Trong chương trình Tiếng Việt lớp 5, học sinh sẽ được học văn kể một câu chuyện đã nghe, đã đọc. Đây là một chuyên đề cần thiết dành cho học sinh luyện kỹ năng tập làm văn tốt hơn.
Đối với Tiếng Việt lớp 5, văn kể chuyện được chia thành hai dạng: Văn kể một câu chuyện đã nghe, đã đọc và văn kể một câu chuyện đã chứng kiến, đã tham gia. Tuy nhiên, khác với lớp 4, học sinh lớp 5 sẽ phải kể chuyện nghiêng về phần sáng tạo nhiều hơn. Vậy như thế nào gọi là văn kể chuyện sáng tạo?
Định nghĩa văn kể một câu chuyện đã nghe, đã đọc
Kể chuyện sáng tạo là việc dựa vào cốt truyện của một câu chuyện đã cho có sẵn, học sinh phải hóa thân vào một trong những nhân vật trong tác phẩm để kể lại toàn bộ câu chuyện đó. Do vậy, giáo viên thường đòi hỏi rất cao yếu tố sáng tạo trong bài văn kể chuyện.
Đề bài: Con hãy đóng vai nhân vật cậu bé Chôm trong truyện “Những hạt thóc giống” để kể lại câu chuyện đó.
Một bài văn kể chuyện sáng tạo về câu chuyện đã nghe, đã đọc cũng giống như một bài văn kể chuyện thông thường, bố cục gồm có 3 phần:
Mở bài
Học sinh phải hóa thân vào nhân vật để dẫn dắt câu chuyện. Ví dụ ở đề bài trên, học sinh có thể dẫn dắt như sau:
“Trải qua cuộc sống mồ côi, cơ cực, sau bao nhiêu biến động, giờ đây ta đã lên ngôi vua, trị vì ngôi báu, đứng đầu thiên hạ. Nhưng trong hạnh phúc và vinh quang hôm nay, ta vẫn không thể nào quên được bài học đầu đời, đưa ta đến thành công hôm nay.”
Lưu ý: Để có mở bài hay, ấn tượng, học sinh hãy kể lại hồi ức, và bối cảnh mà nhân vật Chôm đã trải qua để dẫn dắt người đọc vào câu chuyện.
Thân bài
Ở phần thân bài, học sinh có thể kể theo nhiều cách khác nhau, nhưng không được làm thay đổi nội dung của câu chuyện. Học sinh xây dựng cốt truyện riêng theo cốt truyện cơ bản kết hợp với trí tưởng tượng của mình.
Tiếp theo, học sinh cần nắm vững nội dung câu chuyện gốc, và ghi lại diễn biến các sự việc đã xảy ra theo trình tự thời gian hoặc không gian. Phụ huynh và học sinh có thể tham khảo cách viết dưới đây:
“Hồi ấy, vương quốc Khơ-me nơi ta sinh sống do một vị vua anh minh cai quản. Sau bao nhiêu năm, vị vua ấy tuổi đã cao, người đã yếu, không đủ sức cai trị giang sơn. Ngài lại không có con trai nên phải tìm người nối ngôi. Ngài phát cho mỗi người dân trong vương quốc một thúng thóc, sai họ đưa về gieo trồng và giao hẹn ai thu được nhiều thóc nhất sẽ được truyền ngôi, ai không nộp thóc sẽ bị trừng phạt. Lúc ấy, ta cũng rất háo hức mang số thóc được phát ấy về nhà chăm sóc, vun trồng tỉ mỉ, mong thóc nảy mầm để mình được lựa chọn làm hoàng đế. Nhưng thật kì lạ, dù ta bỏ bao nhiêu công chăm bẵm, tưới tắm mà những hạt thóc vẫn gan lì, không chịu nảy mầm. Ta buồn lắm mà không biết làm thế nào. Những người bạn khác của ta không hề quan tâm đến chuyện này, họ chỉ chờ đến ngày vua hẹn để mang những bao thóc đầy đã có sẵn trong kho ra dâng vua. Ta không thể đồng ý với việc làm đó của họ.
