Soạn bài Ôn tập về luận điểm (Ngữ văn 8)

0
1017
soan-bai-on-tap-ve-luan-diem

Trong chương trình Soạn văn 8, các em học sinh sẽ được ôn luyện rất kỹ càng về luận điểm, bởi vì luận điểm là yếu tố hiển nhiên mà mình luôn sử dụng không chỉ trong tập làm văn mà còn trong giao tiếp thường ngày. Sau đây sẽ là bài Soạn bài Ôn tập về luận điểm mà HOCMAI đã soạn thảo sát sườn theo sách giáo khoa trên trường của các em, các em tham khảo nhé!

Bài viết tham khảo thêm:

I. Khái niệm luận điểm

Câu 1 (trang 73 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)

Xem lại sách Ngữ văn lớp 7, tập hai và hãy cho biết: Luận điểm là gì? Sau đó lựa chọn câu trả lời đúng trong các câu dưới đây:

a) Luận điểm là một vấn đề được đưa ra giải quyết trong một bài văn nghị luận.

b) Luận điểm là một phần của vấn đề mà được đưa ra giải quyết trong một bài văn nghị luận.

c) Luận điểm là những chủ trương, quan điểm, tư tưởng cơ bản mà người viết (người nói) đã nêu ra trong bài văn nghị luận.

Hướng dẫn trả lời:

Chọn đáp án đúng (c): Luận điểm là những chủ trương, quan điểm, tư tưởng cơ bản mà người viết (người nói) đã nêu ra trong bài văn nghị luận.

Câu 2 (trang 73 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)

a) Bài “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ngữ văn lớp 7, quyển tập hai, ở trang 24 và 25) có những luận điểm nào? Chú ý vào phân biệt những luận điểm xuất phát được dùng làm cơ sở và luận điểm chính được dùng làm kết luận của bài.

b) Một bạn đã cho rằng “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn gồm có hai luận điểm:

– Luận điểm 1 → Lý do cần phải dời đô.

– Luận điểm 2 → Lý do để có thể coi thành Đại La là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

Nếu xác định luận điểm như vậy thì có đúng hay không? Vì sao lại như vậy?

Hướng dẫn trả lời:

a) Trong bài “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nêu lên những luận điểm:

  • Khẳng định được tinh thần yêu nước của toàn nhân dân ta rất mạnh mẽ và nồng nàn.
  • Biểu hiện tinh thần yêu nước của thời hiện tại (chống thực dân Pháp).
  • Nhiệm vụ đã biến tinh thần yêu nước thành hành động.

b) Xác định luận điểm như vậy quả thực là rất đúng. Bởi hai luận điểm trên đã khái quát được nội dung của hầu hết cả bài chiếu. Tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ, vì còn thiếu luận điểm cuối cùng là: lời thông báo, tuyên bố quyết định dời đô.

II. Mối quan hệ giữa luận điểm với vấn đề cần giải quyết trong bài văn nghị luận

Câu 1 (trang 74 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)

a) Vấn đề mà đã được đặt ra trong bài “Tinh thần yêu nước của toàn nhân dân ta” là gì? Ta có thể làm sáng tỏ vấn đề đó được hay không, nếu ở trong bài văn Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đưa ra mỗi luận điểm là: “Đồng bào ta ngày nay có lòng yêu nước nồng nàn”?

b) Trong “Chiếu dời đô”, nếu như Lý Công Uẩn chỉ đưa ra mỗi luận điểm: “Các triều đại trước đây đã nhiều lần thay đổi kinh đô” thì mục đích cốt lõi của nhà vua khi ban chiếu có thể đạt được hay không? Tại sao lại như vậy?

Hướng dẫn trả lời:

a)

Vấn đề được đặt ra trong bài là: Tinh thần yêu nước của toàn nhân dân ta. Nếu chỉ đưa ra mỗi một luận điểm “Đồng bào ta ngày nay có lòng yêu nước nồng nàn” thì không đủ để làm sáng tỏ được vấn đề đã nêu.

b) Trong “Chiếu dời đô”, nếu Lý Công Uẩn chỉ đưa ra mỗi luận điểm: “Các triều đại trước đây đã nhiều lần thay đổi kinh đô” thì mục đích cốt lõi của nhà vua khi ban chiếu sẽ không thể đạt được. Vì luận điểm trên chưa thể làm rõ được lý do dời đô về thành Đại La của Lý Công Uẩn.

