Soạn bài Đi bộ ngao du (Ngữ văn 8)

0
1579
soan-bai-di-bo-ngao-du

Trong bài viết này, HOCMAI muốn gửi tới các em học sinh bài Soạn bài Đi bộ ngao du, nằm trong chương trình Soạn văn 8. Trong văn bản “Đi bộ ngao du”, tác giả đã cho chúng ta thấy đi bộ có những lợi ích như thế nào? Cũng như khi chúng ta mở rộng con tim đón nhận cuộc sống thì có thể thấy được rằng cuộc sống thật tươi đẹp và trang hoàng. Chúng ta hãy cùng vào bài thôi các em nhé!

Bài viết tham khảo thêm:

I. Tác giả bài Đi bộ ngao du

– Tác giả Ru-xô sinh năm 1712 và mất năm 1778.

– Ông là một nhà văn, nhà triết học và là một nhà hoạt động xã hội Pháp.

– Ông là tác giả của những cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng như “Nàng Hê-lô-i-dơ mới”, “Giuy-ly”, “Ê-min hay về giáo dục”…

II. Tác phẩm Đi bộ ngao du

1. Hoàn cảnh sáng tác đi bộ ngao du

– Văn bản được trích trong quyển V (quyển 5) – quyển cuối cùng của tác phẩm “Ê-min hay Về giáo dục”, ra đời vào năm 1762.

– Trong tác phẩm, nhà văn đã bàn về chuyện giáo dục cho một em bé – ông đặt cho bé cái tên là Ê-min – Từ lúc còn tuổi sơ sinh cho đến khi tuổi trưởng thành. Ê-min trong bài “Đi bộ ngao du” đã không còn là một em bé mà em đã lớn rồi.

– Văn bản ở trong sách giáo khoa là do người biên soạn dịch lại và đặt nhan đề.

2. Thể loại của đi bộ ngao du

Tác phẩm “Ê-min hay về giáo dục” được coi là thiên luận văn – tiểu thuyết.

3. Tóm tắt đi bộ ngao du

Văn bản “Đi bộ ngao du” được trích trong quyển V (quyển năm) – quyển cuối cùng của tác phẩm “Ê-min hay Về giáo dục” (ra đời vào năm 1762). Nội dung chính của tác phẩm bàn về chuyện giáo dục cho một em bé – ông đặt cho bé cái tên là E-min – từ lúc tuổi sơ sinh cho đến khi tuổi trưởng thành. E-min trong bài “Đi bộ ngao du” đã lớn rồi. Đoạn trích nói lên được ích lợi vô cùng to lớn của việc đi bộ. “Đi bộ ngao du” đem lại một cái nhìn hoàn toàn tự do, trau dồi được vốn tri thức, có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần qua đó còn thể hiện được rõ nhân vật Ru-xô là một con người rất giản dị, biết quý trọng tự do và yêu mến thiên nhiên.

4. Bố cục bài đi bộ ngao du

Gồm 3 phần:

  • Phần một: Từ đầu đến “em vận động hai cánh tay để cho đôi bàn chân nghỉ ngơi” → Đi bộ ngao du cảm thấy rất thoải mái, được tự do thưởng ngoạn.
  • Phần hai: Từ tiếp theo đến “Đô-băng-tông chắc cũng không thể làm tốt hơn” → Đi bộ ngao du trau dồi được kiến thức, tăng được sự hiểu biết về thiên nhiên, cuộc đời.
  • Phần ba: Phần còn lại → Đi bộ ngao du rèn luyện được sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần cho con người.

5. Phương thức biểu đạt của Đi bộ ngao du

Phương thức biểu đạt: Nghị luận kết hợp với yếu tố biểu cảm.

6. Nội dung bài đi bộ ngao du

Nội dung: Văn bản đã bàn đến những lợi ích to lớn từ việc đi bộ đem lại, đó chính là sự tự do, tinh thần thoải mái, rèn luyện được sức khỏe, cơ hội được trau dồi kiến thức và tăng vốn hiểu biết. Văn bản đã thể hiện rất rõ tác giả là một con người giản dị, biết quý trọng tự do và yêu thiên nhiên.

