Soạn bài Xây dựng đoạn văn trong văn bản

0
719
xay-dung-doan-van-trong-van-ban

Đoạn văn là đơn vị trực tiếp tạo nên văn bản, bắt đầu từ chữ đầu dòng, kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng và thường biểu đạt một ý tương đối hoàn chỉnh. Đoạn văn thường do nhiều câu tạo thành. Soạn bài Xây dựng đoạn văn trong văn bản dưới đây do Hocmai chia sẻ sẽ giúp các bạn học sinh có thể nắm rõ làm chủ kiến thức và hướng dẫn giải bài tập trong chương trình môn học Ngữ Văn lớp 8.

 

Tham khảo thêm:

Soạn bài Trong lòng mẹ

Soạn bài trường từ vựng

Soạn bài Tức nước vỡ bờ

 

I. Soạn bài xây dựng đoạn văn trong văn bản: Thế nào là đoạn văn?

Hãy đọc văn bản Ngô Tất Tố và tác phẩm “Tắt đèn” ( trong trang 34 SGK Ngữ văn 8 tập 1) và trả lời các câu hỏi sau.

Câu 1: Văn bản trên gồm mấy ý? Mỗi ý được viết thành bao nhiêu đoạn văn?

Hướng dẫn giải

Văn bản gồm 2 ý chính, mỗi ý được viết thành 1 đoạn văn:

– Đoạn 1: Khái quát về thông tin của tác giả Ngô Tất Tố.

– Đoạn 2: Đưa ra giá trị nổi bật của tác phẩm Tắt đèn.

Câu 2: Bạn thường dựa vào những dấu hiệu hình thức nào để nhận biết đoạn văn?

Hướng dẫn giải

Để nhận diện đoạn văn chúng ta dựa vào các dấu hiệu:

– Chữ đầu tiên của đoạn được viết lùi vào đầu dòng và viết hoa

– Kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng

– Mỗi đoạn văn thường gồm nhiều câu văn

– Về nội dung: Đoạn văn thể hiện một ý (luận điểm) tương đối hoàn chỉnh.

Câu 3: Khái quát các đặc điểm cơ bản của đoạn văn và cho biết thế nào là đoạn văn?

Hướng dẫn giải

Đặc điểm cơ bản của đoạn văn:

– Chữ đầu tiên của đoạn được viết lùi vào đầu dòng và viết hoa

– Kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng

– Mỗi đoạn văn thường gồm nhiều câu văn

– Về nội dung: Đoạn văn thể hiện một ý (luận điểm) tương đối hoàn chỉnh.

Đoạn văn bao gồm sự phân đoạn nội dung và sự phân đoạn hình thức. Khái niệm đoạn văn sẽ được hiểu là một tập hợp các câu văn có quan hệ chặt chẽ với nhau, diễn đạt một nội dung nhất định; được phân đoạn trong văn bản bằng việc lùi đầu dòng, viết hoa và kết thúc bằng dấu chấm ngắt đoạn, xuống dòng. 

 

II. Soạn bài xây dựng đoạn văn trong văn bản: Từ ngữ và câu trong văn bản? 

1. Từ ngữ chủ đề và câu chủ đề của đoạn văn

Câu 1: Đọc đoạn thứ nhất của văn bản trên và tìm các từ ngữ có tác dụng duy trì đối tượng trong đoạn văn (từ ngữ chủ đề) ?

Hướng dẫn giải

Các từ ngữ đảm nhiệm vai trò duy trì ý của toàn đoạn: “Ngô Tất Tố”, “Ông”, “nhà văn”, “tác phẩm chính của ông”

=> Những từ ngữ duy trì ý của đoạn văn là những từ ngữ góp phần tạo nên sự thống nhất trong chủ đề của văn bản.

Câu 2: Hãy đọc đoạn văn thứ hai của văn bản và tìm câu then chốt của đoạn văn (câu chủ đề). Vì sao bạn biết đó là câu chủ đề của đoạn?

Hướng dẫn giải

Câu văn: “Tắt đèn là tác phẩm tiêu biểu nhất của Ngô Tất Tố

=> Câu văn then chốt khái quát nội dung chính của đoạn văn chính vì vậy đây là câu chủ đề của đoạn.

=> Câu chủ đề trong trường hợp này đứng ở đầu đoạn văn.

Câu 3: Qua các nhận thức trên, bạn hiểu từ ngữ chủ đề và câu chủ đề là gì? Chúng đóng vai trò gì trong văn bản ?

Hướng dẫn giải

– Từ ngữ chủ đề là các từ ngữ được dùng làm đề mục hoặc các từ ngữ được lặp lại nhiều lần (thường là chỉ từ, đại từ, các từ đồng nghĩa) nhằm duy trì đối tượng được biểu đạt

– Câu chủ đề khái quát nội dung chính của toàn bộ đoàn văn, lời lẽ ngắn gọn, thường đủ hai thành phần chính và đứng ở đầu hoặc cuối đoạn văn.