Câu 2 (trang 74 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)

Từ sự tìm hiểu bên trên, em đã rút ra được những kết luận gì về mối quan hệ giữa vấn đề cần giải quyết với luận điểm có trong một bài văn nghị luận.

Hướng dẫn trả lời:

Mối quan hệ giữa vấn đề cần giải quyết với luận điểm là một mối quan hệ rất khăng khít.

III. Mối quan hệ giữa các luận điểm trong bài văn nghị luận

Câu 1 (trang 74 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)

Để có thể viết được một bài tập làm văn theo đề bài: “Hãy trình bày rõ lý do vì sao chúng ta cần phải đổi mới phương pháp học tập”, em sẽ lựa chọn hệ thống luận điểm nào trong hai hệ thống cho sẵn sau:

Hệ thống (1) Hệ thống (2)
(a) Phương pháp học tập gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập của học sinh.

(b) Cần thiết phải thay đổi phương pháp học tập cũ kỹ (máy móc, xa rời thực tế, thụ động) vì nó không còn phù hợp với yêu cầu của học tập, không đưa lại một kết quả tốt, kết quả chất lượng.

(c) Cần đi theo phương pháp học tập mới (sáng tạo, kết hợp học đi đôi với hành, chủ động) vì nó phù hợp với yêu cầu của học tập hiện nay, đem lại kết quả tốt.

(a) Chỉ cần có sự đổi mới trong phương pháp học tập là kết quả học tập sẽ được nâng cao, tốt lên một cách nhanh chóng.

(b) Do đó, em học sinh cần phải thường xuyên thay đổi cách học tập của mình.

(c) Chúng ta còn chưa chăm học, còn hay nói chuyện riêng trong giờ.

(d) Nếu chúng ta học tập theo phương pháp mới thì kết quả học tập chắc chắn sẽ tốt hơn.

(Gợi ý: Xét xem hệ thống luận điểm nào đạt được những yêu cầu sau:

– Hoàn toàn chính xác.

– Thật sự liên kết chặt chẽ với nhau.

– Phân biệt rành mạch được các ý với nhau, bảo đảm cho chúng luôn mạch lạc, không bị trùng lặp hay chồng chéo lên nhau.

– Được sắp xếp theo một trình tự hợp lý: luận điểm trước có chức năng đặt cơ sở cho luận điểm sau, còn luận điểm sau có chức năng phát huy được kết quả của luận điểm trước.)

Hướng dẫn trả lời:

– Lựa chọn: Hệ thống (1)

– Nguyên nhân:

  • Luận điểm này có tính đúng đắn.
  • Các luận điểm rất rõ ràng, không bị trùng lặp hay tối nghĩa.
  • Được sắp xếp theo một trình tự hợp lý.

Câu 2 (trang 74 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)

Từ sự tìm hiểu bên trên, em đã rút ra được kết luận gì về luận điểm cũng như mối quan hệ giữa các luận điểm với nhau trong một bài văn nghị luận?

Hướng dẫn trả lời:

Các luận điểm trong một bài văn nghị luận cần được liên kết một cách chặt chẽ với nhau, nhưng cũng phải thật rành mạch và không trùng lặp. Luận điểm được nêu trước chuẩn bị cơ sở cho luận điểm được nêu sau để sau đó dẫn tới kết luận.

IV. Tổng kết luận điểm

– Luận điểm trong một bài văn nghị luận là những chủ trương, quan điểm và tư tưởng mà người viết (người nói) nêu ra ở trong bài.

– Trong một bài văn nghị luận, luận điểm được sắp xếp thành một hệ thống: có luận điểm chính (được dùng làm kết luận của bài, là cái đích đến của bài viết) và có luận điểm phụ (dùng làm luận điểm mở rộng hay luận điểm xuất phát trong bài)

– Luận điểm cần phải có tính rõ ràng, chính xác và phù hợp với yêu cầu giải quyết vấn đề, và chủ đề để làm sáng tỏ những vấn đề đã được đặt ra.

