Soạn bài Đối thoại và độc thoại và độc thoại nội tâm trong văn bản tự sự chi tiết Ngữ Văn 9

0
3643

Trong bài viết này, HOCMAI sẽ mang tới tài liệu hướng dẫn chi tiết giúp cho các em học sinh chuẩn bị tốt phần Soạn bài Đối thoại và độc thoại và độc thoại nội tâm trong văn bản tự sự sắp tới trên lớp của mình trong SGK Ngữ văn 9.

 

Bài viết tham khảo thêm:

 

I. Tìm hiểu yếu tố đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm trong văn bản tự sự

Câu 1 | Trang 177 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Đọc đoạn trích ở trong Sách giáo khoa

soan-bai-doi-thoai-va-doc-thoai-va-doc-thoai-noi-tam-trong-van-ban-tu-su-1

Câu 2 | Trang 177 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Em hãy suy nghĩ và trả lời câu hỏi sau: 

a) Trong ba câu đầu của đoạn trích, ai nói chuyện với ai? Tham gia vào câu chuyện có ít nhất là mấy người? Dấu hiệu nào cho ta thấy được đó là một cuộc trò chuyện trao đổi qua lại với nhau?

b) Câu nói “-Hà, nắng gớm, về nào…” ông Hai nói chuyện với ai? Đây có phải là một câu đối thoại hay không? Vì sao? Trong đoạn trích trên còn có câu nào kiểu như thế này không?

c) Những câu văn sau: “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư?| Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?| Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu…” là những câu do ai hỏi ai? Tại sao trước những câu văn này không có dấu gạch đầu dòng như những câu đã nêu ở câu a và câu b?

d) Các hình thức diễn đạt ở trên có tác dụng trong việc thể hiện diễn biến của câu chuyện và thái độ của những người tản cư ở trong buổi trưa ông Hai gặp họ như thế nào? Đặc biệt các hình thức diễn đạt này đã giúp nhà văn thể hiện thành công như thế nào những diễn biến tâm lí của nhân vật ông Hai?

Gợi ý:

a)

– Trong ba câu đầu đoạn trích, đó chính là những lời của những người tản cư nói với nhau.

– Tham gia vào câu chuyện đó có ít nhất hai người.

– Dấu hiệu cho thấy đây là một cuộc trò chuyện trao đổi qua lại là:

  • Về hình thức: Có hai lượt lời, mỗi lượt đều được bắt đầu bằng dấu gạch đầu dòng.
  • Về nội dung: Đều nói cùng một chủ đề về làng chợ Dầu.

b)

– Câu “- Hà, nắng gớm, về nào…” là câu nói ông Hai tự nói với chính mình.

– Đây không phải là lời đối thoại với ai, vì chỉ có duy nhất một lượt lời, không có ai tham gia vào câu chuyện.

– Trong đoạn trích trên còn có những câu nói tương tự như vậy:

  • Cha tiên sư chúng nó … mỗi đứa một nhát
  • Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì … để nhục nhã thế này!.

 

c)

– Những câu văn như “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư?| Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?| Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu…” là những câu hỏi của ông Hai.

– Những câu trên không có gạch ở đầu dòng như những câu đã nêu câu a và câu b vì chúng chỉ là lời nói có trong suy nghĩ của ông Hai để thể hiện nỗi tự dằn vặt của ông, chứ không hề có đối tượng nghe -Đây là những câu văn độc thoại nội tâm nhân vật.

d)

– Các hình thức đối thoại đã tạo cho câu chuyện có không khí như cuộc sống ở ngoài đời thật. Từ đó thể hiện được thái độ căm giận của những người tản cư đối với người dân làng chợ Dầu, tạo nên tình huống để có thể đi sâu vào nội tâm của nhân vật.

– Các hình thức độc thoại và độc thoại nội tâm sau đó đã giúp cho nhà văn khắc họa được diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai: sự dằn vặt, đau đớn khi nghe tin làng chợ Dầu đã đi theo giặc.

Tổng kết kiến thức cần nắm:

Đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm là các hình thức quan trọng để thể hiện nhân vật ở trong văn bản tự sự.

Đối thoại là hình thức trò chuyện, đối đáp giữa hai hoặc nhiều người. Ở trong văn bản tự sự, đối thoại được thể hiện qua các gạch đầu dòng ở đầu lời trao đổi và lời đáp (mỗi lượt lời sẽ là một lần gạch đầu dòng).

Độc thoại là lời của một người nào đó nói tự với chính mình hoặc nói với một ai đó trong trí tưởng tượng. Ở trong văn bản tự sự, khi người độc thoại khi nói thành lời thì phía trước câu nói sẽ có gạch đầu dòng, còn khi nói không thành lời thì sẽ không có gạch đầu dòng. Trường hợp sau được gọi là độc thoại nội tâm.

 

II. Luyện tập

Câu 1 | Trang 178 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Phân tích tác dụng của hình thức đối thoại trong đoạn trích.

soan-bai-doi-thoai-va-doc-thoai-va-doc-thoai-noi-tam-trong-van-ban-tu-su-2

Gợi ý:

– Đây là cuộc đối thoại giữa hai vợ chồng ông Hai sau khi nghe được tin làng chợ Dầu đi theo giặc.

– Cuộc đối thoại diễn ra lần lượt với ba lượt lời của bà Hai sau đó là hai lượt lời của ông Hai.

