Soạn bài Luyện nói: Tự sự kết hợp với nghị luận và miêu tả nội tâm chi tiết Ngữ văn 9

0
18560
soan-bai-luyen-noi-tu-su-ket-hop-voi-nghi-luan-va-mieu-ta-noi-tam

Để các em học sinh nắm chắc kiến thức bài viết trước là Tự sự kết hợp với nghị luận và miêu tả nội tâm. Bài viết này HOCMAI sẽ hướng dẫn các em chi tiết chuẩn bị Soạn bài Luyện nói: Tự sự kết hợp với nghị luận và miêu tả nội tâm chi tiết Ngữ văn 9.

 

Bài viết tham khảo thêm:

 

Đề 1 – Soạn bài Luyện nói: Tự sự kết hợp với nghị luận và miêu tả nội tâm

Đề bài: Tâm trạng sau khi đã để xảy ra một chuyện có lỗi đối với bạn của em.

I. Dàn bài

  1. Mở bài

Giới thiệu chung về câu chuyện mình sắp kể (Nó diễn ra ở đâu? Từ bao giờ? xảy ra với ai?), nói một vài dòng ngắn gọn về chủ đề của bài viết (nằm ở trong đề bài).

  1. Thân bài
  • Câu chuyện diễn ra trong hoàn cảnh nào?
  • Diễn biến câu chuyện.
  • Tâm trạng của chính người viết sau khi phạm lỗi: buồn bã, hối hận…
  • Quyết định, hành động của người viết sau lỗi lầm: Quyết định xin lỗi,…
  1. Kết bài

Rút ra bài học cho chính bản thân.

II. Bài viết mẫu

Hiện em đã là học sinh lớp 6, nhưng em vẫn nhớ mãi về một kỉ niệm với Hùng – Một người bạn thân từ năm học lớp 3. ởi Chính vì kỷ niệm lần đó, em đã thay đổi bản thân trở thành một người trung thực và chín chắn.

Hồi đó, khi em với Hùng vừa lên lớp 3 và cùng có chung niềm đam mê bóng đá. Chúng em thường xuyên hẹn nhau tung bóng với nhau ở trên sân trường. Có một lần, do không thể kiểm soát đúng lực, em đã khiến bóng bay vào lớp học và làm vỡ cửa kính lớp. Ngay lập tức, thầy tổng phụ trách đã xuất hiện để tìm thủ phạm đã làm hỏng cửa kính. Trên quả bóng đó, có viết dòng chữ rõ ràng là Thế Hùng – Chủ nhân của quả bóng. Vậy nên thầy giáo đã nhanh chóng tìm ra và cho gọi Hùng lên để kỷ luật. Khi đó, chính sự sợ hãi bị gọi phụ huynh, bị kỷ luật đã lấn át tất cả, em chỉ biết trốn trong góc lớp rồi nhìn Hùng một mình đi lên phòng thầy tổng phụ trách. Hết giờ ra chơi, Hùng trở về lớp và ngồi viết bản kiểm điểm. Thấy em nhìn sang, cậu ấy khẽ cười và nói nhỏ: “Yên tâm đi, tớ không khai ra tên cậu đâu”. Chính bởi câu nói ấy của Hùng đã khiến sự ăn năn, hối hận trong em bùng lên dữ dội. Bởi chính em đã phạm lỗi nhưng lại để Hùng nhận lỗi một mình, ấy vậy mà cậu ấy lại chẳng trách em điều gì cả. Suốt tiết học sau đó, em chẳng tập trung để nghe cô giáo nói gì cả, tâm trí em cứ suy nghĩ về sự việc lúc nãy. Và cuối cùng em đã lấy hết can đảm, quyết tâm để xin phép cô giáo ra ngoài. Rồi sau đó em tiến thẳng về phía phòng nơi thầy tổng phụ trách đang làm việc. Nhìn thấy gương mặt nghiêm khắc của thầy, em chợt lo lắng và run sợ. Nhưng khi nghĩ đến Hùng, em lại càng quyết tâm hơn. Em nghiêm túc trình bày rõ ràng lại sự việc cho thầy, và khẳng định lại rằng, quả bóng đó chính là do em đá. Nghe xong câu chuyện, thầy chăm chú nhìn em một lát rồi bật cười và nói rằng:

– Thầy thấy rất hài lòng khi em đã dám đến đây để nói rõ sự thật với thầy. Hơn nữa, ô cửa kính ấy đã bị nứt từ trước rồi, nhà trường đã quyết định cuối tuần này sẽ thay khi học sinh nghỉ. Nên em cứ yên tâm mà trở về lớp học tiếp đi nhé.

