Soạn bài Ôn tập truyện lớp 9 chi tiết

0
1265
soan-bai-on-tap-truyen-lop-9

Cùng học mãi ôn tập lại tất cả các tác phẩm truyện đã được học tại chương trình Ngữ Văn 9 qua bài viết hướng dẫn chi tiết Soạn bài Ôn tập truyện lớp 9. Bài viết bao gồm phần kiến thức cần nắm về truyện và phần trả lời đầy đủ các câu hỏi về truyện trong SGK Ngữ Văn 9.

 

Bài viết tham khảo thêm: 

 

I. Kiến thức cần nắm về truyện

1. Khái niệm về truyện

Truyện là khái niệm dùng để chỉ các tác phẩm tự sự nói chung.

Truyện biểu hiện bởi lối văn trần thuật, trong đó lấy dòng chảy cuộc đời, việc mở rộng thế giới nơi nhân vật đi vào, sự thay đổi các ấn tượng về con người và cảnh vật mà nhân vật tiếp xúc là mục đích của giọng điệu nghệ thuật cũng như kết cấu. Chất giọng của chính tác giả đóng vai trò lớn để tạo nên thi pháp thể loại.

2. Đặc trưng của truyện

Truyện phản ánh lên đời sống trong tính khách quan của nó qua con người, qua hành vi, qua sự kiện được miêu tả và được kể lại bởi chính người kể chuyện (trần thuật) nào đó. 

Truyện sử dụng ngôn ngữ với nhiều hình thức khác nhau. Ngoài ngôn ngữ của người kể chuyện còn có ngôn ngữ của các nhân vật. Bên cạnh lời đối đáp còn có lời độc thoại nội tâm nhân vật. Lời kể khi thì nằm ở bên ngoài khi thì nhập tâm vào nhân vật. Ngôn ngữ kể chuyện gần gũi với ngôn ngữ đời sống.

3. Các kiểu loại truyện

– Trong Văn học dân gian truyện gồm có nhiều thể loại: truyền thuyết, truyện cổ tích, thần thoại, truyện cười, truyện ngụ ngôn. 

– Trong Văn học trung đại gồm có: Truyện bằng chữ Hán và truyện bằng thơ Nôm. 

– Trong Văn học hiện đại gồm có: Truyện ngắn, truyện dài và truyện vừa theo quy mô của văn bản và dung lượng hiện thực. 

4. Yêu cầu về đọc truyện

Tìm hiểu được bối cảnh về xã hội, hoàn cảnh sáng tác truyện để có cơ sở giúp cảm nhận các tầng lớp trong nội dung và ý nghĩa của truyện. 

– Phân tích được diễn biến của cốt truyện qua phần mở đầu, phần vận động, phần kết thúc với các sự kiện, tình tiết, biến cố cụ thể. Làm rõ được giá trị của các yếu tố đó trong việc phản ánh hiện thực của cuộc sống, khắc họa tính cách, bản chất của các nhân vật. Cần chú ý tới nghệ thuật tự sự.

– Phân tích được các nhân vật trong dòng lưu chuyển cốt truyện. Tập hợp nó thành hệ thống và làm rõ ý nghĩa của các chi tiết miêu tả nhân vật về ngoại hình, ngôn ngữ, hành động, nội tâm. Tìm hiểu các mối quan hệ giữa các nhân vật.

– Cần tìm hiểu Truyện đặt ra vấn đề gì? Truyện có ý nghĩa tư tưởng như thế nào? Xác định được giá trị  của truyện ở các phương diện.

 

II. Trả lời câu hỏi 

Câu 1 | Trang 144 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2

Thống kê các tác phẩm truyện hiện đại Việt Nam đã được học trong sách Ngữ Văn 9 (cả tập 1 và tập 2)) theo mẫu ở SGK. 

Gợi ý:

STT Tên tác phẩm Tác giả Năm sáng tác Tóm tắt nội dung
1 Làng Kim Lân 1948 Tình yêu làng quê và lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu, kháng chiến của người nông dân phải rời làng đi tản cư đã được tác giả thể hiện một cách chân thực và sâu sắc trong truyện ngắn Làng.
2 Lặng lẽ Sa Pa Nguyễn Thành Long 1970 Tác phẩm đã khắc họa thành công hình ảnh về những người lao động bình thường, tiêu biểu chính là anh thanh niên làm công việc khí tượng sống một mình trên đỉnh núi cao. Qua đó, truyện khẳng định nên vẻ đẹp của con người lao động, cũng như về ý nghĩa của những công việc thầm lặng.
3 Chiếc lược ngà Nguyễn Quang Sáng 1966 Truyện ngắn thể hiện tình cảm cha con sâu nặng, thiêng liêng và cao đẹp trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.
4 Bến quê Nguyễn Minh Châu 1985 Truyện ngắn đã giúp thức tỉnh con người cần phải biết trân trọng cuộc sống gia đình, vẻ đẹp bình dị của quê hương và iết tìm ra ý nghĩa của cuộc sống qua những điều nhỏ nhặt nhất.
5 Những ngôi sao xa xôi Lê Minh Khuê 1971 Truyện ngắn đã làm nổi bật những tâm hồn mơ mộng, trong sáng; tinh thần dũng cảm trước hiểm nguy, tinh thần lạc quan khi đối mặt với cuộc sống gian khổ, đối mặt với cái chết nơi tuyến đường Trường Sơn.

 

Câu 2 | Trang 145 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2

Những tác phẩm truyện trong bản thống kê trên sau Cách mạng tháng Tám 1945  đã phản ánh lên những nét gì về con người và đất nước Việt Nam trong giai đoạn đó. 

