Soạn bài Hai chữ nước nhà (Ngữ văn 8)

0
2463
soan-bai-hai-chu-nuoc-nha

Trong bài viết này, HOCMAI muốn gửi tới các em học sinh bài Soạn bài Hai chữ nước nhà, nằm trong chương trình Soạn văn 8. Đoạn thơ dưới đây của tác giả Trần Tuấn Khải sử dụng nhiều hình ảnh và biện pháp vô cùng sáng tạo làm nổi bật lên tình yêu nước và ý chí giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc của người dân ta lúc bấy giờ. Các em hãy cùng HOCMAI vào bài thôi nào!

Bài viết tham khảo thêm:

I. Tác giả Hai chữ nước nhà 

– Trần Tuấn Khải sinh năm 1895 và mất năm 1983, bút hiệu của ông là Á Nam.

– Quê của ông ở Quang Xán, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc thuộc tỉnh Nam Định.

– Tác giả Trần Tuấn Khải thường mượn những yếu tố, đề tài lịch sử hoặc biểu tượng nghệ thuật bóng gió để làm bộc lộ lên được nỗi đau mất nước, cũng như nỗi căm giận đối với bọn cướp nước và bè lũ tay sai. Đồng thời qua những tác phẩm của mình mà có thể khích lệ tinh thần yêu nước của nhân dân, bày tỏ niềm khát vọng mãnh liệt tự do, độc lập cho dân tộc.

– Các tác phẩm chính: “Tập thơ Duyên nợ phù sinh I, II (1921 và 1923); Bút quan hoài I, II (1924 và 1927); Với sơn hà I, II (1936 và 1949)…

II. Tác phẩm Hai chữ nước nhà

1. Hoàn cảnh sáng tác

– “Hai chữ nước nhà” là bài thơ mở đầu trong tập thơ Bút quan hoài I (1924).

– Bài thơ được lấy từ đề tài lịch sử vào thời quân Minh đang xâm lược nước ta: Ông Nguyễn Phi Khanh (cha của Nguyễn Trãi) bị giặc bắt giữ đem sang Trung Quốc, Nguyễn Trãi đi theo cha nhưng đến biên giới, ông Nguyễn Phi Khanh khuyên con trai nên trở về tính chuyện trả thù nhà, đền nợ nước.

2. Bố cục Hai chữ nước nhà

Gồm 3 phần:

– Phần 1: Từ “Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm” đến “Con ơi con nhớ lấy lời cha khuyên”: Tâm trạng, cảm xúc của người cha khi đang trong hoàn cảnh chia lìa.

– Phần 2: Từ “Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định” đến “Lấy ai tế độ đàn sau đó mà”: Tình trạng đất nước nhiễu nhương lúc bấy giờ.

– Phần 3: Phần còn lại: Nghĩa vụ của người con trai mình đối với đất nước.

III. Đọc – hiểu văn bản

1. Tâm trạng, cảm xúc của người cha trong hoàn cảnh chia lìa

– Bối cảnh không gian lúc bấy giờ: mây sầu ảm đạm, hổ thét chim kêu, gió thảm đìu hiu, phong cảnh như khêu bất bình.

⇒ Cuộc chia tay được diễn ra ở nơi biên giới, nơi tận cùng của Tổ quốc. Quang cảnh thiên nhiên cũng đã bị nhuốm màu sầu thảm của sự chia ly.

– Hoàn cảnh éo le:

  • Cảnh thực tại nước mất nhà tan, người cha thì bị bắt giải sang Trung Quốc, biết rằng sẽ không bao giờ có ngày trở về.
  • Những hình ảnh “hạt máu nóng”, “thân tàn”, “hồn nước”: tận cùng đến chạm đáy của nỗi đau đớn, xót xa, không thể chịu đựng thêm được nữa.
  • Người cha nhìn theo con mà “tầm tã châu rơi”: giọt nước mắt thương xót rơi xuống cho con, cho chính mình hay còn cho cả đất nước.

⇒ Nỗi lòng của một con người yêu nước nhưng lại chịu cảnh bị đày ải, bị ép buộc phải xa rời quê hương, đất nước.

2. Tình trạng đất nước lúc bấy giờ

– Hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ: giặc Minh đang chiếm đánh xâm lược.

– “Giống Hồng Lạc… cõi này”: lòng tự hào của tác giả cũng như của toàn dân về dòng giống của dân tộc.

