Bài học “thêm bạn bớt thù” mà mẹ nên dạy con

0
34629

Mỗi ngày diễn ra trong cuộc sống của con đều sẽ đưa đến cho con nhiều mối quan hệ mới từ những cái gặp mặt thoáng qua nếu con không biết cách nắm bắt. Có những người con sẽ thật sự yêu thương khi con tiếp xúc nhưng cũng có những người lại trở thành kẻ thù của con. Các mẹ hãy là người giúp con “thêm bạn bớt thù”, để xung quanh con sẽ chỉ có những mối quan hệ tốt.

Có những người nào xuất hiện bên con?

Với mỗi người, họ đều đóng một vai trò nhất định và đều mang lại những màu sắc khác nhau đến với cuộc sống của con. Có những người đáng để con dành thật nhiều tình cảm cho họ như người thân trong gia đình hay bạn thân. Có những người đáng để con trao trọn niềm tin nơi họ, người được gọi là tri kỉ, người bạn tâm giao của con. Cũng có những người mà con mang ơn họ rất nhiều như công sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ, công ơn dạy dỗ của thầy cô, sự giúp đỡ con nhận được khi gặp khó khăn.

Bên cạnh những mối quan hệ tốt, con cũng có những mối quan hệ xấu với một người con cho là đáng ghét, với người đã từng quay lưng với con, với người đã từng phản bội con. Nhưng cũng những con người này là người giúp con bạn trưởng thành hơn, cẩn trọng hơn trong các mối quan hệ. Đặc biệt, qua sự phản bội của họ mà con nên “giật mình” xem xét lại cách đối xử của con trong các mối quan hệ, thứ con nên thay đổi.

Cách giúp con “chuyển thù thành bạn”

Để giúp con xử lý tốt những mối quan hệ bên ngoài, thì ngay tại nhà, các mẹ hãy tạo cho con môi trường tốt nhất để rèn luyện nhé!

  1. Biết xin lỗi một cách chân thành

Trong mối quan hệ với mọi người trong gia đình, bất cứ khi nào con gây ra lỗi, việc đầu tiên các mẹ nên làm là nhắc nhở con phải xin lỗi về việc con gây ra. Hãy giải thích việc tại sao con phải nói lời xin lỗi. Việc con xin lỗi đó cũng chính là việc con nhận trách nhiệm sửa chữa sai lầm đó của mình.

2. Hãy học cách tha thứ

Giả sử, ngày hôm nay con bị phạt vì tội đánh nhau với bạn ở trường. Thay vì đánh mắng con, các mẹ có thể dành ra một chút thời gian cùng con tâm sự về chuyện gây xích mích giữa con và bạn. Các mẹ hãy giải thích luôn lý do tại sao mẹ lại không giận con, tại sao mẹ không mắng con, tại sao mẹ vẫn có thể bình tĩnh để tâm sự với con sau khi con gây ra lỗi như thế. “Đó là bởi vì mẹ chọn cách tha thứ cho con để cùng nhau ngồi tâm sự về lý do tại sao con làm như vậy. Con có thấy bây giờ mẹ con mình hiểu nhau hơn rồi đúng không?” Vậy nên, thay vì đánh nhau, các mẹ nên khuyên con học cách tha thứ cho bạn và cùng nhau tìm cách giải quyết.

3. Giúp đỡ mọi người xung quanh con

Trong mọi mối quan hệ, việc giúp đỡ lẫn nhau khi cần thiết là điều kiện cần phải có. Các mẹ hãy dạy con cách phát hiện khi nào những người xung quanh mình cần đến sự giúp đỡ và chúng ta nên giúp đỡ họ bằng cách nào thông qua những trường hợp trong thực tế. Mọi người trong gia đình hãy trở thành tấm gương để con học hỏi về thói quen này nhé!

4. Luôn luôn trung thực

“Hãy luôn luôn trung thực trong mọi trường hợp” các mẹ luôn phải dạy con như thế. Vì trung thực là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho mối quan hệ của con trở nên bền vững hơn. Các mẹ hãy kể cho con nghe về những tấm gương thực tế mà mình gặp được trong cuộc sống về tính trung thực. Các mẹ hãy để con tự nhận xét về hành động người đó làm là đúng hay sai, hậu quả mà người đó có thể nhận lấy là như thế nào. Từ những câu chuyện thực tế này, con sẽ có đủ khả năng nhận thức được bài học cho bản thân mình.

5. Sự tin tưởng

Tin tưởng vào chính kiến của bản thân khi làm bạn với một người nào đó. Không để những lời nói và suy nghĩ của người khác làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của mình. Là bài học tiếp theo mà các mẹ hãy dạy cho con để những mối quan hệ của con luôn được tốt đẹp.

6. Tìm điểm chung của nhau

Hai người bạn không thể ngồi nói chuyện theo kiểu mỗi người một câu chuyện được mà cần phải tìm ra điểm chung của nhau rồi cùng thảo luận về vấn đề đó khi nói chuyện với nhau. Đặc biệt với những người mà con đang có thành kiến thì việc tìm hiểu điểm chung của nhau là rất cần thiết. Biết đâu khi tìm hiểu về điểm chung của nhau, các con lại phát hiện ra điểm tốt của nhau rồi cải thiện dần được mối quan hệ. Để kích thích con tìm hiểu, các mẹ có thể giao bài tập cho con tìm hiểu thông tin của các bạn trong lớp về lực học, sở thích, mức độ trong mối quan hệ với con,…

7. Tuyệt đối không bàn tán, đánh giá tiêu cực ai

Ở nhà, khi con nói xấu về một bạn nào đó, các mẹ nên nghiêm cấm việc làm đó của con và yêu cầu con phải tìm ra điểm tốt của bạn để kể. Sau đó các mẹ hãy lật lại vấn đề để con thấy, nếu bạn con kể đó về nhà và cũng nói xấu về con với mẹ của bạn thì con sẽ có cảm giác thế nào?

8. Hãy dành thời gian cho nhau

Để nuôi lớn một mối quan hệ, hãy dành thời gian để hiểu nhau hơn. Ngoài những giờ học căng thẳng, các mẹ có thể khuyến khích con nên đi chơi cùng bạn hoặc có thể rủ bạn bè về nhà để học nhóm. Đây cũng là cách giúp con vừa nâng cao mối quan hệ với bạn bè, vừa tăng khả năng làm việc nhóm của con. Nhưng dù khuyến khích con đi chơi cho thoải mái đầu óc, các mẹ cũng không nên thoải mái quá tránh những hậu quả không tốt với con.

Như vậy, sẽ có nhiều những xung đột, hiểu lầm xảy ra trong cuộc sống của con. Các mẹ hãy giúp con tìm thấy những điều tốt đẹp ngay khi con rũ bỏ được những bực dọc, đố kỵ trong lòng.

“Hãy cứ thử cho đi, rồi con sẽ nhận lại những điều tốt đẹp!”

Cập nhật thêm các chia sẻ tại website: Hocmai.vn