Ngày hẹn đã đến, mọi người trong vương quốc nô nức kéo đến kinh thành, đằng sau là những xe thóc vàng ươm, đầy ăm ắp. Ai cũng lớn tiếng khoe ta đây đã tận tâm chăm sóc nên mới có nhiều thóc lúa như vậy. Ta rất buồn và lo sợ mình đến tay không. Đắn đo suy nghĩ rất lâu, cảm thấy không thể dối gạt nhà vua, ta bèn quỳ trước mặt ngài mà nói:
– Tâu bệ hạ! Con không làm sao cho thóc nảy mầm được.
Ta tưởng mình nói xong câu đó sẽ phải chịu một hình phạt nặng nề với tội danh làm trái ý vua. Nhưng lạ thay, nhà vua không hề tức giận, ngài còn hiền từ cười với ta và đưa tay đỡ ta dậy.
– Con tên là gì? Ngài hỏi.
Thấy thái độ kì lạ của vua, mạnh dạn ta trả lời:
– Dạ! Muôn tâu bệ hạ, thần tên là Chôm. Thần đã cố gắng hết sức để chăm sóc thóc giống Bệ hạ ban nhưng không hiểu sao chúng không thể nảy mầm. Thần đáng tội chết ạ!
Ta vừa dứt lời, nhà vua cười lớn và phán:
– Không! Con không có tội. Trước khi phát thóc ta đã luộc kỹ rồi. Lẽ nào thóc ấy còn mọc được? Những xe thóc đầy ắp kia đâu phải thu được từ thóc giống của ta.
Ta và những người có mặt ở đấy vô cùng ngạc nhiên. Không ai biết vì cớ gì mà nhà vua lại làm vậy. Trước khi kịp nghĩ ra thì nhà vua lại lên tiếng:
– “Trung thực là đức tính quý nhất của con người. Ta sẽ truyền ngôi cho chú bé trung thực và dũng cảm này”. Ngài vừa nói vừa chỉ vào ta. Lúc ấy ta cảm thấy sung sướng vô cùng. Tưởng đâu mình đã chết vì tội khi quân, ngờ đâu ta lại là người được nhà vua truyền lại ngôi báu. Quả là đời có nhiều việc không thể ngờ tới. Chỉ cần có lòng dũng cảm và tính trung thực một chú bé nghèo như Chôm ta lại có ngày trở thành một vị vua cai quản đất nước Khơ-me rộng lớn.”
Kết bài
Để kết thúc câu chuyện, học sinh hãy nêu kết quả các sự việc diễn ra như thế nào? Nêu nhận định, cảm xúc của mình về câu chuyện đó.
“Quả là đời có nhiều việc không thể ngờ tới. Chỉ cần có lòng dũng cảm và tính trung thực một chú bé nghèo, ta lại có ngày trở thành một vị vua cai quản đất nước Khơ-me rộng lớn. Đó cũng là bài học cho tất cả mọi người, hãy cứ sống trung thực, hiền lành, chắc chắn sẽ có ngày được báo đáp.”
Như vậy, để làm bài văn kể lại một câu chuyện đã nghe, đã đọc bằng ngôn ngữ riêng của mình, đòi hỏi học sinh cần có sự linh hoạt và khả năng sáng tạo trong việc kể lại một câu chuyện mới mẻ hoàn toàn nhưng vẫn giữ được nội dung chính của câu chuyện gốc.
Trong quá trình kể chuyện, hãy trình bày câu chuyện theo trình tự không gian, thời gian. Kể bằng lời văn của chính mình, bám theo dàn bài cơ bản thể hiện cảm xúc cá nhân, không sao chép nguyên văn chuyện kể. Các câu văn ngắn gọn, mạch lạc. Chấm câu đúng, đúng chính tả và bám sát yêu cầu của đề, tránh lan man, lạc đề.
Đồng thời, bố mẹ có thể tham khảo các bài giảng của cô Trần Thị Vân Anh nằm trong khóa học nâng cao Tiếng Việt lớp 5 của Hệ thống Giáo dục HOCMAI. Với nhiều năm kinh nghiệm, các kiến thức cô đưa ra trọng tâm, với nhiều dạng câu hỏi, bài tập khác nhau, giúp học sinh rèn phương pháp, kỹ năng đạt điểm cao trong các bài kiểm tra và kỳ thi quan trọng. Cùng với phong cách chậm rãi, giọng nói từ tốn, giọng văn sâu sắc, cô sẽ khơi dậy hứng thú học văn, tình yêu và niềm say mê văn chương của học trò.
Tham khảo thêm:
Cách viết văn hay cho học sinh tiểu học