Soạn bài Cách làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ chi tiết Ngữ Văn 9

0
3004
soan-bai-cach-lam-bai-nghi-luan-ve-mot-doan-tho-bai-tho

Sau khi đã tìm hiểu chi tiết về thể loại văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ ở bài viết trước. Trong bài viết hôm nay, HOCMAI sẽ hướng dẫn các em học sinh chi tiết Soạn bài Cách làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

 

Bài viết tham khảo thêm:

 

I. Đề bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là trình bày, đưa ra những nhận xét và đánh giá của người viết về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong một đoạn thơ, bài thơ đó.

Trả lời câu hỏi | Trang 79 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2

soan-bai-cach-lam-bai-nghi-luan-ve-mot-doan-tho-bai-tho-1

Đề 3. Cảm nhận về tâm trạng của nhà thơ Tản Đà qua tác phẩm Muốn làm thằng cuội.

Đề 4. Hình tượng về người chiến sĩ lái xe trong tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính của tác giả Phạm Tiến Duật.

Đề 5. Bài thơ Ánh trăng của tác giả Nguyễn Duy gợi ra cho em những suy nghĩ gì?

Đề 6. Phân tích khổ thơ đầu của bài Sang thu – Hữu Thỉnh.

Đề 7. Những đặc sắc của bài thơ Viếng lăng Bác – Tác giả Viễn Phương.

Đề 8. Suy nghĩ và cảm nhận của em về tình cảm cha con ở bài Nói với con của tác giả Y Phương.

Câu hỏi:

a) Các đề bài ở trên được cấu tạo ra sao?

b) Các từ trong bài như phân tích, suy nghĩ và cảm nhận (Hoặc có khi không có lệnh ở đề bài) thể hiện những yêu yêu cầu gì với bài làm?

Gợi ý:

a) Các đề bài ở trên có cấu tạo được chia làm hai kiểu: 

  • Một kiểu đề có những từ ngữ chỉ rõ cách thức triển khai bài làm như: cảm nhận, phân tích và suy nghĩ, cảm nhận, biểu thị cho em những suy nghĩ gì, … 
  • Một kiểu đề nữa là không hề đưa ra yêu cầu, mệnh lệnh cụ thể gì (Đề 4, 7).

b) Khi đề bài đưa ra yêu cầu phân tích, cảm nhận và suy nghĩ thể hiện những yêu cầu định hướng cách triển khai bài.

  • Phân tích là muốn đưa ra định hướng cụ thể về thao tác làm bài, khi đó em cần phải phân tách và xem xét đối tượng dưới nhiều góc độ, so sánh, đối chiếu,… để có thể đi đến nhận định đối tượng.
  • Cảm nhận và suy nghĩ nghĩa là muốn nhấn mạnh đến việc đưa ra sự cảm thụ, nhận định và ấn tượng riêng, đánh giá (suy nghĩ) của bản thân về đối tượng; đối với kiểu yêu cầu này, để chứng minh, thuyết phục được ý kiến của mình, người làm cũng cần phải tiến hành giảng giải bằng các thao tác như giải thích, phân tích,…
  • Với kiểu đề bài không có lệnh cụ thể, người làm sẽ tự lựa chọn những thao tác cần thiết để chứng minh, làm rõ cho ý kiến của bản thân về đối tượng được nêu ra ở trong đề bài.

 

II. Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

1. Các bước làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

a) Bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần phải đáp ứng các yêu cầu của một bài văn nghị luận nói chung. Bao gồm:

  • Tìm hiểu đề và tìm ý 
  • Lập dàn ý 
  • Viết bài 
  • Đọc và sửa chữa sau khi viết.

b) Bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần phải nêu lên được những đánh giá, nhận xét, và sự cảm thụ riêng bởi người viết. Những đánh giá, nhận xét đó phải gắn liền với sự phân tích, giọng điệu, bình giá ngôn, từ, nội dung cảm xúc, hình ảnh,… của tác phẩm.

c) Dàn bài chung của một bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ gồm có ba phần:

  • Mở bài: Giới thiệu về đoạn thơ, bài thơ và bước đầu đưa ra nhận xét, đánh giá của bản thân. (Nếu là bài phân tích một đoạn thơ cần nêu rõ được vị trí của đoạn thơ ấy ở trong tác phẩm và khái quát nội dung cảm xúc của đoạn thơ ấy).
  • Thân bài: Trình bày lần lượt các đánh giá, suy nghĩ về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ đó.
  • Kết bài: Khái quát giá trị, ý nghĩa của đoạn thơ, bài thơ đó.

