Cách viết bài văn miêu tả cây cối

0
19904

Để làm tốt bài văn tả cây cối, học sinh cần ghi nhớ ba nội dung quan trọng: Lựa chọn trình tự miêu tả, sử dụng các giác quan và các biện pháp nghệ thuật khi viết. Cùng tìm hiểu chi tiết cách viết bài văn miêu tả cây cối nhé!

 

Tham khảo thêm:

Cách viết văn kể chuyện

Cách viết văn miêu tả đồ vật

Cách viết văn miêu tả thiên nhiên

 

Viết văn tả cây cối không quá phức tạp, nhưng nếu học sinh không đủ “nhạy bén” quan sát và có vốn từ rộng thì rất dễ rơi vào tình trạng “bí từ” – chỉ viết vài dòng đã hết ý! Vậy giải pháp nào để bất cứ học sinh nào cũng có thể làm tốt bài văn tả cây cối? Cô giáo Thu Hoa (Hocmai.vn) đã bật mí “ba tuyệt chiêu” viết văn miêu tả (cây cối) hay và hấp dẫn, cùng với đó, các em cũng sẽ có tư duy và cách soạn văn hay và hiệu quả nhất.

A. Tổng quan kiến thức cách viết văn miêu tả đồ vật

1 – Các khái niệm cơ bản

Văn miêu tả loại văn nhằm giúp người đọc, người nghe hình dung những đặc điểm, tính chất nổi bật của sự vật, sự việc, con người, phong cảnh,…làm cho những cái đó như hiện lên trước mắt người đọc, người nghe.

Tả cây cối là dùng lời văn miêu tả để giúp người đọc hình dung rõ cây được tả với những đặc điểm nổi bật về hình dáng, màu sắc, các bộ phận của cây, sự phát triển của cây…

Cô Thu Hoa hướng dẫn học sinh làm bài văn miêu tả cây cối

2 – Cấu trúc của bài văn tả cây cối

Dàn ý tham khảo cho bài văn miêu tả cây cối

B. Ba “tuyệt chiêu” viết văn tả cây cối “hay như văn mẫu”

1 – Trình tự miêu tả

Lựa chọn trình tự miêu tả là nội dung rất quan trọng trong văn tả nói chung và tả cây cối nói riêng. Một trình tự miêu tả nhất quán sẽ giúp bài viết mạch lạc, người đọc dễ liên tưởng và hình dung. Mặc dù vậy, rất nhiều học sinh hiện nay lại “xem nhẹ” nội dung này, nhất là các em học sinh khá, trung bình, thường “nghĩ cái gì tả cái ấy” – không hề sắp xếp khiến bài văn rối ý, khó hình dung.

Câu văn ví dụ: “Những tán lá bàng to và xòe rộng, rễ cây thì bám chặt vào đất, mỗi chiếc lá in những vân sẫm, thân cây cao và vững trãi”.
=> Học sinh miêu tả tán cây đến rễ cây, lại quay về tả hình dáng chiếc lá, thân cây khiến câu văn rối ý.
Nên sửa thành: “Những tán lá bàng to và xòe rộng, mỗi chiếc lá in những vân sẫm, thân cây cao và vững trãi, rễ cây thì bám chặt vào đất.”
=> Trình tự “từ trên xuống” khiến người đọc dễ hình dung hơn.

Cô Thu Hoa cũng gợi ý cho các học sinh một số trình tự miêu tả cơ bản – dễ sử dụng trong văn tả cây cối như sau:

a, Miêu tả theo trình tự thời gian

– Mùa: Miêu tả  theo trình tự bốn mùa trong năm (xuân – hạ – thu – đông) hoặc (đông – xuân).
– Miêu tả theo trình tự các buổi trong ngày (sáng – trưa – chiều – tối).
– Miêu tả theo trình tự phát triển của cây (khi còn bé đến lúc cây trưởng thành, ra hoa, kết trái,…).

b, Miêu tả theo trình tự không gian: Trên – dưới, xa – gần, khái quát – cụ thể.

