Hướng dẫn học sinh cách viết bài văn biểu cảm hay

0
38623

Khi viết văn biểu cảm, nhiều học sinh gặp khó khăn trong việc bộc lộ cảm xúc và hành văn như viết khô khan, thiếu mạch lạc, không hấp dẫn… Nhằm khắc phục tình trạng này, cô Trần Thị Vân Anh – Giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã đưa ra hướng dẫn các bước làm một bài văn biểu cảm hay đạt điểm cao.

Tham khảo thêm:

Cách viết văn miêu tả cảnh

Cách viết văn nghị luận xã hội

Cách viết văn thuyết minh

 

Các dạng đề văn biểu cảm thường gặp 

Văn biểu cảm là văn bản viết ra nhằm biểu đạt tình cảm, cảm xúc, sự đánh giá của con người đối với thế giới xung quanh và khêu gợi lòng đồng cảm nơi người đọc. Đây là dạng văn mà học sinh được học trong chương trình Ngữ văn 7.

Cô Vân Anh – giáo viên môn Ngữ văn tại HOCMAI hướng dẫn học sinh: đề văn biểu cảm chia ra hai phần chính đó là yêu cầu về đối tượng biểu cảm và yêu cầu về tình cảm cần biểu hiện. Học sinh cần phải nhận biết được hai yêu cầu này của đề trước khi tìm ý, lập dàn bài.

Ví dụ đề văn biểu cảm: Cảm nghĩ về dòng sông, cánh đồng, quê hương; Vui buồn tuổi thơ; Loài cây em yêu…

Phân tích về yêu cầu tình cảm cần bộc lộ: Trong đề 1, tình cảm cần biểu hiện là “cảm nghĩ” rất chung, đề bài có hướng mở, học sinh có thể tự do bộc lộ tình cảm thế nào đều được, miễn là các tình cảm ấy hướng tới giá trị nhân văn. Đề 2 yêu cầu tình cảm “vui buồn”. Còn đề 3 yêu cầu tình cảm “yêu”. Có thể thấy yêu cầu về tình cảm trong đề 2 và 3 cụ thể hơn.

Phân tích về yêu cầu đối tượng biểu cảm: Đối tượng trong đề có thể chung chung cho ta lựa chọn: cảnh đẹp quê hương, kỷ niệm tuổi thơ…. Nhưng có những đối tượng hạn định như nụ cười của mẹ, đêm trăng trung thu… Tùy vào từng đối tượng khác nhau mà học sinh cần linh hoạt trong cách viết bài, đối với đối tượng chung, các bạn nên chọn đối tượng cụ thể để viết bài, còn đối với các đối tượng cụ thể thì các bạn nên chọn những hướng viết bài mới lạ, độc đáo.

Các bước và lưu ý để làm bài văn biểu cảm hay

Muốn viết văn biểu cảm hay không phải ngày một ngày hai, mà đó là quá trình chúng ta trau dồi ngòi bút, chăm chỉ luyện tập. Khi làm một bài văn biểu cảm, các bạn phải suy nghĩ về cách khai triển ý trong từng phần ở thân bài. Đây là phần quan trọng để bài văn của bạn mạch lạc, thu hút, hấp dẫn. Đồng thời, các bạn nên dựa vào những hướng dẫn từ đó luyện tập viết nhiều đề văn biểu cảm để ngày càng thành thục, viết văn đạt điểm cao.” Cô Vân Anh chia sẻ.

Cô Vân Anh hướng dẫn học sinh cách để tìm hiểu đề bài và cách để làm bài văn biểu cảm đúng và hay.

Bước 1: Tìm hiểu đề

Để xác định được hướng viết, trước hết, học sinh cần phân tích đề văn biểu cảm yêu cầu thế nào. Các bạn nên đọc kỹ đề để xác định hai yêu cầu: yêu cầu về đối tượng biểu cảm và tình cảm sẽ bộc lộ trong bài văn. 

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý

Bước thứ hai, học sinh cần tìm ý cho bài viết, bao gồm các nội dung gì, đi theo trình tự nào, phần nào sử dụng yếu tố biểu cảm trực tiếp và biểu cảm gián tiếp. Đồng thời, lựa chọn các yếu tố khác để hỗ trợ cho thể loại chính như: yếu tố tự sự, yếu tố miêu tả,… và vị trí phù hợp để đưa các yếu tố này vào bài. Sau khi đã tìm ý, học sinh tiến hành lập dàn ý với 3 phần: 

Mở bài: Giới thiệu đối tượng biểu cảm và tình cảm chung đối với đối tượng đó.

