Qua bài học giới thiệu về Soạn bài hợp đồng trước, các em đã nắm được các thông tin cơ bản và cách để trình bày các hợp đồng. Ở bài viết Soạn bài Luyện tập viết hợp đồng này, HOCMAI sẽ cùng các em học sinh ôn lại kiến thức và luyện tập qua một số hợp đồng trong môn Ngữ văn 9 nhé!
Bài viết tham khảo thêm:
I – Kiến thức trọng tâm
Câu 1 | Trang 157 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2
Mục đích của hợp đồng là gì?
Trả lời:
Mục đích hợp đồng là ghi chú, chi chép lại những nội dung thỏa thuận về nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của hai bên tham gia vào cuộc giao dịch nhằm đảm bảo thực hiện được đúng các thoả thuận đã cam kết
Câu 2 | Trang 157 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2
Trong những loại văn bản dưới đây, văn bản nào là văn bản có tính pháp lý?
- Tường trình
- Biên bản
- Báo cáo
- Hợp đồng
Trả lời:
Văn bản hợp đồng chính là văn bản có tính pháp lý
Câu 3 | Trang 157 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2
Những mục cần có trong một bản hợp đồng? Phần nội dung chính của bản hợp đồng được trình bày như thế nào?
Trả lời:
Văn bản hợp đồng bao gồm:
- Phần mở đầu:
- Quốc hiệu và tiêu ngữ
- Tên hợp đồng
- Thời gian, địa điểm
- Họ và tên, chức vụ, địa chỉ của các bên ký kết hợp đồng.
- Phần nội dung: Ghi chép lại nội dung của bản hợp đồng theo từng điều khoản đã thống nhất giữa các bên.
- Phần kết thúc: Ghi chép chức vụ, chữ ký, họ và tên của đại diện các bên đã tham gia ký kết trong hợp đồng và dấu xác nhận của cơ quan (nếu có).
Câu 4 | Trang 157 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2
Những yêu cầu về hành văn số liệu trong hợp đồng?
Trả lời:
Lời văn của hợp đồng cần phải sáng rõ, ngắn gọn, chặt chẽ; các số liệu cần phải đảm bảo tính chân thực, thống nhất và chính xác.
II – Luyện tập
Câu 1 | Trang 157 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2
Trong hai cách diễn đạt sau đây, chúng ta nên chọn cách diễn đạt nào? Vì sao?
a)
- Hợp đồng có giá trị từ ngày…, tháng…, năm… ,đến hết ngày…, tháng…, năm… (1)
- Hợp đồng có giá trị một năm. (2)
b)
- Bên B cần phải thanh toán cho bên A bằng ngoại tệ. (1)
- Bên B cần phải thanh toán cho bên A bằng đô la Mỹ. (2)
c)
- Bên A có thể sẽ không nhận hàng nếu loại hàng của bên B không đúng phẩm chất, không đúng theo quy cách như đã thỏa thuận. (1)
- Bên A sẽ không nhận hàng nếu loại hàng của bên B không đúng phẩm chất, không đúng theo quy cách như đã thỏa thuận. (2)
d)
- Bên A có trách nhiệm đảm bảo số lượng, chủng loại hàng, chất lượng. (1)
- Bên A có trách nhiệm bảo đảm số lượng, chủng loại hàng, chất lượng như đã thoả thuận với bên B. (2)
Gợi ý:
a) Chọn cách diễn đạt (1) vì xác định được thời gian rõ ràng, cụ thể.
b) Chọn cách diễn đạt (2) vì xác định được loại tiền chính xác mà bên B cần thanh toán cho bên A.
c) Chọn cách diễn đạt (2) vì cách diễn đạt mạch lạc, rõ ràng và dễ hiểu.
d) Chọn cách diễn đạt (2) vì cách diễn đạt rõ ràng và cụ thể.
