Soạn bài Luyện tập: Đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận (Ngữ văn 8)

0
4180
soan-bai-luyen-tap-dua-yeu-to-bieu-cam-vao-bai-van-nghi-luan

Trong bài viết này, HOCMAI muốn gửi tới các em học sinh bài Soạn bài Luyện tập: Đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận, nằm trong chương trình Soạn văn 8. Văn nghị luận được chúng ta sử dụng rất nhiều trong đời sống hàng ngày. Nhưng để bài viết bớt đi phần khô khan và có thêm được những mảnh cảm xúc và tâm trạng, thì cần có thêm sự kết hợp hài hòa với yếu tố biểu cảm. Chúng ta hãy cùng nhau luyện tập cách để đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận nhé!

Bài viết tham khảo thêm:

I. Luyện tập: Đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận – Phần chuẩn bị ở nhà

Cho đề bài như sau: “Sự bổ ích của những chuyến du lịch, tham quan đối với học sinh”. Lập dàn ý các luận điểm và luận cứ cần thiết cho đề bài trên.

Hướng dẫn trả lời:

1) Mở bài:

Nêu vấn đề cần được bàn luận: “Sự bổ ích của những chuyến du lịch, chuyến tham quan đối với học sinh”.

2) Thân bài:

– Mở rộng được tầm hiểu biết cho mỗi cá nhân:

  • Củng cố, nắm chắc hơn kiến thức đã được học trên lớp.
  • Trực tiếp trải nghiệm thực tế để có thêm sự hiểu biết.

– Bồi dưỡng về mặt tình cảm, cảm xúc:

  • Biết yêu và trân trọng thiên nhiên, quê hương và đất nước hơn.
  • Biết yêu và trân trọng con người lao động.

– Một hình thức vui chơi, giải trí sau những giờ học tập, áp lực căng thẳng, mệt mỏi:

  • Vui chơi đem lại niềm vui và sự thư giãn cho mọi người.
  • Giảm bớt được sự căng thẳng sau những ngày học tập trường lớp đầy vất vả.
  • Làm tăng lên tình đoàn kết giữa những học sinh trong lớp.

– Rèn luyện được sức khỏe thể chất và tinh thần từ những hoạt động trải nghiệm: như leo núi, đi rừng, trò chơi mạo hiểm, trò chơi dân gian, những tiết mục biểu diễn ca nhạc hay diễn kịch, trò chơi tập thể…

3) Kết bài

Khẳng định lại, nhấn mạnh một lần nữa về lợi ích và vai trò to lớn của tham quan du lịch đối với học sinh.

II. Luyện tập: Đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận – Luyện tập ở trên lớp

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 | trang 108, tập 2)

Để làm sáng tỏ được vấn đề trên, cách sắp xếp các luận điểm theo trình tự như dưới đây có hợp lý hay không? Giải thích lý do vì sao? Nếu cần sửa thì nên như thế nào?

a) Những chuyến du lịch, tham quan giúp ta hiểu biết nhiều hơn cũng như yêu mến hơn vẻ đẹp của thiên nhiên và của quê hương đất nước.

b) Những chuyến du lịch, tham quan mang lại cho chúng ta nhiều bài học có thể chưa được ghi chép lại trong sách vở.

c) Những chuyến du lịch, tham quan khiến chúng ta hiểu cụ thể hơn, sâu hơn, trực tiếp tận mắt chứng kiến và trải nghiệm những điều được học trong nhà trường.

d) Những chuyến du lịch, tham quan đem đến cho chúng ta thật nhiều niềm vui.

e) Những chuyến du lịch, tham quan giúp chúng ta tăng cường được sức khỏe.

Hướng dẫn trả lời:

* Cách sắp xếp những luận điểm chưa được hợp lý.

* Nguyên nhân: Các luận điểm mới chỉ được liệt kê ra, chưa được sắp xếp theo một trình tự hợp lý.

* Cách sửa lại:

– Mở rộng ra tầm hiểu biết cho mỗi cá nhân:

  • Hiểu cụ thể hơn, sâu hơn, trực tiếp tận mắt chứng kiến và trải nghiệm được những điều được học trong nhà trường.
  • Mang lại cho ta nhiều bài học có thể chưa được ghi chép lại trong sách vở.

– Bồi dưỡng về mặt tình cảm, cảm xúc: giúp ta hiểu biết nhiều hơn cũng như yêu mến hơn vẻ đẹp của thiên nhiên và của quê hương đất nước.

– Một hình thức giải trí sau những giờ học tập căng thẳng, mệt mỏi:

  • Vui chơi đem lại niềm vui và sự thư giãn cho mọi người.
  • Giảm bớt được sự căng thẳng sau những ngày học tập trường lớp đầy vất vả.
  • Làm tăng lên tình đoàn kết giữa những học sinh trong lớp.

– Rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần từ những hoạt động trải nghiệm như là:như leo núi, đi rừng, trò chơi mạo hiểm, trò chơi dân gian, những tiết mục biểu diễn ca nhạc hay diễn kịch, trò chơi tập thể…

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 | trang 108, tập 2)

Hãy trình bày các luận điểm đó cho có sức truyền cảm bằng việc thực hiện những bài tập trong sách giáo khoa:

Hướng dẫn trả lời:

a) Qua đoạn văn trong văn bản “Đi bộ ngao du” ta có thể có một số gợi ý cho việc đưa những yếu tố biểu cảm vào trong tác phẩm nghị luận như sau:

  • Trực tiếp biểu lộ được cảm xúc qua những cụm từ như: Một bữa cơm đạm bạc mà sao có vẻ ngon lành thế!…,Ta sung sướng biết bao…, Ta hân hoan biết bao…
  • Giọng điệu hồ hởi, phấn chấn, vui tươi.

b)

– Luận điểm “Những chuyến du lịch, tham quan đem đến cho chúng ta thật nhiều niềm vui” có thể gợi cho chúng ta thật nhiều cảm xúc:

  • Thích thú, vui vẻ khi được đi tham quan, du lịch, nhất là những địa điểm mới chưa biết đến.
  • Háo hức muốn khám phá từng ngõ ngách địa điểm đó.
  • Ngỡ ngàng, sung sướng trước vẻ đẹp và sự kỳ vĩ của cảnh quan thiên nhiên hoặc những di tích.

– Đoạn văn trong sách giáo khoa chưa thể hiện được hết những cảm xúc ấy.

– Đoạn văn trong sách giáo khoa chưa sử dụng những yếu tố biểu cảm. Cần sửa lại cách sử dụng từ ngữ (thêm một vài từ ngữ biểu cảm như: làm sao có được, kỳ diệu thay, có ai… lại, biết bao nhiêu…), cách đặt một câu trong đoạn văn trong sách giáo khoa (Ví dụ như: Bạn có nhớ cái lần cả lớp chúng mình cùng đi đến thăm vịnh Hạ Long không?) để đoạn văn diễn đạt tình cảm của em một cách chân thực, rõ ràng, trong sáng và biểu cảm.

– Viết lại đoạn văn: Khi đến tham quan du lịch đem đến cho chúng ta rất nhiều điều thú vị, bổ ích, chuyến đi tham quan vịnh Hạ Long của lớp ta trong dịp hè vừa rồi quả là một chuyến đi đáng nhớ. Chắc hẳn, chưa một ai trong chúng ta quên đi cái cảm giác nhìn thấy cảnh trời biển núi non mênh mông sau một chặng đường dài. Ai đều cũng vui mừng, tươi tỉnh hẳn lên đặc biệt là bạn Lệ Quyên, bạn ấy không còn âu sầu vì điểm văn kém như trước nữa. Dường như vẻ đẹp non nước hữu tình đã làm thay đổi được tâm trạng và cảm xúc của con người.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ Văn 8 | trang 108, tập 2)

Theo trình tự luyện tập ở trên lớp, hãy tiếp tục tập đưa những yếu tố biểu cảm vào bài văn được biết theo đề bài sau: “Chứng minh rằng nhiều bài thơ em đã được học như: :Khi con tu hú” của tác giả Tố Hữu, “Quê hương” của tác giả Tế Hanh, “Cảnh khuya” của tác giả Chủ tịch Hồ Chí Minh… đều biểu hiện rõ được tình cảm thiết tha sâu đậm của các nhà thơ đối với thiên nhiên, đất nước”.

Hướng dẫn trả lời:

Thiên nhiên đất nước từ muôn đời nay vẫn là cảm hứng bất tận cho những thi nhân. Và có rất nhiều bài thơ như bài “Cảnh khuya” của Bác Hồ Chí Minh, bài “Khi con tu hú” của tác giả Tố Hữu, bài “Quê hương” của tác giả Tế Hanh… đều biểu hiện rất rõ tình cảm thiết tha của các nhà thơ đối với thiên nhiên quê hương đất nước.

Đầu tiên, bài “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh là tình yêu thiên nhiên của Bác Hồ thể hiện qua bức tranh tươi đẹp nơi núi rừng Việt Bắc có tiếng suối róc rách, trăng sáng soi rọi tỏa khắp nơi. Hơn thế nữa, ta còn cảm thấy xúc động biết bao trước nỗi lòng của vị lãnh tụ như: “Chưa ngủ vì no lỗi nước nhà”.

Còn với bài “Khi con tu hú” của tác giả Tố Hữu, người tù cách mạng thì luôn hướng đến thế giới bên ngoài nhà tù tràn đầy sự sống, khao khát được thoát khỏi xiềng xích gông cùm như: muốn đạp tan phòng để được hòa mình làm một vào cuộc sống tươi sáng ngoài kia

Cuối cùng là bài “Quê hương” của tác giả Tế Hanh. Đó là nỗi lòng nhớ quê da diết của tác giả, vị mặn mòi của biển khơi dường như đã ngấm trong từng câu chữ làm hiện về những hình ảnh rất đỗi bình dị của quê hương yêu dấu.

