Soạn bài Phương pháp thuyết minh (Ngữ văn 8)

0
1131
soan-bai-phuong-phap-thuyet-minh

Trong chương trình học ở SGK Ngữ văn 8, các em học sinh sẽ được biết đến và thực hành nhiều loại văn bản khác nhau, ví dụ như văn bản tự sự, văn bản nghị luận, văn bản thuyết minh. Tất cả những loại văn bản vừa kể trên đều thật sự rất quan trọng trong các tác vụ của đời sống hàng ngày. Bài viết này là Soạn bài Phương pháp thuyết minh HOCMAI muốn gửi tới các em học sinh để các em có thể hiểu hơn về phương pháp tạo lập văn bản này.

Bài viết tham khảo thêm:

I. Tìm hiểu các phương pháp thuyết minh

1. Quan sát, học tập, tích lũy tri thức đế làm bài văn thuyết minh

a) Đọc lại các văn bản thuyết minh em vừa học (Tại sao lá cây có màu xanh lục, Cây dừa Bình Định, Huế, Con giun đất, Khởi nghĩa Nông Văn Vân) và cho biết các loại văn bản ấy đã sử dụng tri thức gì?

– Văn bản “Cây dừa Bình Định” đã được sử dụng loại tri thức khoa học địa lí.

– Văn bản “Tại sao lá cây có màu xanh lục” đã được sử dụng loại tri thức khoa học thực vật. 

– Văn bản “Huế” đã được sử dụng loại tri thức khoa học văn hóa.

– Văn bản “Khởi nghĩa Nông Văn Vân” đã được sử dụng loại tri thức khoa học lịch sử.

– Văn bản “Con giun đất” đã được sử dụng loại tri thức khoa học sinh vật.

b) Làm thế nào để chúng ta có các tri thức ấy? Vai trò của quan sát, học tập và tích lũy ở đây là như thế nào?

– Các tri thức ấy được chúng ta tích lũy trong quá trình quan sát, học hỏi và tích lũy mỗi ngày trong cuộc sống. Quan sát không đơn giản là chỉ nhìn, mà còn cần lựa chọn các sự vật và hiện tượng tiêu biểu thông qua góc nhìn của mình. Trong quá trình mà ta quan sát cần kết hợp với kỹ năng phân tích và so sánh…

– Quan sát, học tập và tích lũy tri thức là cơ sở đầu tiên để có thể làm nên một bài văn thuyết minh.

c) Bằng trí tưởng tượng, suy luận có thể có tri thức để làm một bài văn thuyết minh hay không?

Chỉ bằng trí tưởng tượng và óc suy luận thì không thể có tri thức để làm bài văn thuyết minh. Bởi một bài văn thuyết minh đòi hỏi tri thức phải là yếu tố có thực, chính xác, rõ ràng.

2. Phương pháp thuyết minh

a. Phương pháp nêu định nghĩa, giải thích

– Trong các câu văn đã cho trong sách giáo khoa, ta thường bắt gặp từ “là”.

– Đằng sau từ ấy, người ta cung cấp một kiến thức để quy chiếu sự vật được định nghĩa vào loại của nó và chỉ ra những đặc điểm, công dụng riêng của nó.

– Vai trò và đặc điểm của loại câu văn có chức năng định nghĩa, giải thích trong một văn bản thuyết minh là nêu vấn đề, sau đó đưa ra khái niệm cần thuyết minh một cách chính xác nhất.

b. Phương pháp liệt kê

Phương pháp liệt kê có tác dụng giúp trình bày tính chất sự vật một cách rõ ràng, cụ thể và thuyết phục hơn.

c. Phương pháp nêu ví dụ

– Ví dụ trong sách giáo khoa là: “Ở Bỉ, từ năm 1987, vi phạm lần thứ nhất phạt 40 đô la, tái phạm phạt 500 đô la”.

– Tác dụng của phương pháp nêu ví dụ: Giúp người đọc có thể dễ dàng hình dung, liên hệ đến hiện trạng thực tế và mang tính thuyết phục cao hơn.

d. Phương pháp dùng số liệu (con số)

– Đoạn văn đã sử dụng số liệu là:

  • Chiếm 20% thể tích là dưỡng khí.
  • Chiếm 3% thể tích là thán khí.
  • Thời gian là: 500 năm
  • Mỗi ngày,1 hecta cỏ có thể hấp thụ 900kg thán khí và nhả ra môi trường 600kg dưỡng khí.

– Nếu không có số liệu phân tích thì ta không thể làm sáng tỏ được vai trò của cỏ trong thành phố. Nếu thiếu số liệu thì văn bản sẽ được trình bày một cách trừu tượng, không đáng tin cậy, khó nắm bắt.

e. Phương pháp so sánh

– Việc sử dụng phương pháp so sánh trong văn bản thuyết minh giúp cho người đọc thấy rõ được diện tích to lớn của Thái Bình Dương.

g. Phương pháp phân loại, phân tích

– Phương pháp phân tích là chia nhỏ đối tượng ra để xem xét, phương pháp phân loại là chia đối tượng vốn có nhiều cá thể thành từng loại, từng mục theo một tiêu chí nào đó.

– Trước một đối tượng hoặc vấn đề phức tạp, khó hiểu, đa dạng, người ta thường tiến hành phân loại – phân tích, chia nhỏ để tìm hiểu. Cách làm này khiến cho việc nhìn nhận đối tượng đầy đủ hơn, chi tiết hơn, chân thực và sâu sắc hơn.

– Trong văn bản “Huế”, thành phố Huế được giới thiệu ở nhiều phương diện khác nhau: địa thế sông núi, kiến trúc, con người, truyền thống đấu tranh, vườn tược, ẩm thực. Như vậy, người viết đã sử dụng phương pháp phân tích, phân loại trong văn bản này.

