Chuyên đề Mắt cận và mắt lão chi tiết bài 49 Vật Lý 9

0
6813
mat-can-va-mat-lao

Để các em học sinh nắm rõ được kiến thức về chuyên đề Mắt cận và mắt lão Vật Lý 9. Trong bài viết này, HOCMAI đã trình bày tất cả nội dung từ phần tóm tắt lý thuyết tới phần hướng dẫn giải đầy đủ các bài tập trong SGK và một số bài tập trắc nghiệm mở rộng.

 

Bài viết tham khảo thêm:

 

I – Lý thuyết chuyên đề Mắt cận và mắt lão

1. Mắt cận

a) Những biểu hiện của tật cận thị

–  So với mắt bình thường, điểm cực viễn của mắt cận ở gần hơn.

– Người bị cận thị có thể nhìn rõ được những vật ở gần nhưng sẽ không nhìn rõ được những vật ở phía xa (nếu mắt không điều tiết).

Ví dụ:

– Khi đọc sách cần phải đặt gần mắt hơn bình thường.

– Ngồi dưới lớp nhưng không nhìn rõ được chữ viết ở trên bảng.

b) Nguyên nhân cận thị

– Đọc sách khi không có đủ ánh sáng.

mat-can-va-mat-lao-1

– Đọc sách quá gần.

– Xem các thiết bị công nghệ nhiều như điện thoại, tivi, máy tính,…

– Ngồi học không đúng tư thế.

mat-can-va-mat-lao-2

c) Cách khắc phục tật cận thị

  • Cách 1: Phẫu thuật giác mạc để làm thay đổi độ cong của giác mạc.

Cách 2: Đeo kính cận để có thể nhìn rõ được những vật ở xa. Kính cận là một thấu kính phân kì. Kính cận thích hợp sẽ có tiêu điểm F trùng với điểm cực viễn (Cv) của mắt.

mat-can-va-mat-lao-3

2. Mắt lão

a) Những đặc điểm của mắt lão

– Mắt của người già là mắt lão.

– Mắt lão nhìn rõ được những vật ở xa nhưng lại không nhìn rõ được những vật ở gần như khi còn trẻ.

– So với mắt bình thường, điểm cực cận của mắt lão xa phía mắt hơn .

b) Cách khắc phục tật mắt lão

Mắt lão cần phải đeo kính lão để nhìn rõ được các vật ở gần. Kính lão là một thấu kính hội tụ.

mat-can-va-mat-lao-4

Hình ảnh của vật lớn lên so với vật nhưng lại ở xa mắt hơn vật khi đeo kính lão, và vì kính được đeo sát mắt nên hình ảnh của chúng ở trên võng mạc vẫn có cùng kích thước. Do đó khi đeo kính lão, mắt nhìn thấy được hình ảnh của các vật cũng có độ tương tự như khi không đeo kính.

mat-can-va-mat-lao-5

 

II – Giải bài tập chuyên đề Mắt cận và mắt lão SGK Vật lí 9

Câu C1 | Trang 131 SGK Vật Lý 9 

Hãy khoanh tròn vào dấu + vào trước những biểu hiện mà em cho đó là triệu chứng của tật cận thị.

+ Khi đọc sách, cần phải đặt sách gần với mắt hơn bình thường.

+ Khi đọc sách, cần phải đặt sách xa với mắt hơn bình thường.

+ Ngồi dưới lớp, nhìn chữ viết ở trên bảng thấy mờ.

+ Ngồi trong lớp, nhìn không rõ được các vật ở ngoài sân trường.

Hướng dẫn trả lời

Những biểu hiện của tật cận thị là:

+ Khi đọc sách, cần phải đặt sách gần với mắt hơn bình thường.

+ Ngồi dưới lớp, nhìn chữ viết ở trên bảng thấy mờ.

+ Ngồi trong lớp, nhìn không rõ được các vật ở ngoài sân trường.

Câu C2 | Trang 131 SGK Vật Lý 9  

Mắt cận không nhìn rõ được các vật ở xa hay các vật ở gần mắt? Điểm cực viễn (Cv) của mặt cận sẽ ở xa hay gần hơn so với mắt bình thường?

Hướng dẫn trả lời

Mắt cận không nhìn rõ được những vật ở xa mắt. Điểm cực viễn (Cv) của mắt cận ở gần với mắt hơn bình thường.

