Trong chương trình Ngữ Văn 9, Truyện Kiều có thể xem là một trong số những tác phẩm văn học nhiều nội dung kiến thức nhất. Đoạn trích Cảnh ngày xuân cũng là một trong số đó. Chính vì vậy, để giúp các bạn học sinh hiểu hơn về nội dung của tác phẩm, trong bài viết này, cùng HOCMAI lập dàn ý chi tiết phân tích đoạn trích Cảnh ngày xuân nhé!
I. Thông tin đoạn trích Cảnh ngày xuân
1. Ví trí, thể loại của đoạn trích Cảnh ngày xuân
– Đoạn trích “Cảnh ngày xuân” nằm trong phần I của tác phẩm “Truyện Kiều”, sau đoạn trích chị em Thúy Kiều, thuộc phần “Gặp gỡ và đính ước”. Để nắm rõ bố cục của toàn bộ Truyện Kiều, các em học sinh có thể tham khảo tại đây.
Tham khảo thêm: Phân tích Chị em Thúy Kiều
– Nội dung đoạn trích: gợi tả bức tranh thiên nhiên ngày xuân tuyệt đẹp và không khí lễ hội nhộn nhịp, náo nhiệt trong tiết thanh minh. Đồng thời, đoạn trích cũng là tiền đề diễn ra bối cảnh gặp gỡ giữa Thúy Kiều và Kim Trọng, là lời khóc thương của tác giả trước số phận của Đạm Tiên. Qua hình ảnh thiên nhiên dưới góc nhìn của hai chị em Thúy Kiều, đoạn trích đã thể hiện được phần nào tâm tư, tình cảm, cảm xúc của hai nhân vật trong chuyến du xuân ấy.
2. Bố cục đoạn trích
Đoạn trích “Cảnh ngày xuân” được chia theo 3 phần với nội dung như sau:
Phần 1: 4 câu thơ đầu – Bức tranh mùa xuân trong cảnh ngày xuân
Phần 2: 8 câu thơ tiếp theo – Miêu tả lễ hội diễn ra trong tiết thanh minh
Phần 3: 6 câu thơ cuối – Cảnh sắc thiên nhiên trên đường chị em Kiều trở về sau chuyến du xuân
II. Tóm tắt Cảnh ngày xuân
Đoạn trích thuộc phần đầu của tác phẩm, khi đó, gia đình Kiều vẫn đang sống và hưởng thụ những ngày tháng êm đềm, hạnh phúc, chưa có biến cố hay bất kỳ tai ương nào xảy ra với gia đình họ. Nhân ngày xuân và tiết Thanh minh đang diễn ra, hai chị em Kiều đã đi trẩy hội để cùng nhau trải nghiệm không khí lễ hội và cảnh sắc của mùa xuân tươi đẹp.
Cùng giống như bao nàng tiểu thư khác, hai chị em Kiều đã sửa soạn và diện cho mình những bộ trang phục thật đẹp để tham gia vào lễ tảo mộ. Hòa cùng dòng người và xe ngựa nhộn nhịp, nô nức là khung cảnh thiên nhiên ngày xuân hiện lên với đầy sức sống, sự tươi tắn và yên bình, đẹp đẽ. Trong không khí đông vui nhộn nhịp, qua đôi mắt “xanh non biếc rờn” của những nam thanh, nữ tú, tài tử, giai nhân, cảnh sắc của mùa xuân dường như được gợi lên một cách hết sức sinh động. Đó là những hình ảnh của những cánh én bay lượn rập rờn như thoi đưa, là những cành lê trắng “điểm vài bông hoa”. Sự mạnh mẽ, khỏe khoắn của nhịp cánh én bay có lẽ đang thể hiện rằng, mùa xuân của thiên nhiên đã đến độ viên mãn tròn đầy nhất. Có vẻ như mùa xuân trong tiết thanh minh chính là thời điểm đẹp nhất để bắt đầu cho một mối quan hệ tình yêu, là thời điểm vàng cho những tình cảm mới chớm nở được phép căng trào và đơm hoa, kết trái.
