Soạn bài Tổng kết về từ vựng (tiếp theo) – Trang 135 và trang 146 SGK Ngữ văn 9 tập 1

0
3186
soan-bai-tong-ket-ve-tu-vung-tiep-theo

Tiếp tục về chuyên mục Tổng kết từ vựng từ bài viết trước. Đến với bài viết này các em học sinh hãy tham khảo bài viết hướng dẫn Soạn bài Tổng kết về từ vựng (tiếp theo) chi tiết do HOCMAI tổng hợp, sưu tầm và biên soạn theo trang 135 và trang 146 SGK Ngữ Văn 9.

 

Bài viết tham khảo thêm:

 

Soạn bài Tổng kết về từ vựng (tiếp theo, trang 135)

I. Sự phát triển của từ vựng

Câu 1 | Trang 135 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Ôn tập lại những cách phát triển của từ vựng. Hãy vận dụng kiến thức đã được học để điền vào các ô trống theo sơ đồ sau những nội dung thích hợp . 

Gợi ý:

Các cách để phát triển từ vựng:

| Phát triển nghĩa của từ

| Phát triển số lượng từ ngữ:

  • Tạo ra thêm từ ngữ mới
  • Mượn từ ngữ từ tiếng nước ngoài

Ta có sơ đồ:

soan-bai-tong-ket-ve-tu-vung-tiep-theo-1

Câu 2 | Trang 135 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Tìm dẫn chứng để minh họa cho những cách phát triển của từ vựng đã nêu ra trong sơ đồ trên. 

Gợi ý:

– Phát triển nghĩa của từ: 

Ví dụ: từ “vua” được phát triển nghĩa theo các nghĩa:

  • Nghĩa gốc: Chỉ người đứng đầu đất nhà nước, thường được lên cầm quyền qua con đường kế vị, truyền ngôi,… (Ví dụ: nhà vua…).
  • Nghĩa chuyển: Chỉ người được xem là giỏi nhất, không ai có thể giỏi hơn trong một chuyên môn nào đấy (Ví dụ: Vua cồn, vua xa lộ, vua đầu bếp,…).

– Phát triển số lượng từ ngữ:

  • Tạo thêm ra từ ngữ mới: Điện thoại di động chính là từ mới được tạo từ hai từ: “Điện thoại” và “Di động”.
  • Mượn từ ngữ từ nước ngoài: Từ “Marketing” được dùng để chỉ việc nghiên cứu thị trường một cách có hệ thống những điều kiện để làm sao có thể tiêu thụ hàng hóa, Ví dụ như nghiên cứu nhu cầu, mong muốn của khách hàng, nghiên cứu hành trình khách hàng,….

Câu 3 | Trang 135 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Có thể có ngôn ngữ khi mà từ vựng chỉ phát triển theo cách phát triển về số lượng của từ ngữ hay không? Vì sao? 

Gợi ý:

=> Không có một ngôn ngữ nào mà từ vựng chỉ được phát triển theo cách phát triển số lượng về từ ngữ.

– Lý do vì: Nếu làm như vậy, con người sẽ chỉ có duy nhất một nghĩa, số lượng về từ ngữ sẽ rất lớn và trí nhớ của con người không thể nhớ hết.

Tham khảo chi tiết tại bài viết Sự phát triển của từ vựng Sự phát triển của từ vựng (tiếp theo)

 

II. Từ mượn

Câu 1 | Trang 135 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Ôn tập lại khái niệm về từ mượn 

Gợi ý:

Từ mượn là những từ ngữ được vay mượn từ tiếng nước ngoài dùng để biểu thị những hiện tượng, sự vật, đặc điểm mà tiếng Việt vẫn chưa có từ thật thích hợp để biểu thị.

– Từ mượn tiếng Hán (từ Hán Việt và từ gốc Hán) chính là bộ phận từ mượn quan trọng nhất của tiếng Việt.

– Tiếng Việt có thể mượn từ một số ngôn ngữ của quốc gia khác: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga,…

– Ví dụ: bột giặt, xà phòng,…

Câu 2 | Trang 135 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Chọn nhận định đúng ở trong những nhận định sau: 

a) Chỉ một số ít ngôn ngữ ở trên thế giới phải vay mượn từ ngữ.

b) Tiếng Việt phải vay mượn nhiều từ ngữ của các ngôn ngữ khác chính là do sự ép buộc của nước ngoài.

c) Tiếng Việt cần vay mượn nhiều từ ngữ của các ngôn ngữ khác nhằm đáp ứng nhu cầu giao tiếp của người Việt.

d) Ngày nay, vốn từ tiếng Việt rất phong phú và dồi dào, vì vậy không cần vay mượn thêm từ ngữ tiếng nước ngoài nữa.