Trả lời câu hỏi: Câu 1 | Trang 80 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2

Đề bài: Phân tích tình yêu quê hương có trong bài thơ Quê hương của tác giả Tế Hanh”.

Gợi ý:

Ta có trình tự các bước lần lượt như sau:

Bước 1: Tìm hiểu đề và tìm ý

– Tìm hiểu đề:

  • Đề bài nêu ra vấn đề cần nghị luận nào? => Tình yêu quê hương ở trong bài thơ Quê hương của tác giả Tế Hanh.
  • Đề bài có đưa ra yêu cầu, mệnh lệnh cụ thể gì không? Nếu có thì yêu cầu, mệnh lệnh ấy là gì? => Phân tích

– Tìm ý:

  • Đọc kỹ lại cả bài thơ (Nếu là đoạn thơ thì cũng cần phải đọc lại kĩ cả bài, cần đặt đoạn thơ đó vào cả bài thơ để tìm hiểu).
  • Tìm hiểu khái quát về thông tin tác giả, hoàn cảnh sáng tác nên bài thơ (nếu có) => Tác giả Tế Hanh sinh ra và lớn lên tại một làng chài ven biển Quảng Ngãi. Ông đã xuất hiện tại chặng cuối của phong trào Thơ mới với các bài thơ mang nặng nỗi buồn và tình cảm quê hương thắm thiết.
  • Sắc thái cảm xúc xuyên suốt cả bài thơ là gì? => Ngọt ngào, tha thiết.
  • Tìm hiểu các nét đặc sắc nổi bật nhất về mặt nội dung và nghệ thuật của bài thơ: Bức tranh sinh ,tươi sáng về một làng chài miền biển, trong đó nổi bật là hình ảnh đầy sức sống, khỏe khoắn của những người dân chài và sinh hoạt lao động được thể hiện bằng các vần thơ bình dị nhưng giàu sức gợi cảm.
  • Sau khi đã nắm được các nét chung nhất về bài thơ, em hãy xác định các luận điểm chính gắn liền với vấn đề nghị luận mà đề bài yêu cầu.
  • Khi cách xa, nhà thơ đã nhớ về quê hương như thế nào? Hình ảnh về làng quê hiện lên trong nỗi nhớ, tâm trí của nhà thơ có những vẻ đẹp và đặc điểm gì?
  •  Bài thơ có sử dụng những hình ảnh, câu thơ nào đã gây ấn tượng sâu sắc đối với em? Ngôn từ và giọng điệu của bài thơ có điểm gì đặc sắc?

Bước 2: Lập dàn bài

Trình bày các luận điểm theo bố cục gồm có 3 phần:

a) Mở bài: 

Giới thiệu về bài thơ, nêu khái quát nhận định của bản thân về vấn đề cần nghị luận => Giới thiệu sơ qua về bài thơ Quê hương của tác giả Tế Hanh, đưa ra nhận định của em về tình yêu quê hương ở trong bài thơ.

b) Thân bài: 

Triển khai vấn đề nghị luận: Phân tích các biểu hiện cụ thể của tình yêu quê hương ở trong bài thơ.

  • Nêu lên nhận xét chung về bài thơ: Bài thơ thể hiện một tình yêu quê hương tha thiết, đậm chất lí tưởng, trong sáng và lãng mạn.
  • Tình yêu quê hương thể hiện cụ thể ở vẻ đẹp của cảnh ra khơi và cảnh quay về.
  • Cảnh người dân làng chài bơi thuyền ra khơi: Khỏe khoắn và đầy sức sống
  • Cảnh đón thuyền đánh cá trở về bến: Tấp nập, bình yên và no đủ
  • Tình yêu quê hương biểu hiện ở nỗi nhớ: Các hình ảnh của quê hương in đậm trong tâm trí, kí ức của nhà thơ.

c) Kết bài: 

Chốt lại vấn đề nghị luận và mở rộng liên tưởng: Khẳng định vẻ đẹp, và tình yêu quê hương được gửi gắm qua bài thơ. Nêu lên những ấn tượng mà vẻ đẹp của bài thơ để lại trong tâm trí em.