Nghe thầy nói xong, cả cơ thể em nhẹ tựa như đang bay trên mây vậy. Em trở về lớp với sự phấn khởi tột đỉnh. Đúng lúc ấy, Hùng chạy từ trong lớp ra, không cần nói gì, chỉ cần nhìn vào mắt nhau của nhau, chúng em đã hiểu ra tất cả. Rồi đột nhiên, Hùng chạy lại vỗ vai em và nói “Mãi là bạn tốt nhé”. Em vui sướng khoác tay lên vai Hùng và gật đầu và nói “Tất nhiên rồi”.

Sau vụ đó, tình bạn giữa em và Hùng càng trở nên gắn bó và thân thiết hơn. Và chính con người em cũng thay đổi đến nỗi ai cũng ngỡ ngàng. Em trở nên tự tin hơn, dám nói ra sự thật, không còn nhút nhát hay nói dối như lúc trước nữa. Những thay đổi tích cực đó là nhờ vào sức mạnh của tình bạn tuyệt vời.

Nắm trọn kiến thức các môn ôn thi vào 10 đạt 9+ với bộ sách

sach-but-pha-9-lop-10

 

Đề 2 – Soạn bài Luyện nói: Tự sự kết hợp với nghị luận và miêu tả nội tâm

Đề bài: Kể lại một buổi sinh hoạt lớp, ở đó em đã đứng lên phát biểu ý kiến để chứng minh rằng Nam chính là một người bạn rất tốt.

I. Dàn bài

  1. Mở bài

Giới thiệu chung về lớp học và buổi sinh hoạt của lớp em sẽ diễn ra.

  1. Thân bài

– Buổi sinh hoạt lớp được diễn ra như thế nào: thời gian, địa điểm, thành phần tham dự,…

– Nội dung, diễn biến của buổi sinh hoạt:

  • Vấn đề em đã phát biểu, nguyên nhân khiến em cần phát biểu,…
  • Em đã đưa ra các dẫn chứng, luận điểm để thuyết phục Nam chính là một người bạn tốt như thế nào?

– Kết quả buổi sinh hoạt của lớp.

  1. Kết bài

Suy nghĩ của bản thân của sau sau buổi sinh hoạt lớp.

II. Bài viết mẫu

Xem chi tiết 2 bài viết mẫu về đề bài: Kể lại một buổi sinh hoạt lớp, ở đó em đã đứng lên phát biểu ý kiến để chứng minh rằng Nam chính là một người bạn rất tốt. tại Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận.

 

Đề 3 – Soạn bài Luyện nói: Tự sự kết hợp với nghị luận và miêu tả nội tâm

Đề bài: Dựa vào nội dung ở phần đầu của tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương (từ đầu → “Bây giờ chàng mới tỉnh ngộ,| thấu nỗi oan của vợ,| nhưng việc trót đã qua rồi), em hãy đóng vai nhân vật Trương Sinh để kể lại câu chuyện và bày tỏ sự ân hận.

I. Dàn bài

  1. Mở bài

– Trương Sinh tự giới thiệu về bản thân (tên họ, gia cảnh, tính cách,…).

– Dẫn dắt tới câu chuyện (Câu chuyện sau đây đã làm tôi ân hận suốt cuộc đời).

  1. Thân bài

a) Quá trình kết hôn và chung sống cùng với Vũ Nương

– Vợ tôi tên là Vũ Nương, một cô gái xinh đẹp, đảm đang và khéo léo.

– Chúng tôi cùng chung sống với nhau rất hạnh phúc, hòa thuận và háo hức chờ đón đứa con đầu lòng.

– Trong thời gian tình cảm mặn nồng, gia đình hạnh phúc thì chiến tranh phi nghĩa xảy ra, tôi đành phải từ biệt mẹ già và vợ trẻ để ra đi chiến đấu.

– Chia tay người vợ trong niềm nhớ thương, lưu luyến. Tôi xúc động nhất với khoảnh khắc Vũ Nương rót chén rượu đưa tiễn tôi và nói nàng chỉ cần tôi được bình yên chứ không cần vinh hoa phú quý.

b) Thời gian xa nhà đi lính

– Tôi đi được một tuần thì Vũ Nương sinh con trai đặt tên là Đản.

– Mẹ tôi vì quá thương nhớ tôi nên sinh bệnh.

