Soạn bài câu ghép dễ hiểu nhất (Ngữ văn 8)

0
2203
soan-bai-cau-ghep

Trong quá trình Soạn văn lớp 8, các em học sinh sẽ được làm quen với rất nhiều kiểu câu khác nhau, trong đó có một loại câu được dùng phổ biến và thịnh hành, đó chính là câu ghép. Bài viết sau đây là bài Soạn bài câu ghép mà HOCMAI đã soạn thảo sát sườn dựa theo sách giáo khoa của các em, để các em có thể ứng dụng được những kiến thức và bài học này ngay cả ở trên trường, giúp các em kiếm thêm điểm kiểm tra miệng và điểm kiểm tra mười lăm phút thật cao.

Bài viết tham khảo thêm:

I. Đặc điểm của câu ghép

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | Trang 111):

Tìm các cụm Chủ – Vị (C-V) trong những câu dưới đây:

Hướng dẫn giải bài:

a) Tôi quên làm sao được những cảm giác hân hoan trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như những cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời xanh quang đãng.

– Chủ ngữ là “tôi”; vị ngữ là “quên làm sao được những cảm giác hân hoan trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như những cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời xanh quang đãng”.

– Trong vị ngữ chính có chứa một cụm chủ vị phụ: chủ ngữ là “những cánh hoa tươi”, vị ngữ là “mỉm cười giữa bầu trời xanh quang đãng”.

b) Buổi sáng sương mai hôm ấy, một buổi mai phủ kín bầu sương thu và gió se se lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay lấy tôi dẫn đi trên con đường làng quen thuộc.

– Chủ ngữ là “mẹ tôi”, vị ngữ là “âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng quen thuộc”.

c) Cảnh vật chung quanh tôi đều có vẻ đang thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự đổi thay lớn: hôm nay là buổi đầu tôi đi cắp sách tới trường.

– Chủ ngữ 1 là “cảnh vật chung quanh tôi”, vị ngữ 1 là “đều có vẻ đang thay đổi”.

– Chủ ngữ 2 là  “chính lòng tôi”, vị ngữ 2 là “đang có sự đổi thay lớn”.

– Chủ ngữ 3 là “tôi”, vị ngữ 3 là “cắp sách tới trường”.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | Trang 111):

Phân tích cấu tạo của câu có hai hoặc nhiều cụm chủ – vị (C – V)

Hướng dẫn giải bài:

–  Tôi quên làm sao được những cảm giác hân hoan trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như những cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời xanh quang đãng.

  • Chủ ngữ là “tôi”; vị ngữ là “quên làm sao được những cảm giác hân hoan trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như những cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời xanh quang đãng”.
  • Trong vị ngữ chính có chứa một cụm chủ vị phụ: chủ ngữ là “những cánh hoa tươi”, vị ngữ là “mỉm cười giữa bầu trời xanh quang đãng”.

– Cảnh vật chung quanh tôi đều có vẻ đang thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự đổi thay lớn: hôm nay là buổi đầu tôi đi cắp sách tới trường.

  • Chủ ngữ 1 là “cảnh vật chung quanh tôi”, vị ngữ 1 là “đều có vẻ đang thay đổi”.
  • Chủ ngữ 2 là  “chính lòng tôi”, vị ngữ 2 là “đang có sự đổi thay lớn”.
  • Chủ ngữ 3 là “tôi”, vị ngữ 3 là “cắp sách tới trường”.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | Trang 112):

Trình bày kết quả phân tích ở hai bước trên vào bảng theo mẫu sau:

Hướng dẫn giải bài:

Kiểu cấu tạo câu Câu cụ thể
Câu có một cụm chủ – vị (C – V) Buổi sáng sương mai hôm ấy, một buổi mai phủ kín bầu sương thu và gió se se lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay lấy tôi dẫn đi trên con đường làng quen thuộc.
Câu có hai hoặc nhiều cụm chủ – vị (C – V) Cụm chủ – vị (C – V) nhỏ nằm trong cụm chủ – vị (C – V) lớn Tôi quên làm sao được những cảm giác hân hoan trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như những cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời xanh quang đãng.
Các cụm chủ – vị (C – V) không bao chứa nhau Cảnh vật chung quanh tôi đều có vẻ đang thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự đổi thay lớn: hôm nay là buổi đầu tôi đi cắp sách tới trường.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | Trang 112):

Hướng dẫn giải bài:

– Câu có một cụm chủ – vị (C – V) là câu đơn (Buổi sáng sương mai hôm ấy, một buổi mai phủ kín bầu sương thu và gió se se lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay lấy tôi dẫn đi trên con đường làng quen thuộc).

– Câu có các cụm chủ – vị (C – V) không bao chứa nhau là câu ghép (Cảnh vật chung quanh tôi đều có vẻ đang thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự đổi thay lớn: hôm nay là buổi đầu tôi đi cắp sách tới trường).