– “Than vận nước gặp khi biến đổi…còn thương đâu”: cảnh tượng thật đau thương của đất nước khi bị giặc xâm lược (bốn phương khói lửa, thành tung quanh vở, xương rừng máu sông, gia đình chia lìa… – xét trên phương diện cả về vật chất lẫn tinh thần). Từ đó tác giả nêu ra chân lý “nước mất thì nhà tan”.

– “Thảm vong quốc… đàn sau đó mà?”: Sử dụng những hình ảnh nhân hóa, so sánh và biện pháp nói quá để cực tả về nỗi đau khi mất nước. Dường như nỗi đau khôn xiết ấy đã lay động đến cả đất trời.

3. Nghĩa vụ của con đối với đất nước

– Người cha đã nói về hiện thực “xót phận tuổi già sức yếu”: không còn địa vị gì trong xã hội, cảm thấy thật bất lực.

– Mong muốn của người cha với con:

  • Luôn phải nhớ đến cội nguồn của mình đã bảo vệ đất nước, dân tộc ta như thế nào.
  • Gửi gắm nguyện vọng rằng con trai sẽ kế thừa sự nghiệp của thế hệ đi trước.

⇒ Tấm lòng cao cả của một bậc anh hùng, một lòng một dạ hy sinh cho đất nước.

4. Tổng kết

– Nội dung: Qua đoạn trích trong văn bản của bài thơ “Hai chữ nước nhà”, nhà thơ Trần Tuấn Khải đã mượn thành công một câu chuyện lịch sử có sức gợi cảm lớn để bộc lộ một cách chân thật cảm xúc của mình, khích lệ lòng yêu nước, ý chí cứu nước giành lại độc lập của đồng bào.

– Nghệ thuật: thể thơ được sử dụng rất hợp lý, giọng điệu trữ tình rất thống thiết…

VI. Trả lời câu hỏi

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | trang 162)

 Em có nhận xét gì về giọng điệu của đoạn thơ này không? Thể thơ truyền thống song thất lục bát, đã góp một phần vào việc thể hiện giọng điệu đó như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

– Giọng điệu: Tác giả đã mượn lời của ông Nguyễn Phi Khanh khi đang dặn dò con mình là Nguyễn Trãi để qua đó thể hiện được tấm lòng chân thật của mình. Giọng điệu trong bài thơ mang đậm nét, sâu sắc chất trữ tình, thống thiết.

– Thể thơ song thất lục bát rất phù hợp với việc thể hiện được giọng điệu trầm buồn của bài thơ. Hai câu thơ bảy chữ khiến giọng thơ, cảm xúc của tác giả như trào dâng, dồn dập, ồ ạt để diễn tả nỗi uất ức. Hai câu thơ lục bát thì lại hơi hướng tha thiết, chậm rãi và sâu lắng.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | trang 162)

Đoạn thơ có thể được chia ra làm ba phần: 8 câu đầu, 20 câu giữa và 8 câu cuối. Em hãy tham gia tìm hiểu ý chính từng phần.

Hướng dẫn trả lời:

– Phần 1: Tâm trạng, cảm xúc của người cha khi đang trong hoàn cảnh chia lìa.

– Phần 2: Tình trạng đất nước nhiễu nhương lúc bấy giờ.

– Phần 3: Nghĩa vụ của người con trai mình đối với đất nước.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | trang 162)

Ở trong tám câu thơ đầu, em hãy tìm ra và phân tích những chi tiết nghệ thuật có tác dụng biểu hiện:

– Bối cảnh không gian.

– Hoàn cảnh éo le, tâm trạng và lời khuyên của cha có ý nghĩa như thế nào?

Trong bối cảnh không gian và tâm trạng như vậy, lời khuyên của người cha đã có ý nghĩa như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

– Bối cảnh không gian: hổ thét chim kêu, gió thảm đìu hiu, phong cảnh như khêu bất bình mây sầu ảm đạm.

⇒ Cuộc chia tay diễn ra nơi biên giới, ở nơi tận cùng của tổ quốc. Thiên nhiên cũng nhuốm màu chia ly, sầu thảm.

– Hoàn cảnh éo le:

  • Cảnh nước mất nhà tan, người cha bị bắt giải sang Trung Quốc, không có ngày trở về.
  • Những hình ảnh “hạt máu nóng”, “hồn nước”, “thân tàn”: tận cùng của nỗi đau đớn, sự xót xa đến chạm đáy, không thể chịu đựng thêm được nữa.
  • Nhìn theo người con trai mà “tầm tã châu rơi”: giọt nước mắt thương xót rơi xuống cho con trai mình, cho chính mình hay còn cho cả đất nước.

