Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích là những gợi ý mà HOCMAI dành cho các em học sinh khi viết những bài cảm nhận, phân tích về đoạn trích này hay trong quá trình làm các bài tập Soạn văn 9. Tham khảo các mở bài dưới đây giúp các em có thêm ý tưởng khi viết văn và có hứng thú hơn khi bắt đầu một bài văn của mình. Cùng tham khảo ngay dưới đây nhé!
Tham khảo thêm:
Phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích
Soạn bài Kiều ở lầu Ngưng Bích
Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích tác phẩm Truyện Kiều) số 1
Tóm lại, đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích là một bức tranh không chỉ miêu tả cảnh sắc thiên nhiên nơi Kiều bị Tú Bà giam lỏng mà còn là bức tranh tâm trạng với những hoài niệm, nhớ nhung về Kim Trọng, gia đình cũng như những dằn vặt, lo lắng về một tương lai bất định. Đoạn trích là đỉnh cao của bút pháp tả cảnh ngụ tình, cảnh sắc thiên nhiên chứa đựng tâm trạng con người của đại thi hào Nguyễn Du.
Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích tác phẩm Truyện Kiều) số 2
Có thể nói, Nguyễn Du là bậc thầy tả cảnh mà ít nhà văn, nhà thơ nào có thể sánh kịp. Từ đoạn trích Cảnh ngày xuân với thủ pháp chấm phá đến đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích với thủ pháp tả cảnh ngụ tình vô cùng xuất sắc. Nhưng không dừng lại ở đó, Nguyễn Du còn rất giỏi về miêu tả nội tâm, tâm trạng con người. Trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, bức tranh tâm trạng với nhiều cung bậc cảm xúc của Kiều đã được Nguyễn Du thể hiện vô cùng ấn tượng. Đối với Nguyễn Du, tình và cảnh là hai yếu tố luôn đi cùng nhau và bổ trợ làm nổi bật cho nhau.
Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích tác phẩm Truyện Kiều) số 3
Nguyễn Du đã rất thành công khi chọn hình tượng người phụ nữ trong xã hội cũ để truyền tải thông điệp và những cảm hứng nhân đạo của mình. Nguyễn Du cũng rất giỏi trong cách sử dụng hình ảnh thiên nhiên để gợi tả tâm trạng con người. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích. Có thể nói, đoạn trích vừa là bức tranh thiên nhiên nhưng cũng vừa là bức tranh tâm trạng vô cùng ấn tượng mà Nguyễn Du đã vẽ lên bằng thủ pháp tả cảnh ngụ tình.
Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích tác phẩm Truyện Kiều) số 4
Trong Truyện Kiều có rất nhiều đoạn thơ hay nói về nỗi cô đơn, nhớ nhà của Thúy Kiều nhưng chưa một đoạn thơ nào diễn tả được tâm trạng đau khổ, bế tắc, cô đơn của Kiều như trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích. Sau khi biết bản thân đã bị bán vào lầu xanh, Kiều đã tự sát, nhưng không chết. Biết được tính cách mạnh mẽ của Kiều, Tú Bà để Kiều sống một mình trong lầu Ngưng Bích nhưng thực chất là giam lỏng Kiều để chuẩn bị cho một âm mưu khác.
Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích tác phẩm Truyện Kiều) số 5
Trong phần mở đầu của Truyện Kiều, Nguyễn Du đã đưa ra những dự cảm về cuộc đời sóng gió của Kiều khi viết câu thơ: “ Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”. Đúng như dự đoán, gia đình Kiều gặp tai biến và Kiều phải bán mình chuộc cha. Không những thế Kiều còn bị lừa bán vào lầu xanh. Tâm trạng thống khổ, đau thương, nhớ nhung và cô đơn đến tận cùng đã thể hiện trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.
Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích tác phẩm Truyện Kiều) số 6
Nguyễn Du là một danh nhân văn hóa, một nhà thơ lớn của nước ta. Ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam của chúng ta một kiệt tác của văn học trung đại – Truyện Kiều. Ngoài hai giá trị hiện thực và chủ nghĩa nhân văn, Truyện Kiều còn rất thành công trong nghệ thuật miêu tả cảm xúc nội tâm của nhân vật và cách viết tả cảnh ngụ tình, thủ pháp miêu tả thiên nhiên độc đáo của Nguyễn Du. Đặc biệt trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du đã miêu tả thành công tâm trạng cô đơn, đau khổ nhớ thương đến Kim Trọng và cha mẹ của Kiều bằng cách sử dụng thủ pháp tả cảnh ngụ tình vô cùng độc đáo.
Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích tác phẩm Truyện Kiều) số 7
Có lẽ, bi kịch đớn đau nhất của Kiều là bán mình chuộc cha rồi bị lừa vào lầu xanh. Không chấp nhận sự xấu hổ tủi nhục đó, Kiều đã lựa chọn tự sát nhưng không thành công và bị Tú Bà giam lỏng trong lầu Ngưng Bích. Tại đây, với thủ pháp tả cảnh ngụ tình mang tính gợi tả, Nguyễn Du đã khắc họa nội tâm đau khổ, dày vò, nhớ thương Kim Trọng và cha mẹ của Thúy Kiều. Bức tranh thiên nhiên lầu Ngưng Bích nhưng ẩn chứa trong đó là bức tranh nội tâm đa dạng của Kiều khiến cho đoạn trích là một trong những đoạn thơ miêu tả nội tâm xuất sắc nhất của Nguyễn Du.
Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích tác phẩm Truyện Kiều) số 8
Trong suốt quá trình lưu lạc của Kiều, lầu Ngưng Bích có lẽ là điểm dừng chân đầu tiên của nàng. Là nơi Kiều bị Tú Bà giam lỏng với những hứa hẹn sẽ tìm cho nàng một chốn nương tựa tin cậy. Khi miêu tả Kiều ở lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình vô cùng thuần thục để vẽ lên những diễn biến tâm trạng của Kiều từ sự nhớ thương Kim Trọng cho đến nỗi lo lắng khi không ở bên chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già. Đoạn trích cũng thể hiện những bất an mơ hồ của Kiều về tương lai không mấy trong sáng, lạc quan.
Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích tác phẩm Truyện Kiều) số 9
Mộng Liên Đường chủ nhân – một nhà phê bình văn học nổi tiếng đã nhận xét về Nguyễn Du như sau: “ Nguyễn Du là người có con mắt nhìn xuyên sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du như hóa thân thành nhân vật để diễn tả những cung bậc cảm xúc từ tận đáy lòng của họ. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong đoạn trích “ Kiều ở lầu Ngưng Bích”. Với chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc cùng sự đồng cảm với số phận con người, Nguyễn Du đã tái hiện một bức tranh tâm trạng với nhiều cung bậc cảm xúc từ cô đơn, buồn tủi đến lo lắng bất an của Thúy Kiều.
Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích tác phẩm Truyện Kiều) số 10
Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc và là người đưa văn học Việt Nam ra thế giới qua tác phẩm Truyện Kiều. Truyện Kiều đã ánh sâu sắc hiện thực xã hội phong kiến, bộ mặt tàn ác của giai cấp thống trị và tiếng kêu đau thương của số phận bị áp bức. Qua đây ta thấy được tấm lòng đồng cảm, yêu thương con người vô cùng sâu sắc của tác giả. Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong những đoạn trích hay nhất của tác phẩm này và thể hiện sự thành công của Nguyễn Du trong cách miêu tả nội tâm nhân vật sâu sắc, độc đáo.
Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích tác phẩm Truyện Kiều) số 11
Trong Truyện Kiều, có rất nhiều đoạn thơ viết về sự cô đơn, nhớ thương gia đình của Kiều trong suốt thời gian lưu lạc bên ngoài. Nhưng có lẽ, không có đoạn thơ nào miêu tả được nhiều cung bậc tâm trạng, cảm xúc của Kiều như trong đoạn trích “ Kiều ở lầu Ngưng Bích”. Đó là tâm trạng bi ai, cô đơn, bế tắc, lo lắng và hoang mang trước số phận tủi nhục của mình.
Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích tác phẩm Truyện Kiều) số 12
Nguyễn Du – đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã để lại nhiều tác phẩm thơ văn cho nền văn học Việt Nam. Truyện Kiều là tác phẩm thành công nhất của ông, thể hiện rõ nhất tinh thần nhân đạo và tấm lòng yêu thương của bậc danh nhân. Trong Truyện Kiều, đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích ” đã miêu tả một cách khéo léo và sâu sắc bức tranh tâm trạng của Thúy Kiều trước khung cảnh thiên nhiên dưới lầu Ngưng Bích.
Trên đây, HOCMAI đã gợi ý cho các em học sinh cách mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích sao cho đầy đủ nội dung chi tiết nhưng vẫn gợi mở sự tò mò cho người đọc bài văn. Hy vọng với những gợi ý trên, các em học sinh có thể lựa chọn cho mình một mở bài phù hợp và viết ra được những mở bài hay và độc đáo hơn nữa!