Bước 3. Viết bài

Bước 4. Đọc lại và sửa chữa bài viết

2. Cách tổ chức, triển khai luận điểm

Trả lời câu hỏi: Câu 2 | Trang 81 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2

Câu hỏi:

a) Ở văn bản trên, đâu là phần thân bài? Trong phần này người viết đã trình bày những nhận xét gì về tình yêu quê hương trong bài thơ Quê hương? Những ý kiến, suy nghĩ đó được dẫn dắt và khẳng định bằng cách nào? Được liên kết với phần mở bài và phần thân bài ra sao?

b) Văn bản có hấp dẫn và có sức không? Vì sao? Qua đó có thể rút ra bài học gì về cách làm một bài nghị luận văn học này?

Gợi ý:

a)

– Thân bài: Từ “Nhà thơ đã viết về…” → “…thành thực của Tế Hanh”: 

  • Trình bày những phân tích, cảm nhận về tình yêu quê hương trong sáng, thơ mộng tha thiết của Tế Hanh qua bức tranh làng chài ra khơi và cảnh quay về bến cùng những hình ảnh đặc sắc thể hiện tình thương, nỗi nhớ của tác giả.
  • Phần mở bài được kết nối với phần thân bài một cách chặt chẽ. Đấy chính là sự chứng minh, phân tích, làm sáng tỏ nhận xét, nhận định bao quát ở mở bài. Qua đó dẫn đến kết bài nhằm đánh giá ý nghĩa, sức hấp dẫn của bài viết.

b) Văn bản trên có sức  hấp dẫn và thuyết phục vì:

  •  Có bố cục mạch lạc và sáng rõ.
  • Luận điểm được triển khai một cách rõ ràng, từng luận điểm được chứng minh bằng các biểu hiện cụ thể có trong bài thơ.
  • Bài văn ngắn gọn với lời lẽ xúc tích, thể hiện được những rung động, đồng cảm của tác giả trước vẻ đẹp và cảm xúc của bài thơ.

 

III. Luyện tập

Trả lời câu hỏi | Trang 84 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2

Đề bài: Phân tích khổ thơ đầu trong bài thơ Sang thu của tác giả Hữu Thỉnh.

Gợi ý:

a) Tìm hiểu đề và tìm ý:

– Tìm hiểu đề: Vấn đề cần nghị luận là gì? => Khổ thơ đầu trong bài Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh,  Yêu cầu là phân tích.

– Tìm ý: Bài thơ Sang thu có nội dung cảm xúc chung là gì? Nội dung của khổ thơ đầu trong bài thơ này là gì? Cảm xúc của nhà thơ được thể hiện từ đặc điểm, hương vị gì của thiên nhiên? Khổ thơ có đặc sắc gì về hình ảnh, ngôn từ?

b) Lập dàn bài: Lập dàn bài theo bố cục gồm có 3 phần: Chú ý cần xây dựng được các luận điểm chính và chứng minh bằng các biểu hiện cụ thể có trong khổ thơ.

Trong phần Thân bài, các em có thể triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm:

  • Cảm xúc vấn vương, bâng khuâng trước đất trời trong trẻo đang chuyển biến nhẹ nhàng: bỗng, hình như.
  • Cảm nhận tinh tế về các dấu hiệu của mùa thu: |hương ổi phả vào trong gió se, sông nước, sương chùng chình, mây, nắng, chim, mưa, sấm.|
  • Hình ảnh thơ độc đáo, từ ngữ giàu sức gợi cảm.

 

Trong bài viết Soạn bài Cách làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ này, HOCMAI đã hướng dẫn chi tiết cho các em cách để làm thể loại văn nghị luận này và giải đáp đầy đủ các câu hỏi có trong chương trình Ngữ văn 9. Hãy tham khảo thật kỹ tài liệu này để chuẩn bị thật tốt bài soạn của mình nhé!