Soạn bài Trau dồi vốn từ – Soạn văn 9

0
750
trau-doi-von-tu

Để giúp đỡ các bạn trong quá trình chinh phục phần Tiếng Việt trong chương trình Ngữ Văn 9, HOCMAI sẽ cung cấp cho các bạn những gợi ý tham khảo. Các bạn có thể theo dõi bài soạn Trau dồi vốn từ trong bài viết dưới đây!

 

Tham khảo thêm:

Soạn bài Cố Hương

Soạn bài Thuật ngữ

Soạn bài Sự phát triển của từ vựng

 

I. Rèn luyện để nắm vững nghĩa của từ và cách dùng từ

Câu hỏi 1 (SGK Ngữ văn 9 Tập 1, trang 99)

Hướng dẫn giải:

Qua ý kiến trên, em hiểu tác giả muốn gửi gắm đến chúng ta:

– Tiếng Việt là ngôn ngữ rất giàu đẹp, có khả năng diễn đạt tư tưởng và tình cảm của người Việt.

– Muốn phát huy hết khả năng của tiếng việt, chúng ta phải không ngừng trau dồi ngôn ngữ của mình mà trước hết là trau dồi vốn từ.

Câu hỏi 2 (SGK Ngữ văn 9 Tập 1, trang 100)

Hướng dẫn giải:

Các lỗi diễn đạt trong câu:

a, Câu văn thừa từ “đẹp” bởi vì thắng cảnh có nghĩa là cảnh đẹp.

→ Sửa lại: Bỏ từ “đẹp” hoặc thay thế “thắng cảnh đẹp” bằng từ “cảnh đẹp”.

b, Câu văn sử dụng sai từ “dự đoán” vì dự đoán có nghĩa là đoán trước tình hình, sự việc nào đó có thể xảy ra trong tương lai mà nội dung câu văn đang nói về quá khứ.

→ Sửa lại: Thay từ “dự đoán” bằng “ước đoán” hoặc “phỏng đoán”, “ước tính” có ý nghĩa là đoán chừng không lấy gì làm chắc chắn.

c, Câu văn sử dụng sai từ “đẩy mạnh” vì đẩy mạnh có nghĩa là thúc đẩy cho sự phát triển nhanh hơn mà câu văn đang nói đến quy mô là nói đến sự to lớn, rộng ra.

→ Sửa lại: Thay từ “đẩy mạnh” bằng “mở rộng” với ý nghĩa làm cho phạm vi quy mô rộng hơn, lớn hơn trước.

Những lỗi này xảy ra do người viết không biết chính xác nghĩa của từ và các dùng từ mà mình sử dụng. Vì vậy, để “biết dùng tiếng ta” chúng ta cần phải:

– Rèn luyện để hiểu đầy đủ và chính xác nghĩa của từ trong những văn cảnh cụ thể để sử dụng từ đúng.

– Rèn luyện để biết dùng từ cho đúng nghĩa và phù hợp với văn cảnh để sử dụng từ hay.

 

II. Soạn bài trau dồi vốn từ: Phần rèn luyện để làm tăng vốn từ

Câu hỏi (SGK Ngữ văn 9 Tập 1, trang 100)

Hướng dẫn giải:

Sau khi đọc đoạn văn trên, em hiểu ý kiến của tác giả Tô Hoài là đại thi hào Nguyễn Du trau dồi vốn từ bằng cách học lời ăn tiếng nói của nhân dân. Nguyễn Du học để biết thêm những từ ngữ mà mình chưa biết, làm giàu thêm vốn từ.

 

III. Soạn bài trau dồi vốn từ: phần luyện tập trau dồi vốn từ

Câu hỏi 1 (SGK Ngữ văn 9 Tập 1, trang 101)

Hướng dẫn giải:

a, Hậu quả là: (b) kết quả xấu.

b, Đoạt là: (a) chiếm được phần thắng.

c, Tinh tú là: (b) sao trên trời (nói khái quát).

Câu hỏi 2 (SGK Ngữ văn 9 Tập 1, trang 101)

Hướng dẫn giải:

a, Từ “tuyệt”

  1. “Tuyệt” mang ý nghĩa là dứt, không còn gì

– Tuyệt chủng: mát hẳn nòi giống.

– Tuyệt giao: cắt đứt giao thiệp.

– Tuyệt tự: không có người nối dõi.

– Tuyệt thực: nhịn đói, không chịu ăn để phản đối một điều gì đó.

  1. “Tuyệt” mang ý nghĩa là cực kì, nhất.

