Soạn bài Văn bản tường trình (Ngữ văn 8)

0
918
soan-bai-van-ban-tuong-trinh

Trong bài viết này, HOCMAI muốn gửi tới các em học sinh bài Soạn bài Văn bản tường trình nằm trong chương trình Soạn văn 8. Văn bản tường trình là dạng văn bản rất thông dụng, thường được sử dụng trong quá trình học tập và làm việc trong một vài trường hợp cụ thể riêng. Các em học sinh hãy cùng với HOCMAI ôn luyện dạng văn bản này nhé!

Bài viết tham khảo thêm:

I. Đặc điểm của văn bản tường trình

Đọc các văn bản trong sách giáo khoa và trả lời những câu hỏi sau.

1) Trong những văn bản trên, ai là người phải viết văn bản tường trình và viết cho đối tượng nào? Bản tường trình này được viết ra nhằm có mục đích gì?

2) Nội dung và thể thức của bản tường trình có gì đáng để chú ý?

3) Người viết nên bản tường trình cần phải có một thái độ như thế nào đối với sự việc tường trình?

4) Hãy nêu một số trường hợp mà cần viết bản tường trình trong học tập cũng như sinh hoạt ở nhà trường.

Hướng dẫn trả lời:

1)

Văn bản 1:

– Người viết tường trình ở đây là học sinh Phạm Việt Dũng, viết đế tường trình với cô giáo dạy môn văn.

– Mục đích: xin được lùi lại thời gian giao nộp bài tập làm văn.

– Nội dung: trình bày chi tiết về sự việc liên quan đến bản thân (cần phải chăm sóc bố bị ốm nên xin nộp bài làm văn trễ).

– Thể thức: có đầy đủ những phần của một văn bản tường trình.

Văn bản 2:

– Người viết tường trình ở đây là học sinh Vũ Ngọc Ký, viết để tường trình với thầy hiệu trưởng về sự việc bị lấy nhầm xe đạp.

– Mục đích: mong được nhà trường quan tâm tới và giải quyết vụ việc.

– Thái độ: Người viết bản tường trình có một thái độ khách quan và trung thực.

2) Về văn bản tường trình có:

  • Nội dung: có sự liên quan đến hoặc có sự tham gia của bản thân người viết.
  • Hình thức: giống với hình thức của một văn bản hành chính.

3) Người viết bản tường trình cần có một thái độ trung thực, trách nhiệm, nghiêm túc với những điều mà mình đã viết ở trong văn bản.

4) Một số trường hợp mà cần viết bản tường trình:

  • Quay cop, sử dụng tài liệu trong giờ thi, giờ kiểm tra.
  • Đánh nhau với bạn, trêu đùa bạn quá đà làm tổn hại đến danh dự và cơ thể của bạn trong trường học.
  • Ăn trộm tiền, đồ vật của bạn…

II. Cách làm văn bản tường trình

1. Tình huống cần viết văn bản tường trình

Trong các tình huống kể dưới đây, tình huống nào thì có thể và cần phải viết bản tường trình? Giải thích lý do vì sao? Ai phải viết và viết cho ai?

a) Lớp em đã tự ý tổ chức đi tham quan mà không xin phép thầy giáo, cô giáo chủ nhiệm.

b) Em và các bạn làm hỏng dụng cụ thí nghiệm trong giờ thực hành môn Hóa học.

c) Một số học sinh nói chuyện riêng nhiều lần làm mất trật tự trong giờ học.

d) Gia đình em bị kẻ gian đột nhập vào nhà lấy trộm tài sản.

Hướng dẫn trả lời:

Tình huống (b) và (d) là hai tình huống cần sử dụng văn bản tường trình.

b) Em và các bạn làm hỏng dụng cụ thí nghiệm trong giờ thực hành môn Hóa học.

– Vì việc làm hỏng dụng cụ thí nghiệm ở trong giờ thực hành môn Hóa học gây ảnh hưởng tới giờ học, tới chất lượng học tập của các bạn khác và tới chất lượng giảng dạy của sinh viên, tới cơ sở vật chất nhà trường nên cần được tường trình lại.

– Người viết: Học sinh

– Người nhận: Thầy giáo, cô giáo bộ môn thí nghiệm; Cô giáo, thầy giáo phụ trách phòng thí nghiệm.

d) Gia đình em bị kẻ gian đột nhập vào nhà lấy trộm tài sản.

– Vì việc kẻ gian đột nhập vào nhà lấy cắp mất tài sản gia đình cần phải tường trình lại để cơ quan chức năng có thể nắm rõ tình hình và tiến hành điều tra.

– Người viết: Chủ nhân của ngôi nhà.

– Người nhận: Cơ quan chức năng là công an phường, xã.

2. Cách làm văn bản tường trình

a) Thể thức mở đầu của một văn bản tường trình:

– Quốc hiệu và tiêu ngữ (được ghi ở chính giữa):

– Thời gian và địa điểm làm bản tường trình (ghi vào góc ở bên phải).

– Tên của văn bản (được ghi ở chính giữa):

– Cá nhân (hoặc cơ quan) nhận bản tường trình:

b) Nội dung tường trình: người viết trình bày đầy đủ địa điểm, thời gian, diễn biến của sự việc, nguyên nhân vì đâu, hậu quả như thế nào, ai chịu trách nhiệm cho sự việc. Thái độ tường trình nên nghiêm túc, khách quan và trung thực.

c) Thể thức kết thúc của văn bản tường trình: lời đề nghị hoặc lời cam đoan, chữ ký và họ tên của người tường trình.

3. Lưu ý

a) Tên văn bản nên dùng bằng chữ in hoa cho nổi bật.

b) Chú ý rằng chừa khoảng cách hơn một dòng giữa các phần quốc hiệu và phần tiêu ngữ, thời gian và địa điểm làm tường trình, tên của văn bản và nội dung tường trình để dễ dàng phân biệt.

c) Không viết sát lề giấy bên trái, không để phần trên trang giấy có khoảng trống quá lớn.

Tổng kết:

– Tường trình là một loại văn bản trình bày mức độ thiệt hại hay mức độ trách nhiệm của người tường trình trong những sự việc xảy ra gây hậu quả đáng phải xem xét.

– Người viết tường trình là người có sự liên quan đến sự việc, người nhận bản tường trình là một cá nhân hoặc một cơ quan có thẩm quyền để xem xét và giải quyết.

– Văn bản tường trình phải được tuân thủ theo thể thức và phải trình bày chính xác, đầy đủ địa điểm, thời gian, chi tiết sự việc, họ tên những người liên quan cùng đề nghị của người viết văn bản, có đầy đủ yếu tố người gửi, người nhận, địa điểm, thời gian thì mới có giá trị.

Vậy là các em học sinh thân yêu đã cùng với HOCMAI soạn xong bài Soạn bài Văn bản tường trình. Trong quá trình học tập và làm việc sau này, thể loại văn bản tường trình rất hay được chúng ta sử dụng để trình bày mức độ trách nhiệm hoặc thiệt hại trong những hoàn cảnh đặc biệt., các em hãy chú ý lưu tâm và ghi nhớ bài học ngày hôm nay nhé. Các em hãy truy cập vào website hoctot.hocmai.vn để tìm thêm cho mình thật nhiều bài học bổ ích nữa nhé!