Soạn bài Truyện Kiều của Nguyễn Du – HOCMAI

0
3605
soan-bai-truyen-kieu

Đại thi hào Nguyễn Du là một tác gia với nhiều tác phẩm văn chương để lại những giá trị lớn cho nền văn học Việt Nam. Trong đó phải kể đến tác phẩm Truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm với giá trị nội dung va nghệ thuật ấn tượng. Soạn bài Truyện Kiều của tác giả Nguyễn Du sẽ giúp các bạn học sinh nắm rõ được cuộc đời của đại thi hào cũng như nội dung chính của 3254 câu thơ trong Truyện Kiều. 

 

Tham khảo thêm:

Phân tích Truyện Kiều chi tiết

Soạn bài chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

 

I. Soạn bài Truyện Kiều của tác giả Nguyễn Du : Tìm hiểu chung

1 Tác giả

  • Nguyễn Du  ( 1765-1820) có tên chữ là Tố Như hiệu là Thanh Nhiên. Ông sinh ra tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là một thiên tài văn học và cũng là một nhà nhân đạo với chủ nghĩa lớn lao.  Ông có học thức sâu rộng và đặc biệt am hiểu về văn hóa dân tộc, văn chương Trung Quốc. 
  • Nguyễn Du sinh trưởng trong gia đình đại quý tộc có truyền thống về văn học và nhiều đời làm quan trong triều. Cha của Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm là tiến sĩ và làm quan đến chức tể tướng. Anh trai cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản cũng làm quan lớn dưới thời Lê – Trịnh. Chính môi trường gia đình của Nguyễn Du đã nuôi dưỡng tài năng văn chương của ông. 
  • Cuộc đời của Nguyễn Du trải qua nhiều sóng gió, ông sống trong thời điểm cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 với những biến cố lịch sử về một chế độ phong kiến khủng hoảng và các cuộc khởi nghĩ nông dân nổi lên khắp cả nước. Trong đó đặc biệt phải nhắc đến phong trào Tây Sơn. Chính những biến cố trong lịch sử đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến ngòi bút của ông khi viết về hiện thực đời sống. 
  • Cuộc đời Nguyễn Du lang bạt trên khắp các vùng đất Bắc Bộ, ông đi nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người đã làm phong phú thêm vốn sống của ông. Và Nguyễn Du cũng đồng cảm nhiều hơn với những đau khổ của người dân. 
  • Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du vô cùng đồ sộ với những áng văn chương được viết bằng cả chữ hán và chữ nôm. Trong đó các tác phẩm bằng chữ hán phải kể đến ba tập thơ Thanh Hiên thi tập, Bác Hành tạp lục và Nam Trung tạp ngâm. Còn với sáng tác bằng chữ nôm không thể không nhắc đến hai kiệt tác Truyện Kiều ( tên khác đoạn trường tân thanh) và văn chiêu hồn. 
  • Các tác phẩm của Nguyễn Du đều mang tư tưởng nhân đạo, thể hiện sự cảm thông sâu sắc của Nguyễn Du đối với cuộc sống bất hạnh của tầng lớp nhân dân lao động. Đồng thời Nguyễn Du còn lên án và tố cáo những thế lực đen tối chà đạp lên cuộc sống của những con người yếu thế. 

2 Tác phẩm

2.1 Hoàn cảnh sáng tác

  • Truyện Kiều hay còn có tên gọi khác là Đoạn trường tân thanh được Nguyễn Du sáng tác vào đầu thế kỷ 19 trong khoảng từ 1805-1809. 
  • Truyện Kiều được viết dựa vào truyện văn xuôi Kim Vân Kiều truyện của nhà văn Thanh Tâm Tài Nhân người Trung Quốc. Truyện lấy bối cảnh trong thời Minh từ năm 1521 đến năm 1567. Những nhân vật như Hồ Tôn Hiến, Vương Thúy Kiều, Từ Hải đều là những nhân vật có thật trong lịch sử. 
  • Mặc dù Truyện Kiều dựa vào Kim Vân Kiều truyện nhưng những sáng tạo của tác giả Nguyễn Du được đánh giá cao và đem lại sự hấp dẫn, đặc biệt cho tác phẩm kinh điển này. 

