Soạn bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới chi tiết Ngữ văn 9

0
2637
soan-bai-chuan-bi-hanh-trang-vào-the-ki-moi

Để các em học sinh có thể nắm vững kiến thức tác phẩm và chuẩn bị tốt nhất phần Soạn bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới. Bài học này HOCMAI sẽ trình bày đầy đủ các nội dung cần thiết như: Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm và gợi ý trả lời chi tiết các câu hỏi trong Ngữ văn 9.

 

Tham khảo thêm bài viết: 

 

I. Tìm hiểu chung về tác phẩm Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới

1. Tác giả tác phẩm

– Tên tác giả: Vũ Khoan 

– Ngày tháng năm sinh: Sinh ngày 7 tháng 10 năm 1937

– Quê quán: huyện Phú Xuyên, Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội).

– Cuộc đời:

  • Tác giả Vũ Khoan là một nhà hoạt động chính trị.
  • Ông có nhiều năm đảm nhận chức vụ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
  • Từng là Bộ trưởng Bộ Thương mại, Phó Thủ tướng Chính phủ.

2. Tác phẩm

a)  Xuất xứ 

– Bài viết này được đăng vào năm 2001 trên tạp chí “Tia sáng” và được in trong tập Một góc nhìn của trí thức | NXB Trẻ | TP. Hồ Chí Minh năm 2002.

– Nhan đề bài viết ban đầu của tác giả là “Chuẩn bị hành trang”. Sau đó, người biên soạn đã bổ sung vào nhan đề giúp cụ thể hơn và có lược bớt một câu ở phần đầu bài viết khi đưa vào sách giáo khoa.

b) Bố cục

Bài viết có bố cục gồm 4 phần:

  • Phần 1: Từ đầu “vai trò con người lại càng nổi trội”. | Khái quát chung về vấn đề.
  • Phần 2: Tiếp theo “điểm mạnh và điểm yếu của nó”. | Bối cảnh thế giới hiện tại.
  • Phần 3: Tiếp theo “quá trình kinh doanh và hội nhập”. | Những điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam.
  • Phần 4: Phần còn lại. | Nhiệm vụ của thế hệ trẻ.

c) Ý nghĩa nhan đề

  • Hành trang: Những giá trị tinh thần chúng ta cần mang theo như: tri thức,thói quen, kĩ năng,…
  • Thế kỉ mới: Chính là Thế kỷ XXI

=> Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới là chuẩn bị sẵn những kiến thức, phẩm chất trí tuệ, thói quen, kỹ năng để tiến bước vào thế kỷ XXI.

d) Giá trị nội dung

Bài viết nói về những điểm mạnh, điểm yếu có trong thói quen và tính cách của con người Việt Nam; đưa ra những yêu cầu cần phải khắc phục điểm yếu, hình thành những thói quen và đức tính tốt khi đất nước bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thế kỉ mới.

e) Giá trị nghệ thuật

+ Sử dụng ngôn ngữ báo chí, gắn liền với cuộc sống, cách nói giản dị, trực tiếp và dễ hiểu.

+ Sử dụng phép so sánh: So sánh giữa người Nhật và người Hoa trong cùng một sự việc, hiện tượng.

+ Sử dụng các câu thành ngữ, ca dao, tục ngữ giúp thể hiện cụ thể, sinh động.

f) Tóm tắt

Trước tiên, tác giả đặt ra nhiệm vụ cho con người Việt Nam trước mục tiêu của đất nước: Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tiếp cận dần nền kinh tế tri thức và thoát khỏi nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. 

Tiếp đến tác giả đã nêu các điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam. Điểm mạnh bao gồm: Sự nhạy bén, thông minh, sáng tạo, cần cù, tỉ mỉ, đùm bọc, đoàn kết với nhau trong chống giặc ngoại xâm và tính thích ứng nhanh. Điểm yếu chính là thiếu sót các kiến thức cơ bản; năng lực thực hành kém; không xem trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ; chưa làm quen được với cường độ gấp gáp, khẩn trương; tính đố kỵ trong làm ăn, kỳ thị trong kinh doanh; cuộc sống còn đời thường, hạn chế trong thói quen và suy nghĩ, quen với cuộc sống bao cấp, có thói khôn vặt và ít giữ chữ tín. 

Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới chính là chuẩn bị cho bản thân con người bởi vì con người chính là động lực để lịch sử phát triển.