Tổng kết:

– Muốn có tri thức để làm tốt một bài văn thuyết minh, người viết cần phải quan sát và học hỏi, tìm hiểu sự vật, hiện tượng cần thuyết minh, nhất là phải nắm bắt được bản chất, đặc trưng, tính chất của những sự vật, hiện tượng đó, để tránh sa vào tình trạng trình bày các biểu hiện không tiêu biểu, không quan trọng, lan man.

– Để bài văn thuyết minh có sức thuyết phục, sáng rõ, dễ hiểu, người ta có thể sử dụng phối hợp cùng lúc nhiều phương pháp thuyết minh khác nhau như: phương pháp nêu định nghĩa, phương pháp giải thích, phương pháp nêu ví dụ, phương pháp liệt kê, phương pháp so sánh, phương pháp phân tích, phương pháp dùng số liệu, phương pháp phân loại…

II. Luyện tập phương pháp thuyết minh

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | Trang 128):

Tác giả văn bản “Ôn dịch, thuốc lá” đã nghiên cứu, tìm hiểu rất kỹ để có thể nêu lên yêu cầu toàn dân chống nạn thuốc lá. Các em hãy chỉ ra phạm vi tìm hiểu của vấn đề được thể hiện trong bài viết.

Hướng dẫn giải bài:

Phạm vi tìm hiểu của vấn đề trong bài viết “Ôn dịch, thuốc lá” là:

– Phạm vi kiến thức trong y học:

  • Trong khói thuốc lá có chứa nhiều chất độc không tốt cho cơ thể và môi trường.
  • Chất hắc ín có trong khói thuốc lá sẽ làm tê liệt bộ phận vòm họng, phế quản, nang phổi.
  • Từ đó, khói thuốc lá sẽ gây ra bệnh viêm phế quản, ho hen, viêm xoang..
  • Bên trong khói thuốc lá có chứa chất đi-ô-xin…gây giảm sút sức khỏe của con người.
  • Hít phải khói thuốc lá lâu ngày gây ra bệnh ung thư vòm họng, ung thư phổi.
  • Chất ni-cô- chứa trong thuốc lá làm cho huyết áp tăng cao, tắc động mạch và nhồi máu cơ tim.

– Hiểu biết về tâm lý xã hội:

  • “Bệnh viêm phế quản sẽ…gây hại sức khỏe cộng đồng”.
  • “Hút thuốc lá ở nơi công cộng… thì sinh con suy yếu”.
  • “Từ điếu thuốc sang cốc bia rồi đến ma túy…đầu từ điếu thuốc”.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | Trang 128):

Bài viết trong sách giáo khoa đã sử dụng những phương pháp thuyết minh nào để có thể nêu bật lên tác hại của thuốc lá?

Hướng dẫn giải bài:

– Phương pháp so sánh: So sánh tác hại của thuốc lá với các căn bệnh nguy hiểm khác, hay so sánh với việc uống rượu.

– Phương pháp nêu ví dụ: Nêu ví dụ ở Bỉ, từ năm 1987 trở lại đây, vi phạm lần thứ nhất sẽ phạt 40 đô la, còn tái phạm sẽ phạt 500 đô la.

– Phương pháp nêu số liệu: Tác giả nêu lên số liệu về “Tỷ lệ thanh niên…đi trộm cắp”.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | Trang 129):

Đọc văn bản thuyết minh trong sách giáo khoa và trả lời những câu hỏi: Để tạo lập một văn bản thuyết minh đòi hỏi những kiến thức như thế nào? Trong văn bản này có sử dụng những phương pháp thuyết minh nào?

Hướng dẫn giải bài:

– Kiến thức cần có:

  • Vị trí địa lý trên bản đồ của Ngã ba Đồng Lộc.
  • Văn bản nói về tập mười cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ đào hầm, san lấp hố bom, đảm bảo an toàn giao thông.
  • Về cô gái La Thị Tám mang trong mình đầy nhiệt tình cách mạng, sự dũng cảm và tài mưu trí.

– Phương pháp thuyết minh đã được sử dụng trong văn bản:

  • Phương pháp liệt kê: kể tên những việc làm của mười cô gái thanh niên xung phong.
  • Phương pháp nêu ví dụ: nêu ví dụ ở đoạn “ba lần bị bom nổ vui lấp… giao thông thông suốt”.
  • Phương pháp dùng số liệu: nêu số liệu thực tế ở đoạn “Ngày 24/7/ 1968, sau 18 lần … hơi thở cuối cùng”, và đoạn “trên một đoạn đường khoảng 20km mà có những 44 trọng điểm… hơn 2057 trận bom…”

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | Trang 129):

Hướng dẫn giải bài:

– Trong đoạn văn trong sách giáo khoa, cách phân loại của bạn lớp trưởng đối với những bạn học lực còn yếu trong lớp là hợp lý.

– Bởi vì cách phân loại này đã phân loại được đúng nhóm đối tượng, không bị trùng lặp và không có trường hợp nào cùng thuộc nhiều nhóm.

Vậy là chúng ta đã cùng nhau làm xong bài Soạn bài Phương pháp thuyết minh rồi đấy các em học sinh thân mến. Có rất nhiều loại phương pháp thuyết minh đã được nêu ra trong bài viết này, các em có thể áp dụng vào những bài tạo lập văn bản của mình trong những kỳ thi và bài kiểm tra để tăng sức hấp dẫn, tính thực tế, sáng rõ cho bài viết nhé. Các em học sinh cũng đừng quên truy cập vào hoctot.hocmai.vn để tham khảo thêm thật nhiều bài học bổ ích nữa nhé!