2.2 Bố cục tác phẩm và thể loại 

  • Truyện Kiều thuộc thể loại truyện thơ làm theo thể lục bát, được viết bằng chữ Nôm gồm 3254 câu thơ. 
  • Bố cục của Truyện Kiều được chia thành 3 phần bao gồm: 

Phần 1: Kể về sự gặp gỡ và đính ước giữ Thúy Kiều và Kim Trọng 

Phần 2:  Kể về biến cố của gia đình Thúy Kiều và những năm tháng lưu lạc của Thúy Kiều 

Phần 3: Thúy Kiều đoàn tụ cùng gia đình.  

2.3 Giá trị nội dung

  • Truyện Kiều của Nguyễn Du đã phản ánh bức tranh về một xã hội bất công, nơi những thế lực tàn bạo chà đạp lên quyền sống của con người và đẩy những người lương thiện vào vực sâu tăm tối. 
  • Truyện Kiều còn thể hiên niềm thương cảm của tác giả đối với số phận của người phụ nữ trong thời đại phong kiến bị chà đạp, bị coi như hàng hóa mua qua bán lại. 
  • Truyện Kiều của Nguyễn Du còn khẳng định tài năng, nhân phẩm và khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc của con người, ươc mơ về một xã hội công bằng. 

2.4 Giá trị nghệ thuật 

-Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm văn học đạt tới đỉnh cao của ngôn ngữ, thể thơ lục bát và thể loại truyện thơ Nôm.

– Vể mặt ngôn ngữ, Nguyễn Du đã kết hợp linh hoạt nhiều thể loại ca dao, tục ngữ, điển tích, thành ngữ vào trong từng câu thơ của mình. Sử dụng nhuần nhuyễn và vận dụng hiệu quả ngôn ngữ độc thoại, đối thoại để xây dựng lên tính cách của từng nhân vật trong truyện Kiều. Nghệ thuật tự sữ có bước tiến bộ vượt bậc trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. 

– Nguyễn Du cũng có cách miêu tả người hết sức độc đáo. Cho người đọc hình dung rõ ràng các tuyến nhân vật phản diện và chính diện.

– Văn phong tả cảnh của Nguyễn Du cũng hết sức sinh động, lựa chọn những hình ảnh tiêu biểu và độc đáo đặc trưng của nền văn học trung đại. 

 

II. Soạn bài Truyện Kiều: Đọc hiểu văn bản

Câu hỏi 1 trang 80 SGK Ngữ Văn 9 tập 1: Những chi tiết về Nguyễn Du ảnh hưởng đến sáng tác Truyện Kiều

Thời đại: 

  • Nguyễn Du sinh ra và lớn lên trong thời đại có nhiều biến động dữ dội khi xã hội phong kiến đang đi vào thời kỳ khủng hoảng cuối cùng. Thời điểm đó, đồng tiền và quyền lực chi phối mọi thứ và dần trở thành mục tiêu để vua quan tranh giành quyền lợi. 
  • Nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân bùng nổ khắp mọi nơi, đỉnh cao là khởi nghĩ Tây Sơn và sự hình thành của nhà Nguyễn. 
  • Nguyễn Du đã trải qua ba thời đại Lê Trịnh, Tây Sơn và nhà Nguyễn với sự rung chuyển khi mỗi thời đại thay đổi. Ông đã chứng kiến từ cuộc sống xa hoa đồi trụy của tầng lớp thống trị đến cuộc sống đói khổ bị áp bức của tầng lớp lao động và sự nổi dậy đòi quyền sống của tầng lớp nông dân. 
  • Có thể nói sinh trưởng trong thời đại cùng những thay đổi rung chuyển chấn động đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến sáng tác văn chương của Nguyễn Du sau này. 

Gia đình:

  • Nguyễn Du may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn chương và khoa bảng nhiều đời. Cha của Nguyễn Du là tiến sĩ và giữ chức vụ cao trong triều đình. Anh trai cùng cha khác mẹ của Nguyễn Du là Nguyễn Khản cũng làm quan to trong triều Lê-Trịnh.  Tuổi thơ của Nguyễn Du được sống trong nhung lụa, giàu sang phú quý
  • Nguyễn Du chịu nhiều ảnh hưởng của gia đình nên ông cũng là một người yêu văn chương và chịu nhiều ảnh hưởng trong âm điệu sáng tác của ông. 

