Các em học sinh khối 8, trong chương trình ngữ văn lớp 8 của các em có rất nhiều buổi học về văn tự sự để nhấn mạnh vào tính quan trọng và tính thực tiễn của nó. để có thể viết được một bài văn tự sự hoàn chỉnh có sử dụng kết hợp đan xen yếu tố miêu tả và biểu cảm một cách rõ ràng theo một mạch truyện thống nhất thì bước lập dàn ý cũng vô cùng quan trọng đấy. Trong bài viết ngày hôm nay, HOCMAI muốn hướng dẫn các em Soạn bài Lập dàn ý cho bài văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm.
Phần I: Dàn ý của bài văn tự sự
1. Tìm hiểu dàn ý của một bài văn tự sự
a. Bố cục:
- Mở bài: Từ đầu đến “bao nhiêu thứ bày la liệt trên bàn”: Khung cảnh, bối cảnh chung của buổi sinh nhật.
- Thân bài: Từ tiếp theo đến “chỉ gật đầu không nói”: Lý do bạn tham dự muộn và món quà đặc biệt của người bạn.
- Kết bài: Phần còn lại: Cảm xúc của nhân vật “tôi” khi nhận được món quà đặc biệt đó.
b.
– Bài văn kể về món quà sinh nhật đặc biệt từ một người bạn đặc biệt – bạn Trinh. Người kể là người nhận món quà – nhân vật tên “Trang”. Câu chuyện được kể ở ngôi thứ nhất (xưng “tôi”).
– Câu chuyện xảy ra ở bối cảnh: nhà của Trang, trong một bữa tiệc sinh nhật của Trang.
– Nhân vật chính: Trang và Trinh
– Nhân vật phụ: bạn bè của Trang
– Tính cách của nhân vật: Trinh là một cô bé sâu sắc và vô cùng trân trọng tình bạn của mình và Trang; Trang là một cô bé ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên.
– Trình tự diễn ra câu chuyện:
- Mở đầu kể lại khung cảnh buổi sinh nhật ở nhà Trang
- Đỉnh điểm câu chuyện là buổi tiệc diễn ra đã rất lâu rồi mà Trinh (người bạn thân của nhất của Trang) vẫn chưa tới tham dự. Trang đã nghĩ rằng bạn mình đã quên mất.
- Kết thúc: Trinh tặng Trang một món quà vô cùng đặc biệt.
- Điều tạo ra sự bất ngờ ở tình huống của truyện được tác giả dựng lên vô cùng khéo léo. Để nhân vật chính của buổi tiệc sinh nhật là Trang nghĩ rằng Trinh, người bạn thân thiết nhất của mình đã quên mất ngày sinh nhật của mình. Nhưng tới khi Trinh xuất hiện, Trang lại nhận được một món quà vô cùng đáng quý cho thấy tấm lòng chân thành của người bạn thân. Điều đó khiến Trang vô cùng xúc động và bất ngờ.
– Các yếu tố miêu tả, biểu cảm trong câu chuyện:
- Yếu tố miêu tả: Khung cảnh của buổi sinh nhật “Hai chiếc bình cắm đầy hoa… la liệt trên bàn” và món quà đặc biệt “Cây ổi này là giống…thích chứ”.
- Yếu tố biểu cảm: Sự trách móc khi bạn đến muộn trái lại với xúc động khi nhận được món quà…
Những nội dung ở câu (b) được tác giả kể theo trình tự thời gian của buổi tiệc sinh nhật và sự hồi tưởng quay ngược trở lại quá khứ.
2. Dàn ý của bài văn tự sự
Mở bài: Thường giới thiệu sự việc, nhân vật trong câu chuyện và tình huống xảy ra câu chuyện (Cũng có đôi khi nêu kết quả của sự việc, số phận nhân vật trước).
Thân bài: Kể lại diễn biến câu chuyện theo một trình tự nhất định (trình tự không gian, trình tự thời gian, trình tự diễn biến tâm lý nhân vật). Trong khi kể thường (và nên) có sự đan xen với các yếu tố miêu tả và biểu cảm.
Kết bài: Nêu kết cục của câu chuyện và cảm xúc, suy nghĩ của người kể.
Tổng kết:
Dàn ý của bài văn tự sự kết hợp miêu tả và biểu cảm chủ yếu vẫn là dàn ý của bài văn tự sự với bố cục ba phần: Mở bài, thân bài và kết bài. Có sử dụng đan xen yếu tố miêu tả và yếu tổ biểu cảm ở cả ba phần.
Phần 2: Luyện tập
Câu 1 (trang 95 sgk Ngữ Văn 8 Tập 1)
Hướng dẫn giải bài:
Mở bài: Hình ảnh của cô bé bán diêm cô đơn trong đêm giao thừa lạnh lẽo.
– Hoàn cảnh:
- Mẹ mất, bà nội – người yêu thương nhất của mình cũng vừa mới qua đời.
- Phải sống với người bố hay mắng nhiếc và đánh đập và bị bắt đi bán diêm để kiếm tiền.