VD: “Mùa đông, gạo thu mình ngủ giấc thật dài, lớp vỏ cây sẫm lại. Lá co cụm quấn mình giữ ấm. Xuân về, cây bừng tỉnh giấc dài, nụ và lá vươn mình đón nắng. Hạ qua tắm đượm những cơn mưa rào, cây lộng lẫy trên vương miện ánh sáng mặt trời, vừa rạng rỡ vừa tỏa bóng mát lành. Những bông hoa tươi thắm như nụ cười em bé ngày khai trường. Thu đến, cây mơ màng những câu hát buồn, lá ngâm nga thả mình về với đất mẹ.”
=> Đoạn văn miêu tả cây gạo theo trình tự các mùa trong năm.

2 – Sử dụng giác quan khi miêu tả – Quy tắc bàn tay

Mấu chốt để bất cứ bài văn tả vật (tả cây cối) nào cũng hay, có điểm nhấn chính là miêu tả qua các giác quan. Bằng việc sử dụng nghe, nhìn, cảm nhận,… loài cây được miêu tả sẽ trở nên chân thực và gần gũi. Để học sinh có thể luôn ghi nhớ, cô Thu Hoa đã “biến hóa”  bí quyết này thành “Quy tắc bàn tay”:

Quy tắc “bàn tay” – ghi nhớ sử dụng giác quan trong văn miêu tả (cây cối).

– Thị giác: nhìn (màu lá xanh tươi mới, thân nâu trầm ấm,…).
– Thính giác: nghe (tiếng lá rơi xào xạc, những tán cây lao xao khi gió về,…).
– Khứu giác: ngửi thấy (mùi hoa thơm ngát, …).
– Vị giác: mùi vị (quả mọng và ngọt như mía lùi,….).
– Xúc giác: cảm nhận thấy  (thân cây xù xì nhưng ấm áp như bàn tay của mẹ,…).

3 – Sử dụng nhân hóa, so sánh khi miêu tả

Để sự vật (cây cối) được tả trở nên sinh động và gần gũi hơn, học sinh nên tăng cường sử dụng các biện pháp nghệ thuật (nhân hóa, so sánh) giúp hình ảnh được miêu tả tạo nhiều hình dung mới mẻ cho người đọc. Ngoài ra, cần miêu tả xen kẽ các sự vật có liên quan đến đời sống của cây như chim chóc hoặc sinh hoạt của con người…

a. So sánh: “Trải qua năm tháng, cây gạo vẫn sừng sững, vững trãi như một chiến binh khổng lồ ngày đêm dang tay bảo vệ làng”.

b. Nhân hóa: Thông qua gọi tên, dùng từ chỉ đặc điểm – phẩm chất của người để tả vật, miêu tả vật bằng các từ chỉ hành động của con người.
“Nàng cúc âu yếm những giọt sương, cô vô tư để chúng ngả lưng lên những cánh hoa vàng diễm lệ…”

Văn viết luôn khích lệ sự sáng tạo của mỗi học sinh, nhưng không nên quá “buông thả” trong diễn đạt và trình bày, bài văn sẽ rối ý và người đọc cũng không thể cảm nhận đúng ý đồ của người viết.  Những gợi ý mà cô Thu Hoa chỉ dẫn là “chìa khóa” cho cách viết một bài văn tả cây cối độc đáo, hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo nội dung và diễn đạt. Hãy tự tin “thả mình” vào từng con chữ, thể hiện cá tính và khả năng sáng tạo của mình thôi nào!

Trong hè, việc ôn tập các bài học trong hè sẽ giúp con không bị “trôi” kiến thức. Cha mẹ tìm hiểu ngay Chương trình Học Tốt, với nhiều bài giảng miễn phí để giúp con bứt phá trong năm học mới nhé!