– Sau lời thoại đầu của bà, ông Hai đã không đáp lại mà “nằm rũ ra trên giường không nói gì”. Tiếp với câu hỏi thứ hai của bà Hai, ông Hai đã đáp bằng một câu hỏi lại bà với mỗi một từ “Gì?”. Đến lần thứ ba, ông cũng chỉ đáp lại lời của bà bằng một câu nói cụt ngủn, giọng gắt lên là: “Biết rồi!”.

– Qua lời đối thoại này, nhà văn đã làm nổi bật nên tâm trạng buồn bã, chán nản và đau khổ của nhân vật ông Hai. Đa số những lời đáp của ông Hai đều cộc lốc và ngắn ngủn.

Câu 2 | Trang 179 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Hãy viết đoạn văn tự sự kể chuyện theo đề một tài tự chọn và trong đó có sử dụng các hình thức đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm

Gợi ý:

Ví dụ: Bài văn kể về cuộc trò chuyện của em với ông nội của em

a) Dàn ý

I. Mở bài:

– Giới thiệu chung về ông nội của em:

  • Tên và tuổi tác
  • Nghề nghiệp,…

II. Thân bài:

– Tả đôi nét về ngoại hình, sở thích của ông nội em.

– Kể một vài kỉ niệm của em với ông nội.

III. Kết bài:

– Tình cảm mà em dành cho ông nội

b) Viết văn:

Bài viết mẫu:

Trong gia đình, người mà tôi kính trọng và yêu thương nhất chính là ông nội. Năm nay ông đã ngoài bảy mươi tuổi. Tuy tuổi tác đã cao nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn và khỏe mạnh lắm.

Từ lúc tôi còn nhỏ, ông nội đã sống cùng với gia đình tôi rồi. Chính vì vậy, ông chính là người thay bố mẹ chăm sóc cho tôi những lúc cả hai đi làm hay công tác xa nhà. Đối với tôi, ông giống như là một ông bụt vậy. Vì đã nghỉ hưu nên lúc ở nhà rảnh rỗi, ông thường chăm sóc những cây cảnh ở trong vườn. Mỗi buổi chiều khi tôi đi học về lại thấy ông cặm cụi trong vườn tỉ mỉ cắt tỉa từng chiếc lá, tưới nước cho từng bụi hoa, chậu cây. Nhờ có sự chăm sóc cẩn thận của ông nên những cây cối ở trong vườn rất tươi tốt và thường xuyên đơm hoa. Những lúc đó, tôi lại chạy đến để giúp đỡ ông, hai ông cháu vừa làm vừa trò chuyện với nhau rất vui vẻ. Tôi còn nhớ, có một lần vào cuối năm học lớp năm, ông đã nói với tôi rằng:

– Nếu cuối học kì này, cháu đạt được kết quả tốt, ông sẽ mua cho cháu một chiếc cặp sách mới mà cháu thích.

– Thật ông nhé! Vậy cháu sẽ cố gắng học hành chăm chỉ để đạt được kết quả tốt ạ! – Tôi háo hức trả lời ông.

Vào cuối năm học, tôi luôn tự nhủ: “Chắc chắn mình sẽ cố gắng để nhận được chiếc cặp sách của ông nội”. Không phụ với sự kỳ vọng đó, kết quả cuối năm của tôi các môn chính đều trên chín điểm. Tôi đã cảm thấy vô cùng phấn khởi, háo hức mong  được nhanh chóng trở về nhà để khoe với ông nội. Tôi tin chắc rằng ông sẽ cảm thấy rất tự hào về tôi. Hôm sau, đúng như lời hứa với tôi, ông đã mua và dành tặng cho tôi một chiếc cặp sách mới tinh.

Ông nội là người sống rất tình cảm, rất quan tâm tới con cháu của mình. Ông thường kể những câu chuyện về cuộc sống thời bao cấp của ông với rất nhiều câu chuyện thú vị cho tôi nghe. Mỗi khi ông nội bị ốm, nhìn ông nằm ở trên giường bệnh với khuôn mặt mệt mỏi. Lòng tôi khi ấy cảm thấy rất buồn và chỉ mong sao cho ông sớm khỏi bệnh để hai ông cháu lại cùng nhau tưới cây, chơi cờ.

Đối với tôi, ông nội không chỉ là người thân mà là một người bạn. Tôi luôn luôn dành tình yêu với ông nội của mình từ tận đáy lòng.

(hết)

Các hình thức được sử dụng trong đoạn văn:

  • Đối thoại: 

– Nếu cuối học kì này, cháu đạt được kết quả tốt, ông sẽ mua cho cháu một chiếc cặp sách mới mà cháu thích.

– Thật ông nhé! Vậy cháu sẽ cố gắng học hành chăm chỉ để đạt được kết quả tốt ạ!

  • Độc thoại: “Chắc chắn mình sẽ cố gắng để nhận được chiếc cặp sách của ông nội”.
  • Độc thoại nội tâm: Lòng tôi khi ấy cảm thấy rất buồn và chỉ mong sao cho ông sớm khỏi bệnh để hai ông cháu lại cùng nhau tưới cây, chơi cờ

Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu hướng dẫn chi tiết giúp cho các em học sinh chuẩn bị tốt phần Soạn bài Đối thoại và độc thoại và độc thoại nội tâm trong văn bản tự sự sắp tới trên lớp của mình trong SGK Ngữ văn 9 được HOCMAI sưu tầm