Bài văn tả cảnh là kiểu bài được viết nhằm giúp cho người đọc, người nghe hình dung rõ những đặc điểm, tính chất nổi bật của một khung cảnh. Dạng bài này yêu cầu học sinh phải huy động vốn từ loại phong phú, đặc biệt là tính từ và động từ.
Tham khảo thêm:
Cách viết văn kể chuyện được chứng kiến tham gia
Cách viết văn nghị luận xã hội
Thầy Nguyễn Phi Hùng – giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI sẽ giúp học sinh lớp 6 dễ dàng đạt điểm trọn vẹn khi làm bài văn miêu tả chỉ với 5 bước đơn giản sau. Phụ huynh, học sinh xem chi tiết bài giảng trong video dưới đây.
Các bước để có cách viết bài văn miêu tả cảnh hay và đặc sắc
Bước 1: Xác định đối tượng miêu tả
Việc đầu tiên học sinh cần làm sau khi đọc xong một đề văn tả cảnh chính là tìm ra những từ khóa, xác định đối tượng miêu tả trong bài văn, tránh lạc đề.
Để thành thạo bước làm này, học sinh nên tự hình thành thói quen gạch chân dưới những từ quan trọng ngay khi đang đọc đề, tránh lãng phí thời gian khi làm bài kiểm tra trên lớp. Ngoài ra, trong thời gian luyện tập, học sinh có thể tự đặt ra những yêu cầu về giới hạn thời gian, dung lượng, độ dài của bài văn, để từ đó hình thành thói quen viết đúng, đủ, không lan man.
Bước 2: Tìm những hình ảnh, chi tiết nói lên đặc điểm của đối tượng miêu tả
Để tìm ý cho bài văn miêu tả, đặc biệt là văn tả cảnh, học sinh bắt buộc phải có kỹ năng quan sát. Quan sát không chỉ dừng lại ở việc xem, nhìn đối tượng bằng thị giác mà còn cần sự kết hợp của tất cả các giác quan để cảm nhận và đánh giá đặc trưng của đối tượng. Khi biết cách sử dụng giác quan cho từng ý phù hợp, bài văn mới sống động, chân thực và tạo được ấn tượng mạnh cho người đọc.
Bên cạnh đó, học sinh cần phải biết cách chọn lọc các chi tiết, hình ảnh đặc sắc của đối tượng kết hợp yếu tố so sánh, liên tưởng, tưởng tượng và bộc lộ cảm xúc để bài làm trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.
Thầy Hùng hướng dẫn phương pháp làm bài văn tả cảnh
Bước 3: Sắp xếp các chi tiết, hình ảnh theo trật tự nhất định
Sau khi có hệ thống các ý, các đặc điểm của đối tượng, học sinh cần sắp xếp lại theo một trình tự nhất định để phù hợp với nội dung, cấu trúc của bài văn. Hai trình tự quen thuộc nhất với học sinh là không gian và thời gian. Ví dụ, tả một cái cây, theo thời gian từ lúc nó còn non đến lúc dần lớn lên và trưởng thành; hoặc tả sân trường trong một giờ ra chơi, tả từ bao quát trước đến chi tiết từng khu vực trong sân trường.
Bên cạnh đó, học sinh cũng có thể miêu tả theo trình tự tâm lí của nhân vật. Đôi khi, để bài văn hay hơn, học sinh cần kết hợp một lúc nhiều trình tự khác nhau. Dù lựa chọn trình tự nào để miêu tả, học sinh cũng cần để ý đến hai tiêu chí: giúp người nói, người viết thể hiện tư tưởng, nội dung cần diễn đạt và giúp người đọc, người nghe dễ dàng hình dung cảnh vật được nói đến.
Bước 4: Lập dàn ý chi tiết cho bài văn tả cảnh
Thầy Hùng lưu ý: “Ba bước đầu tiên là các bước chuẩn bị, được thực hiện trước khi cầm bút viết bài, các bạn có thể thực hiện ở ngoài nháp hoặc suy nghĩ trong đầu. Có những bạn phân tích và tìm hiểu đề rất nhanh, hình dung bước tìm ý và lập dàn bài tổng quát ngay trong đầu và lập tức đặt bút viết. Có những bạn gạch ngay những từ chìa khóa vào đề bài, sau đó tìm ý và lập dàn ý ra nháp, dàn ý tốt rồi mới bắt đầu viết bài. Điều này phụ thuộc vào kinh nghiệm, phương pháp và kĩ năng riêng của từng bạn”
Tuy nhiên, học sinh không nên chủ quan mà phải cẩn thận viết sơ lược dàn ý ra nháp để không bỏ sót ý, thiếu ý, lặp ý trong quá trình trình bày các bài thi, bài kiểm tra. Dành một vài phút trước khi viết bài để gạch nhanh các gạch đầu dòng, hệ thống ý lớn, đặc điểm tính chất nổi bật của đối tượng để tự tin viết bài, tạo sự logic hợp lí giữa các ý trong bài viết.
Bước 5: Viết bài theo dàn ý, đọc và soát lỗi
Để có một bài văn hoàn chỉnh, bước cuối cùng học sinh cần làm là đọc và soát lỗi. Trong quá trình viết bài, khó tránh khỏi các lỗi chính tả, lỗi lặp từ,… bước này sẽ giúp học sinh có một bài tập làm văn hoàn thiện và chỉn chu hơn, tạo được thiện cảm với người chấm.
Viết văn là cả một quá trình đúc rút và luyện tập cách soạn văn, kĩ năng viết bài, tích lũy vốn ngôn ngữ, vốn sống và ổn định tâm lí trong phòng thi để có được những bài văn hay. Để đạt điểm cao trong bài thi, bài kiểm tra môn Ngữ văn 6 kì II , học sinh cần ôn tập và rèn luyện cách viết của mình.
Bên cạnh đó, phụ huynh và học sinh có thể tham khảo Chương trình Học tốt lớp 6 2021-2022 của HOCMAI. Khoá học xây dựng bám sát theo khung chương trình mới và chuẩn đầu ra của Bộ GD-ĐT với lộ trình học tập toàn diện, hệ thống video bài giảng sinh động, phiếu bài tập tự luyện, câu hỏi tương tác kích thích sự sáng tạo, ham học hỏi của học sinh.
Hệ thống bài tập tự luyện được xây dựng theo 4 cấp độ: Nhận biết – Thông hiểu – Vận dụng – Vận dụng cao giúp học sinh vận dụng kiến thức đã học, rèn luyện kỹ năng và tư duy làm bài để chinh phục mọi bài thi, bài kiểm tra.
Bố mẹ đăng kí cho các con tham gia trải nghiệm Khóa học để tự tin chinh phục kỳ thi cuối học kỳ I, đăng kí nhận tư vấn miễn phí.