Câu C3 | Trang 131 SGK Vật Lý 9 

Nếu có một kính cận, làm cách nào để biết đó chính là một thấu kính phân kì?

Hướng dẫn trả lời

– Cách 1: Nếu kính đó cho ảnh ảo nhỏ hơn so với vật → Đó là thấu kính phân kì.

– Cách 2: Dùng tay để cảm nhận: Thấu kính phân kì sẽ có phần rìa dày hơn so với phần giữa.

Câu C4 | Trang 131 SGK Vật Lý 9 

Giải thích tác dụng của kính cận.

Để giải thích được em hãy vẽ ảnh của vật AB qua kính cận (xem hình 49.1 SGK). Biết rằng kính cận thích hợp sẽ có tiêu điểm F trùng với điểm cực viễn (Cv) của mắt và trong khi đeo kính thì mắt nhìn ảnh của AB qua kính.

– Khi không mang kính, điểm cực viễn của mắt cận tại Cv. Mắt có nhìn rõ được vật AB hay không? Tại sao?

mat-can-va-mat-lao-6

– Khi mang kính, muốn nhìn rõ được ảnh của AB thì ảnh này cần phải hiện lên trong khoảng nào? Yêu cầu đó có thực hiện với kính cận nói trên được không?

Hướng dẫn trả lời

Mắt cận là mắt nhìn gần tốt hơn so với mắt thường, nhưng khi nhìn xa lại kém hơn mắt thường. Vậy dụng cụ để giúp mắt cận nhìn ra xa được như mắt thường chính là kính cận. Khi không đeo kính, mắt cận không nhìn rõ được vật AB vì vật này nằm xa mắt hơn so với điểm cực viễn (Cv) của mắt.

Để sửa tật cận thị, cần phải mang kính phân kì sao cho:

Vật AB cần quan sát ở rất xa (coi như là vô cực, khoảng cách từ vật tới kính là d1 = ∞) qua kính sẽ tạo ra ảnh ảo A’B’ nằm tại điểm cực viễn của mắt. Khi đó mắt sẽ nhìn thấy được ảnh A’B này mà không cần phải điều tiết và qua thể thủy tinh của mắt cho ảnh A”B” ở trên màng lưới như hình vẽ:

mat-can-va-mat-lao-7

Có nghĩa là là: B’ trùng Cv (1)

Khi d1 = ∞ ⇒ d’ = f ⇒ B’ ≡ F (2)

Từ (1) và (2) ⇒ F ≡ CV

Vậy kính cận là một thấu kính phân kì. Muốn nhìn rõ được các vật ở xa thì người bị cận phải đeo kính có tiêu cự thỏa mãn điều kiện là: Tiêu điểm F của kính trùng với điểm cực viễn của mắt (F ≡ Cv)

Câu C5 | Trang 132 SGK Vật Lý 9 

Nếu có một kính lão, làm cách nào để biết đó chính là một thấu kính hội tụ?

Hướng dẫn trả lời

Khi mang nếu kính đó cho ảnh ảo lớn hơn so với vật → Đó là thấu kính hội tụ.

Câu C6 | Trang 132 SGK Vật Lý 9 

Hãy giải thích tác dụng của kính lão.

Để giải thích, hãy vẽ ảnh của vật AB khi qua kính lão. Cho biết tiêu điểm của kính tại F (hình 49.2 SGK).

mat-can-va-mat-lao-8

+ Khi mắt lão không mang kính, điểm cực cận Cc ở quá xa với mắt. Mắt có nhìn rõ được vật AB hay không? Tại sao ?

+ Khi đeo kính, muốn nhìn rõ được ảnh của vật AB thì ảnh này cần phải hiện lên trong khoảng nào? Yêu cầu đó có thực hiện với kính lão nói trên được không?

Hướng dẫn trả lời

Mắt lão là mắt nhìn xa tốt nhưng khi nhìn gần kém hơn mắt thường. Vậy nên kính lão là một thấu kính hội tụ có tác dụng giúp mắt lão nhìn gần được như mắt thường.

Khi không đeo kính, mắt lão không nhìn rõ được vật AB vì vật này nằm gần với mắt hơn điểm cực cận Cc của mắt.

Khi đeo kính thì ảnh A’B’ của vật AB cần phải hiện lên xa mắt hơn điểm cực cận (Cc) của mắt thì mắt mới nhìn rõ được ảnh này.

