Soạn bài Sự phát triển của từ vựng

0
2777
soan-bai-su-phat-trien-cua-tu-vung

Nhằm cung cấp, bổ sung các gợi ý tham khảo, hướng dẫn giúp ích cho quá trình học phần Tiếng Việt trong chương trình Ngữ Văn 9, các bạn học sinh có thể theo dõi bài soạn Sự phát triển của từ vựng trong bài viết dưới đây!

 

Tham khảo thêm:

Soạn bài Luyện tập tóm tắt tác phẩm tự sự

Soạn bài Cố Hương

Soạn bài Thuật ngữ

 

I. Sự biến đổi và phát triển nghĩa của từ ngữ

Câu hỏi 1 (SGK Ngữ Văn 9 tập 1, trang 55)

Bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” của Phan Bội Châu có câu Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế

  • Từ kinh tế trong câu thơ này có nghĩa gì? 
  • Hiện nay, mọi người có hiểu theo nghĩa mà nhà thơ Phan Bội Châu đã dùng không?
  • Rút ra nhận xét gì về nghĩa của từ? 

Gợi ý: Nhớ lại chú thích trong sách giáo khoa khi học bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” để làm bài.

Hướng dẫn giải:

– Từ “kinh tế” trong câu thơ “Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế” có nghĩa là cách nói rút ngắn của cụm từ “kinh bang tế thế”, thể hiện những trăn trở của cụ Phan Bội Châu trước vấn đề trị nước cứu đời.

– Vào đầu thế kỉ XX, khi đất nước trong hoàn cảnh hoạn lạc, cụ Phan Bội Châu đã suy nghĩ, nung nấu ý định cứu nước, làm người đi đầu trong việc lo nước, cứu đời.

– Ngày nay, mọi người không hiểu từ “kinh tế” theo như nghĩa mà cụ Phan Bội Châu đã lý giải. 

– “Kinh tế” thời nay có ý chỉ một lĩnh vực xã hội trong đời sống. Nó bao gồm các hoạt động sản xuất, lao động, trao đổi, phân phối và sử dụng sản phẩm cùng của cải vật chất.

⇒ Từ ví dụ trên, ta có thể thấy nghĩa của từ ngữ là không cố định. Nghĩa của từ có thể biến đổi, phát triển theo dòng thời gian. Nó có thể thêm hoặc bớt về mặt ngữ nghĩa, thậm chí được thêm vào những ý nghĩa mới, hoàn toàn khác biệt so với nghĩa cũ.

 

Câu hỏi 2 (SGK Ngữ Văn 9 tập 1, trang 55 – 56)

Đọc các câu thơ trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Thực hiện các yêu cầu sau:

  • Tra từ điển Tiếng Việt để biết nghĩa từ xuân, từ tay trong tác phẩm “Truyện Kiều”
  • Nghĩa nào là nghĩa gốc, nghĩa nào là nghĩa chuyển
  • Trường hợp có nghĩa chuyển, nghĩa chuyển này được hình thành theo phương thức chuyển nghĩa nào?

Gợi ý: Chú ý tới ý nghĩa của hai từ “xuân”, từ “tay” trong từ điển và nghĩa hai từ này trong ý nghĩa, hoàn cảnh của câu thơ. 

Hướng dẫn giải:

a,

– Nghĩa gốc của từ “xuân” trong từ điển: Đây là mùa đầu tiên, báo hiệu sự khởi đầu của năm mới. Mùa xuân chuyển tiếp giữa mùa đông với mùa hạ, là mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, vạn vật sinh trưởng. 

– Nghĩa chuyển của từ “xuân” là thời tuổi trẻ, là khoảng thời gian trẻ trung, đẹp đẽ của con người.

– Đoạn trích (1) sử dụng nghĩa gốc của từ xuân. Chơi xuân là tận hưởng không khí mùa xuân, cũng là cách nói chỉ hai chị em Thúy Vân, Thúy Kiều sắm sửa đi chơi ngày hội mùa xuân. 