III. Đọc – hiểu văn bản Đi bộ ngao du

1. Đi bộ ngao du được tự do thưởng ngoạn

– Đi lúc nào, hay dừng lúc nào tùy thích.

– Quan sát khắp mọi nơi, dừng lại ở tất cả mọi khía cạnh.

– Không phụ thuộc vào yếu tố con người, phương tiện.

– Không phụ thuộc vào lối đi hay đường sá.

– Hưởng thụ tất cả sự tự do trên đường đi.

– Đi để giải trí, để học hỏi, để vận động, làm việc.

2. Đi bộ ngao du đầu óc được sáng láng

– Ích lợi của việc đi bộ ngao du với việc bồi dưỡng nên sự nhận thức, làm giàu thêm vốn hiểu biết của con người:

  • Đi như các nhà triết học lừng danh Talet, Platon, Pi-Ta-Go.
  • Xem xét tài nguyên phong phú trên mảnh đất.
  • Thể hiện được các sản vật nông nghiệp, cách thức trồng trọt.
  • Sưu tập các loại mẫu vật phong phú và đa dạng của thế giới tự nhiên.

⇒ Đó là những kiến thức của một nhà khoa học tự nhiên.

– So sánh:

  • Kiến thức linh tinh lộn xộn trong phòng sưu tập.
  • Sự phong phú trong bộ sưu tập của những người đi bộ ngao du.

⇒ Ý nghĩa:

  • Đề cao được kiến thức thực tế.
  • Xem thường những loại sách vở giáo điều.
  • Khích lệ mọi người đi bộ để mở mang được lượng kiến thức, năng lực mở rộng khám phá, mở rộng ra tầm hiểu biết.

– Cách để nêu dẫn chứng một cách dồn dập, liên tiếp bằng những kiểu câu khác nhau: Khi thì dùng phép so sánh, khi nêu lên cảm xúc, khi sử dụng câu hỏi tu từ, hoặc nói về những kết quả sưu tập học tự nhiên của chú học trò Ê-min.

3. Đi bộ ngao du – tính tình được vui vẻ

– Lợi ích của việc đi bộ ngao du với việc rèn luyện sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần con người:

  • Khi đi bộ thì sức khỏe được tăng cường, tính tình vui vẻ hơn, khoan khoái hơn, dễ hài lòng với tất cả.
  • Có thái độ hân hoan khi trở về nhà, dễ thèm ăn, dễ thèm ngủ, dễ muốn nghỉ ngơi.

– So sánh hai trạng thái tinh thần mà đối lập nhau: cảm thấy vui vẻ, hân hoan và khoan khoái với mơ màng, buồn bã, đau khổ.

⇒ Khẳng định được lợi ích tinh thần của những con người đi bộ ngao du. Từ đó thuyết phục được mọi người: Muốn tránh cảm xúc buồn bã, thái độ cáu kỉnh nên đi bộ ngao du.

Tổng kết: 

Nội dung: Văn bản đề cập đến lợi ích của việc đi bộ ngao du để thỏa mãn nhu cầu thưởng ngoạn, mở rộng tầm hiểu biết cuộc sống, mang lại sức khỏe và niềm vui cho con người. Qua đó, thể hiện Ru-xô là một con người giản dị, quý trọng tự do và yêu thiên nhiên.

Nghệ thuật: lập luận chặt chẽ thuyết phục, dẫn chứng sinh động xác thực, đan xen giữa yếu tố nghị luận với yếu tố tự sự và biểu cảm.

IV. Trả lời câu hỏi bài đi bộ ngao du

Câu 1 (Trang 101 | Sách giáo khoa Ngữ Văn 8, Tập 2)

Tóm tắt lại ngắn gọn ba luận điểm chính mà tác giả Ru-xô đã trình bày thành ba đoạn ở trong văn bản để có thể thuyết phục được mọi người nếu muốn ngao du thì nên đi bộ.

Hướng dẫn trả lời:

Luận điểm thứ nhất: Đi bộ ngao du thì thú vị hơn khi đi ngựa vì có thể được hoàn toàn được tự do thoải mái làm theo ý thích của mình, không bị phụ thuộc vào bất kỳ một ai, hay bất cứ điều gì.