– Tuyệt đỉnh: đỉnh cao nhất, mức độ cao nhất.

– Tuyệt mật: bí mật tuyệt đối.

– Tuyệt tác: tác phẩm nghệ thuật đạt tới đỉnh cao.

– Tuyệt trần: xinh đẹp nhất, không có gì sánh nổi.

b, Từ “đồng”

  1. “Đồng” mang ý nghĩa là trẻ em

– Đồng ấu: trẻ nhỏ khoảng 6 đến 7 tuổi.

– Đồng dao: bài hát dân ca dành cho trẻ nhỏ.

– Đồng thoại: câu truyện viết cho trẻ em.

  1. “Đồng” mang ý nghĩa là một chất

– Trống đồng: một loại nhạc cụ khí gõ, đúc từ chất liệu đồng và trên bề mặt có hoa văn trang trí.

  1. “Đồng” mang ý nghĩa là cùng nhau, giống nhau.

– Đồng bào: chỉ những người cùng một giống nòi.

– Đồng khởi: nhiều người cùng đứng lên khởi nghĩa, dùng bạo lực để giải phóng khỏi áp bức.

 

Câu hỏi 3 (SGK Ngữ văn 9 Tập 1, trang 102)

Hướng dẫn giải:

a, Dùng sai từ “im lặng” vì “im lặng” dùng để chỉ trạng thái của con người.

→ Sửa lỗi: Thay thế từ “im lặng” bằng từ “yên tĩnh” hoặc “vắng lặng” dùng để chỉ trạng thái của sự vật.

b, Dùng sai từ “thành lập” vì “thành lập” dùng để chỉ việc xây dựng, lập nên một tổ chức như nhà nước, doanh nghiệp,…

→ Sửa lỗi: Thay thế từ “ thành lập” bằng từ “thiết lập” với ý nghĩa là dựng nên mối quan hệ với bên ngoài.

c, Dùng sai từ “cảm xúc” vì “cảm xúc” được dùng như một danh từ hoặc động từ, không sử dụng như một tính từ.

→ Sửa lỗi: Thay thế từ “cảm xúc” bằng tính từ như “cảm động”, “xúc động” hoặc “cảm phục”. 

 

Câu hỏi 4 (SGK Ngữ văn 9 Tập 1, trang 102)

Hướng dẫn giải:

Nhà thơ Chế Lan Viên muốn khẳng định rằng: Tiếng Việt là ngôn ngữ phong phú, giàu đẹp và trong sáng. Vẻ đẹp của tiếng Việt có thể tìm thấy ngay trong lời ăn tiếng nói của người nông dân. Thời đại mới, khoa học kỹ thuật có thể thay cho kinh nghiệm cổ truyền nhưng vẻ đẹp của tục ngữ, ca dao thì còn mãi. Để gìn giữ sự trong sáng, giàu có của tiếng Việt, chúng ta cần phải trau dồi vốn từ.

 

Câu hỏi 5 (SGK Ngữ văn 9 Tập 1, trang 103)

Hướng dẫn giải:

Một số cách làm tăng vốn từ:

– Lắng nghe cách nói của những người xung quanh để học tập những cách nói hay.

– Đọc sách, báo (thời sự, khoa học, văn học,…)

– Ghi chép các từ ngữ mới, tìm hiểu nghĩa của nó qua từ điển hoặc thầy, cô giáo.

– Tập sử dụng các từ ngữ mới trong các hoàn cảnh giao tiếp thích hợp.

 

Câu hỏi 6 (SGK Ngữ văn 9 Tập 1, trang 103)

Hướng dẫn giải:

a, Điểm yếu

b, Viện trợ

c, Đề xuất

d, Láu táu

e, Hoảng loạn

 

Câu hỏi 7 (SGK Ngữ văn 9 Tập 1, trang 103)

Hướng dẫn giải:

Phân biệt nghĩa của từ và đặt câu

a, Nhuận bút/Thù lao

– Nhuận bút là tiền trả cho người viết một tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học,… đã được xuất bản.

→ Đặt câu: Chị Hoa đã nhận được tiền nhuận bút cho mẩu truyện cười trên Báo Hoa học trò.

– Thù lao mang ý nghĩa rộng hơn “nhuận bút”, là tiền trả cho người lao động đã bỏ ra sức lao động.

→ Đặt câu: Tiền thù lao của nhân viên làm việc dịp lễ tết được tăng gấp đôi.

b, Tay trắng/Trắng tay

– Tay trắng là không có tiền bạc, của cải, vốn liềng gì hết.