Gợi ý:

→ Nhận định (C) là nhận định đúng

Câu 3 | Trang 135 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Theo em cảm nhận thì những từ mượn như lốp, săm, (bếp) ga, phanh, xăng,… có điểm gì khác so với những từ mượn khác như ra-đi-ô, a-xít, vi-ta-min,…? 

Gợi ý:

– Các từ mượn như từ lốp, săm, (bếp) ga, phanh, xăng,… đã được Việt hóa.

– Các từ mượn như ra-đi-ô, a-xít, vi-ta-min,… mượn theo hình thức với phiên âm tiếng nước ngoài.

 

III. Từ Hán Việt

Câu 1 | Trang 136 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Ôn lại khái niệm về từ Hán Việt 

Gợi ý:

Từ Hán Việt là từ được mượn của tiếng Hán nhưng lại được phát âm và sử dụng theo cách dùng từ của tiếng Việt.

– Có một khối lượng khá lớn các từ Hán Việt ở trong tiếng Việt. Yếu tố Hán Việt chính là các tiếng dùng để cấu tạo nên từ Hán Việt .

– Phần lớn các yếu tố Hán Việt dùng để cấu tạo nên từ ghép chứ không thể dùng độc lập.

– Ví dụ: Huynh đệ (anh em), phụ mẫu (cha mẹ),…

Câu 2 | Trang 136 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1 

Chọn quan điểm đúng trong các quan điểm sau: 

a) Từ Hán Việt chiếm một tỉ lệ không đáng kể ở trong vốn từ tiếng Việt.

b) Từ Hán Việt là một bộ phận quan trọng của lớp các từ mượn gốc Hán.

c) Từ Hán Việt không phải là một bộ phận trong vốn từ tiếng Việt.

d) Dùng nhiều từ Hán Việt là việc làm cần phải phê phán.

Gợi ý:

→ Nhận định (B) là nhận định đúng

 

IV. Thuật ngữ và biệt ngữ xã hội

Câu 1 | Trang 136 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1 

Ôn lại khái niệm về thuật ngữ và biệt ngữ xã hội 

Gợi ý:

Thuật ngữ là những từ ngữ dùng để biểu thị khái niệm của khoa học công nghệ, thường được sử dụng trong các văn bản khoa học công nghệ. 

Ví dụ: Từ “nhà văn” là thuật ngữ của Văn học, Véc-tơ là thuật ngữ của Toán học,…

Biệt ngữ xã hội là những từ ngữ chỉ được sử dụng trong một tầng lớp nhất định.

Ví dụ: Tầng lớp xã hội đen sử dụng các biệt ngữ xã hội như: 

  • cớm → Chỉ tội lực lượng công an
  • hàng → Chỉ vũ khí, ma túy, thuốc phiện,…

Câu 2 | Trang 136 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1 

Thảo luận về vai trò của thuật ngữ ở trong đời sống hiện nay. 

Gợi ý:

Trong một lĩnh nhất định về vực khoa học công nghệ, mỗi một thuật ngữ dùng để biểu thị một khái niệm và ngược lại, mỗi khái niệm sẽ chỉ được biểu thị bằng một thuật ngữ.

Câu 3 | Trang 136 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1 

Liệt kê một số từ ngữ là biệt ngữ xã hội 

Gợi ý:

Một số từ ngữ của tầng lớp học sinh là biệt ngữ xã hội:

  • quay cóp → Chỉ việc chép bài tài liệu hoặc chép bài của học sinh khác.
  • phao → Tài liệu dùng để chép trong những giờ kiểm tra mà không có sự cho phép của thầy cô | giám thị coi thi.
  • chém gió → Chỉ hoạt động nói chuyện, tán gẫu với nhau,…

 

V. Trau dồi vốn từ

Câu 1 | Trang 136 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1 

Ôn lại những hình thức trau dồi vốn từ 

Gợi ý:

Những hình thức để trau dồi vốn từ gồm:

  • Rèn luyện để nắm vững ý nghĩa của từ và cách dùng chúng.
  • Rèn luyện để biết thêm những từ ngữ chưa biết, làm tăng thêm vốn từ là việc thường xuyên cần phải làm để trau dồi vốn từ.