– Câu có cụm chủ – vị (C – V) nhỏ nằm trong cụm chủ – vị (C – V) lớn là câu phức (Tôi quên làm sao được những cảm giác hân hoan trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như những cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời xanh quang đãng).

Tổng kết:

– Câu ghép là câu do hai hoặc nhiều cụm chủ – vị (ký hiệu:C – V) không bao chứa nhau tạo thành.

– Mỗi cụm chủ – vị (C – V) được gọi là một vế của câu.

II. Cách nối các vế câu

1. Tìm thêm các câu ghép trong đoạn trích mục

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lại lên giấy, vì hồi ấy tôi còn không biết ghi và đến nay tôi không nhớ gì hết.

2. Trong mỗi câu ghép, các vế câu được nối với nhau bằng cách nào?

Các vế câu sẽ được nối tiếp nhau bằng dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc dấu hai chấm. Các vế câu cũng có thể nối nhau bằng những từ nối như: “và”, “hoặc”, “nhưng”,…

3. Dựa vào những kiến thức đã học ở lớp dưới, hãy nêu thêm ví dụ về cách nối các vế câu ghép.

Một số ví dụ như:

– Sử dụng một quan hệ từ: Trời mưa rất to nên mẹ cho tôi nghỉ học.

– Sử dụng một cặp quan hệ từ: thời tiết rất đẹp, bầu trời trong xanh nhưng tôi vẫn không muốn đi chơi.

Tổng kết:

Có hai cách nối các vế câu:

– Dùng những từ có tác dụng nối. Cụ thể:

  • Nối nhau bằng một quan hệ từ.
  • Nói nhau bằng một cặp quan hệ từ.
  • Nối nhau bằng một cặp đại từ, chỉ từ hoặc phó từ thường đi đôi với nhau.

– Thông thường các vế câu sẽ được nối tiếp nhau bằng dấu phẩy, dấu chấm phẩy, dấu hai chấm hoặc các từ nối như “và”, “hoặc”, “nhưng”…

III. Luyện tập

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | Trang 113):

Tìm câu ghép trong đoạn trích trong sách giáo khoa. Hãy cho biết rằng trong mỗi câu ghép các vế câu được nối với nhau bằng những cách nào?

Hướng dẫn giải bài:

a)

Các câu ghép là:

U van Dần, u lạy Dần!

Chị con có đi thì u mới có tiền để nộp sưu, thầy Dần mới được trở về với Dần chứ!

Sáng nay người ta đánh trói thầy Dần kinh khủng như thế, Dần có thấy thương không?

Nếu Dần không buông chị ra, chốc nữa ông lý sẽ vào đây, ông ấy trói nốt cả u, trói nốt cả Dần đi đấy.

Các vế câu được nói bằng cách sử dụng dấu phẩy (không sử dụng từ nối).

b)

Trong câu 1:

– Câu ghép là: Cô tôi chưa dứt lời, cổ họng tôi đã nghẹn ứ, khóc không thành tiếng.

– Các vế câu được nói bằng cách sử dụng dấu phẩy (không sử dụng từ nối).

Trong câu 2:

– Câu ghép là: Giá những cổ tục đang đày đọa mẹ tôi là một vật như cục thủy tinh hay hòn đá, đầu mẩu gỗ, tôi quyết định vồ lấy ngay mà cắn, mà nghiền, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi.

Các vế câu được nối bằng cách sử dụng từ nối  “giá… mà… mà…”

c)

– Câu ghép là: Tôi im lặng cúi gằm đầu xuống đất: lòng tôi quặn thắt lại, khóe mắt cũng cay cay.

Các vế câu được nói bằng cách: sử dụng dấu hai chấm (không sử dụng từ nối).

d)

– Các câu ghép là: Hắn vốn làm nghề ăn trộm nên từ lâu đã không ưa lão Hạc bởi vì lương thiện quá.

Các vế câu được nối bằng cách sử dụng từ nối “nên”.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | Trang 113):

Với mỗi cặp quan hệ từ cho sẵn dưới đây, hãy đặt một câu ghép.

Hướng dẫn giải bài:

a) tôi đạt được danh hiệu học sinh giỏi nên bố đã mua cho tôi một chiếc cặp sách mới.

b) Nếu anh ta không học bài cẩn thận lần này thì điểm thi chắc chắn sẽ rất thấp.

c) Tuy thời gian còn lại không nhiều nhưng tôi vẫn cố gắng hoàn thành nốt bài.

d) Không những trời mưa như trút nước gió còn thổi rất mạnh.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | Trang 113):

Chuyển những câu ghép em vừa đặt được bên trên thành những câu ghép mới bằng một trong hai cách sau:

Một là: Bỏ bớt quan hệ từ.

Hai là: Đảo trật tự các vế câu.

