,…
b, Điểm làm nên sự đặc biệt của văn bản trên là:
– Về hình thức: tương tự như văn bản hành chính công vụ (cụ thể là văn bản pháp luật – định tội)
– Về nội dung: thuyết minh để làm rõ đặc tính của loài ruồi
– Phép nghệ thuật sử dụng:
- Biện pháp nghệ thuật nhân hóa: loài ruồi bị đặt vào một phiên tòa xử kiện với vị trí bị cáo, có những quyền lợi của một bị cáo, được phép đưa ra lời biện hộ cho chính mình trong phiên tòa
- Phép liệt kê: “nhà vệ sinh, chuồng lợn,… quán vỉa hè,..”, “bệnh tả, kiết lị,…”, “mắt ruồi,… một mắt chứa,…
c, Tác dụng của các phép nghệ thuật là gây hứng thú cho người đọc, đặc biệt là các bạn đọc nhỏ tuổi. Đây có thể vừa là câu chuyện vui, vừa giúp gián tiếp cung cấp kiến thức về sinh học và cách áp dụng vào đời sống.
Câu hỏi 2 (SGK Ngữ Văn 9 tập 1, trang 15)
Đọc đoạn văn ngắn (SGK trang 15) và nhận xét biện pháp nghệ thuật được sử dụng để thuyết minh là gì?
Hướng dẫn giải:
– Biện pháp nghệ thuật sử dụng là nghệ thuật kể chuyện: tác giả đã kể lại câu chuyện ngày bé khi nghe bà kể về chim cú rằng: “chim cú kêu là có ma tới”. Về sau học môn Sinh vật mới biết đến những lợi ích của loài cú và lý do tiếng cú thường vọng từ bãi tha ma.
⇒ Kết hợp cùng phương pháp giải thích, giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được đối tượng thuyết minh
Trên đây là Soạn bài Sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh. Hy vọng bài soạn của HOCMAI đã cung cấp đến các bạn học sinh lời giải chi tiết về các câu hỏi có trong bài học. Chúc các bạn học tập thật tốt!