Khi bóng chiều đã ngả về tây thì cũng là lúc hai chị em kết thúc chuyến du xuân và cùng nhau ra về. Hai chị em thong dong đi dọc theo con suối nhỏ với dòng nước lững lờ trôi, bắc qua suối là một cây cầu. Buổi sáng mùa xuân nhộn nhịp bao nhiêu thì phong cảnh buổi chiều mùa xuân lại thanh tĩnh và mang dáng vẻ điềm đạm bấy nhiêu. Vẻ yên bình, trầm tĩnh ấy của thiên nhiên cũng chính là cảm xúc thoáng chút ưu tư, suy nghĩ của nhân vật chính.
Thông qua trải nghiệm du xuân của chị em Kiều, Nguyễn Du khéo léo gợi tả, tôn vinh một nét truyền thống văn hóa xa xưa của người Việt Nam mỗi dịp xuân về. Qua đoạn trích “Cảnh ngày xuân”, tác giả không chỉ vẽ lên bức tranh ngày xuân vui tươi, rộn ràng, náo nức mà còn thể hiện được đâu đó chút tâm trạng buồn phiền, phản chiếu nội tâm nhân vật. Có thể thấy, Nguyễn Du bằng sự cảm nhận tinh tế và tài hoa trong cách sử dụng hệ thống ngôn ngữ thơ, ông đã thành công trong việc xây dựng bối cảnh cho câu chuyện, đồng thời bộc lộ những tâm tư sâu sắc của nhân vật chính.
III. Phân tích Cảnh ngày xuân
1. Phân tích 4 câu thơ đầu: Bức tranh mùa xuân trong cảnh ngày xuân
Ngay từ 2 câu thơ đầu tiên, Nguyễn Du đã gợi ra không gian và thời gian trôi qua của mùa xuân:
“Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.”
Sử dụng hình ảnh ẩn dụ “con én đưa thoi” quen thuộc vào những ngày xuân, câu thơ vừa thể hiện vẻ đẹp của không gian, vừa gợi lên sự chảy trôi rất nhanh của thời gian:
– Đó là hình ảnh tả thực những chú chim én bay lượn trên bầu trời ngày xuân. Trên nền trời xanh thoáng đãng ấy, những cánh én từ phương Nam về chao liệng như thoi đưa, cùng nhau múa vũ điệu chào đón mùa xuân của thiên nhiên.
– Hình ảnh những cánh én gợi cho người đọc hình dung về một bức tranh thiên nhiên với bầu trời cao rộng và một không khí ấm áp của sự đoàn viên, sum vầy
– Cánh én bay nhanh và nhiều như thoi đưa là hình ảnh ẩn dụ phản chiếu sự nhanh, gấp của thời gian. Cũng giống như cánh chim vụt bay, thời gian có những bước đi nhanh, vội, chả mấy chốc mà mùa xuân tươi đẹp này sẽ qua đi
Sự nhanh chóng của thời gian tiếp tục được thể hiện qua những vần thơ:
“Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”.
– Sử dụng từ “thiều quang” có tác dụng tả thực thời tiết ấm áp của mùa xuân khi được những tia nắng lấp lánh chiếu rọi
– Câu thơ gợi lên một không gian ngày xuân tươi đẹp, trong lành và tràn đầy sức sống tựa như đang dang tay đón những tia nắng xuân vàng dịu được mẹ thiên nhiên ban phát xuống vạn vật.
– Nhắc đến thời điểm mùa xuân vào tháng ba, khoảng thời gian mà vẻ đẹp sắc xuân đạt đến độ viên mãn nhất, rực rỡ nhất.