– Thời điểm bán diêm: Đêm giao thừa buốt giá.
– Không gian bán diêm: Cửa sổ của các nhà đều sáng rực ánh đèn, cả phố đều sực nức mùi ngỗng quay.
– Hình ảnh cô bé bán diêm:
- Ngồi khép nép, co rúm vào một góc tường, giữa hai ngôi nhà.
- Nghĩ đến việc nếu không bán được hết chỗ diêm mà trở về nhà sẽ bị bố đánh.
- Thu đôi chân lại cho đỡ lạnh nhưng càng lúc trời càng rét buốt hơn.
- Đôi bàn tay tê buốt, cứng đờ ra vì lạnh giá.
Thân bài: Cô bé đã trải qua bốn lần quẹt diêm với những hình ảnh tưởng tượng lần lượt xuất hiện trước mắt cô bé:
– Lần thứ nhất: Mơ ước đang bên cạnh cái lò sưởi – mong muốn lúc này có được sự ấm áp, thoát khỏi cái lạnh giá của hiện tại.
– Lần thứ hai: Mơ ước đang ở trong một căn phòng có bàn ăn, trên bàn có thịt ngỗng quay – mong muốn có được đồ ăn, ăn uống no bụng.
– Lần thứ ba: Mơ ước có một cái cây thông Noel và những món quà – mong muốn được vui vẻ đón giao thừa như bao người.
– Lần thứ tư: Mơ ước được gặp lại người bà của mình – mong muốn được che chở và yêu thương, quây quần bên những người thân yêu.
– Lần cuối cùng: Cô bé quẹt toàn bộ số diêm còn lại – để được nhìn thấy hình ảnh của bà thật lâu và cuối cùng cô bé đã đi theo bà đến nơi hạnh phúc.
Kết bài: Cái chết đầy thương tâm của cô bé bán diêm.
– Thời gian: sáng sớm ngày hôm sau, sau đêm giao thừa.
– Không gian: ở một xó tường góc phố lạnh lẽo.
– Hình ảnh: Mặc dù đã chết cóng nhưng gò má của em vẫn ửng hồng với một nụ cười mỉm trên môi.
– Lý do: Không có ai dòm ngó, quan tâm và giúp đỡ em. Bố em, người thân duy nhất thì vô cảm, thờ ơ, ghẻ lạnh.
Câu 2 (trang 95 sgk Ngữ Văn 8 Tập 1)
Hướng dẫn giải bài:
Mở bài: Giới thiệu về người bạn của mình và kỷ niệm với người ấy trong tuổi thơ.
Thân bài: Kể lại kỷ niệm khi xưa với bạn thân.
– Kỷ niệm ấy là gì? Diễn ra ở đâu? Khi nào? (Kỷ niệm ấy là gì và thời gian, địa điểm diễn ra kỷ niệm ấy)
– Diễn biến của câu chuyện: Em và người bạn đó đã cùng trải qua sự kiện ấy như thế nào? (Mở đầu, Cao trào, Kết thúc).
– Suy nghĩ của em và bạn ấy về kỷ niệm: một kỷ niệm đáng nhớ, một bài học không thể quên,…
Kết bài: Cảm xúc của em về người bạn thân và sự kiện xảy ra giữa hai người.
Phần 3: Bài tập ôn luyện
Lập dàn ý cho bài văn kể lại sự kiện Lão Hạc bán đi chú chó Vàng.
Hướng dẫn giải bài:
Mở bài: Giới thiệu bối cảnh lão Hạc sang nhà ông giáo để kể chuyện đã bán cậu Vàng.
Thân bài:
– Lão Hạc kể chuyện bán chó cho ông giáo nghe:
- Lúc lão Hạc báo tin rằng đã bán chó.
- Lúc lão Hạc kể lại diễn biến tình tiết trong lúc bán chó.
⇒ Có thể kết hợp miêu tả biểu cảm của khuôn mặt, cử chỉ của lão Hạc để cho thấy tâm trạng của lão.
– Nỗi ân hận của lão Hạc về việc bán mất chú chó.
– Thái độ của ông giáo khi nghe tin lão bán mất cậu Vàng: ngạc nhiên, đồng cảm và thương xót cho lão.
Kết bài:
– Suy nghĩ, đánh giá về hành động của lão Hạc.
– Tình cảm dành cho nhân vật.
Bài viết tham khảo thêm:
- Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm
- Soạn bài Chiếc lá cuối cùng
- Soạn bài Chương trình địa phương (phần tiếng Việt)
Bài Soạn bài Lập dàn ý cho bài văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm vậy là đã xong rồi. Các em học sinh đã nắm rõ được lý thuyết của bài ngày hôm nay chưa nhỉ? Bước lập dàn ý thực sự rất là quan trọng và các em cần phải luyện tập làm bước này thật nhiều nhé! HOCMAI luôn đồng hành cùng các em trên con đường tìm kiếm tri thức này, và để tìm hiểu thêm về những kiến thức bổ ích khác, các em hãy truy cập hoctot.hocmai.vn các em nhé!