Soạn bài Câu ghép (tiếp theo) (Ngữ văn 8)

0
1830
soan-bai-cau-ghep-tiep-theo

Trong chương trình soạn văn lớp 8, bài học về kiến thức câu ghép được Bộ Giáo dục chia ra làm hai bài tách biệt bởi kiến thức của câu ghép khá dài. Các em học sinh từ đó sẽ có nhiều thời gian để học hỏi và luyện tập soạn câu ghép hơn. Trong bài biết này, HOCMAI muốn gửi tới các em Soạn bài Câu ghép (tiếp theo) để các em có thể tham khảo trước, luyện tập bài trước tại nhà để khi tới trường các em có thể dễ dàng kiếm được điểm miệng và điểm mười lăm phút thật cao nhé!

Bài viết tham khảo thêm:

I. Quan hệ giữa các vế câu

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | Trang 123):

Quan hệ ý nghĩa giữa những vế câu trong câu ghép cho bên dưới đây là quan hệ gì? Trong mối quan hệ đó, mỗi vế trong câu biểu thị được ý nghĩa gì?

“Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp là bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, là bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp”.

(Phạm Văn Đồng – “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”)

Hướng dẫn giải bài:

– Quan hệ ý nghĩa giữa những vế câu trong câu ghép được cho bên trên là quan hệ nguyên nhân – kết quả.

– Trong đó:

  • Yếu tố kết quả là: Tiếng Việt của chúng ta đẹp.
  • Yếu tố nguyên nhân là: tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp.
  • Từ biểu thị tính quan hệ là: “… bởi vì”

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | Trang 123):

Dựa vào kiến thức các em đã học ở lớp dưới, các em hãy nêu thêm các loại quan hệ ý nghĩa có thể có giữa các vế câu. Sau đó hãy cho ví dụ minh họa.

Hướng dẫn giải bài:

  • Quan hệ tương phản: Tuy cậu ta rất thông minh nhưng điểm thi vẫn thấp hơn tôi.
  • Quan hệ nối tiếp: Kỳ thi này vừa đi qua, kỳ thi khác đã kéo đến.
  • Quan hệ điều kiện: Nếu cậu ấy cố gắng nhiều hơn nữa thì cậu ấy đã được cô giáo chọn làm lớp trưởng.
  • Quan hệ bổ sung: Không những anh ta học rất giỏi và nổi tiếng, anh ấy còn rất đẹp trai và tốt bụng.

Tổng kết:

– Các vế của câu ghép có quan hệ ý nghĩa với nhau khá mạch lạc và chặt chẽ. Những quan hệ ý nghĩa chúng ta thường gặp là: quan hệ nguyên nhân, quan hệ điều kiện (giả thiết), quan hệ tăng tiến, quan hệ tương phản, quan hệ bổ sung, quan hệ lựa chọn, quan hệ tiếp nối, quan hệ giải thích, quan hệ đồng thời.

– Mối quan hệ giữa các vế trong câu ghép thường được đánh dấu bằng những quan hệ từ, cặp quan hệ từ hoặc cặp từ hô ứng nhất định nào đó. Tuy nhiên để nhận biết được chính xác quan hệ giữa các vế câu, trong nhiều trường hợp, ta phải dựa vào hoàn cảnh hoặc văn cảnh giao tiếp.

II. Luyện tập

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | Trang 124):

Các em hãy xác định quan hệ ý nghĩa giữa các vế câu trong những câu ghép ở sách giáo khoa và hãy cho biết mỗi vế câu biểu thị được ý nghĩa gì trong mối quan hệ ấy.

Hướng dẫn giải bài:

a)

– Quan hệ ý nghĩa giữa vế câu “cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi” và vế câu “chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn”: là quan hệ nguyên nhân – kết quả.

  • Vế câu “cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi” biểu thị kết quả.
  • Vế câu “chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn” biểu thị nguyên nhân.

– Quan hệ ý nghĩa giữa vế câu “chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn” với vế câu “Hôm nay tôi đi học” biểu thị quan hệ giải thích.

b)

– Quan hệ ý nghĩa giữa hai vế câu là quan hệ điều kiện – kết quả.

– Vế câu “trong pho tàng lịch sử… lưu lại” biểu thị điều kiện, vế câu “cái cảnh tượng…” biểu thị kết quả.

c) Quan hệ ý nghĩa giữa các vế câu là quan hệ tăng tiến.

d) Quan hệ ý nghĩa giữa các vế câu là quan hệ tương phản.

e)

– Đoạn trích gồm có hai câu ghép.

– Quan hệ ý nghĩa giữa hai vế trong câu thứ nhất là quan hệ nối tiếp.

– Quan hệ ý nghĩa giữa hai vế trong câu thứ hai là quan hệ nguyên nhân – kết quả

  • Vế “anh chàng hậu cần ông Lí…” là quan hệ kết quả
  • Vế “hắn bị chị…” là quan hệ nguyên nhân

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | Trang 124):

Các em hãy đọc đoạn trích trong sách giáo khoa và thực hiện các yêu cầu cho bên dưới:

a) Các em hãy tìm câu ghép trong những đoạn trích dưới đây.

b) Sau đó xác định quan hệ ý nghĩa giữa các vế câu trong mỗi câu ghép đó.

c) Ta có thể tách mỗi vế câu nói trên thành một câu đơn hay không? Tại sao?