Câu 2 | Trang 136 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1 

Giải thích nghĩa của các từ ngữ sau: bách khoa toàn thư, dự thảo, đại sứ quán, bảo hộ mậu dịch, khẩu khí, hậu duệ, môi sinh. 

Gợi ý:

– Bách khoa toàn thư: Từ điển có hệ thống và tương đối toàn diện cung cấp tri thức các ngành khoa học.

– Bảo hộ mậu dịch: Chỉ việc áp dụng và nâng cao một số tiêu chuẩn thuộc những lĩnh vực như: chất lượng, an toàn, vệ sinh, lao động,… hay chỉ việc một số mặt hàng nhập khẩu từ nước bị áp đặt thuế xuất nhập khẩu cao nhằm bảo vệ những ngành sản xuất các mặt hàng hay dịch vụ tương tự ở trong nước.

– Dự thảo: Bản văn kiện đã được soạn thảo ra

– Đại sứ quán: Cơ quan đại diện toàn diện và chính thức của một nhà nước tại nước ngoài, do một đại sứ được giao sứ mệnh đặc biệt toàn quyền đứng đầu.

– Hậu duệ: Con cháu các đời sau của người đã mất

– Khẩu khí: Khí phách của con người thể hiện qua lời nói, cách nói chuyện.

– Môi sinh: Môi trường sinh sống của sinh vật.

Câu 3 | Trang 136 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1 

Sửa lỗi dùng từ ở trong những câu sau: 

soan-bai-tong-ket-ve-tu-vung-tiep-theo-2

Gợi ý:

a) Dùng sai từ ngữ “béo bổ” → Thay bằng từ ngữ “béo bở”

b) Dùng sai từ ngữ “đạm bạc” → Thay bằng từ ngữ “tệ bạc”

c) Dùng sai từ ngữ “tấp nập” → Thay bằng từ ngữ “liên tục”

 

Soạn bài Tổng kết về từ vựng (tiếp theo, trang 146)

I. Từ tượng thanh và từ tượng hình

Câu 1 | Trang 146 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Ôn lại khái niệm của từ tượng thanh và từ tượng hình

Gợi ý:

Từ tượng hình là từ ngữ dùng để gợi tả hình ảnh, dáng vẻ, trạng thái của sự vật. 

Từ tượng thanh là từ ngữ dùng để mô tả âm thanh của con người, tự nhiên.

Từ tượng thanh, tượng hình gợi được âm thanh và hình ảnh một cách sinh động, cụ thể. Nhờ có giá trị biểu cảm cao nên thường được dùng trong bài văn miêu tả và tự sự.

Câu 2 | Trang 146 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Tìm tên của những loài vật là từ tượng thanh 

Gợi ý:

Một số  loài vật có tên là từ tượng thanh: con (chim) tu hú, con tắc kè, con quốc, con mèo, con bò, con bê, con (chim) cuốc, con tắc kè, con (chim) chích chòe, con (chim)đa đa, con (chim) bìm bịp,..

Câu 3 | Trang 146 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Xác định từ ngữ tượng hình và giá trị sử dụng của chúng ở trong đoạn trích

soan-bai-tong-ket-ve-tu-vung-tiep-theo-3

Gợi ý:

Các từ tượng hình có trong đoạn trích là: lốm đốm, loáng thoáng, lê thê, lồ lộ, trắng toát.

 

II. Một số phép tu từ từ vựng

Câu 1 | Trang 147 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Ôn lại các khái niệm các biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, nói quá, nói giảm nói tránh, chơi chữ, điệp ngữ. 

Gợi ý:

So sánh: Là phép tu từ đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng với nhau để làm tăng sức gợi hình và gợi cảm cho sự diễn đạt.

Ẩn dụ: Là phép tu từ gọi tên các sự vật, hiện tượng này bằng tên của sự vật, hiện tượng khác sở hữu nét tương đồng với nhau có tác dụng nhằm để tăng sức gợi hình, gợi cảm.

Hoán dụ: Là phép tu từ gọi tên sự vật, hiện tượng hoặc khái niệm này bằng tên của một sự vật, hiện tượng hoặc khái niệm khác có nét tương cận với nó nhằm để làm tăng sức gợi, hình gợi cảm cho sự diễn đạt.