⇒ Nỗi lòng sâu thẳm của một con người yêu nước nhưng lại chịu cảnh bị đày ải, buộc phải xa rời quê hương, đất nước.

– Lời khuyên của người cha già đầy quý giá, giống như một lời dặn dò cuối cùng và đong đầy sức nặng.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | trang 162)

Phân tích đoạn thơ thứ hai:

– Tâm sự yêu nước của tác giả thể hiện qua những tình cảm nào?

– Tìm hiểu sức gợi cảm của đoạn thơ.

Hướng dẫn trả lời:

* Phân tích:

– Hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ: giặc Minh đang chiếm đánh xâm lược.

– “Giống Hồng Lạc… cõi này”: lòng tự hào của tác giả cũng như của toàn dân về dòng giống của dân tộc.

– “Than vận nước gặp khi biến đổi…còn thương đâu”: cảnh tượng thật đau thương của đất nước khi bị giặc xâm lược (bốn phương khói lửa, thành tung quanh vở, xương rừng máu sông, gia đình chia lìa… – xét trên phương diện cả về vật chất lẫn tinh thần). Từ đó tác giả nêu ra chân lý “nước mất thì nhà tan”.

– “Thảm vong quốc… đàn sau đó mà?”: Sử dụng những hình ảnh nhân hóa, so sánh và biện pháp nói quá để cực tả về nỗi đau khi mất nước. Dường như nỗi đau khôn xiết ấy đã lay động đến cả đất trời.

* Sức gợi cảm:

– Những hình ảnh được sử dụng gợi sự chia lìa, đau thương.

– Tâm trạng bức bối, uất hận, đau xót dâng cao lên đến đỉnh điểm.

– Nỗi lòng thương xót, đau đớn, cảm xúc chân thành của nhà thơ.

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 Tập 1 | trang 163)

Trong phần cuối đoạn thơ, người cha nói đến cái thế bất lực của chính mình và sự nghiệp của tổ tông là nhằm mục đích gì?

Hướng dẫn trả lời:

– Người cha đã nói về hiện thực “xót phận tuổi già sức yếu”: không còn địa vị gì trong xã hội, cảm thấy thật bất lực.

– Mong muốn của người cha với con:

  • Luôn phải nhớ đến cội nguồn của mình đã bảo vệ đất nước, dân tộc ta như thế nào.
  • Gửi gắm nguyện vọng rằng con trai sẽ kế thừa sự nghiệp của thế hệ đi trước.

⇒ Tấm lòng cao cả của một bậc anh hùng, một lòng một dạ hy sinh vì đất nước. Cùng với đó là niềm tin tưởng vào người con trai, khích lệ ý chí cho con để trả nợ nước báo thù nhà.

V. Luyện tập

Người ta nói thơ Trần Tuấn Khải vẫn sử dụng nhiều hình ảnh và từ ngữ có tính chất ước lệ, sáo mòn. Hãy tìm trong đoạn thơ này một số hình ảnh, từ ngữ như vậy và hãy cho biết vì sao nó vẫn có sức truyền cảm mạnh mẽ như vậy.

Hướng dẫn trả lời:

– Những hình ảnh đó là: hổ thét chim kêu, gió thảm đìu hiu, phong cảnh như khêu bất bình, mây sầu ảm đạm.

– Nguyên nhân: Khi đọc nó lên thì tâm can người đọc sẽ xuất hiện sự rung cảm mạnh mẽ, gợi lên hình ảnh về một mảnh thiên nhiên nhuốm đầy màu chia ly, tang tóc và nhiều đau thương.

Như vậy chúng ta đã cùng nhau soạn thảo xong bài Soạn bài Hai chữ nước nhà rồi các em học sinh khối 8 thân mến. Quả là một đoạn thơ nhiều ý nghĩa phải không các em? Thật may mắn cho chúng ta hiện nay đang được sống trong một đất nước bình yên, độc lập, tự do. Tất cả là nhờ vào công lao to lớn của ông cha ta, đã dũng cảm đứng lên chiến đấu giành lại Tổ quốc. Để tìm hiểu thêm thật nhiều kiến thức và những bài soạn bổ ích khác, các em hãy truy cập website hoctot.hocmai.vn các em nhé!