=> Thông qua hệ thống hình ảnh thơ trong 2 câu thơ đầu của đoạn trích không những gợi lên sự chuyển động nhanh, vội của thời gian mà còn thể hiện phần nào tâm trạng, cảm xúc của hai chị em Thúy Kiều, có chút tiếc nuối và lưu luyến. Qua đó, người đọc đã hình dung được một bức tranh thiên nhiên của một ngày xuân tươi đẹp, ấm áp, đồng thời cảm nhận được bao tâm trạng, nỗi niềm của nhân vật trữ tình.
Trong hai câu thơ tiếp theo, Nguyễn Du đã tái hiện một bức tranh mùa xuân sinh động, mở rộng ra cả không gian trời và đất với hai gam màu chủ đạo là xanh, trắng:
“Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.”
Sử dụng hình ảnh “cỏ non” quen thuộc và gần gũi, song hình ảnh đã đem lại nhiều nét đặc sắc cho bức tranh xuân:
– Hình ảnh giúp gợi ra trước mặt người đọc một không gian mênh mông. Trong đó, làm nền cho bức tranh chính là thảm cỏ non tươi xanh mơn mởn, trải dài đến tận chân trời, tạo ra hai mảng màu xanh: một là của trời, một của đất
– Cỏ non và màu xanh của cỏ non có tác dụng trong việc gợi liên tưởng đến sức sống tràn trề của mùa xuân, mùa của vạn vật sinh sôi, bắt đầu một hành trình sống mới
– Sử dụng từ “tận”, Nguyễn Du đã biến không gian xuân trong những câu thơ được mở rộng ra bao la, bát ngát
Sử dụng hình ảnh thơ “cành lê trắng điểm”, tác giả đã thể hiện khả năng tài tình của mình trong việc vận dụng nghệ thuật bút pháp chấm phá:
– Trên nền màu xanh non của cỏ cây, xanh trong của trời đất là những bông hoa lê trắng, tạo ra sự tinh khôi, nổi bật vẻ đẹp của sức sống mãnh liệt của vạn vật trong mùa xuân. Đồng thời khiến cho không gian như thoáng đạt, nhẹ nhàng và thuần khiết hơn.
– Tác giả sử dụng từ “điểm” thay vì các động từ khác. Điều này giúp gợi sự thanh thoát của những cành lê. Những cành lê tựa như đôi tay của người họa sĩ, chủ động tạo nét chấm phá, điểm thêm nét vào bức tranh cảnh vật nhằm thêm phần sống động, có hồn hơn
– Sử dụng biện pháp đảo ngữ từ “trắng” lên trước động từ “điểm”, tác giả muốn nhấn mạnh và màu sắc của cành hoa lê, làm nổi bật màu trắng tinh khôi của hoa lê, màu của sự kết tinh từ tinh hoa của trời đất.
– Trong bức tranh xuân sinh động ấy, tác giả chỉ sử dụng 2 gam màu nhưng đã tạo ra sự hòa phối rất đỗi hài hòa giữa màu xanh của cỏ và sắc trắng của hoa lê.
=> Bằng bút pháp chấm phá tài tình, qua 4 câu thơ đầu của đoạn trích, ta thấy vẻ đẹp mùa xuân hiện lên không hề mang tính ước lệ mà mang vẻ đẹp rất thực, rất đẹp đẽ. Thành công của Nguyễn Du là đã phác họa được một bức tranh ngày xuân khoáng đạt, tinh khôi, trong trẻo. Từ đó, giúp người đọc có thể cảm nhận một bức họa thiên nhiên hoàn hảo, đầy sức sống đang ở ngay trước mắt. Đồng thời, cảm nhận được cảm giác tươi vui, phấn chấn xen lẫn chút bâng khuâng, tiếc nuối trong lòng nhân vật trữ tình.
2. Phân tích 8 câu thơ tiếp theo: Miêu tả lễ hội diễn ra trong tiết thanh minh
a. Hai câu thơ đầu: Những hoạt động diễn ra trong tiết thanh minh
Hai câu thơ miêu tả những hoạt động diễn ra trong tiết thanh minh đã thể hiện khả năng sử dụng ngôn từ điêu luyện của Nguyễn Du:
“Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.”