2. Cách trình bày nội dung đoạn văn

Câu 1: Nội dung đoạn văn có thể được trình bày bằng nhiều cách khác nhau. Phân tích và so sánh cách trình bày ý của hai đoạn văn trong văn bản nêu trên.

Hướng dẫn giải

– Xét về mặt hình thức: Hai văn bản trên giống nhau về cách trình bày nội dung

+ Chữ đầu tiên của đoạn được viết lùi vào đầu dòng và viết hoa

+ Kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng

+ Mỗi đoạn văn thường gồm nhiều câu văn

– Xét về mặt nội dung: Đoạn văn thể hiện một ý (luận điểm) tương đối hoàn chỉnh.

+ Đoạn văn thứ nhất không có câu chủ đề

+ Đoạn văn thứ hai có câu chủ đề

– Cách diễn đạt:

+ Chủ đề đoạn văn thứ nhất được trình bày theo phép song hành: các câu triển khai nội dung song song nhau, không nội dung nào bao trùm lên nội dung nào. Mỗi câu trong đoạn văn nêu ra một khía cạnh của chủ đề đoạn văn, làm rõ cho nội dung đoạn văn.

+ Chủ đề đoạn văn thứ hai được trình bày theo phép diễn dịch: câu chủ đề mang ý nghĩa khái quát đứng ở đầu đoạn, các câu còn lại triển khai cụ thể ý của câu chủ đề, bổ sung, làm rõ cho câu chủ đề. Các câu triển khai được thực hiện bằng các thao tác giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận, có thể kèm theo nhận xét, đánh giá và bộc lộ cảm nhận của người viết.

 

Câu 2: Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi.

Các tế bào của lá cây có chứa nhiều lục lạp. Trong các lục lạp này có chứa một chất gọi là diệp lục, tức là chất xanh của lá. Sở dĩ chất diệp lục có màu xanh lục vì nó hút các tia sáng có màu khác, nhất là màu đỏ và màu lam, nhưng không thu nhận màu xanh lục mà lại phản chiếu màu này và do đó mắt ta mới nhìn thấy màu xanh lục. Như vậy, lá cây có màu xanh là do chất diệp lục chứa trong thành phần tế bào.

Hướng dẫn giải

– Câu chủ đề: “Như vậy, lá cây có màu xanh là do chất diệp lục chứa trong thành phần tế bào” 

  Câu chủ đề đứng ở cuối đoạn.

– Đoạn văn trên được trình bày theo lối quy nạp: được trình bày đi từ các ý nhỏ đến ý lớn, từ các ý chi tiết đến ý khái quát, từ ý luận cứ cụ thể đến ý kết luận bao trùm. Theo phương pháp này, câu chủ đề không làm nhiệm vụ định hướng nội dung triển khai cho toàn đoạn mà lại làm nhiệm vụ khép lại nội dung cho đoạn ấy. Các câu trên được trình bày bằng các phương pháp lập luận, minh họa, cảm nhận và rút ra nhận xét đánh giá chung.

 

III. Luyện tập

Câu 1: Văn bản sau đây có thể chia thành mấy ý? Mỗi ý được diễn đạt bằng mấy đoạn văn?

AI NHẦM

Xưa có một ông thầy đồ dạy học ở một gia đình nọ. Chẳng may bà chủ nhà ốm chết, ông chồng bèn nhờ thầy làm cho bài văn tế. Vốn lười, thầy liền lấy bài văn tế ông thân sinh ra chép lại đưa cho chủ nhà.

Lúc vào lễ, bài văn tế được đọc lên, khách khứa ai cũng bụm miệng cười. Bực mình, ông chủ nhà gọi thầy đồ đến trách: “Sao thầy lại có thể nhầm đến thế?”. Thầy đồ trợn mắt lên cãi: “Văn tế của tôi chẳng bao giờ nhầm, họa chăng người nhà ông chết nhầm thì có”.

(Truyện dân gian Việt Nam)

Hướng dẫn giải

Văn bản trên chia thành hai đoạn với hai ý chính, mỗi ý được diễn đạt bằng một đoạn văn:

+ Thầy đồ vì lười mà đi chép văn tế ông thân sinh đưa cho người chồng có người vợ vừa qua đời

+ Gia chủ trách thầy đồ viết nhầm văn tế, thầy cãi liều đổ lỗi cho nhà gia chủ “chết nhầm”.

 

Câu 2: Hãy phân tích cách trình bày nội dung trong các đoạn văn sau.

a) Trần Đăng Khoa rất biết yêu thương. Em thương bác đẩy xe bò “mồ hôi ướt lưng, căng sợi dây thừng” chở vôi cát về xây trường học, và mời bác về nhà mình… Em thương thầy giáo một hôm trời mưa đường trơn bị ngã, cho nên dân làng bèn đắp lại đường.

(Theo Xuân Diệu)

Hướng dẫn giải

– Câu chủ đề “Trần Đăng Khoa rất biết yêu thương” 

– Triển khai theo kiểu diễn dịch: đi từ khái quát (cái chung) đến cụ thể (cái riêng). Kiểu triển khai này, câu đầu tiên trong đoạn văn là câu chủ đề (kết luận), còn các câu tiếp sau có nhiệm vụ triển khai, làm sáng tỏ chủ đề (các luận cứ).

b) Mưa đã ngớt. Trời rạng dần. Mấy con chim chào mào từ hốc cây nào đó bay ra hót râm ran. Mưa tạnh, phía đông một mảng trời trong vắt. Mặt trời ló ra, chói lọi trên những vòm lá bưởi lấp lánh.