– Đoạn trích (2) sử dụng nghĩa chuyển của từ xuân. Ngày xuân trong câu thơ này ám chỉ tuổi trẻ của Thúy Vân, là khoảng thời gian trẻ trung xinh đẹp của cô con giữa nhà họ Vương. Thúy Kiều nói về tuổi xuân của Thúy Vân để nhờ em thay mình thực hiện lời hứa với Kim Trọng. 

⇒ Phương thức chuyển nghĩa trong đoạn trích (2) là phương thức ẩn dụ. Do bản thân xuân trong nghĩa gốc và xuân trong nghĩa chuyển đều có nét tương đồng, tức là chỉ những gì đẹp nhất trong năm, hay đời con người, hay khoảng thời gian mọi thứ đều phát triển, đâm chồi nảy lộc.

b,

– Nghĩa gốc của từ “tay” trong từ điển: Đây là bộ phận trên cơ thể, là hai trong bốn chi của con người. Tay được tính từ phía vai, bắp tay, khuỷu tay tới các ngón tay, được sử dụng để cầm nắm vật dụng.  

– Nghĩa chuyển của từ “tay” là một người giỏi ở một chuyên ngành, một lĩnh vực nào đó.

– Đoạn trích (1) sử dụng nghĩa gốc của từ tay. Cảnh trong câu thơ này ý chỉ Thúy Kiều đang trao tín vật mà nàng đã hứa với Kim Trọng tận tay cho em gái Thúy Vân, để Thúy Vân hoàn thành lời hứa của mình. 

– Đoạn trích (2) sử dụng nghĩa chuyển của từ tay. Tay buôn người ý chỉ Mã Giám Sinh là người chuyên bắt con gái nhà nghèo, mua về làm gái mại dâm. 

⇒ Phương thức chuyển nghĩa trong đoạn trích (2) là phương thức hoán dụ. Trong đoạn trích này, Nguyễn Du đã lấy cái bộ phận chỉ cái toàn thể. Hình ảnh “tay” không chỉ bộ phận thân thể mà chỉ người rất giỏi trong lĩnh vực nào đó, trong đoạn thơ này chỉ Mã Giám Sinh đã quen mùi làm trò đồi bại: bắt con gái về bán cho Tú Bà ở lầu xanh.

Ngày xuân trong câu thơ này ám chỉ tuổi trẻ của Thúy Vân, là khoảng thời gian trẻ trung xinh đẹp của cô con giữa nhà họ Vương. Thúy Kiều nói về tuổi xuân của Thúy Vân để nhờ em thay mình thực hiện lời hứa với Kim Trọng. 

 

II. Soạn bài sự phát triển của tự vựng: Tạo từ mới

Câu hỏi 1 (SGK Ngữ Văn 9 tập 1, trang 72)

Thời gian gần đây đã có những từ mới nào được hình thành từ các từ: Điện thoại, sở hữu, tri thức, trí tuệ, kinh tế, đặc khu, di động? 

Giải thích nghĩa của từ.

Gợi ý: Có thể tham khảo ví dụ sau: điện thoại di động, sở hữu trí tuệ.

Hướng dẫn giải:

Các từ mới được kết hợp từ những từ ngữ được nêu trong bài là:

– Điện thoại di động 

– Sở hữu trí tuệ 

– Đặc khu kinh tế

– Kinh tế tri thức 

Nghĩa của các từ mới trên: 

– Điện thoại di động: Là di động đời mới, không cần dây nghe. Những cuộc nghe gọi, thao tác được diễn ra nhờ tần số sóng của các nhà mạng. 

– Sở hữu trí tuệ: Là tài sản về mặt thông tin của các doanh nghiệp, cá nhân. Đây là quyền sở hữu về mặt trí tuệ các sản phẩm, dịch vụ của tổ chức và cá nhân. 