Hướng dẫn giải bài:

a)

– Bỏ bớt quan hệ từ: Tôi đạt được danh hiệu học sinh giỏi bố đã mua cho tôi một chiếc cặp sách mới.

– Đảo trật tự các vế câu: Bố đã mua cho tôi một chiếc cặp sách mới vì tôi đạt được danh hiệu học sinh giỏi.

b)

– Bỏ bớt quan hệ từ: Anh ta không học bài cẩn thận lần này điểm thi chắc chắn sẽ rất thấp

– Đảo trật tự các vế câu: Điểm thi sẽ chắc chắn rất thấp nếu anh ta không học bài cẩn thận.

c)

– Bỏ bớt quan hệ từ: Thời gian còn lại không nhiều tôi vẫn cố gắng hoàn thành nốt bài.

– Đảo trật tự các vế câu: Tôi cố gắng hoàn thành nốt bài dù thời gian còn lại không nhiều.

d)

– Bỏ bớt quan hệ từ: Trời mưa như trút nước gió còn thổi rất mạnh.

– Đảo trật tự các vế câu: Gió thổi rất mạnh mà trời còn mưa như trút nước.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | Trang 114):

Đặt câu ghép với mỗi cặp từ hô ứng cho sẵn dưới đây:

Hướng dẫn giải bài:

a) Cả lớp đều chưa làm xong bài thì thời gian đã hết.

b) Anh ta ghét của nào trời trao cho anh ta của nấy.

c) Bọn giặc càng tàn ác, hung bạo thì nhân dân ta càng cực khổ.

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | Trang 114):

Viết một đoạn văn ngắn về một trong các đề tài sau (trong đoạn văn có sử dụng ít nhất là một câu ghép):

a) Thay đổi thói quen sử dụng bao bì ni lông.

b) Tác dụng của việc lập dàn ý trước khi viết bài tập làm văn.

Hướng dẫn giải bài:

a)

Việc sử dụng bao bì ni lông của con người đang gây nguy hiểm vô cùng đến môi trường của Trái Đất. Chúng ta đã biết một điều rằng bao bì ni lông có đặc tính không thể phân hủy của pla-xtic. Hàng năm, có hàng triệu tấn bao bì ni lông được thải bừa bãi ra môi trường. Chúng đã tạo nên sự cản trở trong quá trình sinh trưởng của thực vật mà bị nó bao quanh, sự phát triển của cỏ cây bị chững lại và gây xói mòn đất ở đồi núi. Những bao ni lông bị vứt xuống cống rãnh làm tắc các đường dẫn nước thải, làm tăng khả năng ngập lụt vào những mùa mưa lũ. Cống rãnh bị tắc cũng tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển – lây lan dịch bệnh một cách đáng kinh sợ. Bao ni lông màu đựng thực phẩm có chứa nhiều chất kim loại chì, chất ca-đi-mi sẽ gây nguy hại đến não bộ và gây ung thư phổi. Đặc biệt là khi đốt sẽ tạo ra nhiều loại khí độc, khi con người hít phải sẽ bị khó thở hoặc nôn ra máu hoặc thậm chí ảnh hưởng đến nội tiết… Không những môi trường bị ô nhiễm nặng nề mà sức khỏe của con người cũng bị tổn hại nghiêm trọng. Chính vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau hạn chế tối đa việc sử dụng bao bì ni lông nhé.

b)

Khi học sinh viết một bài tập làm văn, việc lập dàn ý sẽ đem đến cho các em học sinh rất nhiều lợi ích. Trước hết, lập dàn ý giúp chúng ta sắp xếp lại theo một tình tự khoa học những nội dung chính của bài viết. Từ đó chúng ta có thể phát hiện ra được những nội dung còn bị thiếu sót, sửa lại những nội dung thừa hay sai. Và quan trọng nhất người viết có thể sắp xếp lại các ý theo một bố cục hợp lý. Một bài viết hay thì bố cục phải mạch lạc, rõ ràng. Chính vì vậy, việc lập dàn ý vô cùng quan trọng khi viết văn.

Các câu ghép là:

– Đoạn a: Không những môi trường bị ô nhiễm mà sức khỏe của con người cũng bị tổn hại.

– Đoạn b: Một bài viết hay thì bố cục phải mạch lạc, rõ ràng.

Vậy là chúng ta đã cùng nhau soạn xong bài Soạn bài câu ghép rồi. Các em học sinh thân mến đã hiểu bài hoàn toàn chưa nhỉ? Nếu có bất kỳ khó khăn nào, các em hãy dành thời gian để đọc lại bài, tự mình nghiên cứu để tự mình tìm ra đáp án cho câu hỏi của chính mình nhé. Như vậy các em sẽ nhớ bài rất lâu đấy. HOCMAI mong rằng các em sẽ chăm chỉ tìm tòi thêm kiến thức bổ ích tại website hoctot.hocmai.vn các em nhé!