Chuyên đề 12: Văn kể chuyện

0
2783

Văn kể chuyện là một trong những kiến thức trọng tâm ôn thi vào 6. Các con theo dõi bài viết dưới đây để nắm rõ về kể truyện tưởng tượng và kể chuyện sáng tạo. Cô Bùi Thị Tú (Giáo viên Tiếng Việt tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) sẽ hướng dẫn con khắc phục những lỗi sai thường gặp nhất trong dạng bài này.

I. Tổng hợp kiến thức

  1. Kể chuyện sáng tạo

a. Khái niệm: là dạng bài kể chuyện dựa trên cốt truyện có sẵn, chỉ thay đổi một vài yếu tố ( ngôi kể, kết thúc truyện).

b. Các dạng kể chuyện sáng tạo

– Kể lại một câu chuyện có thay đổi ngôi kể

– Viết lại kết thúc truyện.

c. Cách làm bài

– Nắm vững cốt truyện

– Với dạng kể chuyện thay ngôi

  • Chú ý cách gọi tên các nhân vật
  • Chú ý thứ tự kể
  • Cần bổ sung các chi tiết miêu tả hoặc bộc lộ cảm nghĩ về các sự việc, nhân vật trong truyện

– Với dạng bài thay đổi kết thúc truyện: Không được làm thay đổi ý nghĩa, tư tưởng, chủ đề của truyện.

  1. Kể chuyện tưởng tượng

a. Khái niệm: Là kể một câu chuyện không có trong sách vở hay trong thực tế mà do người kể nghĩa ra dựa trên trí tưởng tượng của mình. Câu chuyện phải có một ý nghĩa nào đó. 

b. Cách làm bài

– Dựa vào các yếu tố có thực

– Tưởng tượng thêm để câu chuyện thêm hấp dẫn, ý nghĩa thêm sâu sắc

II. Luyện tập

Bài 1: Kể lại câu chuyện “Nỗi dằn vặt của An-drây-ca” bằng lời của cậu bé An-drây-ca

– Sự việc 1: Ông bị khó thở, mẹ bảo An-drây-ca đi mua thuốc.

– Sự việc 2: Dọc đường, An-drây-ca gặp mấy đứa bạn đang chơi đá bóng rủ nhập cuộc nên chơi một lúc rồi mới đến cửa hàng mua thuốc mang về nhà.

– Sự việc 3: Về nhà, An-drây-ca mới biết ông đã qua đời.

– Sự việc 4: An-drây-ca vô cùng hối hận, tự trách mình dù mẹ đã an ủi em rằng ông mất từ lúc em vừa ra khỏi nhà.

  1. Mở bài: Nhân vật tự giới thiệu bản thân và giới thiệu câu chuyện

Năm nay, cây táo trong vườn nhà tôi sai trĩu quả. Mỗi lần nhìn thấy nó, tôi lại nhớ tới ông ngoại – người đã có công vun trồng cây cối trong vườn và cả tâm hồn của tôi. Kỉ niệm về ông năm nào lại ùa về trong tâm trí, khiến tôi cứ dằn vặt khôn nguôi.

2. Thân bài: Kể lại câu chuyện theo trình tự hợp lý

– Sự việc 1: Ông bị khó thở, mẹ bảo An-drây-ca đi mua thuốc.

Một buổi chiều, ông nói với mẹ tôi: “ Bố khó thở lắm!…” Trông dáng vẻ ông rất mệt mỏi. Nghe những tiếng thở khò khè của ông, mẹ tôi chắc xót xa lắm. Tôi cũng thương ông vô cùng. Mẹ liền bảo tôi đi mua thuốc. Tôi nhanh nhẹn đi ngay.

– Sự việc 2: Dọc đường, An-drây-ca gặp mấy đứa bạn đang chơi đá bỏng rủ nhâp cuộc nên chơi một lúc rồi mới đến cửa hàng mang thuốc về nhà.

Dọc đường, tôi lại găp mấy đứa bạn đang chơi đá bỏng rủ nhập cuộc. Tôi vốn mê bóng đá từ nhỏ, mà cả tuần vừa rồi bận học nên chẳng được ra sân. Đúng lúc bọn nó đang thiếu một chân tiền đạo, mà tiền đạo lại là vị trí sở trường của tôi. Thế là tôi đã không từ chối nổi với những lời rủ rê mà nhập cuộc ngay. Chơi một lúc, tôi mới nhớ lời mẹ dặn. Tôi ba chân bốn cẳng chạy một mạch ra cửa hàng mua thuốc rồi mang về nhà. 

– Sự việc 3: Về nhà, An-drây-ca mới biết ông đã qua đời

Bước vào phòng ông nằm, tôi linh cảm có chuyện chẳng lành. Tôi hốt hoảng thấy mẹ khóc nấc lên. Thì ra ông đã qua đời. Nhìn hình ảnh ông nằm im, bất động; tim tôi thắt lại, đau đớn như có nhát dao vừa xuyên qua.

– Sự việc 4: An-drây-ca vô cùng hối hận, tự trách mình dù mẹ đã an ủi em rằng ông mất từ lúc em vừa ra khỏi nhà

Tôi nghĩ “Chỉ vì mình mải chơi bóng, mua thuốc về chậm mà ông chết”. Tôi òa khóc và kể hết mọi việc cho mẹ nghe. Mẹ tôi xoa đầu tôi, an ủi:

– An-đrây-ca, con không có lỗi trong chuyện này! Chẳng có thuốc nào cứu được ông cả. Ông con mất khi con vừa mới bước ra khỏi nhà.

Tôi biết mẹ nói thế để tôi đỡ dằn vặt vì mọi chuyện đã xảy ra rồi. Làm sao có thể nói tôi không có lỗi khi mải mê chơi bóng với bạn trong lúc ông ngoại đang phải chiến đấu giành giật từng hơi thở, giành giật sự sống và chờ đợi thuốc tôi mang về?

Cả đêm đó, tôi ngồi nức nở dưới gốc cây táo do tay ông vun trồng. Đến bây giờ, khi đã trưởng thành, làm bố của hai đứa trẻ, tôi vẫn luôn tự dằn vặt: “Giá mình mua thuốc về kịp thì ông còn sống được thêm ít năm nữa”.

3. Kết bài: Nhân vật bộc lộ suy nghĩ của mình về câu chuyện

Chuyện xảy ra đã lâu rồi nhưng tôi vẫn day dứt mãi. Dẫu biết tôi có mang thuốc về ngay cũng không cứu được ông, nhưng ít ra, như vậy tôi sẽ không phải ân hận trong suốt quãng đời còn lại. Dù ở trên Thiên đàng, ông có tha thứ cho tôi; tôi cũng khó lòng tha thứ được cho sự vô tâm của mình. Tôi chia sẻ với các bạn câu chuyện này là để nhắn nhủ tới tất cả mọi người: Hãy yêu thương và quan tâm những người xung quanh hết sức có thể, bởi không ai có thể chắc chắn, đây không phải là ngày cuối cùng mà bạn được ở bên cạnh những người thân yêu.

Hi vọng những kiến thức và bài tập minh họa có thể giúp con làm tốt các bài văn kể chuyện. Để con bổ sung thêm nhiều kiến thức quan trọng khác, cha mẹ tham khảo và đăng ký Giải pháp ôn thi vào 6 – HM6 tại đây.

Trải nghiệm Giải pháp, con sẽ được học tập theo lộ trình gồm 2 bước: TỔNG ÔN – LUYỆN ĐỀ. Đăng ký liền tay để con rinh ngay 9,10 cha mẹ nhé!