– Đặc khu kinh tế: Là khu vực trọng điểm kinh tế của một khu vực, chuyên dùng để thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài

– Kinh tế tri thức: Là nền kinh tế có mức độ tri thức cao

 

Câu hỏi 2 (SGK Ngữ Văn 9 tập 1, trang 73)

Trong tiếng Việt có từ cấu tạo theo mô hình x + tặc. Tìm ra những từ mới có cấu tạo theo mô hình trên.

Hướng dẫn giải:

– Các từ tuân theo mô hình x + tặc bao gồm: hải tặc, đạo tặc, lâm tặc, ngư tặc, cát tặc, tin tặc, ….

– Từ “tặc” phía sau mô hình “x + tặc” thể hiện nghĩa xấu: những người chuyên làm việc xấu, đánh cắp những thứ liên quan tới sự vật đứng phía trước trong từ. 

Ví dụ: 

– Tin tặc: người sử dụng kĩ thuật và công nghệ thông tin, đột nhập trái phép vào mạng lưới thông tin công nghệ của một cá nhân/tổ chức với mục đích khai thác, phá hoại.

– Lâm tặc: người cướp đi tài nguyên rừng như khai thác gỗ, săn bắt động vật trái phép,…

– Cát tặc: người chuyên đi khai thác cát tại các bờ sông trái pháp luật.

 

III. Mượn từ ngữ của tiếng nước ngoài

Câu hỏi 1 (SGK Ngữ Văn 9 tập 1, trang 73)

Đọc hai đoạn trích và tìm ra từ Hán Việt trong đó.

a, Đoạn trích “Cảnh ngày xuân”, trích tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du

b, Đoạn trích tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ

Hướng dẫn giải:

a, Các từ Hán Việt được sử dụng trong đoạn trích (a) là: 

– Thanh minh, tiết lễ, tảo mộ

– Hội, đạp thanh, yến anh

– Bộ hành, tài tử, giai nhân

b, Các từ Hán Việt được sử dụng trong đoạn trích (b) là:

– Bạc mệnh, duyên, phận, thần linh

– Chứng giám, thiếp

– Đoan trang, trinh bạch, tiết

Câu hỏi 2 (SGK Ngữ Văn 9 tập 1, trang 73)

Trong tiếng Việt, có từ nào dùng để mô tả các định nghĩa sau: 

a, Bệnh gây mất khả năng miễn dịch, gây tử vong

b, Nghiên cứu hệ thống những điều kiện thuận lợi, khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm

Hướng dẫn giải:

a, Bệnh gây mất khả năng miễn dịch, gây tử vong

– Từ dùng để chỉ căn bệnh làm suy giảm miễn dịch, thậm chí gây tử vong là bệnh AIDS, hay còn gọi là HIV. 

– HIV / AIDS là viết tắt Tiếng Anh, tên đầy đủ của căn bệnh là Human Immuno-deficiency Virus / Acquired Immuno Deficiency Syndrome. Dịch nghĩa tiếng Việt là Người mắc phải Virus gây suy giảm miễn dịch / Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải.

b, Nghiên cứu hệ thống những điều kiện thuận lợi, khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm

– Từ dùng để chỉ những nghiên cứu chuyên môn nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa là Marketing.

–  Marketing là từ mượn tiếng Anh, dùng để chỉ những hoạt động tiếp thị nhằm thúc đẩy lượng hàng hóa bán ra, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

 

IV. Soạn bài sự phát triển của từ vựng: Phần luyện tập 

Câu hỏi 1 (SGK Ngữ Văn 9 tập 1, trang 57)

Xác định nghĩa của từ “chân” trong các câu và lựa chọn: 

  • Trong câu nào, từ chân được dùng với nghĩa gốc
  • Trong câu nào, từ chân được dùng với nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ
  • Trong câu nào, từ chân được dùng với nghĩa chuyển theo phương thức hoán dụ

Hướng dẫn giải:

a, Với câu thơ trích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, từ chân được dùng với nghĩa gốc, chỉ bộ phận cơ thể người. 

b, 

– Với câu nói trong phần (b), từ chân được dùng với nghĩa chuyển theo phương thức hoán dụ. 

