Soạn bài Từ tượng hình, từ tượng thanh – Đặc điểm, công dụng và bài luyện tập (Lớp 8)

0
1615
soan-bai-tu-tuong-hinh-tu-tuong-thanh

Bài viết này là về Soạn bài từ tượng hình, từ tượng thanh mà HOCMAI đã biên soạn cho các em học sinh khối 8. Bài soạn bài này được biên soạn sát sườn theo sách giáo khoa Ngữ văn 8  ở trường của các em nên các em có thể yên tâm tham khảo bài viết nhé. Để có thể làm ra một bài văn hay và giàu tính biểu cảm, giàu cảm xúc, thì việc sử dụng từ tượng hình và từ tượng thanh là rất cần thiết đó các em. Những từ này giúp người đọc liên tưởng một cách sống động bối cảnh của câu chuyện một cách dễ dàng.

A. LÝ THUYẾT CỦA TỪ TƯỢNG HÌNH, TỪ TƯỢNG THANH

Đặc điểm, công dụng của từ tượng hình và từ tượng thanh

Đọc các đoạn trích trong sách giáo khoa (trong tác phẩm “Lão Hạc” của tác giả Nam Cao) và trả lời câu hỏi:

a. Trong những từ ngữ in đậm trong đoạn trích:

-Những từ gợi tả hình ảnh, trạng thái, dáng vẻ của sự vật là: móm mém, xồng xộc, xộc xệch, vật vã, rũ rượi, sòng sọc.

– Những từ mô phỏng âm thanh tự nhiên, tiếng động của tự nhiên, con người là: hu hu, ư ử.

b. Những từ có chức năng gợi tả hình ảnh, trạng thái, dáng vẻ hoặc mô phỏng tiếng động, âm thanh như trên giúp miêu tả chi tiết, rõ nét về hình ảnh, âm thanh của sự vật, con người trong văn miêu tả hoặc văn tự sự.

TỔNG KẾT KIẾN THỨC:

Từ tượng hình là những từ có chức năng gợi tả trạng thái, dáng vẻ, hình ảnh của sự vật hoặc con người.

Từ tượng thanh là những từ có chức năng mô tả âm thanh, tiếng động của tự nhiên, sự vật, con người.

– Từ tượng hình, từ tượng thanh lột tải được hình ảnh âm thanh cụ thể, sinh động và có giá trị biểu cảm cao, giúp người đọc có thể liên tưởng tới bối cảnh của câu chuyện. Từ tượng hình và tượng thanh thường được dùng trong văn miêu tả và văn tự sự.

B. BÀI TẬP ÔN LUYỆN TỪ TƯỢNG HÌNH, TỪ TƯỢNG THANH

Câu 1. (Sgk Ngữ Văn 8 tập 1 – trang 49)

Hướng dẫn giải

Tìm những từ tượng hình, những từ tượng thanh trong các câu sau đây (trích tác phẩm “Tắt đèn” của tác giả Ngô Tất Tố).

– “Thằng Dần vục đầu vào vừa thổi vừa húp soàn soạt. Chị Dậu rón rén bưng một bát lớn tới chỗ chồng nằm”.

  • Từ tượng thanh: soàn soạt
  • Từ tượng hình: rón rén

– “Vừa nói hắn vừa bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi lại sấn sổ đến để trói anh Dậu”.

  • Từ tượng thanh: bịch

– “Cai lệ tát vào mặt chị một nhát đánh bốp, rồi hắn cứ nhảy bổ cạnh anh Dậu”.

  • Từ tượng thanh: bốp

– “Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi hắn ra cửa. Sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp so với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo trên nền đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu”.

  • Từ tượng hình: lẻo khoẻo, chỏng quèo
  • Từ tượng thanh: nham nhảm

Câu 2.  (Sgk Ngữ Văn 8 tập 1 – trang 50)

Các em hãy tìm ít nhất năm từ ngữ tả dáng đi của con người:

Hướng dẫn giải

Gợi ý: nhanh nhẹn, lon ton, lom khom, thoăn thoắn, lò dò, chập chững, thướt tha, thong thả, lù đù, khoan thai, uyển chuyển, nghiêng ngả, yểu điệu, khập khiễng, khệnh khạng,…

Câu 3.  (Sgk Ngữ Văn 8 tập 1 – trang 50)

Hướng dẫn giải

Phân biệt ý nghĩa của những từ tượng thanh tả tiếng cười sau: cười ha hả, cười hì hì, cười hô hố, cười hơ hớ.

– Cười ha hả: tiếng cười rất to, thể hiện sự khoái chí, thích thú.

– Cười hì hì: tiếng cười, nhỏ nhẹ, nhẹ nhàng.