– Nói quá: Là phép tu từ phóng đại quy mô, mức độ về tính chất của sự vật hoặc hiện tượng được miêu tả nhằm để gây ấn tượng, nhấn mạnh, tăng sức biểu cảm.

– Nói giảm, nói tránh: Là phép tu từ dùng cách diễn đạt tinh tế, tế nhị, uyển chuyển nhằm tránh gây cảm giác nặng nề, đau buồn, ghê sợ hay thiếu sự tế nhị, lịch sự.

– Điệp ngữ: Khi nói hoặc viết, người ta có thể sử dụng biện pháp lặp lại từ ngữ hoặc là cả một câu để làm nổi bật ý và gây cảm xúc mạnh cho người đọc.

– Chơi chữ: Chỉ cách sử dụng từ ngữ độc đáo với ý nghĩa có thể nhân hóa, ẩn dụ để đả kích hay châm biếm sự việc, sự vật.

Câu 2 | Trang 147 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Vận dụng kiến thức đã được học về một số biện pháp tu từ từ vựng để phân tích nét nghệ thuật độc đáo trong những câu thơ sau (trích từ tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du).

soan-bai-tong-ket-ve-tu-vung-tiep-theo-4

Gợi ý:

a)

– Biện pháp tu từ được sử dụng: 

  • Phép ẩn dụ: hoa, cánh → Cuộc đời của Thúy Kiều 
  • Phép ẩn dụ: lá, cây → Gia đình Thúy Kiều

– Tác dụng: Mượn các hình ảnh trên để nói tới việc Kiều bán mình để cứu cha và em.

b)

– Biện pháp tu từ được sử dụng: 

  • Phép so sánh: Tiếng đàn | Tiếng hạc, tiếng suối

– Tác dụng: Diễn tả lại âm thanh của tiếng đàn.

c)

– Biện pháp tu từ được sử dụng:

  • Biện pháp nói quá kết hợp nhân hóa: hoa ghen thua thắm | liễu hờn kém xanh.

– Tác dụng: Cho thấy vẻ đẹp của Thúy Kiều khiến cả tạo hóa, thiên nhiên cũng phải đố kỵ.

d)

– Biện pháp tu từ được sử dụng: nói quá

– Tác dụng: Khắc họa lên sự xa cách giữa Thúy Kiều và Thúc Sinh

e)

– Biện pháp tu từ được sử dụng: 

  • Biện pháp Chơi chữ: tài | tai

– Tác dụng: Chỉ những người tài hoa thường gặp nhiều tai họa.

Câu 3 | Trang 147 SGK Ngữ văn 9 – Tập 1

Vận dụng kiến thức đã học về một số phép tu từ từ vựng để phân tích nét nghệ thuật độc đáo trong những câu (đoạn) sau: 

soan-bai-tong-ket-ve-tu-vung-tiep-theo-5

Gợi ý:

a)

– Biện pháp tu từ: 

  • Điệp ngữ từ “còn” 
  • Chơi chữ: Từ “say sưa” – Dùng từ đa nghĩa

– Tác dụng: Lời tỏ bày khéo léo của chàng trai gửi tới cô gái.

b)

– Biện pháp tu từ: 

  • Nói quá: đá núi cũng mòn | nước sông phải cạn

– Tác dụng: Thể hiện quyết tâm, ý chí của con người là không có gì có thể ngăn nổi.

c) 

– Biện pháp tu từ: 

  • So sánh: Tiếng suối | tiếng hát 
  • Điệp ngữ: Từ “chưa ngủ”

– Tác dụng: Khắc họa nên vẻ đẹp của thiên nhiên cũng như là tâm trạng của nhà thơ.

d)

– Biện pháp tu từ: 

  • Nhân hóa: Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ

– Tác dụng: Sự giao hòa giữa thi sĩ và thiên nhiên, ví ánh trăng giống như một người bạn tri kỷ.

e)

– Biện pháp tu từ: 

  • Ẩn dụ: mặt trời của mẹ

– Tác dụng: Đứa con cũng giống như mặt trời. Đó là niềm hy vọng, nguồn sống của người mẹ.

 

Nội dung trên là toàn bộ bài học hướng dẫn Soạn bài Tổng kết về từ vựng (tiếp theo) theo sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9 – Tập 1 trang 135 và trang 146. Các em học sinh hãy tham thật kỹ tài liệu hướng dẫn này để chuẩn bị tốt phần soạn văn sắp tới của mình nhé!