– Từ “chân” có nghĩa là bộ phận cơ thể người, nhưng trong câu này “chân” chỉ suất đi thi, là cơ hội được tham dự thi Hội khỏe Phù Đổng”. Hai sự vật không liên quan và tương đồng với nhau, do vậy được coi là phương thức hoán dụ. 

c, 

– Câu ca dao có nhắc tới “kiềng ba chân”, từ chân trong này được dùng với nghĩa chuyển, chỉ ba phần đế chắc chắn của cái kiềng, vốn được dùng trong nhà bếp. 

– Từ “chân” này được dùng theo phương thức ẩn dụ, do nghĩa gốc và nghĩa chuyển này có nét tương đồng là bộ phận tiếp giáp giúp giữ thăng bằng trên mặt đất. 

d, 

– Câu thơ trích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có dùng từ chân với nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ. 

– Từ chân được hiểu là phần tiếp giáp của mây với mặt đất, có nét tương đồng với nghĩa gốc của từ, do vậy được coi là phương thức ẩn dụ.

Câu hỏi 2 (SGK Ngữ Văn 9 tập 1, trang 57)

Định nghĩa từ “trà” trong từ điển tiếng Việt: Trà là búp hoặc lá cây chè đã qua chế biến, sao khô để pha nước uống. 

Nêu nhận xét về nghĩa từ “trà” trong các cách dùng: trà a-ti-sô, trà tâm sen, trà linh chi, trà hà thủ ô,…

Hướng dẫn giải:

– Nghĩa từ “trà” trong các từ như trà a-ti-sô, trà tâm sen, trà linh chi, trà hà thủ ô,… đều là nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ. 

– So với nghĩa gốc được ghi trong từ điển tiếng Việt, trà trong các từ trên vẫn có nét tương đồng. Từ trà đứng trước loài thực vật nào, như a-ti-sô, tâm sen, linh chi, hà thủ ô,…; đấy sẽ là một sản phẩm nước uống được pha như trà, thay búp hoặc lá cây chè thành các loại thực vật đó. 

 

Câu hỏi 3 (SGK Ngữ Văn 9 tập 1, trang 57)

Định nghĩa từ “đồng hồ” trong từ điển tiếng Việt: Đồng hồ được coi là dụng cụ đo giờ phút một cách chính xác. 

Nêu nghĩa chuyển của từ đồng hồ qua các cách dùng: đồng hồ điện, đồng hồ nước, đồng hồ xăng,…

Hướng dẫn giải: 

– Các từ đồng hồ điện, đồng hồ nước, đồng hồ xăng được dùng với nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ. 

– Trong các từ này, đồng hồ đứng trước cho thấy đây là một dụng cụ đo mang hình dáng giống chiếc đồng hồ, và được dùng nhằm để đo chính xác sự vật đằng sau, như đo điện, đo nước, đo xăng,… 

 

Câu hỏi 4 (SGK Ngữ Văn 9 tập 1, trang 57)

Đưa ra ví dụ các từ: hội chứng, ngân hàng, sốt, vua để chứng minh đây là từ nhiều nghĩa.

Hướng dẫn giải: 

a, Hội chứng: 

– Nghĩa gốc: là các biểu hiện cùng xuất hiện của một loại bệnh tật.

– Ví dụ: Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) vốn là bệnh thế kỷ, nhưng hiện nay nhờ các phác đồ điều trị, bệnh nhân đã có hy vọng sống lâu hơn.

– Nghĩa chuyển: là các hiện tượng, vấn đề trong xã hội cùng xảy ra tại nhiều nơi.

– Ví dụ: Hội chứng sợ nghe điện thoại đang rộ lên ở lớp trẻ sống trong thời đại kỹ thuật số.

b, Ngân hàng

– Nghĩa gốc: là tổ chức thương mại, kinh tế chuyên hoạt động trong các lĩnh vực quản lý tài chính, kinh doanh các nghiệp vụ khác.