Sử dụng nghệ thuật tiểu đối, tác giả tách hai từ “lễ hội” ra thành “lễ” và “hội” để giải thích về hai hoạt động diễn ra trong tiết thanh minh:
– “Lễ là tảo mộ” hay “lễ tảo mộ” mà hoạt động mà con cháu đi viếng và sửa sang phần mộ của người thân, gia đình, tổ tiên. Lễ tảo mộ là một nét văn hóa truyền thống, thể hiện sự tri ân của những nam thanh, nữ tú với tổ tiên trong những ngày du xuân.
– “Hội là đạp thanh” hay “hội đạp thanh” ý muốn miêu tả việc đi chơi xuân ở chốn đồng quê thường phải giẫm lên cỏ xanh. Đây là ngày hội vui nhất của mùa xuân đối với những nam thanh nữ tú để tìm kiếm đối nhân, tìm đến những sợi tơ hồng của mai sau.
=> Có thể hiểu trong câu thơ trên, “lễ” và “hội” diễn ra trong tiết thanh minh: một là đi tảo mộ (lễ) và hai đi chơi xuân ở chốn đồng quê (hội). Tuy là hai hoạt động văn hóa khác biệt nhưng chúng lại có một sự giao hòa độc đáo trong thơ của Nguyễn Du.
b. Sáu câu thơ tiếp theo: Không khí của lễ hội ngày xuân
Bốn câu thơ tiếp theo là không khí tưng bừng, tấp nập của lễ hội mùa xuân, được gợi lên qua những từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm:
“Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.”
– Sử dụng hệ thống danh từ: “yến anh”, “chị em”, “tài tử”, “giai nhân”, tác giả đã thể hiện sự đông vui, nô nức, tấp nập trong ngày hội xuân – nơi mà tất cả mọi người đều háo hức tham gia
– Sử dụng các động từ: “sắm sửa”, “dập dìu, tác giả đã gợi tả không khí rộn ràng, náo nhiệt của ngày hội. Từ già trẻ, gái trai đều chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất để cùng nhau tham gia và lễ hội mùa xuân. Trước mắt người đọc như hiện lên một bức tranh đầy náo nhiệt với âm thanh của người người, dập dìu, sánh vai cùng nhau đi chơi xuân.
– Sử dụng tính từ: “gần xa” và từ láy “nô nức” đã góp phần bộc lộ tâm trạng hồ hởi, phấn khởi của người đi hội xuân.
Sử dụng khéo léo hình ảnh ẩn dụ “nô nức yến anh” đã góp phần làm nổi bật, tô đậm không khí nhộn nhịp của khung cảnh lễ hội xuân:
– Hình ảnh giúp gợi lên cảnh tượng về những đoàn người nối đuôi nhau, vừa đi vừa trò chuyện, đông đúc và dập dìu như từng bầy chim yến, chim oanh ríu rít.
– Phép ẩn dụ còn thể hiện âm thanh của những cuộc trò chuyện, giao lưu tình tứ của những đôi uyên ương trong lễ hội ngày xuân.
– Sử dụng hình ảnh so sánh trong câu thơ “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, tác giả đã vẽ lên khung cảnh đông đúc, không khí tưng bừng, náo nhiệt của buổi du xuân diễn ra trong tiết thanh minh
Bên cạnh không khí tưng bừng, huyên náo ấy, tác giả đã khéo léo xen vào một khoảng lặng, một nốt trầm trong giọng điệu thơ, khiến người đọc cảm nhận được tâm trạng con người như chùng xuống cùng lời thơ:
“Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.”