 

II. Đọc hiểu tác phẩm Tiếng nói của văn nghệ

Câu 1 | Trang 30 SGK Ngữ văn 9 | Tập 2

Tác giả đã viết bài này trong thời điểm lịch sử nào? Bài viết đã nêu lên vấn đề gì? Nêu ý nghĩa thời sự và ý nghĩa lâu dài của vấn đề ấy.

Những nhiệm vụ, yêu cầu hết sức lớn lao và cấp bách đang đưa ra cho đất nước ta, cho thế hệ trẻ hiện nay là?

Gợi ý:

– Thời gian sáng tác: Đầu năm 2001, tác giả viết bài này vào đúng thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ 20 và 21 của thế giới, đối với nước ta là tiếp tục công cuộc đổi mới từ cuối thế kỉ trước.

Vấn đề: Những hành trang cần thiết cần chuẩn bị để tiến vào thế kỉ mới.

Ý nghĩa:

  • Ý nghĩa thời sự: Bài viết được viết vào đúng thời điểm đất nước đang tiến vào giai đoạn chuyển mình.
  • Ý nghĩa lâu dài: Việc nêu ra được những điểm mạnh, điểm yếu cần phát huy và khắc phục giúp đất nước sẽ ngày càng phát triển, tránh tụt hậu.

Yêu cầu, nhiệm vụ: Nhìn nhận những điều hạn chế cần khắc phục để không bị tụt hậu và theo kịp bước đi của thời đại. Đưa đất nước thoát khỏi tình trạng đói nghèo, lạc hậu, đẩy mạnh nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiếp cận với nền kinh tế tri thức.

Câu 2 | Trang 30 SGK Ngữ văn 9 | Tập 2

Hãy đọc lại cả bài viết và lập dàn ý theo trình tự lập luận của tác giả.

Gợi ý:

(a) Mở bài:

Khái quát và giới thiệu chung vấn đề.

(b) Thân bài

Quan trọng nhất chính là sự chuẩn bị về mặt con người:

  • Từ thời cổ chí kim, bao giờ động lực phát triển của lịch sử đều chính là con người;
  • Vai trò của con người lại càng nổi trội hơn nữa trong thời kỳ kinh tế tri thức đang ngày càng phát triển.

– Bối cảnh của thế giới hiện nay và những nhiệm vụ nặng nề đất nước cần đạt được:

  • Hiện nay, bối cảnh thế giới chính là nơi mà khoa học công nghệ phát triển như huyền thoại, sự hội nhập, giao thoa giữa các nền kinh tế ngày càng sâu rộng;
  • Có đồng thời ba nhiệm vụ mà nước ta cần phải giải quyết: Thoát khỏi nền kinh tế nông nghiệp với tình trạng lạc hậu qua nghìn năm, đẩy mạnh nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng lúc đó phải tiếp cận luôn với nền kinh tế tri thức.

– Những điểm mạnh và điểm yếu của con người VN được nhận thức rõ khi bước đến nền kinh tế mới trong một thế kỉ mới.

(c) Kết luận

Bước vào một thế kỉ mới, mỗi con người, đặc biệt là thế hệ trẻ  Việt Nam cần phải phát huy các điểm mạnh và khắc phục được những điểm yếu, rèn luyện cho mình những thói quen tốt ngay từ những việc nhỏ để có thể đáp ứng nhiệm vụ đưa đất nước đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Câu 3 | Trang 30 SGK Ngữ văn 9 | Tập 2

Trong bài viết này, tác giả đã cho rằng: “Trong số những hành trang ấy, có lẽ sự chuẩn bị cho bản thân con người là điều quan trọng nhất”. Điều đó có đúng không, vì sao?

Gợi ý:

– Quan điểm nêu trên là đúng đắn.

– Nguyên nhân: Dù cho máy móc có hiện đại, tân tiến đến bao nhiêu thì nó vẫn chính là sản phẩm do con người phát minh ra và chúng không thể thay thế được trí tuệ của con người, đặc biệt là trong nền kinh tế tri thức.

Câu 4 | Trang 30 SGK Ngữ văn 9 | Tập 2

Tác giả đã đưa ra và phân tích những điểm mạnh và điểm yếu nào trong thói quen, tính cách của con người Việt Nam qua? Những điểm mạnh và điểm yếu ấy có mối quan hệ như thế nào đối với nhiệm vụ đưa đất nước đi lên nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời đại ngày nay?