– Ví dụ: Các ngân hàng trong nước đang tiến hành giải ngân nguồn vốn lớn của Chính phủ.

– Nghĩa chuyển: là nơi lưu trữ những bộ phận, hay thành phần đơn lẻ nhằm sử dụng khi cần; hoặc là các dữ liệu liên quan tới lĩnh vực nào đó. 

– Ví dụ: Ngân hàng máu Việt Nam lên tiếng kêu gọi người dân đi hiến máu do nhu cầu nhóm máu O tăng cao. 

c, Sốt

– Nghĩa gốc: là biểu hiện tăng nhiệt cơ thể cao hơn mức thông thường, do mắc bệnh hoặc nhiễm khuẩn.

– Ví dụ: Sốt virus đang lan truyền trong cộng đồng, cần đặc biệt lưu ý phòng chống bệnh.

– Nghĩa chuyển: là trạng thái tăng mạnh về nhu cầu, khiến cho nguồn cung không đủ gây khan hiếm, tăng giá đột ngột. 

– Ví dụ: Cơn sốt đất đang quay trở lại sau khi chứng kiến thị trường bất động sản hạ nhiệt do đại dịch Covid-19 gây ra.

d, Vua

– Nghĩa gốc: là người có địa vị đứng đầu đất nước, nắm quyền lực tối cao trong việc cai trị nhân dân thời phong kiến.

– Ví dụ: Nhà Trần đã trải qua 12 đời vua, trong đó phải kể đến những vị vua nổi tiếng như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông,… 

– Nghĩa chuyển: người đứng đầu trong một lĩnh vực nào đó, ví dụ như kinh doanh, sản xuất, đầu tư, đời sống xã hội,…

– Ví dụ: Cái chết của ông vua nhạc pop Michael Jackson gây ra nỗi tiếc thương trên toàn thế giới. 

 

Câu hỏi 5 (SGK Ngữ Văn 9 tập 1, trang 57)

Đọc hai câu thơ trong bài thơ “Viếng lăng bác” của Viễn Phương. Trả lời câu hỏi: 

  • Từ “mặt trời” trong câu hai được dùng theo phép tu từ từ vựng nào?
  • Đây là hiện tượng nghĩa gốc chuyển thành nhiều nghĩa đúng hay không? Giải thích?

Hướng dẫn giải: 

– Từ “mặt trời” trong câu thơ “Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ” là một phép tu từ theo sự sáng tạo của Viễn Phương. Đây không phải là từ mặt trời nghĩa gốc biến thành nghĩa chuyển qua phương thức ẩn dụ. 

– “Mặt trời” trong câu có nghĩa là chủ tịch Hồ Chí Minh, là nguồn sáng của người dân Việt Nam, giúp nhân dân ta vượt qua tăm tối khi còn dưới ách thống trị của bè lũ thực dân tàn ác.

– Đây không phải là nghĩa gốc chuyển thành nhiều nghĩa, vì đây chỉ là trường hợp nghĩa chuyển tạm thời và có giá trị về mặt ngữ nghĩa trong câu thơ này.

Câu hỏi 1 (SGK Ngữ Văn 9 tập 1, trang 74)

Trong tiếng Việt có từ cấu tạo theo mô hình x + tặc. Tìm ra hai mô hình cũng có cấu tạo tương tự như mô hình trên.

Hướng dẫn giải:

Những từ có mô hình như mô hình x + tặc trong phần I.2:

– x + viên: dùng để chỉ những người trong một lĩnh vực cụ thể.

– Ví dụ: giáo viên, nhân viên, giảng viên, đảng viên, diễn viên, phóng viên,…

– x + sĩ: dùng để chỉ người trong một lĩnh vực cụ thể

– Ví dụ: bác sĩ, nha sĩ, ca sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ,…

– x + hóa: dùng để chỉ những thứ dần thay đổi

– Ví dụ: biến hóa, dị hóa, tha hóa, đồng hóa, tiêu chuẩn hóa, khác biệt hóa,…

Câu hỏi 2 (SGK Ngữ Văn 9 tập 1, trang 74)

Liệt kê 5 từ ngữ mới được dùng dạo gần đây. 