– Chỉ bằng hai câu thơ, tác giả dường như đã làm sống lại những nét văn hoá xưa của người Việt Nam, đó là tục lệ đốt vàng mã được thể hiện qua hình ảnh “ngổn ngang gò đống” và “tro tiền giấy bay”. Trong đó, trọng tâm của khung cảnh là sự xuất hiện của những nam thanh, nữ tú đang cùng nhau sửa sang, rắc vàng vó, hóa tiền giấy cho những người đã khuất, thực hiện nghi lễ của lễ tảo mộ. Tuy chỉ là nghi thức nhưng những chi tiết như “thoi vàng” và “tiền giấy” đã góp phần tạo ra một bầu không khí ngày xuân thêm phần trang trọng và tôn nghiêm.
– Mặt khác, việc tác giả đề cập tới nghi thức truyền thống đã thể hiện một niềm tự hào, tôn vinh truyền thống văn hóa, đạo lí “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt ta. Đó là một lối sống ân nghĩa thủy chung cần được duy trì ngàn đời sau
=> Qua buổi du xuân của hai chị em Thúy Kiều, tài năng của Nguyễn Du đã được chứng minh. Ông không chỉ là một người có con mắt quan sát tinh tế mà còn có sự am hiểu, tôn trọng sâu sắc đối với những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
3. Phân tích 6 câu thơ cuối: Cảnh sắc thiên nhiên trên đường chị em Kiều trở về sau chuyến du xuân
Nô nức và náo nhiệt là thể nhưng không ai có thể ngừng được bước đi của thời gian, cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết. Trên một nền không gian chiều xuân yên bình, thanh khiết, hai chị em Kiều dắt tay nhau trở về:
“Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn đan tay ra về.
Bước lần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh cỏ bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.”
– Đối lập với sự nhộn nhịp trong lễ hội mùa xuân, trên đường trở về của hai chị em, mọi chuyển động đều diễn ra nhẹ nhàng.
– Trái với bước đi vội vàng cùng sự trôi chảy nhanh của thời gian ở phần mở đầu đoạn trích, lúc này sự chuyển động của thời gian đã trở nên chậm rãi và nhẹ nhàng. Điều này được cảm nhận rõ nhất qua câu thơ “Tà tà bóng ngả về tây”. Sau khi ban phát “thiều quang” cho ngày xuân ấm áp, mặt trời đã từ từ khuất bóng sau những đám mây, nhường chỗ cho màn đêm buông xuống.
Nét đặc sắc trong hình ảnh thơ “tà tà bóng ngả về tây”:
– Sử dụng từ láy “tà tà” đã thành công trong việc gợi tả rõ nét hình ảnh mặt trời đang từ từ lặn trong nền trời xế chiều. Cho thấy cảnh những ánh nắng cuối ngày đang tắt dần, không gian từ sáng chuyển dần sang tờ mờ tối.
– Hình ảnh thơ có tác dụng gợi lên khung cảnh chiều tà tĩnh lặng và có chút buồn
– Sự tĩnh lặng và thanh tĩnh của cảnh vật cũng là hình ảnh phản chiếu cho tâm trạng bâng khuâng tiếc nuối trong lòng nhân vật trữ tình, cụ thể là hai chị em Kiều. Dường như hai chị em đang tiếc nuối về những phút giây nhộn nhịp, nô nức của buổi du xuân vừa diễn ra.
– Đến những câu thơ cuối bức tranh thiên nhiên, thay vì hiện lên với vẻ cao rộng và khoáng đạt tràn, cảnh sắc đã được miêu tả qua những hình ảnh bé nhỏ, thân thuộc hơn như hình ảnh “tiểu khê” và chiếc “cầu nho nhỏ” để bộc lộ dòng tâm trạng của con người.