Ba bài thơ với những đặc điểm đặc sắc khác nhau nhưng tựu chung lại thì đều gặp nhau ở tình cảm đối với thiên nhiên và quê hương đất nước. Tình cảm được tác giả gửi gắm trong bài thơ cũng đã làm dậy lên trong lòng người đọc tình yêu mãnh liệt, tràn đầy đối với quê hương và đất nước mình.

III. Luyện tập: Đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận – Bài tập ôn luyện

Viết bài văn nghị luận trong đó có sử dụng yếu tố biểu cảm về một quan điểm như sau đây: “Hãy biết quý trọng thời gian”.

Hướng dẫn trả lời:

Benjamin Franklin – một nhà chính trị gia người Mỹ đã từng khẳng định được rằng: “Nếu thời gian là điều đáng giá nhất, phí phạm thời gian hẳn phải là một sự lãng phí ngông cuồng nhất”. Chinh vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau biết quý trọng thời gian.

Thời gian là một khái niệm vô cùng trừu tượng mà con người không hề cảm nhận được bằng cách nhìn thấy hay qua cầm nắm xúc chạm. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận đơn thuần được sự chảy trôi của thời gian theo sự thay đổi của vạn vật xung quanh ta. Thời gian cho dù có vận động tuần hoàn hết năm này cho đến năm khác, nhưng lại ra đi không quay trở lại.

Con người vẫn thường nói thời gian là vô giá. Nó giúp cho mọi vật vận động theo đúng trình tự, quy luật của chính nó: Người nông dân nhờ có cách tính thời gian để hoạt động sản xuất; Nhân viên làm việc theo một quy định về thời gian; Học sinh học tập ở trường cũng phải dựa trên một khoảng thời gian nhất định… Trải qua sự thay đổi về mặt thời gian, con người tích lũy thêm được nhiều giá trị thật tốt đẹp: cách sống, kiến thức, kỹ năng sống và kinh nghiệm… Từ đó mà chúng ta có thể càng ngày càng hoàn thiện bản thân mình hơn. Cũng nhờ có một quãng thời gian, mọi đau khổ, tức giận, mất mát, buồn bực đều được xoa dịu hay thậm chí tan biến. Câu nói: “Thời gian có thể chữa lành mọi vết thương” là hoàn toàn chính xác, đúng đắn.

Ông cha ta đã có câu: “Thời gian là vàng, là bạc”. Trước hết, “vàng, bạc” vốn là những thứ vật chất vô cùng quý hiếm và có giá trị mà con người luôn mong muốn được sở hữu càng lâu càng tốt. So sánh “thời gian” – một khái niệm trừu tượng, vô hình với “vàng, bạc” những kim loại quý nhất để giúp chúng ta cảm thấy dễ hình dung hơn về thời gian cũng như tầm quan trọng, độ quý giá của nó trong cuộc sống. Cuộc đời mỗi con người thì hữu hạn, mà thời gian lại vô hạn. Chính vì vậy mà con người cần biết quý trọng khoảng thời gian mà mỗi bản thân đang có. Con người không nên để cho bản thân sống giống như một cỗ máy. Cần có khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và quan tâm đến mọi người xung quanh.

Tuy nhiên, thật đáng buồn khi hiện nay vẫn còn rất nhiều người sống lãng phí thời gian. Họ chỉ biết chạy theo những cuộc ăn chơi,  buông thả, sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Mà không chịu cố gắng làm những điều mang tính xây dựng và liên kết có ý nghĩa. Đặc biệt là đối với giới trẻ – những con người được cho là “không có gì ngoài thời gian”. Đối với một học sinh, việc có thể ý thức được giá trị của thời gian là vô cùng quan trọng. Điều đó giúp cho tôi biết cách quản lý thời gian một cách tốt nhất: từ việc học tập cho đến giải trí bên bạn bè và người thân. Để có thể tận dụng được mọi khoảng thời gian, mọi khoảnh khắc một cách ý nghĩa và trọn vẹn.

Như vậy, con người cần phải ghi nhớ rằng: “Hãy biết quý trọng thời gian”. Bởi vì đi đôi với sức khỏe, thời gian cũng là một trong những thứ vô cùng giá trị với con người.

Vậy là các em học sinh thân yêu đã cùng với HOCMAI soạn xong bài Soạn bài Luyện tập: Đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận. Yếu tố biểu cảm thật quan trọng trong một bài văn nghị luận phải không các em?. Các em hãy đừng quên truy cập hoctot.hocmai.vn để tham khảo thêm thật nhiều bài soạn bài bổ ích, đầy đủ, chi tiết nữa nhé!