Soạn bài luyện tập tóm tắt văn bản tự sự (Ngữ văn 8)

0
862
soan-bai-luyen-tap-tom-tat-van-ban-tu-su

 

HOCMAI xin chào các em học sinh lớp 8, bài viết này HOCMAI muốn gửi tới các em bài Soạn bài luyện tập tóm tắt văn bản tự sự. Kỹ năng tóm tắt một văn bản là kỹ năng thiết yếu mà các em cần phải thuần thục và nhuần nhuyễn không chỉ trong quá trình học tập môn ngữ văn 8 mà còn trong giao tiếp cuộc sống đời thường. Các em chỉ cần thực hành luyện tập bài học ngày hôm nay là đã có thể hiểu hết về kỹ năng tóm tắt văn bản rồi. Nào, các em cùng HOCMAI vào bài học nhé!

A. LÝ TUYẾT TÓM TẮT VĂN BẢN TỰ SỰ

  1. Tóm tắt văn bản tự sự là thao tác dùng lời văn của mình (người viết) trình bày lại một cách ngắn gọn những sự việc, sự kiện tiêu biểu, với sự tham gia của những nhân vật chính quan trọng làm nên nội dung chính của văn bản ấy.
  2. Để tóm tắt một văn bản tự sự thì cần phải theo trình tự các bước như sau: đọc thật kĩ toàn bộ văn bản gốc; xác định các sự việc, sự kiện cần tóm tắt, xác định nhân vật chính quan trọng; sắp xếp chúng theo một trình tự hợp lý theo đúng với mạch truyện; tiến hành việc viết văn bản tóm tắt.
  3. Văn bản tóm tắt phải đảm bảo phản ánh trung thành và chính xác nội dung của văn bản gốc.

Để hiểu kỹ hơn các em có thể tham khảo bài viết: Soạn bài tóm tắt văn bản tự sự

B. BÀI TẬP LUYỆN TẬP TÓM TẮT VĂN BẢN TỰ SỰ

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 Tập 1 – Trang 61):

Hướng dẫn giải bài:

– Bản liệt kê như trong sách giáo khoa đã nêu được những sự việc, sự kiện tiêu biểu và những nhân vật quan trọng của truyện. Tuy nhiên thứ tự sắp xếp các ý còn chưa đúng.

– Sắp xếp đúng lại như sau: b → a → d → c → g → e → i → h → k.

– Viết đoạn văn:

Lão Hạc có một người con trai, một ngôi nhà, một mảnh vườn và một con chó Vàng. Con trai lão đang đi đồn điền cao su nên lão chỉ còn lại một mình cậu Vàng làm bạn. Vì muốn giữ lại ngôi nhà và mảnh vườn lại cho con, lão đã phải bán con chó mặc dù lão rất đau xót và buồn bã. Lão đã mang tất cả số tiền dành dụm được sang gửi ông giáo và nhờ ông trông coi giùm mảnh vườn. Cuộc sống của lão mỗi ngày một khó khăn, lão kiếm được cái gì thì ăn cái nấy và luôn từ chối sự giúp đỡ từ ông giáo. Tới một hôm, lão sang xin ông Binh Tư một ít bả chó nói rừng để giết con chó hay đến vườn nhà ông, làm thịt nó và rủ Binh Tư cùng uống rượu. Ông giáo đã rất buồn khi nghe ông Binh Tư kể về chuyện ấy. Nhưng rồi lão Hạc đột ngột chết, một cái chết thật đau thương và dữ dội. Cả làng không ai hiểu tại vì sao lão lại chết, chỉ có mình ông giáo và Binh Tư hiểu.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 Tập 1 – Trang 62):

Hướng dẫn giải bài:
– Nhân vật quan trọng (nhân vật chính) trong văn bản: chị Dậu, anh Dậu, tên cai lệ và người nhà lí trưởng.

– Sự kiện, sự việc tiêu biểu:

+ Chị Dậu chăm sóc chồng đau ốm.

+ Bọn cai lệ và người nhà lí trưởng kéo đến đàn áp, đòi sưu thuế.

+ Chị Dậu hết mực van xin nhưng chúng vẫn không chịu buông tha.

+ Chị đành phản kháng lại cai lệ và người nhà lí trưởng để bảo vệ anh Dậu.

– Tóm tắt:

Chị Dậu vừa bê bát cháo đến bên cạnh anh Dậu, anh chưa kịp ăn thì cai lệ và người nhà lí trưởng ập tới xông vào. Chúng quát tháo và định trói anh Dậu lại. Chị Dậu hết lời van xin chúng tha cho, nhưng chúng vẫn lao vào để trói anh và đánh chị. Không thể chịu đựng được nữa, chị Dậu liều mạng kháng cự lại chúng. Lúc đầu chị kháng cự bằng lí lẽ, chúng vẫn không tha cho anh, chị thách thức rồi đánh lại chúng. Tên cai lệ đã bị chị đẩy ngã chỏng quèo. Kết cục là anh chàng hầu cận ông lí yếu hơn cả chị Dậu, bị chị túm tóc lẳng cho ngã nhào ra thềm đất.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 Tập 1 – Trang 62):

Hướng dẫn giải bài:

– Hai văn bản “Tôi đi học” và “Trong lòng mẹ” đều là hai văn bản tự sự không chứa nhiều nhân vật, sự kiện hay xung đột xã hội.

– Các tác giả viết về dòng hồi ký của bản thân mình, nên chủ yếu là miêu tả nội tâm nhân vật biến câu chuyện trở nên thơ nên tình. Có thể tóm tắt như sau:

+ Văn bản “Tôi đi học”: Truyện kể về nhân vật “tôi” hồi tưởng về những kỉ niệm của buổi tựu trường lần đầu tiên. Đó là cảm giác hồi hộp, náo nức, ngỡ ngàng với con đường, sân trường, lớp học, bạn mới. Cảm giác vừa xa lạ mà lại vừa gần gũi với mọi vật, vừa ngỡ ngàng tự tin mà lại vừa nghiêm trang xúc động bước vào buổi học đầu tiên.

+ Văn bản “Trong lòng mẹ”: Đã gần đến ngày giỗ đầu của cha mình nhưng người mẹ đi “tha hương cầu thực” vẫn chưa thấy về. Người cô trong câu chuyện luôn xoáy sâu vào nỗi đau của bé Hồng bằng những lời lẽ đá xiên cay độc và gương mặt cười rất kịch và đả kích. Cuối câu chuyện, Hồng và mẹ vẫn được hội ngộ. Bé Hồng nghẹn ngào trong sung sướng như vỡ òa lăn vào vòng tay của mẹ và cảm nhận hạnh phúc ngọt ngào của tình mẫu tử ấm áp.

Bài viết các em có thể tham khảo thêm:

Trên đây là bài Soạn bài luyện tập tóm tắt văn bản tự sự mà HOCMAI muốn gửi tới các em học sinh. Kiến thức không quá khó và cũng rất hay được chúng ta sử dụng nhưng không phải ai cũng có kỹ năng tóm tắt văn bản chuẩn đúng và trung thành với nội dung của văn bản gốc. Vậy nên, muốn giỏi bất kỳ điều gì cũng cần sự chăm chỉ, kiên trì các em ạ. Nếu muốn tìm thêm thật nhiều bài học hay, kiến thức bổ ích, các em có thể truy cập website hoctot.hocmai.vn nhé!