+ Để sửa được tật mắt lão, cần phải sử dụng kính hội tụ sao cho:

Vật AB cần phải quan sát gần qua kính sẽ tạo ra ảnh ảo A’B’ nằm trong khoảng thấy rõ (Cc đến Cv) của mắt người đó. Khi đó mắt sẽ nhìn được ảnh A’B’ này qua thể thủy tinh của mắt cho ảnh A”B” ở trên màng lưới như hình vẽ:

mat-can-va-mat-lao-9

Câu C7 | Trang 132 SGK Vật Lý 9 

Hãy tìm cách để kiểm tra xem kính của một người già và kính của bạn em là thấu kính hội tụ hay thấu kính phân kì

Hướng dẫn trả lời

Đặt kính vào sát với trang sách và kéo kính dần ra từ từ. Nếu: 

  • Nhìn thấy ảnh dòng chữ qua thấu kính nhỏ hơn so với dòng chữ thật trên trang sách → Đó là thấu kính phân kì. 
  • Nếu ảnh dòng chữ qua thấu kính lớn hơn so với kích thước thật của dòng chữ → Đó là thấu kính hội tụ.

Câu C8 | Trang 132 SGK Vật Lý 9 

Hãy tìm cách để so sánh khoảng cực cận của mắt em cùng với khoảng cực cận của mắt một bạn cận thị và khoảng cực cận của mắt một người già, từ đó rút ra kết luận cần thiết.

Hướng dẫn trả lời

Cách so sánh:

Ta lấy một cái bút nhỏ ra để so sánh. Khi không dùng kính, bạn bị cận phải để bút gần mắt hơn em (bởi vì điểm cực viễn (Cv) gần mắt); người già cần phải để bút xa mắt hơn em (bởi vì điểm cực cận (Cc) xa mắt). Muốn nhìn được như mắt bình thường thì bạn bị cận phải đeo kính cận thị (TKPK) để có thể đưa ảnh ảo của vật vào trong khoảng từ Cc đến Cv, còn người già cần phải đeo TKHT cũng với mục đích để đưa ảnh ảo vào khoảng từ Cc đến Cv.

⇒ Mắt một bạn bị cận sẽ có khoảng cực cận nhỏ nhất, rồi tới khoảng cực cận của mắt em và khoảng cực cận của mắt một người già là lớn nhất. Nghĩa là:

(OCc) mắt cận < (OCc) mắt thường < (OCc) mắt lão

Kết luận:

  • Mắt cận nhìn rõ được những vật ở gần, nhưng lại không nhìn rõ những vật ở xa, mắt cận cần phải đeo kính phân kì để nhìn rõ các vật ở xa.
  • Mắt lão nhìn rõ được các vật ở xa nhưng lại không nhìn rõ các vật ở gần, mắt lão cần phải đeo kính hội tụ để nhìn rõ các vật ở gần.

 

III – Bài tập Trắc nghiệm chuyên đề Mắt cận và mắt lão

Câu 1: Tác dụng của kính cận là:  

A) tạo ảnh ảo nằm bên ngoài khoảng cực viễn của mắt.

B) tạo ảnh ảo nằm bên trong khoảng cực viễn của mắt.       

C) tạo ảnh thật nằm bên ngoài khoảng cực viễn của mắt.

D) tạo ảnh thật nằm bên trong khoảng cực viễn của mắt.          

Trả lời

Ta có:

+ Kính cận là TKPK

+ Vật thật khi qua thấu kính phân kì luôn cho ảnh ảo, gần về phía thấu kính và nhỏ hơn vật.

=> Tác dụng của kính cận là để tạo ảnh ảo nằm bên trong khoảng cực viễn của mắt.

Đáp án B

Câu 2: Tác dụng của kính lão là:  

A) tạo ảnh ảo nằm bên ngoài khoảng cực cận của mắt.

B) tạo ảnh ảo nằm bên trong khoảng cực cận của mắt.

C) tạo ảnh thật nằm bên ngoài khoảng cực cận của mắt.

D) tạo ảnh thật nằm bên trong khoảng cực cận của mắt.          

Trả lời

Ta có:

+ Kính lão là TKHT

=> Tác dụng của kính lão là để tạo ảnh ảo nằm bên ngoài khoảng cực cận của mắt.