Hướng dẫn giải bài:

Đoạn trích 1:

a) Các câu ghép là:

  • Trời xanh thăm thẳm, biển cũng xanh thăm thẳm như dâng cao lên, chắc nịch.
  • Trời rải mây bông trắng nhạt, biển mơ màng êm dịu hơi sương.
  • Trời âm u những đám mây mưa, biển xám xịt cuồn cuộn nặng nề.
  • Trời ầm ầm nổi giông nổi gió, biển đục ngầu vẻ hơi giận dữ.

b) Quan hệ ý nghĩa giữa các vế câu ghép là quan hệ nhân quả (do trời thay đổi nên dẫn đến sự thay đổi của biển).

c) Những vế câu ghép trên không thể được tách ra thành câu đơn. Vì như vậy sẽ làm mất đi quan hệ ý nghĩa giữa các vế câu.

Đoạn trích 2:

a) Các câu ghép là:

  • Buổi sớm, mặt trời lên cao ngang cột buồm, sương vừa tan, trời mới quang.
  • Buổi chiều, nắng hạ vừa nhạt, sương đã buông nhanh xuống biển khơi.

b) Quan hệ ý nghĩa giữa các vế câu là quan hệ đồng thời.

c) Những vế câu ghép trên không thể tách ra thành câu đơn. Vì như vậy sẽ làm mất đi quan hệ ý nghĩa giữa các vế câu.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | Trang 125):

Trong đoạn trích ở sách giáo khoa có hai câu ghép rất dài. Xét về giá trị lý luận, có thể tách mỗi vế của những câu ghép ấy thành một câu đơn hay không? Tại vì sao? Xét về giá trị biểu hiện, những câu ghép ấy có tác dụng như thế nào trong việc miêu tả lời lẽ của nhân vật?

Hướng dẫn giải bài:

– Hai câu ghép đó là:

  • Vế thứ nhất là: “lão thì già, con đi vắng…”
  • Vế thứ hai là: “lão già yếu lắm rồi…”

– Chúng ta không nên tách mỗi vế câu trong câu ghép này thành một câu đơn dời dạc.

– Vì mối quan hệ ý nghĩa giữa các vế câu là rất chặt chẽ: ý được nêu ở vế câu này chính là điều kiện hoặc nguyên nhân của ý được nêu ở vế câu còn lại.

– Xét về giá trị biểu hiện thì những câu ghép ấy có tác dụng khiến cho lời lẽ của nhân vật thêm cụ thể hơn, rõ ràng hơn.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | Trang 125):

Đọc đoạn trích trong sách giáo khoa và trả lời câu hỏi:

a) Quan hệ ý nghĩa giữa các vế của câu ghép thứ hai là quan hệ ý nghĩa gì? Có nên tách mỗi vế câu ghép này thành một câu đơn không? Vì sao?

b) Ta sẽ thử tách mỗi vế trong câu ghép thứ nhất và thứ ba thành một câu đơn. So sánh cách viết ấy với cách viết trong đoạn trích, qua mỗi cách viết, em có thể hình dung ra nhân vật nói như thế nào?

Hướng dẫn giải bài: 

a)

– Quan hệ ý nghĩa giữa các vế của câu ghép thứ hai là quan hệ: điều kiện – kết quả.

– Chúng ta có thể thấy răng không nên tách mỗi vế câu thành một câu đơn. Nếu tách mỗi vế câu thành một câu đơn thì không thể hiện rõ được mối quan hệ ý nghĩa của câu này mà tác giả muốn nhấn mạnh.

b) Ta thử tách mỗi vế trong các câu ghép thứ nhất và thứ ba thành một câu đơn, ta có:

– Thử tách, ta được ví dụ: “Thôi! U van con! U lạy con! Con có thương thầy, thương u con đi ngay bây giờ cho u”.

– So sánh: Các câu giờ trở thành những câu văn ngắn sắp xếp cạnh nhau, khiến lời nói trở nên ngắt quãng, nhát gừng, không liền mạch, mạch lạc. Trong khi đó trong văn cảnh này cách viết của tác giả thể hiện lối nói kể lể thiết tha, van xin ỉ ôi của chị Dậu.

III. Bài tập ôn luyện

Câu 1: Các em hãy đặt câu với các cặp từ quan hệ sau:

  • Nếu… thì…
  • Bởi vì… nên…
  • Hễ… thì…
  • mới… đã…

Câu 2: Các em hãy xác định quan hệ giữa các vế của các câu ghép sau:

  • Tuy nhà ở xa nhưng bạn Mạnh luôn đi học rất đúng giờ.
  • Mật ong không chỉ tốt cho sức khỏe mà nó còn làm đẹp làn da của mình.
  • Mọi người đứng dậy ra về, tôi cũng đứng dậy ra về.
  • Trời càng mưa to hơn, nước sông càng dâng cao lên hơn.

Hướng dẫn giải bài:

Câu 1:

  • Nếu nó học hành chăm chỉ hơn thì nó đã thi đỗ kỳ thi đại học.
  • Bởi vì mặt đường có rất nhiều bùn nên xe cộ đi lại tương đối khó khăn.
  • Hễ cô ấy cứ gọi cho tôi thì tôi sẽ mời cô ấy đi ăn một bữa.
  • Cậu ấy mới bước vào lớp, cô giáo đã yêu cầu cậu ấy lên bảng kiểm tra bài.

Câu 2:

  • Quan hệ tương phản
  • Quan hệ tăng tiến
  • Quan hệ tiếp nối
  • Quan hệ nhân quả

Trên đây là toàn bộ kiến thức của bài Soạn bài Câu ghép (tiếp theo) mà HOCMAI muốn gửi tới các em học sinh khối 8. HOCMAI đã cùng các em luyện tập tất cả những bài trong sách giáo khoa để giúp các em chuẩn bị sẵn tư trang từ nhà trước khi tới trường. Các em hãy cố gắng, chăm chỉ luyện tập để ngày một thuần thục và hiểu bài hơn các em nhé! Để tìm hiểu thêm thật nhiều bài học hay, thú vị và bổ ích khác, các em có thể tham khảo tại website hoctot.hocmai.vn.