Tác dụng từ láy trong cảnh ngày xuân: Sử dụng hệ thống từ láy được trải đều trong các câu thơ cuối như “tà tà”, “thơ thẩn”, “nho nhỏ”, “thanh thanh”, “nao nao” đã giúp tác giả biểu đạt sắc nét cảm xúc trong từng câu thơ:
– Từ láy “thơ thẩn” có tác dụng trong việc gợi lên tâm trạng tiếc nuối, lưu luyến, pha chút bâng khuâng buồn của hai chị em Kiều qua những bước chân có chút tâm tình
– Từ láy “nao nao” giúp gợi lên nét buồn rất khác thường của con người và cảnh vật. Hình ảnh dòng chảy “nao nao”, lững lờ trôi chậm bên chân cầu “nho nhỏ” có sự thống nhất cảm xúc hoàn toàn với bước chân “thơ thẩn” của nhân vật trữ tình. Mặt khác, từ láy “nao nao” cũng mang tính tính chất dự báo, linh cảm không vui cho cuộc gặp gỡ sắp tới của Thúy Kiều.
– Sáu câu thơ cuối thể hiện mối quan hệ hai chiều qua lại giữa cảnh và tình. Khi hội tan, con người rơi vào trạng thái bâng khuâng, xao xuyến và nhìn cảnh vật bằng trong màu sắc u buồn và ảm đạm.
=> Trong 6 câu thơ cuối của đoạn trích Cảnh ngày xuân, tác giả đã vận dụng khéo léo, xen kẽ bút pháp nghệ thuật độc đáo trong thơ ca trung đại. Nổi bật nhất là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, giúp tạo nên mối tương giao, thống nhất giữa cảnh và tình. Với phép nghệ thuật này, ta thấy cảnh vật vừa như có linh hồn của con người, vừa phảng phất nét u buồn và một vẻ đẹp rất đỗi tao nhã và thanh khiết.
IV. Sơ đồ tư duy Cảnh ngày xuân
Để làm rõ các luận điểm cần làm rõ trong bài phân tích đoạn trích Cảnh ngày xuân, các bạn học sinh có thể tham khảo sơ đồ tư duy dưới đây.
- Lộ trình toàn diện - NẮM CHẮC NỀN TẢNG - TỔNG ÔN TOÀN DIỆN - LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU
- ĐA DẠNG HÌNH THỨC HỌC - PHÙ HỢP VỚI MỌI NHU CẦU
- TOP THẦY CÔ DANH TIẾNG, GIÀU KINH NGHIỆM
- DỊCH VỤ HỖ TRỢ HỌC TẬP ĐÔNG HÀNH TRONG SUÔT QUÁ TRÌNH HỌC TẬP
IV. Tổng kết chung
1. Nội dung đoạn trích
Nội dung đoạn trích “Cảnh ngày xuân” đã tái hiện một bức tranh thiên nhiên sống động, tuyệt đẹp với khung cảnh lễ hội truyền thống đông vui, náo nhiệt. Qua bức tranh ấy, người đọc còn cảm nhận được thế giới nội tâm phong phú và nhạy cảm của nhân vật trữ tình.
2. Nghệ thuật sử dụng trong đoạn trích Cảnh ngày xuân
– Sử dụng hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm, Nguyễn Du không những kể, tả mà còn biểu đạt xuất sắc tâm tư, tình cảm và cảm xúc của nhân vật chính cũng như góc nhìn của ông về thiên nhiên đất trời mùa xuân
– Sử dụng nhuần nhuyễn bút pháp tả cảnh ngụ tình giúp tác giả lồng ghép được nhiều lớp ý nghĩa trong từng câu thơ
– Sử dụng biện pháp nghệ thuật: so sánh, ẩn dụ,… góp phần tạo ra sự sinh động cho bức tranh cảnh vật và sự đồng cảm của người đọc với nhân vật
Trên đây là dàn ý chi tiết phân tích Cảnh ngày xuân thuộc tác phẩm kinh điển Truyện Kiều của nhà văn Nguyễn Du. Ngoài tác phẩm trên, trong quá trình Ôn thi vào lớp 10 môn Văn, các bạn học sinh có thể tham khảo bộ tài liệu Soạn văn 9 để quá trình khái quát nội dung kiến thức môn văn văn dễ dàng hơn. HOCMAI hy vọng bài viết trên đã mang lại nội dung hữu ích cho các bạn trong quá trình học tập và ôn luyện.