Soạn bài Tổng kết phần văn (tiếp theo) – Ngữ văn 8 trang 144

0
1048
soan-bai-tong-ket-phan-van-tiep-theo

Trong bài viết này, HOCMAI muốn gửi tới các em học sinh bài Soạn bài Tổng kết phần văn (tiếp theo) nằm trong chương trình Soạn văn 8. Ở bài Tổng kết phần văn trước, các em đã được ôn tập lại những tác phẩm văn học, tới bài học hôm nay, các em sẽ được ôn lại những kiến thức bổ ích nào nhỉ? Các em hãy cùng HOCMAI tham khảo bài viết nhé!

Bài viết tham khảo thêm:

I. Trả lời câu hỏi Tổng kết phần văn (tiếp theo)

Câu 3 (trang 144 Sách giáo khoa | Ngữ văn 8 tập 2)

Qua các đoạn văn bản trong bài 22, bài 23, bài 24, bài 25 và bài 26, hãy cho biết thế nào là thể loại văn nghị luận. Em thấy thể loại văn học nghị luận trung đại (các loại văn bản trong bài 22, bài 23, bài 24, bài 25) có nét gì khác biệt nổi bật so với cái thể loại văn nghị luận hiện đại (văn bản ở trong bài 26 và các văn bản nghị luận đã được học trong chương trình văn học ở lớp 7).

Hướng dẫn giải bài:

– Văn nghị luận là thể loại văn được viết ra nhằm để xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng hay một quan điểm nào đó.

– Nét khác biệt nổi bật giữa văn nghị luận hiện đại và văn nghị luận trung đại là:

  • Từ ngữ cổ, những hình ảnh có tính ước lệ, cách diễn đạt cổ, câu văn thì được viết theo lối biền ngẫu, sóng đôi có sự nhịp nhàng, sử dụng nhiều yếu tố điển tích, điển cố. Viết bằng loại chữ Hán, thường được chia ra theo yếu tố chức năng và mục đích sử dụng, thường gắn với những sự kiện trọng đại trong lịch sử.
  • Văn nghị luận hiện đại được viết bằng chữ quốc ngữ, lời văn màu sắc giản dị, câu văn gần với lời nói thường, gần với thực tiễn đời sống hơn (trong văn bản “Thuế máu” và một số bài đã học trong chương trình văn học ở lớp 7).
  • Nghị luận trung đại thể hiện rõ được thế giới quan của con người trung đại: đạo “thần chú”, tư tưởng “mệnh trời”, lí tưởng nhân nghĩa…

Câu 4 (trang 144 Sách giáo khoa | Ngữ văn 8 tập 2)

Hãy chứng minh những văn bản nghị luận (trong bài 22, bài 23, bài 24, bài 25 và bài 26) kể trên đều được viết có tình, có lý, có chứng cứ cụ thể, nên đều có sức thuyết phục cao.

Hướng dẫn giải bài:

– Có lý: Có lập luận chặt chẽ và luận điểm xác đáng.

– Có tình: Thể hiện được cảm xúc, tâm tư của người viết.

  • Yếu tố biểu cảm đã được đưa vào văn bản nghị luận với mục đích là bộc lộ tình cảm một cách kín đáo thông qua một hệ thống lập luận.
  • Người viết phải thể hiện được yếu tố niềm tin cũng như thái độ (phê phán, lên án, khẳng định, tuyên dương) hay nêu lên được một khát vọng mạnh mẽ đối với những vấn đề đã được đề cập tới.
  • Chứng cứ đã làm sáng tỏ được những sự thật xác đáng, hiển nhiên, đầy tính thuyết phục để khẳng định luận điểm.

Câu 5 (trang 144 Sách giáo khoa | Ngữ văn 8 tập 2)

Nêu những nét khác nhau và giống nhau cơ bản về nội dung của tư tưởng và hình thức thể loại của những văn bản trong bài 22, bài 23 và bài 24.

Hướng dẫn giải bài:

– Giống nhau:

  • Yếu tố nội dung trong bài là nghiêng về phần nhận thức lý tính nhưng yếu tố hình tượng, yếu tố cảm xúc rất đậm nét trong những văn bản này.
  • Hình thức của những tác phẩm này thì rất giàu nhạc điệu. Yếu tố biền ngẫu sử dụng trong bài khiến cho những câu văn được chia thành các vế nhịp nhàng và trầm bổng rất giàu chất thơ.