Gợi ý:

– Những nét về đất nước: Khắc họa chân thực về hình ảnh đất nước trong hai cuộc kháng chiến đầy vẻ vang của dân tộc, cùng với đó chính là vẻ đẹp trong thời kỳ đổi mới đang từng bước đi lên của đất nước .

– Những nét về con người: Phản ánh một phần của những nét tiêu biểu trong cuộc sống con người Việt Nam qua 2 cuộc kháng chiến, những suy nghĩ và tình cảm của họ, đặc biệt chính là lòng yêu nước, tinh thần quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Câu 3 | Trang 145 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2

Hình ảnh về các thế hệ con người Việt Nam yêu nước ở hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được miêu tả thông qua những nhân vật nào? Hãy nêu lên những nét tác phẩm chung và nét tính cách nổi bật của mỗi nhân vật.

Gợi ý:

– Các tác phẩm truyện ngắn trên đã phản ánh được đặc điểm tiêu biểu trong giai đoạn lịch sử, xã hội con người Việt Nam với tình cảm, tư tưởng của họ trong những thời kì lịch sử đầy biến động lớn lao

  • Ông Hai với tình yêu làng sâu đậm nhưng được đặt trong lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu, kháng chiến.
  • Anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa: Yêu thích, hiểu được ý nghĩa công việc của mình. Anh có những suy nghĩ trong sáng, tốt đẹp về công việc và đối với tất cả mọi người.
  • Bé Thu trong Chiếc lược ngà: Tính cách cứng cỏi, ương ngạnh nhưng tình cảm thắm thiết, nồng nàn với người cha
  • Ông Sáu trong Chiếc lược ngà: tình cảm cha con thiêng liêng, sâu nặng, tha thiết trong cảnh ngộ éo le và xa cách của chiến tranh.
  • Nho, Thao và Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi: Tinh thần yêu nước, dũng cảm hoàn thành các nhiệm vụ nguy hiểm, tình cảm hồn nhiên, trong sáng, lạc quan trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt.

Câu 4 | Trang 145 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2

Trong tất cả nhân vật của các tác phẩm truyện đã được học ở lớp 9, em có ấn tượng sâu sắc với các nhân vật nào? Hãy nêu cảm nghĩ của em về một nhân vật cụ thể.

Gợi ý:

Khi được học truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long, hình ảnh về nhân vật anh thanh niên đã để lại cho em nhiều ấn tượng. Anh sống một mình với độ cao hai nghìn sáu trăm mét trên trên đỉnh Yên Sơn, giữa bốn bề chỉ toàn là cây cỏ và mây mù lạnh lẽo. Công việc khi tượng hàng ngày anh làm là đo nắng, đo gió, đo mưa, tính mây, đo chấn động của mặt đất và dự báo trước thời tiết hàng ngày. Dù khó khăn, vất vả là vậy nhưng anh thanh niên vẫn luôn yêu nghề và có tinh thần trách nhiệm cao. Anh biết ý nghĩa công việc mình làm luôn nghiêm túc với công việc và biết trân trọng những con người xung quanh mình. Điều đó khiến em càng thêm ngưỡng mộ, cảm phục với nhân vật này.

Câu 5 | Trang 145 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2

Những tác phẩm truyện ở chương trình lớp 9 đã được trần thuật theo những ngôi kể nào? Các truyện nào có xuất hiện nhân vật kể chuyện trực tiếp (nhân vật xưng là “tôi”)? Cách trần thuật này có ưu điểm như thế nào? 

Gợi ý:

– Truyện Chiếc lược ngà và truyện Những ngôi sao xa xôi được kể theo ngôi thứ nhất. Người kể xưng là “tôi” không phải là tác giả mà qua một nhân vật xuất hiện trong tác phẩm. Trong truyện Chiếc lược ngà là ông Ba, một người bạn của ông Sáu. Trong truyện Những ngôi sao xa xôi là nhân vật Phương Định. Cách trần thuật giúp cho câu chuyện được kể trở nên chân thực và sinh động hơn.

– Truyện Lặng lẽ Sa Pa, truyện Bến quê và truyện Làng kể theo ngôi kể thứ ba. Tuy nhiên, mỗi truyện lại được trần thuật theo góc nhìn của một nhân vật chính. Truyện “Làng” thì qua nhân vật ông Hai, truyện “Bến quê” qua nhân vật Nhĩ, truyện “Lặng lẽ Sa Pa” qua nhân vật ông họa sĩ.

Câu 6 | Trang 145 SGK Ngữ văn 9 – Tập 2

Tác giả đã sáng tạo được các tình huống truyện đặc sắc ở những truyện nào?

Gợi ý: 

– Truyện Làng: Đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống gay cấn, vừa bộc lộ tình yêu làng, vừa bộc lộ được tình yêu nước của ông (Tình huống khi ông Hai nghe tin làng chợ Dầu Việt gian đi theo giặc).

– Truyện Bến quê: Đặt nhân vật Nhĩ vào trong hoàn cảnh đặc biệt éo le có điều kiện đi khắp đó đây trên thế giới khi còn trẻ, để rồi khi mắc bệnh hiểm nghèo lại phải gắn chặt với giường bệnh rồi mới cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương, của tình yêu gia đình.

– Chiếc lược ngà: Hai cha con tuy được gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách do chiến tranh nhưng bé Thu lại không chịu nhận cha. Mãi đến ngày anh Sáu sắp lên đường thì bé Thu mới chịu nhận cha.

 

Vậy là chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về bài viết hướng dẫn Soạn bài Ôn tập truyện lớp 9. Mong rằng bài viết trên của HOCMAI sẽ là tài liệu, tư liệu bổ ích giúp các em học sinh ôn tập lại kiến thức và chuẩn bị tốt phần soạn bài của mình!