Đáp án A

Câu 3: Mắt của một người chỉ nhìn rõ được những vật cách mắt từ khoảng 10cm đến 100cm. Mắt này có tật gì và cần phải đeo kính nào ?

A) Mắt cận, cần đeo kính hội tụ

B) Mắt lão, cần đeo kính phân kì

C) Mắt lão, cần đeo kính hội tụ

D) Mắt cận, cần đeo kính phân kì

Trả lời

Người đó chỉ nhìn rõ được những vật cách mắt từ khoảng 10cm đến 100cm mà không nhìn rõ được ở vô cực

=> Người này bị tật cận thị nên cần đeo kính phân kì

Đáp án D

Câu 4: 50cm là khoảng cực viễn của mắt của một người. Thấu kính mang sát với mắt sử dụng phù hợp là thấu kính:

A) hội tụ có tiêu cự là 50cm

B) hội tụ có tiêu cự là 25cm

C) phân kỳ có tiêu cự là 50cm

D) phân kỳ có tiêu cự là 25cm

Trả lời

Ta có, mắt người đó có khoảng cực viễn là 50cm ⇒ Người đó bị tật cận thị

⇒ Thấu kính mang sát với mắt sử dụng phù hợp là thấu kính phân kỳ có tiêu cự là 50cm

Đáp án C

Câu 5: Khoảng cực cận trong mắt của bạn Đông là 10cm và khoảng cực viễn là 50cm. Bạn Đông không đeo kính thì sẽ thấy vật cách mắt trong khoảng.        

A) từ 10cm đến 50cm

B) lớn hơn 50cm

C) lớn hơn 40cm

D) lớn hơn 10cm

Trả lời

Mắt của bạn Đông có khoảng cực cận (Cc) là 10cm và khoảng cực viễn(Cv) là 50cm. Bạn Đông khi không đeo kính sẽ thấy vật cách mắt ở trong khoảng từ 10cm → 50cm.

Đáp án A

Câu 6: Khi không điều tiết, tiêu điểm của mắt cận nằm ở   

A) trước màng lưới

B) trên màng lưới

C) sau màng lưới

D) trên thể thủy tinh

Trả lời

Mắt bị cận khi không cần phải điều tiết tiêu điểm của thể thủy tinh nằm ở trước màng lưới

Đáp án A

Câu 7: Tiêu điểm mắt lão khi không điều tiết nằm ở   

A) trước màng lưới

B) trên màng lưới

C) sau màng lưới

D) trên thể thủy tinh

Trả lời

Mắt lão khi không điều tiết thì tiêu điểm của thể thủy tinh nằm ở sau màng lưới

Đáp án C

Câu 8: Khoảng cực cận của mắt cận

A) bằng với khoảng cực cận của mắt thường

B) lớn hơn so với khoảng cực cận của mắt thường

C) nhỏ hơn so với khoảng cực cận của mắt thường

D) lớn hơn so với khoảng cực cận của mắt lão

Trả lời

Khoảng cực cận của mắt cận nhỏ hơn so với khoảng cực cận của mắt thường.

Đáp án C

Câu 9: Khoảng cực cận của mắt lão

A) bằng với khoảng cực cận của mắt thường

B) lớn hơn so với khoảng cực cận của mắt thường

C) nhỏ hơn so với khoảng cực cận của mắt thường

D) nhỏ hơn so với khoảng cực cận của mắt cận

Trả lời

Khoảng cực cận của mắt lão lớn hơn khoảng cực cận của mắt thường.

Đáp án B

Câu 10: Một người khi nhìn những vật ở xa thì không cần phải đeo kính. Khi đọc sách thì lại phải đeo kính hội tụ. Hỏi mắt người ấy có bị mắc tật gì không?

A) Không mắc tật gì

B) Mắt tật cận thị

C) Mắt tật viễn thị

D) Tất cả đều sai

Trả lời

Người đó nhìn rõ được những vật ở xa nhưng lại không nhìn rõ các vật ở gần

⇒ Mắt bị tật viễn thị

Đáp án C

Như vậy bài viết về chuyên đề Mắt cận và mắt lão đã kết thúc, cũng khá đơn giản đúng không các em học sinh thân mến. HOCMAI hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp các em nắm chắc được kiến thức và áp dụng vào để giải được các bài tập về chuyên đề này một cách dễ dàng.