Luận điểm thứ hai: Đi bộ ngao du là một dịp vô cùng tuyệt vời để ta có thể trau dồi, tìm hiểu được những kiến thức trong cuộc sống thực tế.

Luận điểm thứ ba: Đi bộ ngao du thì rất tốt cho sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của con người.

Câu 2 (Trang 101 | Sách giáo khoa Ngữ Văn 8, Tập 2)

Trình tự sắp xếp ba luận điểm chính có hợp lý hay không? Giải thích lý do vì sao?

Hướng dẫn trả lời:

– Trật tự các luận điểm được tác giả sắp xếp một cách hợp lý.

– Bởi điều đó đã được thể hiện trong sự thể hiện tư tưởng riêng của tác giả là niềm khao khát tự do.

Câu 3 (Trang 101 | Sách giáo khoa Ngữ Văn 8, Tập 2)

Theo dõi các đại từ nhân xưng được sử dụng trong bài khi thì “ta” khi thì “tôi” trong bài để chứng minh rằng thực tiễn cuộc sống từng trải của bản thân ông Ru-xô luôn bổ sung sinh động cho các lí lẽ của ông khi ông đang lập luận.

Hướng dẫn trả lời:

Tác giả đã dùng đại từ nhân xưng “ta” khi đang lý luận chung, và tác giả dùng đại từ nhân xưng “tôi” khi muốn trình bày những trải nghiệm của bản thân:

  • Nhận định chung, khái quát được một sự bổ sung bằng thể nghiệm của chính cá nhân của nhà văn khiến cho bài viết thêm tính thực tế và chân thành hơn.
  • Khi tác giả mượn vai Ê-min để thể hiện được cái “tôi” cá nhân để vấn đề thêm sinh động, lôi cuốn và thuyết phục hơn.

⇒ Chất văn chính luận không hề bị xơ cứng, gò bó, cũng không quá giáo điều, khuôn mẫu mà luôn rất thuyết phục, hấp dẫn bởi những kinh nghiệm thực tiễn.

Câu 4 (Trang 101 | Sách giáo khoa Ngữ Văn 8, Tập 2)

Qua bài này, em đã hiểu được gì về con người, tư tưởng và tình cảm của tác giả Ru – xô?

Hướng dẫn trả lời:

Qua tác phẩm này, ta có thể thấy được bóng dáng của nhà văn Ru-xô:

  • Quý trọng sự tự do, yêu mến thiên nhiên.
  • Con người rất giản dị, muốn sống thuận theo tự nhiên.
  • Ông hướng tới một sự giáo dục toàn diện cả về yếu tố thể chất lẫn yếu tố tinh thần.

V. Dàn bài: Phân tích đi bộ ngao du

I. Mở bài:

Giới thiệu về tác giả và tác phẩm: “Đi bộ ngao du” được trích trong tác phẩm “Ê-min hay Về giáo dục” của một nhà văn, nhà triết học, một nhà hoạt động xã hội Pháp – Ru-xô.

Khái quát lại nội dung của đoạn trích là: Đoạn trích là sự sẻ chia của chính tác giả về cuộc sống với những dẫn chứng và lý lẽ đầy thuyết phục.

II. Thân bài:

Luận điểm thứ nhất: Đi bộ ngao du được tự do thưởng ngoạn:

– Theo tác giả, lợi ích đầu tiên của việc đi bộ ngao du, đó là được đi một cách tự do, theo sở thích của bản thân mình mà không hề phải lệ thuộc, phụ thuộc vào bất kỳ một ai, bất kỳ điều gì.

  • “Thích dừng lại lúc nào thì dừng…muốn hoạt động nhiều ít như thế nào là tùy”.
  • “Quan sát được khắp nơi”.
  • “Đi bất cứ đâu mà mình thích”.
  • “Chẳng bị phụ thuộc vào những con ngựa hay gã xe trạm…”.

⇒ Những dẫn chứng, luận cứ được đưa ra lần lượt, rất logic, rất rõ ràng, không dài dòng rườm rà, lòng vòng.