– Khác nhau:

  • Chiếu: Là thể loại văn do nhà vua sử dụng để ban bố những mệnh lệnh. Chiếu có thế được làm bằng văn vần, văn xuôi hoặc biền ngẫu, được công bố cũng như đón nhận một cách trịnh trọng. Một số bài chiếu đã thể hiện được tư tưởng chính trị lớn lao, có sức ảnh hưởng tới vận mệnh của cả triều đại và đất nước.
  • Hịch: Là một thể loại văn nghị luận thời xưa, thường được những vua chúa, tướng lĩnh hoặc thủ lĩnh một phong trào dùng để kêu gọi, thuyết phục hoặc cổ động, đấu tranh chống thù trong giặc ngoài. Hịch thì có lý luận sắc bén, có dẫn chứng thuyết phục, có kết cấu chặt chẽ. Đặc điểm nổi bật của thể loại hịch là khích lệ tình cảm, tinh thần của người nghe. Hịch thì thường được viết theo thể văn biền ngẫu (từng cặp câu có sự cân xứng với nhau)
  • Cáo: Là một thể loại văn nghị luận cổ, thường được vua chúa và thủ lĩnh sử dụng để trình bày một chủ trương hay công bố một kết quả một sự nghiệp để mọi người cùng biết. Cáo phần nhiều thì được viết bằng loại văn biền ngẫu (không có vần hoặc có vần, thường đối, câu dài ngắn không quá gò bó, mỗi cặp có hai vế đối nhau). Cũng như thể loại hịch, cáo là thể văn có tính chất hùng biện. Do đó, lời lẽ phải có tính đanh thép, lý luận phải có sự sắc bén, kết cấu phải thật chặt chẽ, mạch lạc.

Câu 6 (trang 144 Sách giáo khoa | Ngữ văn 8 tập 2)

Qua văn bản “Nước Đại Việt ta” (học ở bài 24), em hãy cho biết vì sao tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” cũng được coi là một bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam thời đó. So với bài “Sông núi nước Nam” (được học ở lớp 7) thì cũng được coi là một tuyên ngôn độc lập, em thấy ý thức về nền độc lập dân tộc được thể hiện ở trong văn bản Nước Đại Việt ta có điểm gì mới?

Hướng dẫn giải bài:

– Văn bản “Bình Ngô đại cáo” thì được coi là một bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của toàn dân tộc Việt Nam: Bài cáo khẳng định được dứt khoát rằng nước Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, đây là một sự thật hiển nhiên.

– So với bài thơ “Sông núi nước Nam”:

  • Bài “Sông núi nước Nam”: ý thức được về độc lập dân tộc được xác định ở trên hai phương diện: chủ quyền và lãnh thổ (“Sông núi nước Nam vua Nam ở”)
  • Bài “Nước Đại Việt ta”, ý thức được về độc lập dân tộc còn được mở rộng và bổ sung thành những yếu tố mới: đó là nền văn hiến có từ lâu đời, đó là phong tục tập quán của riêng, có truyền thống lịch sử anh hùng.

II. Bài tập ôn luyện tổng kết phần văn (tiếp theo)

Câu 1. Phân tích tác phẩm “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn.

Hướng dẫn giải bài:

I. Mở bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả Trần Quốc Tuấn và tác phẩm “Hịch tướng sĩ” của ông.

– Khái quát lại nội dung chính của tác phẩm :Hịch tướng sĩ”.

II. Thân bài

1) Nêu gương những bậc trung thần nghĩa sĩ.

Các tấm gương trung thần nghĩa sĩ hy sinh vì chủ, vì đất nước:

  • Từ quá khứ: Dự Nhượng, Kính Đức, Kỷ Tín, Do Vu, Cao Khanh.
  • Cho đến hiện tại: Cốt Đãi Ngột Lang, Vương Công Kiên…

⇒ Làm nổi bật được tinh thần quên mình vì nước, vì chủ, vì vua.

2) Vạch trần được tội ác của giặc và lòng căm thù giặc của vị chủ tướng.

– Tội ác và thái độ sự ngang ngược của giặc như là: sỉ mắng triều đình, bắt nạt tể phụ, đi lại nghênh ngang, đòi ngọc lụa, thu bạc vàng…

⇒ Kẻ thù vô nhân tính, tàn bạo và độc ác.

– Nỗi lòng của chủ tướng: “Ta thường tới bữa mà quên ăn… ta cũng đành cam lòng”.

