Soạn bài Văn bản thông báo (Ngữ văn 8)

0
736
soan-bai-van-ban-thong-bao

Trong bài viết này, HOCMAI muốn gửi tới các em học sinh bài Soạn bài Văn bản thông báo nằm trong chương trình Soạn văn 8. Loại văn bản này đã được sử dụng rất nhiều trong đời sống hàng ngày bởi tác dụng và tính thực tiễn của nó. Các em học sinh hãy cùng HOCMAI tìm hiểu về khái niệm và chức năng của loại văn bản thông báo nhé!

Bài viết tham khảo thêm:

I. Đặc điểm của văn bản thông báo

Đọc các văn bản trong sách giáo khoa (trang 140 – 141, Ngữ văn 8, tập 2) và trả lời những câu hỏi dưới đây:

1) Trong các văn bản ở trên, ai là người nhận thông báo, ai là người thông báo?

2) Nội dung thông báo thường sẽ là gì? Nhận xét về thể thức của một văn bản thông báo.

3) Hãy dẫn ví dụ ra một số trường hợp cần viết thông báo trong học tập và trong sinh hoạt ở nhà trường.

Hướng dẫn trả lời:

1)

– Văn bản 1:

  • Người thông báo là: Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện Hải Hậu, trường Trung học Cơ sở Hải Nam.
  • Người nhận thông báo là: Các giáo viên chủ nhiệm và lớp trưởng của các lớp trong toàn trường.
  • Mục đích thông báo là: Để cho mọi người chuẩn bị thực hiện đúng kế hoạch, đúng lịch duyệt của tiết mục văn nghệ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

– Văn bản 2:

  • Người thông báo là: Liên đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trường Trung học Cơ sở Kết Đoàn.
  • Người nhận thông báo là: Các chi đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong nhà trường.
  • Mục đích thông báo là về kế hoạch của Đại hội đại biểu liên đội của Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.

2) Nội dung thông báo thường thì là những loại văn bản truyền đạt những thông tin cụ thể từ bên phía cơ quan đoàn thể hoặc người tổ chức gửi cho những người dưới quyền hoặc thành viên đoàn thể hoặc những ai có quan tâm tới nội dung thông báo để tham gia hoặc thực hiện theo.

3) Một số trường hợp mà cần viết thông báo:

– Thông báo về việc góp tiền để ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lụt.

– Thông báo về việc chuẩn bị cho kỳ  thi học kì một.

– Thông báo về việc tập hợp những cầu thủ để đá bóng giao hữu với đội trường bạn nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam.

II. Cách làm văn bản thông báo

1. Tình huống cần làm văn bản thông báo (Trang 142, Sách giáo khoa | Ngữ Văn 8, Tập 2)

Trong những tình huống sau đây, tình huống nào thì phải viết thông báo, người thông báo là ai và thông báo cho ai?

a) Một học sinh bị mất một chiếc xe đạp, muốn báo cáo lại với công an.

b) Sắp tới, Nhà trường sẽ tổ chức một đợt tổng vệ sinh cho toàn trường để góp phần tạo nên một môi trường xanh, sạch, đẹp.

c) Gần cuối năm học, Ban chỉ huy liên đội Thanh niên Tiền phong Hồ Chí Minh muốn triệu tập các Ban chỉ huy đội để bàn về việc tổng kết lại hoạt động của liên đội trong năm học này.

Hướng dẫn trả lời:

Tình huống cần làm bài thông báo: b, c.

2. Cách làm văn bản thông báo (Trang 142, Sách giáo khoa | Ngữ Văn 8, Tập 2)

Một văn bản thông báo cần có những mục sau đây:

a) Thể thức mở đầu của một văn bản thông báo:

  • Tên của cơ quan chủ quản và đơn vị trực thuộc (ghi vào góc ở trên bên trái).
  • Quốc hiệu và tiêu ngữ (ghi vào ở góc trên bên phải).
  • Thời gian và địa điểm làm thông báo (ghi vào ở góc bên phải).
  • Tên của văn bản (ghi ở chính giữa):

THÔNG BÁO

Về …

b) Nội dung của bài thông báo.

c) Thể thức kết thúc của một văn bản thông báo:

  • Nơi nhận (ghi ở phía dưới bên trái).
  • Ký tên và ghi rõ đầy đủ họ tên, chức vụ của người có trách nhiệm thông báo (ghi ở phía dưới bên phải).

Tổng kết:

– Thông báo là một loại văn bản truyền đạt những thông tin cụ thể từ bên phía cơ quan, đoàn thể, người tổ chức cho những người ở dưới quyền, thành viên đoàn thể hoặc những ai có quan tâm tới nội dung thông báo được biết để tham gia hoặc thực hiện theo.

– Văn bản thông báo cần phải cho biết rõ những thông tin như: ai là người thông báo, thông báo cho ai, nội dung của công việc, nội dung quy định, yếu tố thời gian, yếu tố địa điểm cụ thể, chính xác…

– Văn bản thông báo cần phải tuân thủ về thể thức hành chính, có ghi rõ tên cơ quan, số công văn, tiêu ngữ và quốc hiệu, tên của văn bản, chỗ ngày tháng, người nhận, người thông báo, chức vụ của người thông báo thì văn bản thông báo mới có hiệu lực…

3. Lưu ý (Trang 142, Sách giáo khoa | Ngữ Văn 8, Tập 2)

a) Tên của văn bản cần viết CHỮ IN HOA nổi bật.

b) Giữa các phần tiêu ngữ và quốc hiệu, thời gian và địa điểm làm thông báo, tên của văn bản và nội dung thông báo cần chừa hơn một dòng để có thể dễ dàng phân biệt.

c) Không viết sát vào lề giấy bên trái, không để phần trên của trang giấy có một khoảng trống quá lớn.

Vậy là các em học sinh thân yêu đã cùng với HOCMAI soạn xong bài Soạn bài Văn bản thông báo. Chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp văn bản thông báo trong đời sống hàng ngày vì chức năng và tính thực tiễn của riêng nó. Các em hãy truy cập vào website hoctot.hocmai.vn để tìm thêm cho mình thật nhiều bài học bổ ích nữa nhé!