→ Đặt câu: Với tấm lòng yêu nước sâu sắc, Bác Hồ quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước với đôi bàn tay trắng.

– Trắng tay là đã từng có của cải, tiền bạc nhưng đã mất hết, không còn gì.

→ Đặt câu: Nếu bạn cứ tiêu tiền phung phí thì sẽ có ngày trắng tay.

c, Kiểm điểm/Kiểm kê

– Kiểm điểm là xem xét và đánh giá từng công việc đã thực hiện để đưa ra nhận định chung.

→ Đặt câu: Học sinh được yêu cầu viết bản tự kiểm điểm khi kết thúc học kỳ I.

– Kiểm kê là xem xét và kiểm tra lại từng sự vật để xác định chính xác về số lượng và chất lượng.

→ Đặt câu: Trước kỳ nghỉ hè, lớp trưởng phải kiểm kê lại tài sản lớp để bàn giao lại cho nhà trường.

d, Lược thảo/Lược thuật

– Lược thảo là nghiên cứu những vấn đề chính một cách khái quát và không đi vào nghiên cứu chi tiết.

→ Đặt câu: Các nhà khảo cổ học đã lược thảo về văn hóa Ai Cập cổ đại.

– Lược thuật là kể lại, trình bày một cách ngắn gọn, tóm tắt.

→ Đặt câu: Giáo viên Ngữ văn lược thuật quá trình phát triển của văn học Việt Nam trước khi phân tích nền văn học giai đoạn từ thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX.

 

Câu hỏi 8 (SGK Ngữ văn 9 Tập 1, trang 104)

Hướng dẫn giải:

a, Năm từ ghép giống nhau nhưng trật tự khác nhau: ngợi ca – ca ngợi, tranh đấu – đấu tranh, cực khổ – khổ cực, đảm bảo – bảo đảm, thương xót – xót thương, thương đau – đau thương.

b, Năm từ láy giống nhau nhưng trật tự khác nhau: thiết tha – tha thiết, hiu hắt – hắt hiu, hững hờ – hờ hững, bộn bề – bề bộn, khát khao – khao khát.

 

Câu hỏi 9 (SGK Ngữ văn 9 Tập 1, trang 104)

Hướng dẫn giải:

– Bất mang ý nghĩa là không, chẳng: bất hòa, bất bại.

– Bí mang ý nghĩa là kín: bí ẩn, bí mật.

– Đa mang ý nghĩa là nhiều: đa chiều, đa tình.

– Đề mang ý nghĩa là nâng, nêu ra: đề cử, đề bạt.

– Gia mang ý nghĩa là thêm vào: gia nhập, gia hạn.

– Giáo mang ý nghĩa là dạy bảo: giáo điều, giáo dục.

– Hồi mang ý nghĩa là về, trở lại: hồi hương, hồi quy.

– Khai mang ý nghĩa là mở, khơi: khai trương, khai sáng.

– Quảng mang ý nghĩa là rộng, rộng rãi: quảng trường, quảng bá.

– Suy mang ý nghĩa là sút kém: suy yếu, suy giảm.

– Thuần mang ý nghĩa là ròng, không pha tạp: thuần chủng, thuần túy.

– Thủ mang ý nghĩa là đầu, đầu tiên, người đứng đầu: thủ phủ, thủ tướng.

– Thuần mang ý nghĩa là chân thật, chân chất: thuần hậu, thuần phong.

– Thủy mang ý nghĩa là nước: thủy cung, thủy triều.

– Tư mang ý nghĩa là riêng: tư trang, tư cách.

– Trữ mang ý nghĩa là chứa, cất: dự trữ, lưu trữ.

– Trường mang ý nghĩa là dài: trường kỳ, trường giang.

– Trọng mang ý nghĩa là nặng, coi nặng, coi là quý: trọng tình, trân trọng.

– Vô mang ý nghĩa là không: vô cảm, vô tư.

– Xuất mang ý nghĩa là đưa ra, cho ra: xuất bản, đề xuất.

– Yếu mang ý nghĩa là quan trọng: yếu lược, trọng yếu.

Trên đây là Soạn bài Trau dồi vốn từ được HOCMAI tổng hợp. Các bạn hãy theo dõi chuỗi bài hướng dẫn Soạn văn 9 để quá trình học tập và ôn thi trở nên dễ dàng hơn. Chúc các bạn học sinh đạt kết quả tốt trên hành trình chinh phục môn Ngữ Văn.