– Vợ tôi ở nhà chăm sóc mẹ tôi chu đáo và ân cần, ai ai cũng phải công nhận sự thảo hiền đó.

– Khi mẹ tôi mất, vợ khóc thương và lo liệu ổn thỏa cho mẹ tôi được mồ yên mả đẹp.

– Tôi thầm biết ơn và tự hào về vợ, tự nhủ với lòng mình sẽ yêu thương và trân trọng cô ấy suốt đời.

(Do những người hàng xóm đã kể lại)

c) Trương Sinh trở về quê nhà và nghi oan cho vợ

– Ba năm sau khi tôi trở về, trước sự ra đi của mẹ tôi vô cùng đau đớn, xót xa.

– Tôi bế theo con trai ra mộ để cùng thắp nén hương cho mẹ mình, nhưng nó khóc lóc, không chịu nhận tôi là cha, nói cha nó chỉ nín thin thít và đêm nào cũng đến.

– Tính tôi đa nghi lại vội vàng nên đã vô cùng giận giữ, không để cho vợ thanh minh mà lập tức đuổi cô ấy đi ngay.

d) Vũ Nương được giải oan và sự hối hận muộn màng của Trương Sinh

– Trước cơn thịnh nộ, giận giữ của tôi, Vũ Nương đã hết lời thanh minh, giải thích, nàng đã hỏi tôi chuyện kia nhưng tôi vẫn cố tình không nói, tôi cứ mắng nhiếc thậm tệ và đuổi nàng đi mặc cho hàng xóm can ngăn

– Sau đó, vợ tôi đã tắm gội chay sạch, ra tới bến Hoàng Giang tự tử để chứng minh lòng thành của mình. Dù vẫn còn rất giận nhưng khi biết tin nàng tự tử tôi cũng động lòng thương cảm, cố tìm vớt xác nàng lên nhưng không thấy.

– Một đêm, khi đang nằm cùng bé Đản, bé chỉ tay lên chiếc bóng ở trên vách tường và nói rằng đó là cha mình. Tôi bàng hoàng nhận ra nỗi oan ức tày đình của vợ. Tôi vô cùng đau đớn, tự dằn vặt trách mình.

– Cạnh bến sông có người tên là Phan Lang, vì được Linh Phi dưới thủy cung đền ơn cứu mạng nên đã được cứu vớt trong một lần trốn chạy giặc Minh.

– Khi ở dưới thủy cung, ông ta đã gặp lại vợ tôi. Nàng đã nhờ Phan Lang chuyển lời và kỉ vật đến tôi. Ban đầu tôi không tin nhưng khi nhìn thấy kỉ vật cũ của vợ thì tôi mới hốt hoảng tin theo.

– Hôm sau, tôi đã làm theo theo lời dặn, lập đàn giải oan cho vợ mình, Vũ Nương hiện về với đẹp lung linh. Tôi nghẹn ngào, xúc động gọi vợ, nàng chỉ thấp thoáng giữa sông và nói vọng vào lời từ biệt tôi.

– Tôi ân hận, đau đớn dày vò vì cơn ghen tuông mù quáng của mình.

  1. Kết bài

– Trương Sinh tự rút ra được bài học cho bản thân: Vợ chồng cần phải biết yêu thương tôn trọng và đặt niềm tin đối với nhau mới có hạnh phúc bền lâu.

– Trương Sinh tự hứa với lòng sẽ sống như vậy, chăm con thật tốt để bù đắp sai lầm.

II. Bài viết mẫu

Trong cuộc đời mỗi người, chắc hẳn là ai cũng đã từng phạm phải những sai lầm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Tuy nhiên cách mà ta đối diện với nó, cách sửa chữa nó như thế nào mới là điều quan trọng. Tôi đã từng mắc phải một sai lầm trong quá khứ mà cho tới tận bây giờ tôi vẫn không thể nào tha thứ cho bản thân mình được. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của vợ tôi. Nếu các bạn đã từng hoặc đang có những hành động như tôi ngày trước, hãy sửa sai ngay khi còn có thể, bởi vì bây giờ tôi có hối hận cũng đã không kịp nữa rồi…