Giải thích nghĩa của từ đó

Hướng dẫn giải

Các từ ngữ mới được dùng trong thời gian gần đây:

– Trẻ trâu 

– Sinh trắc vân tay

– Khai báo 

– Giãn cách xã hội

– Công nghệ cao

Ý nghĩa của các từ: 

– Trẻ trâu: Chỉ những người có hành vi, cư xử như trẻ con, không người lớn.

– Sinh trắc vân tay: Là hành vi kiểm tra vân tay bằng khoa học nhằm xác định tiềm năng của một con người

– Khai báo: Là hành động trình lên cơ quan có thẩm quyền những hành vi bản thân hoặc người khác đã làm trong một khoảng thời gian theo yêu cầu

– Giãn cách xã hội: Là cách ly toàn xã hội, ai ở yên nhà nấy.

– Công nghệ cao: Là các tiến bộ công nghệ cao, được ứng dụng vào sản xuất giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Câu hỏi 3 (SGK Ngữ Văn 9 tập 1, trang 74)

Dựa trên các kiến thức đã học, hãy xác định từ mượn nào được lấy từ ngôn ngữ Hán Việt, từ mượn nào lấy từ ngôn ngữ châu Âu: mãng xà, xà phòng, biên phòng, ô tô, tham ô, tô thuế, ra-đi-ô, ô xi, cà phê, phê phán, ca nô, ca sĩ, nô lệ.

Hướng dẫn giải

– Các từ mượn từ ngôn ngữ Hán Việt bao gồm: mãng xà, biên phòng, tham ô, tô thuế, phê bình, phê phán, ca sĩ, nô lệ.

– Các từ mượn từ ngôn ngữ châu Âu: xà phòng, ô tô, ra-đi-ô, ô xi, cà phê, ca nô.

 

Câu hỏi 4 (SGK Ngữ Văn 9 tập 1, trang 57)

Nêu vắn tắt những cách phát triển từ vựng và thảo luận vấn đề: Từ vựng của một ngôn ngữ có thể thay đổi được hay không?

Hướng dẫn giải

Các cách phát triển từ vựng

– Các cách phát triển từ vựng: Phát triển về nghĩa của từ ngữ, bên cạnh đó phát triển thêm về số lượng từ. 

– Sự phát triển của từ vựng có thể diễn ra theo hai cách: Cấu tạo nên từ ngữ mới trên mô hình cũ; hoặc mượn từ ngữ của tiếng nước ngoài.

Từ vựng là ngôn ngữ có thể thay đổi do:

– Từ vựng luôn thay đổi. Do sự vật hiện tượng thay đổi không ngừng, do vậy nhận thức con người cũng không ngừng đổi mới. 

– Từ vựng do vậy cũng thay đổi để đáp ứng được sự phát triển của xã hội cũng như nhu cầu giao tiếp của con người.

– Một ví dụ điển hình, trước Covid-19, không ai biết tới khái niệm giãn cách xã hội. Nhưng sau khi đại dịch xảy ra, tất cả mọi người trên thế giới đều biết tới khái niệm này, và bắt buộc phải tuân theo nó để có thể giảm rủi ro tới các cá nhân trong xã hội tới mức tối thiểu.

 

Trên đây là Soạn bài Sự phát triển của từ vựng do HOCMAI biên soạn. Với hy vọng cho các bạn học sinh tài liệu tham khảo giúp thi và học tập hiệu quả hơn, mời các bạn tham khảo chuỗi bài hướng dẫn Soạn văn 9. Mong rằng các bạn học sinh học tập thật tốt, ôn tập hiệu quả để quá trình học tập bộ môn Ngữ Văn 9 diễn ra hiệu quả!