– Các luận điểm trong của một bài văn vừa cần có sự liên kết chặt chẽ, lại vừa cần có sự phân biệt rõ ràng với nhau. Các luận điểm của bài phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lý: Luận điểm trước sẽ chuẩn bị cơ sở cho luận điểm nêu đằng sau, còn luận điểm nêu đằng sau sẽ dẫn đến luận điểm kết luận.

V. Luyện tập về luận điểm

Câu 1 (trang 75 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)

Đoạn văn trong sách giáo khoa nêu lên luận điểm “Nguyễn Trãi là một người anh hùng dân tộc” hoặc luận điểm “Nguyễn Trãi giống như một ông tiên ở trong tòa ngọc”? Hãy giải thích rõ ràng về sự lựa chọn của em.

Hướng dẫn trả lời:

– Đoạn văn nêu lên luận điểm: “Nguyễn Trãi là một người anh hùng dân tộc”.

– Nguyên nhân:

  • Tác giả đã đưa ra trong bài nhận xét của Nguyễn Mộng Tuân, từ đó khẳng định được quan niệm đối lập là: “Nguyễn Trãi rõ ràng không phải là một ông tiên”
  • Tác giả đã chứng minh quan điểm của mình: “Nguyễn Trãi là một người chân đạp đất Việt Nam…”

Câu 2 (trang 75 | Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 2)

Nếu như phải viết một bài tập làm văn để mà giải thích được lý do vì sao có thể nói rằng giáo dục là chìa khóa cho tương lai thì:

a) Em sẽ lựa chọn những luận điểm nào trong số những luận điểm bên dưới đây:

– Giáo dục có tác dụng rõ rệt trong điều chỉnh độ gia tăng dân số.

– Giáo dục tạo cơ sở nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế.

– Giáo dục giúp giải phóng con người, giúp con người có thể thoát khỏi áp bức và sự lệ thuộc vào quyền lực của những người khác để đạt được sự phát triển trong chính trị và tiến bộ của xã hội.

– Giáo dục giúp đào tạo thế hệ người sẽ xây dựng được xã hội giàu mạnh trong tương lai.

– Nước ta là một nước văn hiến có một truyền thống giáo dục lâu đời.

– Giáo dục góp phần bảo vệ được môi trường sống.

– Trẻ em hôm nay là thế giới của ngày mai.

b) Em sẽ sắp xếp những luận điểm đã lựa chọn (hoặc đã sửa lại, nếu cần thiết) theo trình tự nào? Vì sao lại như vậy?

Hướng dẫn trả lời:

a) Các luận điểm được em lựa chọn là:

– Giáo dục có tác dụng rõ rệt trong điều chỉnh độ gia tăng dân số.

– Giáo dục tạo cơ sở nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế.

– Giáo dục giúp giải phóng con người, giúp con người có thể thoát khỏi áp bức và sự lệ thuộc vào quyền lực của những người khác để đạt được sự phát triển trong chính trị và tiến bộ của xã hội.

– Giáo dục giúp đào tạo thế hệ người sẽ xây dựng được xã hội giàu mạnh trong tương lai.

– Giáo dục góp phần bảo vệ được môi trường sống.

b) Sắp xếp các luận điểm:

– Giáo dục giúp đào tạo thế hệ người sẽ xây dựng được xã hội giàu mạnh trong tương lai.

– Giáo dục giúp giải phóng con người, giúp con người có thể thoát khỏi áp bức và sự lệ thuộc vào quyền lực của những người khác để đạt được sự phát triển trong chính trị và tiến bộ của xã hội.

– Giáo dục tạo cơ sở nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế.

– Giáo dục có tác dụng rõ rệt trong điều chỉnh độ gia tăng dân số.

– Giáo dục góp phần bảo vệ được môi trường sống.

⇒ Sắp xếp theo một trình tự hợp lý, xét theo tầm quan trọng.

Vậy là chúng ta đã cùng nhau soạn xong bài Soạn bài Ôn tập về luận điểm rồi các em học sinh thân mến. Các em đã nắm chắc những kiến thức về luận điểm, như thế nào là luận điểm, và cách sắp xếp chúng trong một bài văn sao cho hợp lý chưa nhỉ? Các em hãy đừng quên truy cập hoctot.hocmai.vn để tìm thêm thật nhiều bài học mới cho mình các em nhé!