⇒ Đi bộ ngao du giúp ta có thể cảm thấy thoải mái, tự do điều khiển mọi thứ theo sở thích của mình, tự do thưởng ngoạn ở bất kỳ nơi đâu mà ta thấy có hứng thú. Chính vì điều đó sẽ khiến ta trưởng thành hơn, chín chắn hơn và có thế nhìn được mọi thứ xung quanh một cách toàn diện và chủ quan.

Luận điểm thứ hai: Đi bộ ngao du giúp cho đầu óc linh hoạt hơn, sáng suốt hơn:

  • Tác giả đã đưa ra những “nhân chứng” có thật, đó chính là các nhà khoa học, bác học nổi tiếng như  Pi-ta-go, Ta-lét, Pla-tông.
  • Một loạt câu hỏi được đặt ra để có thể khẳng định được kiến thức thực tế chứa đựng giá trị hơn nhiều những đồ đạc được trưng bày trong một căn phòng kín mà những con người bảo thủ vẫn thường gọi là “phòng sưu tập”. Qua đó khích lệ mọi người mở mang được kiến thức thực tế, tăng cường được trải nghiệm, kỹ năng bằng cách đi bộ ngao du.

⇒ Tiếp tục đưa ra được những dẫn chứng xác thực, mang nhiều tính thuyết phục cao, tác giả một lần nữa đã khẳng định được lợi ích của việc đi bộ ngao du so với học hành trên sách vở giáo điều trong khía cạnh tiếp thu, lĩnh hội tri thức khoa học cuộc sống.

Luận điểm thứ ba: Đi bộ ngao du không chỉ làm con người mở mang được đầu óc mà còn giúp cho tinh thần sảng khoái và vui vẻ:

– Để có thể chứng minh được luận điểm này, tác giả đã phải dùng tới phép so sánh:

  • Những kẻ đang ngồi trong các cỗ xe tốt – những người đang đi bộ, kết quả là “mơ màng, buồn bã, cáu kỉnh hoặc đau khổ” – “vui vẻ, khoan khoái và hài lòng với tất cả”.
  • Đi bộ ngao du khi trở về nghiễm nhiên mọi thứ tưởng chừng như vô cùng bình thường, giản dị lại khiến ta cảm thấy nhớ thương, thích thú và hài lòng.

– Một loạt các từ ngữ gợi cảm thể hiện tâm trạng của chính tác giả: “ngủ ngon giấc biết bao”, “ngon lành thế!”, “hân hoan biết bao”, “thích thú biết bao”. Tâm trạng của tác giả nhưng lại sử dụng ngôi kể “ta” vừa thể hiện được cái nhìn chủ quan, vừa mang ý nghĩa như một lời khuyên, một trải nghiệm đầy tính thú vị mà “tôi” muốn được chia sẻ cho tất cả mọi người.

Luận điểm thứ tư: Nghệ thuật:

  • Lập luận thật chặt chẽ, mang sức thuyết phục cao, lí lẽ thì sinh động kết hợp được với thực tiễn kinh nghiệm mà tác giả đã tự tích lũy được.
  • Sự linh hoạt trong ngôi kể, khi “tôi”, khi “ta” càng làm tăng sức thuyết phục cho bài viết.
  • Giọng điệu thì nhẹ nhàng, pha chút sự hóm hỉnh, không bị khô khan mà như lời tâm sự, tâm tình, hồi tưởng.

III. Kết bài:

Như vậy, thông qua đoạn trích, chúng ta thấy được rằng tác giả Ru-xô là một con người rất giản dị, quý trọng sự tự do và yêu mến thiên nhiên.

Đây là một lối sống rất đẹp mà chúng ta cần phải học hỏi.

Vậy là các em học sinh thân yêu đã cùng với HOCMAI soạn xong bài Soạn bài Đi bộ ngao du. Sau khi phân tích một cách chi tiết bài “Đi bộ ngao du”, chúng ta đã có thể thấy được những giá trị vô giá mà việc đi bộ ngao du đem lại cho chúng ta.. Các em hãy đừng quên truy cập hoctot.hocmai.vn để tham khảo thêm thật nhiều bài soạn bài bổ ích, đầy đủ, chi tiết nữa nhé!