Tên tôi là Trương Sinh. Cha mất sớm nên tôi sống cùng với mẹ. Chuyện xảy ra khi tôi bắt đầu tới tuổi cưới vợ, tôi có để ý đến một cô gái xinh đẹp, nết na và thùy mị tên là Vũ Thị Thiết. Thấy nàng vừa xinh đẹp, vừa hiền lành nên tôi đã xin mẹ một trăm lạng để để hỏi cưới nàng về. Tôi đã không trân trọng nàng từ lúc tôi dùng tiền để hỏi cưới cô ấy về mà không hề quan tâm xem có tình cảm gì với tôi hay không. Nhưng vợ tôi quả thực là một người phụ nữ vẹn toàn. Sau khi cưới nàng về, tôi và mẹ được chăm sóc một cách chu đáo, nhà cửa, cơm nước lúc nào cũng tươm tất. Ấy vậy mà tôi chẳng những không biết trân trọng hạnh phúc với hiện tại mà còn đi ghen tuông với vợ những chuyện cỏn con, vụn vặt. Tôi không muốn có một người đàn ông nào bén mảng đến gần vợ mình. Thế rồi sau vài năm trôi qua, Vũ nương và tôi chào đón tin vui đầu tiên. Đó là gia đình chúng tôi sắp có thêm một thành viên mới, tôi sung sướng lắm! Nhưng đâu ai ngờ, chiến tranh đột ngột ập đến, tôi bắt buộc phải xa gia đình đi lính, để lại mẹ già và vợ trẻ ở nhà. Trước lúc chia tay, vợ tôi có nói với tôi rằng: “Chàng ra đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong chàng được mang ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về. Chỉ xin ngày về chàng mang theo hai chữ bình yên, thế là đủ.” Nghe được những lời này từ vợ, tôi cảm thấy an lòng.

Ở nhà, vợ tôi vẫn là một người vợ, người con dâu đảm đang, tháo vát và chu toàn. Chẳng qua bao lâu, con của tôi ra đời, vợ tôi đã đặt tên cho con là Đản. Cả nhà ba mẹ con, bà cháu cùng nương tựa lẫn nhau mà sống. Tôi ở chiến trường vẫn không nguôi nỗi nhớ về quê nhà, nhớ về mẹ già, về vợ trẻ và cả về đứa con thơ tôi chưa từng được một lần gặp mặt nữa. Nhưng rồi tin dữ ập đến đến, mẹ tôi đã già lại ngày nhớ đêm mong con trai nên nên bị lâm bệnh nặng. Trước lúc bà qua đời, bà có lời trăn trối với vợ tôi rằng:

– “Ngắn dài có số, tươi héo bởi trời|. Mẹ không phải là không muốn đợi khi chồng con trở về|. Song lòng tham vô cùng mà vận trời khó tránh.| Nước hết, chuông rền, số cùng khí kiệt|. Một tấm thân tàn, nguy trong sớm tối, việc sống chết không khỏi phiền đến con|. Chồng con nơi xa xôi, chưa biết sống chết thế nào, không thể về đền ơn được, sau này, trời xét lòng thành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn|. Xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như việc con đã chẳng phụ mẹ|.”

Cả đời mẹ đã một mình tần tảo nuôi dạy tôi nên người, đến lúc chết dù không được nhìn mặt con trai lần cuối nhưng lại có một nàng dâu xem bà chẳng khác nào cha mẹ đẻ, bà cũng rất yên lòng mà nhắm mắt. Nếu tôi có thể hiểu được vợ như bà thì tốt biết mấy. Có thể mọi chuyện sẽ chẳng ra đến nông nỗi này! Vợ tôi đã lo tang ma cho mẹ thay tôi vô cùng chu đáo, mồ yên mả đẹp. Ai ai đều cảm động trước tấm lòng của nàng.

Rồi thời gian cũng dần trôi qua, chiến tranh chấm dứt, tôi háo hức nhanh chóng trở về với gia đình ở quê nhà. Nghe tin mẹ đã mất, tôi đau buồn khôn xiết, liền muốn đi ra mộ của mẹ ngay. Nhưng vì không biết đường đi, tôi để con trai tôi chỉ đường để cùng đi ra thắp nén hương cho mẹ. Đến nơi, chẳng hiểu sao thằng bé cứ khóc mãi, tôi mới dỗ dành con:

– Nín đi con, đừng khóc nữa! Cha về thì bà đã mất, lòng cha đã buồn khổ lắm rồi!

Vừa nói xong câu, nó đã hỏi lại tôi:

– Ô hay! Thế hóa ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói chuyện chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít.

