Soạn bài Ôn tập làm văn (tiếp theo) chi tiết Ngữ Văn 9

0
950
soan-bai-on-tap-lam-van-tiep-theo

Tiếp nối kiến thức ôn tập phần tập làm văn lớp 9 HK1, bài viết này HOCMAI sẽ gửi đến các em học sinh tư liệu hướng dẫn chi tiết Soạn bài Ôn tập làm văn (tiếp theo). Bài viết gồm cách giải đầy đủ 6 câu hỏi trong SGK Ngữ văn 9.

 

Bài viết tham khảo thêm:

 

Câu 7 | Trang 220 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Những nội dung về văn bản tự sự đã được học ở chương trình lớp 9 có điểm gì giống và khác nhau so với những nội dung về kiểu văn bản này đã được học ở những lớp dưới? 

Gợi ý:

– Giống nhau: Phương thức biểu đạt tự sự được sử dụng làm phương thức chính.  (Tất cả đều có cốt truyện, sự kiện, nhân vật). 

– Khác nhau:

  • Ở chương trình các lớp dưới, tự sự đơn giản chỉ là kể lại một câu chuyện nào đó qua việc sắp xếp các sự việc theo trình tự thời gian tuyến tính.
  • Còn ở chương trình lớp 9, tự sự yêu cầu cao hơn. Đó là cần phải có thêm sự kết hợp giữa các phương thức biểu đạt khác như miêu tả, biểu cảm, nghị luận; các sự việc cũng không nhất thiết cần phải sắp xếp theo trình tự thời gian tuyến tính mà còn có thể đảo lộn (kể về hiện tại trước xong mới liên tưởng, quay lại để kể về quá khứ)

 

Câu 8 | Trang 220 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Giải thích vì sao trong một văn bản có đủ các yếu tố biểu cảm, miêu tả, nghị luận mà vẫn gọi đó là một văn bản tự sự. Theo em, liệu có một văn bản nào đó chỉ vận dụng duy nhất một phương thức biểu đạt duy nhất không? 

Gợi ý:

– Trong một văn bản có đủ các yếu tố biểu cảm, miêu tả, nghị luận nhưng vẫn gọi đó là văn bản tự sự bởi vì phương thức tự sự chính là phương thức biểu đạt chủ yếu của văn bản đó. Những phương thức khác nêu ở trên chỉ là phương thức phụ để giúp cho văn bản tự sự thêm phần sinh động, giúp người đọc không nhàm chán.

– Trên thực tế, không có một văn bản nào chỉ vận dụng duy nhất một phương thức biểu đạt bởi vì như thế sẽ khiến cho bài văn trở nên cứng nhắc và dễ gây nhàm chán cho người đọc. Trong quá trình viết bài, người viết thường sẽ kết hợp các phương thức biểu đạt trong cùng một văn bản.

 

Câu 9 | Trang 220 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Kẻ lại bảng sau vào vở (bảng ở SGK) và đánh dấu (x) vào những ô trống mà kiểu văn bản chính có thể kết hợp được với các yếu tố tương ứng ở trong nó (chẳng hạn như tự sự có thể kết hợp được với miêu tả thì đánh dấu (x) vào ô thứ hai). 

Gợi ý:

STT Kiểu văn bản chính Các yếu tố kết hợp với văn bản chính
Tự sự Miêu tả Nghị luận Biểu cảm Thuyết minh Điều hành
1 Tự sự x x x x
2 Miêu tả x x x x
3 Nghị luận x x x x
4 Biểu cảm x x x
5 Thuyết minh x x x x
6 Điều hành

 

Câu 10 | Trang 220 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Một số tác phẩm tự sự đã được học trong sách giáo khoa Ngữ văn từ chương trình lớp 6 đến lớp 9 không phải bao giờ cũng được phân biệt rõ bố cục gồm ba phần: Mở bài, Thân bài và Kết bài. Tại sao các bài tập làm văn tự sự của học sinh vẫn cần phải có đủ ba phần như đã nêu?

Gợi ý:

– Một số tác phẩm tự sự đã được học trong sách giáo khoa Ngữ văn chương trình lớp 6 đến lớp 9 không phải bảo giờ cũng được phân biệt bố cục rõ ràng theo ba phần: Mở bài, Thân bài và Kết bài bởi vì:

  • Điều này thể hiện sự sáng tạo của người viết và quan trọng hơn đó chính là gây được sự tò mò, hứng thú cho người đọc.
  • Hầu hết những bài văn tự sự không có đủ bố cục gồm ba phần trong chương trình Ngữ Văn từ lớp 6 tới lớp 9 đều đều là của các nhà văn lớn hoặc những người đã làm việc với văn bản, ngôn ngữ trong nhiều năm, vậy nên họ có nhiều kinh nghiệm viết.