Cuộc đời:   

  • Cuộc sống thời thơ ấu của Nguyễn Du trôi qua êm đềm, hạnh phúc. 
  • Tuy nhiên sau khi mồ côi cha mẹ, thời niên thiếu của Nguyễn Du trải qua trong khó khăn, ăn nhờ ở đậu. Nguyễn Du còn gọi khoảng thời gian đó là “ Mười năm gió bụi” 
  • Sau này Nguyễn Du có nhiều thời gian đi lại khắp các vùng Bắc Bộ, ông được cử đi xứ Trung Quốc khi làm quan dưới triều Nguyễn. Tất cả những trải nghiệm phong phú này đã góp phần tôi luyện lên một Nguyễn Du với tấm lòng thương cảm nhân dân, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn, đại thi hào của dân tộc Việt Nam. 

Câu hỏi 2 trang 80 SGK Ngữ Văn 9 tập 1: Tóm tắt truyện Kiều

Truyện Kiều kể về cuộc đời của người con gái tài sắc vẹn toàn tên Vương Thúy Kiều, con gái của một gia đình trung lưu. Kiều có hai người em là Thúy Vân và Vương Quan. Vào ngày tết thanh minh, Kiều cùng các em đi tảo mộ và đã gặp gỡ với chàng trai tên Kim Trọng. Cũng vào ngày thanh minh đó, Kiều đã thắp hương cho mộ Đạm Tiên, một kỹ nữ xấu số. Và cũng chính Đạm Tiên đã báo mộng cho Kiều về tai ương mà gia đình sắp gánh phải. Sau khi gặp Thúy Kiều, KimTrọng đã cảm mến người con gái xinh đẹp này nên đã dò la tin tức và dọn đến sống gần nhà Kiều. Sau đó, cả hai đã cùng ước hẹn trăm năm với nhau, họ thề nguyền và trao cho nhau vật đính ước. 

Trong khi Kim Trọng phải về nhà chịu tang, gia đình Kiều bị vu oan bởi thằng bán tơ. Cha và em trai Kiều bị tra khảo dã man, không chịu được cảnh đó, Kiều đã bán mình chuộc cha và cậy nhờ em gái Thúy Vân nối duyên với Kim Trọng. Kiều bị Mã Giám Sinh lừa bán vào lầu xanh, sau khi tự tử không thành Kiều tiếp tục bị Sở Khanh lừa tình. Quá tủi nhục, Kiều chấp nhận cuộc sống chốn buôn da bán thịt. Ít lâu sau, Kiều được Thúc Sinh chuộc ra nhưng ngay sau đó lại bị vợ của Thúc Sinh là Hoạn Thư bắt về. Tại nhà Thúc Sinh, Kiều bị làm nhục phải hầu hạ hai vợ chồng, bị đánh ghen tàn nhẫn. Không chịu được cảnh đó, Kiều đã bỏ trốn và nương nhờ cửa Phật. Bất hạnh thay, Kiều một lần nữa rơi vào tay Bạc bà và quay trở lại lầu xanh lần thứ hai. Tại đây, Kiều gặp được Từ Hải, một đấng anh hùng giúp nàng chuộc thân và báo ân, báo oán. Không lâu sau, Kiều bị Hồ Tôn Hiến lừa khiến Từ Hải chết đứng giữa trận tiền. Kiều bị Hồ Tôn Hiến ép phải hầu rượu suốt đêm rồi đem nàng gả cho một gã thổ quan. Trên đường đi đến nơi của tên thổ quan, Kiều đã nhảy xuống sông Tiền Đường để tự sát và được vãi Giác Duyên cứu vớt. 

Về phần Kim Trọng, mặc dù kết duyên cùng Thúy Vân nhưng chàng vẫn luôn nhớ thương người con gái đã cùng mình thề nguyền đính ước. Kim Trọng đã dành thời gian đi tìm kiếm Kiều sắp nơi và gặp được vãi Giác Duyên người đang cưu mang Kiều. Kiều được trở về đoàn tụ cùng gia đình và nối duyên lại cùng Kim Trọng. Tuy nhiên cả hai cùng nguyện ước “ lấy tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ”. 

Soạn bài Truyện Kiều của tác giả Nguyễn Du giúp các bạn học sinh nắm rõ về cuộc đời của đại thi hào Nguyễn Du ảnh hưởng đến sáng tác Truyện Kiều của ông. Hy vọng qua gợi ý bài soạn của HOCMAI các bạn học sinh có thêm tài liệu tham khảo để chuẩn bị cho việc học tập, ôn thi hoặc soạn văn lớp 9 được hiệu quả nhất.