(Tô Hoài, O chuột)

Hướng dẫn giải

– Không có câu chủ đề, chủ đề của đoạn được duy trì bằng những từ ngữ chủ đề: mưa ngớt, tạnh, trời

– Triển khai theo kiểu song hành.

c) Nguyên Hồng (1918 – 1982) tên khai sinh là Nguyễn Nguyên Hồng, quê ở thành phố Nam Định. Trước Cách mạng, ông sống chủ yếu ở thành phố cảng Hải Phòng, trong một xóm lao động nghèo. Ngay từ tác phẩm đầu tay, Nguyên Hồng đã hướng ngòi bút về những người cùng khổ gần gũi mà ông yêu thương thắm thiết. Sau Cách mạng, Nguyên Hồng tiếp tục bền bỉ sáng tác, ông viết cả tiểu thuyết, kí, thơ, nổi bật hơn cả là các bộ tiểu thuyết sử thi nhiều tập. Nguyên Hồng được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 1996).

(Ngữ văn 8, tập một)

Hướng dẫn giải

– Không có câu chủ đề, chủ đề được duy trì bằng các từ ngữ chủ đề: Nguyên Hồng, ông, ngòi bút, sáng tác… 

– Triển khai theo kiểu song hành.

 

Câu 3: Với câu chủ đề: “Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta”, viết một đoạn văn theo cách diễn dịch, sau đó biến đoạn văn diễn dịch thành quy nạp.

Hướng dẫn giải

– Đoạn văn diễn dịch:

Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Trải qua hơn 4000 năm dựng và giữ nước, cha ông ta đã kiên cường chiến đấu với tất cả kẻ thù có âm mưu cướp nước. Những cuộc chiến chung sức chung lòng của toàn thể dân tộc, muôn người như một, trên dưới một lòng. Để còn mãi lưu lại lịch sử hào hùng hai lần thắng quân Tống, ba lần thắng quân Nguyên Mông, mười năm kháng chiến anh dũng đuổi quân Minh, một lần quét sạch quân Thanh xâm lược. Đặc biệt sau gần một thế kỷ chống lại sự đô hộ của thực dân Pháp đã thắng lợi sau chín năm kháng chiến trường kì gian khổ và hai mươi năm đánh giặc Mĩ thống nhất đất nước.

– Đoạn văn quy nạp:

Trải qua hơn 4000 năm dựng và giữ nước, cha ông ta đã kiên cường chiến đấu với tất cả kẻ thù có âm mưu cướp nước. Những cuộc chiến chung sức chung lòng của toàn thể dân tộc, muôn người như một, trên dưới một lòng. Để còn mãi lưu lại lịch sử hào hùng hai lần thắng quân Tống, ba lần thắng quân Nguyên Mông, mười năm kháng chiến anh dũng đuổi quân Minh, một lần quét sạch quân Thanh xâm lược. Đặc biệt sau gần một thế kỷ chống lại sự đô hộ của thực dân Pháp đã thắng lợi sau chín năm kháng chiến trường kì gian khổ và hai mươi năm đánh giặc Mĩ thống nhất đất nước. Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta.

 

Câu 4: Viết một đoạn văn, sau đó phân tích cách trình bày nội dung trong đoạn văn đó

Hướng dẫn giải

– Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: 

“Thất bại là mẹ thành công” là lời khuyên giá trị dành cho mỗi người. “Thất bại” là những lần vấp ngã, khó khăn trong công việc và cuộc sống, là những công việc ta vạch định không đạt được kết quả như mong muốn. Còn “thành công” là đạt được những kết quả đạt được theo ý ta muốn và công việc đó được hoàn thành tốt đẹp, xuất sắc. Cách nói “Thất bại là mẹ thành công” ý muốn nói rằng để có được thành công, trước đó con người đã phải nếm trải những thất bại. Chính nhờ có thất bại mà chúng ta mới có thêm kinh nghiệm, học thêm kiến thức để từ đó hoàn thiện mình hơn. Thất bại cũng giống như “người mẹ hiền” dạy dỗ con người trưởng thành.

=> Đoạn văn quy nạp: lập luận bắt đầu bằng cái cụ thể, riêng lẻ đến cái khái quát, cái chung. Ở kiểu lập luận này, câu kết thúc là câu chủ đề, nó thâu tóm những câu mang thông tin cụ thể đứng ở phía trước.

Trên đây là toàn bộ tài liệu Soạn bài Xây dựng đoạn văn trong văn bản. Bài viết nằm trong chuỗi tài liệu kiến thức Soạn văn 8. Hy vọng với bài viết trên sẽ cung cấp các kiến thức hữu ích cho các em học sinh trong quá trình học và ôn tập kiến thức Ngữ Văn 8.