Soạn bài Chữa lỗi diễn đạt (Ngữ văn 8)

0
2173
soan-bai-chua-loi-dien-dat

Trong bài viết này, HOCMAI muốn gửi tới các em học sinh bài Soạn bài Chữa lỗi diễn đạt nằm trong chương trình Soạn văn 8. Trong khi soạn thảo một văn bản hay bộc lộ suy nghĩ, biểu đạt cảm xúc, chúng ta đều có thể bị gặp một số lỗi về ngữ pháp hoặc từ vựng. Bài viết dưới đây sẽ liệt kê lại những lỗi thường gặp và chữa lại chúng sao cho đúng. Các em hãy tham khảo bài nhé!

Bài viết tham khảo thêm:

Câu 1 (Sách giáo khoa | trang 127, Ngữ Văn 8, tập 2) 

 Những câu bên dưới đây mắc một số lỗi diễn đạt liên quan đến tính lôgic. Hãy phát hiện và chữa lại những lỗi đó.

a) Chúng em đã hỗ trợ các bạn học sinh những vùng bị bão lụt giày dép, quần áo và nhiều đồ dùng học tập khác.

b) Trong những thanh niên nói chung và trong môn bóng đá nói riêng, niềm đam mê là nhân tố quan trọng dẫn đến thành công.

c) “Bước đường cùng”, “Lão Hạc” và Ngô Tất Tố đã giúp chúng ta hiểu sâu sắc thân phận của người nông dân Việt Nam trước lúc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

d) Em muốn trở thành một người trí thức hay một bác sĩ?

e) Bài thơ không chỉ hay về mỗi nghệ thuật mà còn sắc sảo về cả ngôn từ.

g) Ở trên sân ga chỉ còn lại có hai người. Một người thì gầy cao, còn một người thì mặc chiếc áo ca rô.

h) Chị Dậu thì rất chịu khó, cần cù nên chị rất mực yêu thương chồng con.

i) Nếu không phát huy được những đức tính tốt đẹp của người xưa thì người phụ nữ Việt Nam ngày nay không thể có được những nhiệm vụ nặng nề và vinh quang đó.

k) Hút thuốc lá vừa gây hại cho sức khỏe, vừa làm giảm đi tuổi thọ của con người.

Hướng dẫn trả lời:

a)

  • Lỗi sai: giày dép, quần áo là đồ dùng sinh hoạt; nó không thể nằm trong nhóm của đồ dùng học tập.
  • Chữa lại: Chúng em đã hỗ trợ các bạn học sinh những vùng bị bão lụt giày dép, quần áo và một số đồ dùng sinh hoạt khác.

b)

  • Lỗi sai: thanh niên là tập hợp ám chỉ những người trẻ tuổi, còn bóng đá lại là một bộ môn thể thao. Hai khái niệm này không nằm trong cùng một nhóm khái niệm.
  • Chữa lại: Trong tầng lớp thanh niên nói chung và trong tầng lớp sinh viên nói riêng, niềm đam mê là nhân tố quan trọng nhất dẫn đến thành công.

c)

  • Lỗi sai: “Bước đường cùng”, “Lão Hạc” là hai tác phẩm văn học, còn Ngô Tất Tố lại là một nhà văn.
  • Chữa lại: “Bước đường cùng”, “Lão Hạc” hay “Tắt đèn” đều đã giúp chúng ta hiểu sâu sắc thân phận của những người nông dân Việt Nam trước lúc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

d)

  • Lỗi sai: “Người tri thức” và “bác sĩ” là hai khái niệm không đồng nhất (bác sĩ cũng nằm trong tầng lớp người tri thức).
  • Chữa lại: Em muốn trở thành một vị bác sĩ hay một giáo viên?

e)

  • Lỗi sai: Khái niệm “ngôn từ” là một yếu tố thuộc về “nghệ thuật”, không thể đứng ngang hàng với nhau.
  • Chữa lại: Bài thơ này không chỉ hay về giá trị nghệ thuật mà còn giàu giá trị nội dung.

g)

  • Lỗi sai: Gầy cao (chỉ về đặc điểm ngoại hình), áo ca rô (chỉ về trang phục) không có sự đồng nhất với nhau.
  • Chữa lại: Trên sân ga chỉ còn lại có hai người. Một người thì gầy cao, còn một người thì béo thấp.

h)

  • Lỗi sai: Hai tính cách chịu khó và cần cù không phải là nguyên nhân của hành động yêu thương chồng con. Vậy nên, không thể dùng từ “nên” trong câu này.
  • Chữa lại: Chị Dậu rất chịu khó, cần cù và yêu thương chồng con.

i)

  • Lỗi sai: Câu văn này sử dụng cặp quan hệ từ “Nếu… thì” nhưng lại không biểu thị được quan hệ nguyên nhân – kết quả.
  • Chữa lại: Nếu không phát huy được những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ xưa thì người phụ nữ Việt Nam ngày nay không thể xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng.

k)

  • Lỗi sai: Câu văn này sử dụng một cặp quan hệ từ “vừa…vừa….” nhưng lại không biểu thị được mối quan hệ sóng đôi (làm giảm đi tuổi thọ cũng thuộc về gây hại cho sức khỏe)
  • Chữa lại: Hút thuốc lá vừa gây hại cho sức khỏe của chính bản thân mình, vừa gây hại cho sức khỏe của những người thân xung quanh mình.

Câu 2 (Sách giáo khoa | trang 128, Ngữ Văn 8, tập 2)

 Hãy tìm ra những lỗi diễn đạt tương tự (lỗi về logic) trong bài tập làm văn của bản thân mình hoặc của các bạn ở cùng lớp, trong lời nói giao tiếp hằng ngày hoặc trên những phương tiện truyền thông đại chúng.

Hướng dẫn trả lời:

Em có thể lấy một số ví dụ của việc viết lại những câu sai sau đây. Các em học sinh hãy thử chữa lại cho đúng:

– (1) Thực tế khách quan cho thấy rằng: thành công chỉ có thể có được qua những lần rút kinh nghiệm, khắc phục lại  từ những thất bại ban đầu.

– (2) Vì phong trào “ba đảm đang” đang có sự phát triển sôi nổi khắp nơi, nên chị em phụ nữ của chúng ta đã có đóng góp rất nhiều về thành tích to lớn vào công cuộc đấu tranh chống lại ngoại xâm, xây dựng được Tổ quốc giàu mạnh.

– (3) Trong tác phẩm “Tắt đèn” của tác giả đề cập đến nhiều vấn đề ở vùng nông thôn Việt Nam và cái đói khổ của gia đình chị Dậu.

Vậy là các em học sinh thân yêu đã cùng với HOCMAI soạn xong bài Soạn bài Chữa lỗi diễn đạt. Một bài học vô cùng bổ ích. Kiến thức của bài học hôm nay mang tính thực tiễn cao, các em hãy chăm chỉ luyện tập để nắm vững những kiến thức vừa học nhé.Các em hãy truy cập vào website hoctot.hocmai.vn để tìm thêm cho mình thật nhiều bài học bổ ích nữa nhé!