Câu 2 | Trang 158 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2
Lập hợp đồng cho thuê xe đạp dựa vào những thông tin sau:
– Người sở hữu xe cho thuê: Nguyễn Văn A, số nhà X, phố… phường… thành phố Huế.
– Người có nhu cầu thuê xe: Lê Văn C, khách sạn Y, mang giấy chứng minh thư nhân dân số :… do Công an thành phố … cấp ngày … tháng … năm…
– Đối tượng cho thuê: Chiếc xe đạp mini Nhật, màu tím, có giá trị 1.000.000 đ.
– Thời gian cần thuê: 3 ngày đêm.
– Giá cả : 10.000 đ/ngày đêm.
Nếu làm mất hoặc bị hư hại gì thì người thuê phải chịu bồi thường.
Gợi ý:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——–
HỢP ĐỒNG CHO THUÊ XE ĐẠP
Tại…, ngày… tháng… năm…,
Chúng tôi bao gồm:
Bên A: Nguyễn Văn A, số nhà X, phố…phường… thành phố Huế.
Bên B: Lê Văn C, khách sạn Y, mang giấy chứng minh thư nhân dân số :… do Công an thành phố … cấp ngày … tháng … năm…
Hai bên thỏa thuận ký kết Hợp đồng cho thuê xe đạp với các điều khoản sau:
Điều 1:
Ông Nguyễn Văn A cho ông Lê văn C thuê một chiếc xe đạp mini Nhật, màu tím, có giá trị là 1.000.000 đ (Một triệu đồng).
Điều 2:
Thời gian cho thuê xe: 3 ngày đêm ( từ … giờ sáng ngày … tháng … năm … đến … giờ sáng ngày … tháng … năm …).
Điều 3:
Ông C có quyền được nhận xe và sử dụng trong thời gian đã thuê.
Điều 4:
Giá thuê xe: 10.000 đ (Mười nghìn đồng)/ngày đêm.
Ông C có nghĩa vụ phải giao trả lại xe và thanh toán tiền thuê đầy đủ là 30.000 đ (Ba mươi nghìn đồng) vào thời điểm … giờ sáng, ngày … tháng … năm …
Điều 5:
- Ông C đặt cọc số tiền là 500.000đ (Năm trăm nghìn đồng) làm tiền đảm bảo cho ông A. Số tiền này sẽ được ông A hoàn trả lại vào thời điểm ông C trao trả xe đạp và thanh toán xong tiền thuê xe.
- Ông C phải có trách nhiệm bảo quản và giữ gìn xe đạp cẩn thận, nếu xe bị hư hỏng hoặc bị mất thì ông C cần phải bồi thường thiệt hại. Nếu thời gian trao trả xe chậm thì ông C phải chịu tiền thuê gấp đôi.
Điều 6:
Ông A có quyền được nhận lại xe và nhận đầy đủ số tiền thuê vào thời điểm kết thúc hợp đồng.
Điều 7:
Ông A có nghĩa vụ đảm bảo xe đạp hoạt động tốt, không bị hư hỏng gì khi bàn giao xe cho ông C thuê.
Ông A có nghĩa vụ trả lại số tiền đã đặt cọc là 500.000đ cho ông C vào thời điểm ông C thanh toán đầy đủ tiền thuê.
Hợp đồng này gồm có hai bản, có giá trị như nhau và mỗi bên giữ một bản.
Bên cho thuê Bên thuê Nguyễn Văn A Lê Văn C
Câu 3 | Trang 158 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2
Gia đình em cần thuê lao động nhằm mở rộng hoạt động sản xuất. Em hãy soạn thảo hợp đồng đấy.
Gợi ý:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——–
HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Tại…, ngày… tháng… năm…,
I/ Đại diện hộ gia đình:
Ông: Nguyễn Văn A
Địa chỉ : ……
Điện thoại: …..
Tài khoản: …..
Mã số thuế: …..
