Soạn bài Câu nghi vấn (tiếp theo)

0
597
soan-bai-cau-nghi-van-tiep-theo

Tiếp nối với kiến thức bài học của Câu nghi vấn trước, bài học này sẽ giúp các em hiểu hơn về cách sử dụng của câu nghi vấn, cũng như những ứng dụng trong đời sống thực tế của loại câu này. Mời các em cùng Hocmai tìm hiểu chi tiết bài viết Soạn bài câu nghi vấn (Tiếp theo)

 

Tham khảo thêm:

Soạn bài Câu nghi vấn

Soạn bài Quê hương

Soạn bài Khi con tu hú

 

I. Soạn bài câu nghi vấn (tiếp theo): Nội dung cần nhớ

– Trong nhiều trường hợp đặc biệt, câu nghi vấn không dùng với mục đích để hỏi. Thay vào đó những câu nghi vấn này được dùng để thể hiện sự cầu khiến, khẳng định – phủ định, bộc lộ cảm xúc, tình cảm, hoặc dùng để đe dọa, nghi ngờ… Đối với câu nghi vấn dạng như vậy thường không yêu cầu người đối thoại đáp lời.

– Cùng với những mục đích trên đôi khi câu nghi vấn không cần kết thúc bằng một dấu chấm hỏi (?). Có thể thay vào đó bằng các dấu câu khác như dấu chấm (.), dấu chấm than (!) hoặc dấu chấm lửng (…).

 

II. Soạn bài câu nghi vấn (tiếp theo): Nội dung bài học

1. Những chức năng khác của câu nghi vấn (phần III nối tiếp bài trước)

Xét các đoạn trích sau (các em tham khảo 5 đoạn trích trong Sách giáo khoa – trang 21) và trả lời câu hỏi:

– Trong 5 đoạn trích trên, câu nào là câu nghi vấn? Hãy liệt kê.

– Các câu nghi vấn trong những đoạn trích này có được dùng để hỏi không? Nếu không dùng để hỏi, theo em chúng được dùng để làm gì?

– Em có nhận xét gì về những dấu câu kết thúc sau mỗi câu nghi vấn trên?

Hướng dẫn giải

* Các câu nghi vấn trong 5 đoạn trích:

– Đoạn a): “Hồn ở đâu bây giờ?”

– Đoạn b): “Mày định… đấy à?”

– Đoạn c): “Có biết không?… Lính đâu? Sao bay dám… phép tắc gì nữa à?

– Đoạn d): “Một người hằng năm chỉ… văn chương hay sao?”

– Đoạn e): “Con gái tôi vẽ đấy ư?”

→ Tất cả các câu nghi vấn trên không được dùng với mục đích để hỏi. Mục đích chính của những câu nghi vấn trên là:

– Đoạn a): Biểu lộ cảm xúc tiếc nuối và hoài niệm quá khứ của tác giả

– Đoạn b): Đe dọa, thể hiện thái độ giận dữ, tức tối

– Đoạn c): Đe dọa, thể hiện thái độ giận dữ, tức tối

– Đoạn d): Tuy giống như một câu thắc mắc dài, nhưng thực tế đây là câu khẳng định.

– Đoạn e): Biểu lộ sự ngạc nhiên đến khó tin.

→ Về mặt hình thức, không phải tất cả các câu nghi vấn đều kết thúc bằng dấu chấm hỏi mà có thể thay bằng những dấu câu khác như chấm than (!), dấu ba chấm (…). Cũng như việc có những từ nghi vấn (“hay sao”, “đấy ư”, “có… không”…) trong câu cũng không đồng có nghĩa đây là câu nghi vấn, và cũng không đòi hỏi bắt buộc người được hỏi phải trả lời.

2. Luyện tập

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập 2 – trang 22, 23): Đọc 4 đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

  1. Theo em trong những đoạn trích trên, những câu nào là câu nghi vấn?
  2. Những câu nghi vấn đó được dùng để làm gì?
  3. Trong những câu nghi vấn đó, có câu nào có thể thay thế được bằng một câu khác không phải là câu nghi vấn mà vẫn có ý nghĩa tương tự? Hãy viết câu đó.

(các em tham khảo 4 đoạn trích trong Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập 2 – trang 22, 23 nhé)

Hướng dẫn giải

* Liệt kê các câu nghi vấn có trong các đoạn trích:

– Đoạn a): “Con người đáng kính… để có ăn ư?”

– Đoạn b):

+ “Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?”,

+ “Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?”,

+ “Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?”,

+ “Để ta chiếm riêng ta phần bí mật?”,

+ “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?”

– Đoạn c): “Vậy thì sự biệt ly… nhẹ nhàng rơi?”

– Đoạn d): “Ôi, nếu thế thì đâu còn là quả bóng bay?”