⇒ Bộc lộ được niềm uất hận dâng lên trong lòng của người chủ tướng. Đồng thời khơi gợi được sự đồng cảm ở người nghe, người đọc.

3) Sai trái của tướng sĩ ở dưới quyền

-Thói hưởng lạc, nhu nhược, thái độ bàng quan trước toàn vận mệnh của đất nước.

– Những thú vui rất đỗi tầm thường: săn bắn, vui thú vườn ruộng, chọi gà, cờ bạc, quyến luyến vợ con.

4) Lời kêu gọi những tướng sĩ ra sức học tập theo “Binh thư yếu lược”

– Vạch rõ được ranh giới giữa hai con đường chánh và tà.

– Kêu gọi và khích lệ được tinh thần tướng sĩ học tập theo “Binh thư yếu lược”.

III. Kết bài

– Khẳng định lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

– Cảm nhận của em sau khi đọc tác phẩm.

Các em có thể tham khảo soạn bài chi tiết tác phẩm có thể tham khảo bài viết: Soạn bài Hịch tướng sĩ

Câu 2. Cảm nhận về đoạn trích “Thuế máu” của Nguyễn Ái Quốc.

Hướng dẫn giải bài:

I. Mở bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Ái Quốc và đoạn trích “Thuế máu”.

– Cảm nhận chung về đoạn trích “Thuế máu”.

II. Thân bài

1) Chiến tranh và người bản xứ

– Xoáy sâu và sự đối lập, khác nhau giữa hai thời kỳ: lúc trước chiến tranh và lúc sau chiến tranh.

– Trước chiến tranh: dân bản địa bị chà đạp, coi khinh, đối xử giống hệt như súc vật, bẩn thỉu, ngu si,…

– Khi chiến tranh vừa mới xảy ra thì:

  • Nhà cầm quyền bắt đầu nói lời ngọt ngào, thái độ âu yếm, tâng bốc người dân thuộc địa lên tận tầng mây xanh.
  • Sự thật là: Người dân bản địa phải làm công cụ để đỡ đạn cho chúng, nộp thuế máu cho cái lũ thực dân, rời xa vợ con, từ biệt quê hương để dấn thân vào chiến trường có thể không bao giờ quay trở lại.

⇒ Bộc lộ được sự sục sôi căm thù với cái dã tâm độc ác của bè lũ đế quốc xảo trá, niềm thương cảm đầy đau đớn, khốn khổ, xót xa cho số phận của người dân các nước thuộc địa.

2) Chế độ lính tình nguyện

– Bọn đế quốc thì gọi là đi lính tình nguyện nhưng thực ra lại là tóc nã, bắt ép săn đuổi đến không còn đường mà thoát lui.

– Chúng nghĩ ra được hàng trăm cách để bắt nhân dân thuộc địa phải đi lính hoặc là xì tiền ra.

– Những người đi lính thì bị đối xử một cách thậm tệ, bị nhốt, bị tra tấn.

⇒ Vạch trần được bộ mặt giả dối, thủ đoạn và những hành động xấu xa, tố cáo được sự thảm khốc tới toàn thế giới.

3) Kết quả của sự hi sinh

Số phận bi thương của những người lính thuộc địa sau khi chiến tranh đã kết thúc:

  • Tưởng rằng khi trở về thì sẽ được thưởng xứng đáng nhưng họ lại đột ngột bị chính quyền ném đá lại và bị tiếng là những người bẩn thỉu.
  • Đối với những gia đình sĩ tử và những thương binh, chính quyền đền bù cho họ thật khéo léo và có lợi bằng cách là: cung cấp cho họ môn bài là bán lẻ thuốc phiện.

Các em có thể tham khảo soạn bài chi tiết tác phẩm có thể tham khảo bài viết: Thuế máu

III. Kết bài

– Khái quát lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của đoạn trích.

– Cảm nhận của người viết về tác phẩm.

Vậy là các em học sinh thân yêu đã cùng với HOCMAI soạn xong bài Soạn bài Tổng kết phần văn (tiếp theo). Sau bài học này, các em đã có thể hiểu hơn về những thể loại văn nghị luận, hịch và cáo. Các em hãy chăm chỉ luyện tập và học thuộc bài để tự tin tham gia kỳ thi cuối kỳ sắp tới nhé. Các em hãy truy cập vào website hoctot.hocmai.vn để tìm thêm cho mình thật nhiều bài học bổ ích nữa nhé!