Gợi ý:

Những điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam có tác động tới nhiệm vụ của  đất nước:

– Thông minh và nhạy bén với những cái mới nhưng lại thiếu kiến thức cơ bản, khả năng thực hành kém.

– Cần cù, sáng tạo nhưng lại thiếu tính tỉ mỉ và không xem trọng quy trình.

– Đùm bọc, đoàn kết với nhau trong chiến đấu nhưng lại đố kỵ trong làm ăn và cuộc sống.

– Bản tính dễ hội nhập thích, ứng nhanh nhưng lại có tính kỳ thị, tính khôn vặt trong kinh doanh.

=> Cần biết phát huy những điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu để đưa đất nước đi lên nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời đại ngày nay.

Câu 5 | Trang 30 SGK Ngữ văn 9 | Tập 2

Em đã học và được đọc nhiều bài học lịch sử và các tác phẩm văn học nói về những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của dân tộc, con người Việt Nam. Những nhận xét tác giả đưa ra có điểm gì giống và có gì khác với những điều mà em đã được đọc trong sách vở nói trên? Thái độ của tác giả khi nêu những nhận xét này như thế nào?

Gợi ý:

– Điểm giống và khác:

  • Điểm giống: Đều là phân tích và nhận xét những ưu điểm như: thông minh, sáng tạo, cần cù, nhạy bén với những cái mới, đoàn kết với nhau trong chiến đấu,… của người Việt Nam.
  • Điểm khác: Phê phán những điểm yếu, khuyết điểm, hạn chế của người Việt Nam như: kỹ năng thực hành kém, thiếu cẩn trọng, tính đố kỵ, khôn vặt,…

– Thái độ tác giả: Đưa ra nhận xét khách quan, có tính khoa học, chân thực và đúng đắn.

Câu 6 | Trang 30 SGK Ngữ văn 9 | Tập 2

Trong bài viết, tác giả sử dụng nhiều tục ngữ, thành ngữ. Hãy tìm những tục ngữ, thành ngữ ấy và cho biết tác dụng, ý nghĩa của chúng.

Gợi ý:

– Những tục ngữ, thành ngữ được sử dụng: 

  • Nước đến chân mới nhảy; 
  • Liệu cơm gắp mắm; 
  • Trâu buộc ghét trâu ăn; 
  • Bóc ngắn cắn dài.

– Tác dụng: Giúp cho bài viết trở nên gần gũi và sinh động hơn, biến một vấn đề mang tính uyên bác trở nên dễ hiểu.

 

III. Luyện tập

Câu 1 | Trang 31 SGK Ngữ văn 9 | Tập 2

Em hãy đưa ra những dẫn chứng trong thực tế tại nhà trường và xã hội để làm rõ những điểm mạnh và điểm yếu của con người VN qua nhận định của tác giả.

Gợi ý

– Dẫn chứng trong thực tế tại nhà trường và xã hội để làm rõ một số điểm mạnh: 

  • Có tinh thần đoàn kết với nhau trong một tập thể.
  • Cần cù, siêng năng, chịu khó tìm hiểu và học hỏi.
  • Tham gia tích cực các hoạt động trải nghiệm,…

– Một số điểm yếu:

  • Thường có thói kiêu ngạo, ghen tị với những người giỏi hơn mình.
  • Học lý thuyết nhưng chưa đi đôi với việc thực hành.
  • Một số thói quen xấu: ham chơi, hay khôn vặt, làm việc không theo quy trình.

Câu 2 | Trang 31 SGK Ngữ văn 9 | Tập 2

Em nhận thấy bản thân mình đã có những điểm mạnh, điểm yếu nào như trong những điều tác giả đã nêu và nói tới? Đưa ra cách khắc phục những điểm yếu.

Gợi ý:

– Điểm mạnh: Chăm chỉ, chịu khó tìm hiểu và học hỏi, luôn đoàn kết với mọi người.

– Điểm yếu: Giao tiếp còn kém, Áp dụng lý thuyết vào thực tiễn còn kém.

=> Cách khắc phục: Tham gia tích cực các hoạt động cùng tập thể,…

 

Bài viết trên là toàn bộ kiến thức do HOCMAI biên soạn giúp các em học sinh chuẩn bị tốt phần Soạn bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới của mình. Để lại bình luận của mình nếu các em có thắc mắc hay góp ý về nội dung của bài viết. Chúc các em chuẩn bị tốt nhất cho bài học của mình!