Tôi ngạc nhiên và sửng sốt lắm! Vợ tôi có người khác ngoài tôi ư? Nàng ta lại dám không chung thủy với chồng mình như thế ư? Tôi gặng hỏi con và biết được rằng đêm nào cũng có một người đàn ông đến, vợ tôi ngồi thì cũng ngồi, vợ tôi đứng thì cũng đứng, nhưng người đàn ông đó chưa bao giờ bế con tôi cả. Máu ghen tuông của tôi trỗi dậy, tôi liền trở về nhà, quát tháo ầm ĩ. Vợ tôi khóc và bảo rằng:

– Thiếp vốn là con nhà nghèo khó, may được nương tựa nhờ nhà giàu|. Vợ chồng sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh|. Cách biệt ba năm, giữ gìn một tiết|. Tô son điểm phấn, từng đã nguôi lòng, ngõ liễu đường hoa, chưa hề bén gót|. Đâu có sự mất nết như lời chàng nói|. Dám xin chàng cho thiếp được bày tỏ, để cởi mối nghi ngờ|. Mong chàng đừng nghi oan cho thiếp!|

Nhưng lúc đó tôi đâu có mảy may suy nghĩ đến chuyện đúng sai, nàng lại nói tiếp:

– Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia nghi thất|. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió;| khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân con én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa|?

Trước những lời minh oan khẩn thiết, đau đáu ấy mà tôi lại nhẫn tâm đuổi nàng đi  không biết phân rõ đúng sai, tìm hiểu ngọn ngành mọi chuyện. Tôi tự trách bản thân khi ấy quá vội vàng, đa nghi để rồi vợ tôi phải tìm tới cái chết. Tôi không bao giờ quên được những lời mà nàng đã nói trước khi trẫm mình xuống sông:

– Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám|! Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, xin vào nước làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ|. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ.

Vợ tôi đã phải chọn lựa cách đau đớn nhất chính là tìm đến cái chết. Chỉ có cái chết mới có thể chứng minh được sự trong sạch của nàng. Sau này, lúc tôi đang bế con, con tôi mới chỉ cái bóng trên tường và bảo: “Cha Đản đến rồi kìa”. Hỡi ôi, hóa ra người tình của vợ tôi là cái bóng, chỉ vì muốn dỗ dành con, bớt đi sự cô đơn nên vợ tôi mới bảo đấy là cha của đứa bé. Mà tôi lại không hề hiểu, lại đi trách mắng, xỉ nhục, lăng mạ và đuổi vợ đi, từ đó dẫn tới cái chết trong sự oan ức của vợ tôi. Tôi vô cùng đau lòng và dằn vặt chính bản thân mình mỗi khi nhớ lại chuyện này. Mãi sau này, vợ tôi được Phan Lang –  Một người cùng làng với cô ấy giải oan cho. Tôi nghe theo lập đàn giải oan và thấy bóng hình vợ hiện về và bảo vọng vào bờ: “Thiếp không thể trở về ở bên chàng và con được nữa”. Đó chính là câu nói khiến tôi đau lòng và ám ảnh nhất.

Giờ đây, sau hơn hai mươi năm xảy ra câu chuyện đó, tôi vẫn không thể nào quên được. Bi kịch mà chính do tôi tạo ra đã khiến tôi dằn vặt, muốn sám hối cả đời và quyết sống đơn thân để nuôi con trai khôn lớn. Tôi hiểu ra rằng, khi chúng ta yêu một người, ta cần phải có sự tin tưởng, cần phải đặt niềm tin của mình vào người đó chứ không nên ghen tuông mù quáng. Nếu có chuyện gì xảy ra trước hết cần phải tìm hiểu rõ ngọn ngành trước khi làm nói hay hành động. Bởi vì khi nóng giận, ta có thể mất kiểm soát khi hành xử, và có thể dẫn tới hậu quả khôn lường.

Các bạn, nếu ai đang ở trong một mối quan hệ tình yêu thì hãy nên biết tôn trọng và thấu hiểu đối phương. Đừng như tôi, để sự ghen tuông làm mờ đôi mắt. Tôi đã không thể cứ vãn cuộc đời và sửa chữa được sai lầm do tôi gây ra. Các bạn à! Hãy biết đối xử thật tốt với người người bên cạnh mình và thận trọng trong từng lời nói, hành động để không phải hối hận về bất cứ điều gì!

Bài viết trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu hướng dẫn đầy đủ và chi tiết Soạn bài Luyện nói: Tự sự kết hợp với nghị luận và miêu tả nội tâm được biên soạn bởi HOCMAI gửi tới các em học sinh khối 9. Chúc các em chuẩn bị thật tốt bài soạn văn trên lớp sắp tới!