– Bài tập làm văn tự sự của học sinh vẫn cần phải có đủ ba phần đã nêu bởi vì: Hiện tại, học sinh chỉ mới đang ở bước “Tập” làm văn chứ chưa phải là sáng tạo, viết văn, văn bản thực sự. Vậy nên học sinh cần phải đi tuân thủ theo từng bước để nắm chắc được cách thức làm bài.

 

Câu 11 | Trang 220 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Những kỹ năng và kiến thức đã được học về kiểu văn bản tự sự trong phần Tập làm văn có giúp được gì cho việc đọc – hiểu các văn bản, tác phẩm văn học tương ứng ở trong sách giáo khoa Ngữ văn hay không? Phân tích một vài ví dụ cụ thể để làm sáng tỏ. 

Gợi ý:

– Những kỹ năng và kiến thức đã được học về kiểu văn bản tự sự trong phần Tập làm văn giúp cho:

  • Học sinh có thể nhận diện được các yếu tố cấu thành nên một bài văn tự sự như: cốt truyện, nhân vật sự kiện, để từ đó có thể hiểu được sâu hơn về tính cách của nhân vật và diễn biến cốt truyện.
  • Học sinh có thể xác định được giọng điệu, ngôi kể, diễn biến tâm lí của nhân vật, những đặc sắc ở trong nghệ thuật biểu hiện của một tác phẩm tự sự – Độc thoại, đối thoại, độc thoại nội tâm nhân vật.

Ví dụ:

  • Trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân, học sinh có thể xác định được nhân vật chính của câu chuyện là ông Hai và nhờ việc xây dựng tình huống truyện độc đáo của Kim Lân đã giúp cho diễn biến tâm trạng của nhân vật được thể hiện rõ nét. Qua đó, người đọc có thể nhận ra được tình yêu làng, tình yêu quê hương, đất nước của nhân vật ông Hai luôn luôn tồn tại thống nhất với nhau.
  • Trong tác phẩm truyện Kiều của nhà thơ Nguyễn Du, ở đoạn thơ độc thoại nội tâm của nhân vật Thúy Kiều khi đang bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, người đọc có thể hình dung được về thế giới nội tâm phong phú trong Kiều với nỗi lo lắng cho thân phận lênh đênh, hẩm hiu của mình. Nàng không biết mình sẽ đi về đâu, tương lai của mình sẽ ra sao.

 

Câu 12 | Trang 220 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Những kỹ năng và kiến thức đã được học về các tác phẩm tự sự trong phần Đọc – hiểu văn bản và Tiếng Việt tương ứng đã giúp cho em những gì trong viết bài văn tự sự? Phân tích một vài ví dụ cụ thể để làm sáng tỏ.

Gợi ý:

– Những kỹ năng và kiến thức đã được học về các tác phẩm tự sự trong phần Đọc – hiểu văn bản và Tiếng Việt tương ứng đã giúp ích cho em trong việc viết bài văn tự sự:

  • Xác định các bước để làm một bài văn tự sự.
  • Biết cách lựa chọn từ ngữ, cách kể chuyện, hình ảnh cho phù hợp theo yêu cầu của đề bài.
  • Biết cách sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt giúp bài văn tự sự thêm sinh động và hấp dẫn.

– Ví dụ: 

Trước khi viết một bài văn tự sự, học sinh sẽ cần xác định rõ các bước làm bài: 

  • Tìm hiểu đề bài và tìm ý; 
  • Lập dàn bài; 
  • Viết bài; 
  • Đọc lại bài và sửa chữa các lỗi. 

Việc tuân thủ theo các bước làm bài này sẽ giúp học sinh tránh được tình trạng lạc đề và giúp bài văn tự sự có sự trau chuốt, cẩn thận hơn.

– Thay vì sẽ viết câu: “Mặt trời đỏ rực” thì học sinh sẽ sử dụng thêm một số từ ngữ giàu hình ảnh kết hợp với các biện pháp tu từ để giúp câu văn trở nên sinh động và hấp dẫn hơn “Khi ông mặt trời vươn vai tỉnh giấc, lan tỏa những tia nắng ấm áp đầu tiên xuống mặt đất làm cả không gian bừng sáng lên một màu đỏ rực rỡ”

 

Trên đây là nội dung chi tiết về cách trả lời 6 câu hỏi trang 220 SGK Ngữ văn 9 tập 1. HOCMAI mong rằng bài viết hướng dẫn Soạn bài Ôn tập làm văn (tiếp theo) này sẽ giúp các em học sinh có thêm tài liệu hữu ích để ôn tập lại cũng như chuẩn bị thật tốt bài soạn trên lớp sắp tới của mình.