Thân bài: Những cung bậc cảm xúc cụ thể về đối tượng:

– Cung bậc cảm xúc 1 + khía cạnh 1 của đối tượng

– Cung bậc cảm xúc 2 + khía cạnh 2 của đối tượng

Để học sinh hiểu rõ hơn, cô Vân Anh đưa ra ví dụ như sau:

Ý 1: Ta thấy hạnh phúc, sung sướng khi ngắm nhìn nụ cười của mẹ.
Ý 2: Ta thấy cô đơn, trống trải khi thiếu vắng nụ cười của mẹ. 

Đồng thời, để có thể viết môt văn biểu cảm vừa mạch lạc, vừa hấp dẫn, cô cũng định hướng học sinh cách để triển khai các nội dung qua:

  • Liên hệ hiện tại với tương laiLà hình thức dùng trí tưởng tượng để liên tưởng tới tương lai, mượn hình ảnh tương lai để khơi gợi cảm xúc về đối tượng biểu cảm trong hiện tại. Cách biểu cảm này tạo nên mối liên hệ và tương lai.
  • Hồi tưởng quá khứ và suy nghĩ về hiện tạiLà hình thức liên tưởng tới những kí ức trong quá khứ, gợi sống dậy những kỉ niệm để từ đó suy nghĩ về hiện tại. Đây cũng là hình thức lấy quá khứ soi cho hiện tại khiến cho cảm xúc của con người trở nên sâu lắng hơn. Cách biểu cảm này sẽ tạo nên mối liên hệ gắn kết rất tự nhiên và nhuần nhuyễn giữa hiện tại và quá khứ.
  • Tưởng tượng tình huống, hứa hẹn, mong ướcLà hình thức liên tưởng phong phú, từ những hình ảnh thực đang hiện hữu để đặt ra các tình huống và gửi gắm vào đó những suy nghĩ và cảm xúc về đối tượng biểu cảm cũng như những ước mơ hi vọng. Cách biểu cảm này đòi hỏi người viết văn biểu cảm phải có trí tưởng tượng phong phú.

Đây là ba cách học sinh nên vận dụng để khai triển ý trong bài văn biểu cảm để có một bài văn hay. Bên cạnh đó, các bạn cũng nên kết hợp biểu cảm gián tiếp với biểu cảm trực tiếp.

Kết bài: Suy ngẫm, mong ước của mình đối với đối tượng biểu cảm

Bước 3: Viết bài

Trên cơ sở dàn bài đã xây dựng, bước thứ ba là bước quan trọng giúp học sinh triển khai thành bài văn hoàn chỉnh. Trong quá trình viết bài, học sinh nên bám sát “sườn” mà mình đã lên, đồng thời, cô cũng lưu ý các bạn trong quá trình diễn đạt phải biết kết hợp với các phương thức biểu đạt khác (miêu tả, tự sự, nghị luận,…) và sử dụng các biện pháp nghệ thuật đặc sắc (so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, điệp ngữ, nói quá…) để tăng tính hấp dẫn cho bài viết. Đối với dạng văn biểu cảm, học sinh cũng cần có sự biên hóa linh hoạt về câu văn, lời văn, trong đó:

  • Câu văn nên có sự biến hóa các thể loại, hình thức câu khác nhau như: câu trần thuật, câu cảm, câu nghi vấn, câu cầu khiến; câu dài, câu ngắn; có câu tỉnh lược, câu câu tồn tại…
  • Lời văn nên có cảm xúc với vốn từ ngữ giàu hình ảnh, giàu sức gợi cảm và đặc biệt học sinh không nên sử dụng quá nhiều thán từ trong một bài văn như “Ôi!”, “Oa”,… để tránh gây nhàm chán cho người đọc, người xem.

Bước 4: Kiểm tra lại bài

Rất nhiều học sinh do thiếu thời gian hoặc muốn làm bài nhanh đã bỏ qua bước cuối cùng này dẫn đến bài văn dù viết khá nhưng vẫn không đạt điểm số cao. Bởi ngoài nội dung hấp dẫn thì cách diễn đạt, lỗi chính tả, cảm xúc đem đến cho người đọc cũng chính là cách giúp học sinh “ghi điểm” trong mắt người đọc, người chấm.

Bài giảng về cách làm văn biểu cảm nằm trong khóa học online Ngữ văn 7 thuộc Chương trình Học tốt do cô Trần Thị Vân Anh trực tiếp giảng dạy tại HOCMAI. Để nâng cao kỹ năng viết văn và nắm chắc kiến thức Ngữ văn 7, học sinh có thể tham khảo những bài giảng HỌC THỬ đến từ HOCMAI để có thể có kiến thức nền tảng môn học, tạo đà bứt phá điểm số trong các bài thi, bài kiểm tra.