Là chủ hộ sản xuất, kinh doanh tơ tằm.
II/Đại diện người lao động:
Chúng tôi là: Kê khai đầy đủ họ và tên
Địa chỉ: ………
Nghề nghiệp: …….
III/ Hai bên thỏa thuận ký kết hợp đồng với các điều khoản sau:
Điều 1:
Ông Nguyễn Văn A – Chủ hộ kinh doanh (sản xuất tơ tằm), thuê 2 người là anh: B và C làm nhân công làm việc, lao động tại cơ sở sản xuất tơ tằm của gia đình.
Điều 2:
Công việc thực hiện: Chăn nuôi và sản xuất tơ tằm.
Điều 3:
Thời hạn hợp đồng: 1 năm. Bắt đầu từ ngày 4 tháng 4 năm 2014 đến ngày 4 tháng 4 năm 2015.
Thời gian làm việc: 8 tiếng một ngày, 6 ngày trên một tuần. Người lao động được nghỉ làm vào chủ nhật hàng tuần.
Điều 4:
Tiền lương: 6.500.000đ (Sáu triệu năm trăm nghìn đồng)/người/tháng.
Được hỗ trợ ăn trưa tại cơ sở làm việc.
Điều 5:
Anh Nguyễn Văn A có quyền phân phối công việc phù hợp cho hai người theo thỏa thuận.
Điều 6:
Anh A có nghĩa vụ phải đảm bảo an toàn lao động, thanh toán đầy đủ tiền lương vào cuối tháng.
Điều 7:
Hai anh B và C có quyền lợi nhận đủ tiền lương vào cuối mỗi tháng làm việc, ăn trưa tại cơ sở sản xuất.
Điều 8:
Hai anh B và C phải có trách nhiệm thực hiện đúng các nội quy/quy định tại nơi làm việc.
Điều 9:
Mọi vi phạm hoặc tranh chấp xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng được xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 10:
Hợp đồng có hiệu lực bắt đầu kể từ ngày ký.
Hợp đồng này gồm có hai bản, có giá trị như nhau và mỗi bên giữ một bản.
Bên thuê lao động Người lao động
Chủ hộ kinh doanh Đại diện nhóm lao động
Nguyễn Văn A Nguyễn Văn B
Câu 4 | Trang 158 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2
Dựa vào phần hướng dẫn về các mục trong văn bản hợp đồng, em hãy tự soạn một trong các hợp đồng sau: Sử dụng điện thoại, sử dụng điện sinh hoạt, sử dụng nước sạch.
Gợi ý:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——–
HỢP ĐỒNG SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI
Tại…, ngày… tháng… năm…,
Căn cứ tại bộ luật dân sự của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Căn cứ theo quy chế tổ chức hoạt động của bưu điện tỉnh Ninh Bình…
I/Chúng tôi bao gồm :
Bên yêu cầu cung cấp dịch vụ điện thoại (Gọi là bên A)
Công ty:…
Người đại diện: ……..
Trụ sở: …….
Bên cung cấp dịch vụ điện thoại (Gọi là bên B)
Công ty : …
Người đại diện : … Chức vụ : …
Trụ sở: ……
Điện thoại: ……
Tài khoản: …..
Hai bên thỏa thuận ký kết hợp đồng cung cấp và sử dụng các dịch vụ điện thoại theo những điều khoản như sau :
Điều 1 : ……
Điều 2 : ……
Điều 3 : ……
………………
Đại diện bên A Đại diện bên B
(Ký tên và đóng dấu) (Ký tên và đóng dấu)
Bài viết này là hướng dẫn đầy đủ và chi tiết Soạn bài Luyện tập viết hợp đồng dành cho các em học sinh lớp 9. HOCMAI hy vọng rằng qua bài hướng dẫn này, các em sẽ có thể nắm vững được những kiến thức trọng tâm và chuẩn bị tốt được bài soạn văn của mình tại nhà.