– Cười hô hố: tiếng cười to, có phần thô lỗ, khiếm nhã, khiến người nghe khó chịu.

– Cười hơ hớ: tiếng cười rất tự nhiên, thoải mái, không cần che giấu hay giấu diếm gì cả.

Câu 4. (Sgk Ngữ Văn 8 tập 1 – trang 50)

Hướng dẫn giải

Đặt câu với các từ tượng hình, tượng thanh sau: lắc rắc, lã chã, lộp bộp, lạch bạch, lấm tấm, lập lòe, tích tắc, ồm ồm, ào ào, khúc khuỷu.

– Gió thổi mạnh đã làm cho cánh cửa kêu lắc rắc, nghe thật sợ hãi.

– Nước mắt cứ vậy rơi lã chã khi cô ấy nghe được tin tức ấy.

– Bố em đi cày ngoài đồng về, trên trán của bố vẫn còn lấm tấm những hạt mồ hôi.

– Con đường này mới thật là khúc khuỷu làm sao!

– Ánh lửa bập bùng, lập lòe trong đêm tối.

– Tiếng đồng hồ nhà tôi kêu tích tắc.

– Tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà thằng Hùng.

– Những chú vịt con bước đi, từng bước chân đều phát ra tiếng lạch bạch.

– Giọng nói của ông ấy nghe cứ ồm ồm.

– Mưa ào ào như trút nước xuống sân nhà tôi.

Câu 5. (Sgk Ngữ Văn 8 tập 1 – trang 50)

Hướng dẫn giải

Sưu tầm một bài thơ có sử dụng từ ngữ tượng thanh, tượng hình mà em biết.

Trâu đồi

“Ai thổi sáo gọi trâu đây đó 

Chiều in nghiêng trên mảng núi xa

Con trâu trắng dẫn đàn lên núi

Vểnh đôi tai nghe sáo trở về

Trâu đực chạy rầm rầm như hổ 

Trâu thiến dong từng bước hiền lành

Cổ lừng lững như chum, như vại

Móng hến hằn in mép cỏ xanh

Những chú nghé lông tơ mũm mĩm 

Mũi phập phồng dính cánh hoa mua

Cổng trại mở trâu vào chen chúc

Chiều rộn ràng trong tiếng nghé ơ”

– Các từ tượng hình tìm được trong bài như: lừng thững, mũm mĩm, phập phồng

  • Lừng thững: dáng vẻ to lớn và như từ đâu bất chợt hiện ra, án ngự ngay trước mặt, gây ấn tượng xấu, tạo ra sự sợ hãi.
  • Mũm mĩm: béo và tròn trĩnh, trông thích mắt
  • Phập phồng: phồng lên, xẹp xuống một cách liên tiếp

– Từ tượng thanh tìm được trong bài là: rầm rầm

  • Rầm rầm: Âm thanh to và thô, phát ra dường như liên tục, liên tiếp không dừng lại.

* BÀI TẬP ÔN LUYỆN:

Câu 1. Hãy tìm từ tượng hình và từ tượng thanh:

Hướng dẫn giải

a.

– Từ tượng hình là: nặng nề, mơ màng, xám xịt, âm u đục ngầu.

– Từ tượng thanh là: ầm ầm

b.

– Từ tượng hình là: khoẻ khoe

– Từ tượng thanh là: quang quác quác, văng vẳng, tẻ tè te

Câu 2. Tìm các từ:

  1. Những từ tượng hình gợi tả được sắc màu là:  sặc sỡ, chon chót, lòe loẹt, nhợt nhạt, màu mè, chói chang…
  2. Những từ tượng thanh miêu tả được tiếng khóc của con người là: nức nở, thút thít,sụt sịt, sụt sùi, rưng rức, oa oa…

Bài viết tham khảo thêm:

Vậy là chúng ta đã cùng nhau hoàn thành bài Soạn bài Từ tượng hình, từ tượng thanh rồi, các em học sinh đã nắm chắc kiến thức chính và áp dụng được vào những bài tập trong sách giáo khoa chưa nhỉ? Tuy kiến thức về từ tượng hình và từ tượng thanh rất đơn giản và dễ hiểu nhưng để các em có thể sử dụng được đa dạng từ trong các bài tập làm văn của mình thì cần các em đọc thật nhiều bài văn hay, nhiều tác phẩm văn học, mày mò, tìm hiểu nhiều hơn nữa. Còn một cách đơn giản khác, đó chính là truy cập website hoctot.hocmai.vn, HOCMAI sẽ hỗ trợ các em hết mình để đưa cho các em thật nhiều kiến thức bổ ích hơn nữa.