* Mục đích của các câu nghi vấn trên:

– Đoạn a): Thể hiện thái độ ngạc nhiên đến sững sờ của ông giáo trong tác phẩm “Lão hạc”.

– Đoạn b): Bộc lộ nỗi tiếc nuối day dứt của con hổ về một thời huy hoàng oanh liệt của mình nay chỉ còn là quá khứ.

– Đoạn c): Dùng để phủ định sự xa lời chia ly khi chiếc lá rơi.

– Đoạn d): Dùng để miêu tả và khẳng định những đặc tính của quả bóng bay, đó là dễ vỡ, dễ bay mất, không bao giờ đứng yên vì trọng lượng quá nhẹ.

 

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập 2 – trang 23): Xem xét 4 đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

– Trong 4 đoạn trích trên, đâu là câu nghi vấn? Đặc điểm hình thức nào của câu nghi vấn cho em biết điều đó?

– 4 câu nghi vấn đó được dùng để làm gì?

– Trong những câu nghi vấn đó, theo em có câu nào có thể thay thế bằng một câu khác (không phải câu nghi vấn) mà có ý nghĩa tương tự không? Hãy viết ra những câu đó.

(các em tham khảo 4 đoạn trích trong Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập 2 – trang 22, 23 nhé)

Hướng dẫn giải

* Những câu nghi vấn trong 4 đoạn trích:

– Đoạn a)

+ “Sao cụ lo xa quá thế?”

+ “Tội gì bây giờ nhịn đói mà để tiền lại?”

+ “Ăn mãi hết đi thì đến lúc ấy lấy gì mà lo liệu?”

– Đoạn b): “Cả đàn bò giao cho thằng bé… chăn dắt làm sao?”

– Đoạn c): “Ai dám bảo thảo mộc tự nhiên không có tình mẫu tử?”

– Đoạn d): “Thằng bé kia, mày có việc gì? Sao lại đến đây mà khóc?”

* Dấu hiệu và mục đích sử dụng của 4 câu nghi vấn trên:

– Kết thúc cuối câu là dấu hỏi chấm (?)

– Có từ nghi vấn: “thế”, “gì”, “làm sao”, “sao”, “không có”

– Mục đích của 4 câu nghi vấn:

+ Đoạn a) là câu hỏi của ông giáo dùng để nói chuyện với lão Hạc, chính xác hơn là đưa ra lời khuyên. Còn câu hỏi của lão Hạc thì bộc bạch sự lo lắng, buồn bã về tương lai trước mắt.

+ Đoạn b) thể hiện sự chê bai của nhân vật phú ông với cậu bé.

+ Đoạn c) dùng để khẳng định tình mẫu tử của cây măng tre.

+ Đoạn d) dùng để hỏi.

→ Những câu nghi vấn trên đều có thể được thay thế bằng một loại câu có chức năng tương đương khác không bắt buộc phải là câu nghi vấn. 

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập 2 – trang 24): Đặt hai câu nghi vấn không dùng để hỏi mà để:

– Yêu cầu một người bạn kể lại nội dung của bộ phim vừa mới chiếu.

– Bộc lộ tình cảm, cảm xúc trước số phận của một nhân vật văn học bất kỳ.

Hướng dẫn giải

– Minh Anh ơi, cậu có thể kể cho tớ nghe về bộ phim “Tấm và Cám: Chuyện chưa kể” mà hôm qua cậu vừa xem được không? 

– Ai dám nói chị Dậu không khổ, không đáng thương khi trải qua ngần ấy chuyện chứ?  

 

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 tập 2 – trang 24): Trong giao tiếp, nhiều khi những câu nghi vấn như Anh ăn cơm chưa?, Cậu đọc sách đấy à?, Em đi đâu đấy? không nhằm để hỏi. Theo em trong những trường hợp như vậy, câu nghi vấn dùng để làm gì? Khi này em đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa người nói và người nghe?

Hướng dẫn giải

Trong giao tiếp đời thường, những câu nói như: “Anh ăn cơm chưa?”, “Cậu đọc sách đấy à?”… không nhằm để hỏi mà được dùng như một câu chào hỏi ngắn gọn để mở đầu câu chuyện, thay thế cho những câu chào hỏi xã giao thông thường như “Chào anh”, “Chào chị”. Với những câu như vậy, người nói và người nghe nhất định đang trong một mối quan hệ thân thiết, gần gũi như bạn bè, người thân.

Như vậy Hocmai đã giới thiệu tới các em học sinh bài soạn chi tiết phần còn lại của Câu nghi vấn (tiếp theo). Rất mong rằng qua bài soạn chi tiết này các em sẽ nắm chắc bài học của mình và có phần chuẩn bị bài học tốt nhất khi soạn văn 8! Chúc các em thành công.